Bàn luận

Các bạn có thể làm tốt hơn thế mà!

LỄ DÂNG HOA IKEBANA 9:00 sáng, ngày 12. 11. 2010 Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội Dạo này cơn sùng Nhật lên cao, nghe báo đài bảo Japan Foundation có tổ chức lễ dâng hoa Ikebana ở Văn Miếu, SOI cũng lót tót, vào một cái giờ tréo ngoeo là 9h sáng, vượt […]

Ý kiến - Thảo luận

0:59 Friday,26.11.2010

Đăng bởi:  admin

Khổ thân HN, cuộc sống của bạn có lẽ chỉ đẹp khi có một cuốn cẩm nang về ý nghĩa cái đẹp kè kè bên mình. Tưởng tượng một ngày kia bạn đến một xứ sở khác, ăn một món lạ của họ mà họ khen nức nở, bạn cũng từng đọc sách thấy nói là ngon tuyệt vời, nhưng ăn vào sao LẦN NÀY không thấy ngon, thì Soi e rằng bạn sẽ không dám nói gì, chỉ đấm ngực tự ti mình thiếu hiểu biết mà không thấy nó ngon, chứ không dám nói rằng nó không ngon VỚI MÌNH.
Nếu như đọc bài giải thích của một bạn bên JPF dễ chịu bao nhiêu thì đọc bài của bạn thấy tâm lý nô dịch đáng sợ bấy nhiêu. Đằng đằng sát khí như sắp rút kiếm mổ bụng (không phải bạn) mà là kẻ nào không thấy ikebana đẹp.
HN ạ, trên đời có khối thứ VỀ CĂN BẢN là đẹp, nhưng có những trường hợp có người thấy là không đẹp chứ. Trong trường hợp này Soi thấy không đẹp thì nói không đẹp thôi. Rồi khi được bạn JPF giải thích, Soi thấy bớt phần hoa cúc xấu, nhưng vẫn thấy bình hoa hôm ấy là không đẹp. Thế thì sao nào? Là ngu dốt à? Hay là quá mê Tây mà bài Nhật?
Đến đây, Soi thấy bạn không hiểu sao cứ vu là Soi có một hệ quy chiếu Tây trong não. Soi thuần Việt, thưa bạn. Và Soi thấy bạn cũng quá chủ quan khi nghĩ rằng người ta không biết tí ti gì về ikebana. Mà cho là biết về ikebana đi nhưng vẫn không thấy bình hoa cúc đó đẹp, thì sao? Như bạn ăn một món quốc hồn quốc tuý của một dân tộc khác mà vẫn không thấy ngon, thì sao?
Mà thôi, Soi đọc cmt của bạn thấy bạn nóng nảy quá rồi, lạc khỏi tinh thần ikebana rồi. Đừng dùng sự nóng nảy của mình để giải thích cho một môn cắm hoa tĩnh mịch.
Thân mến,

23:07 Thursday,25.11.2010

Đăng bởi:  HN

Vâng, xin phân tích dưới đây.

Trước đó xin nói rằng JPF (và vài nơi khác, ngay tại VN) thường có các lớp ikebana chứ không phải không, ai muốn viết xin đi tìm hiểu trước, nếu không xin nói rõ rằng cái này tôi không hiểu tại sao nó đẹp/ý nghĩa, xin mọi người giải thích giùm, chứ nhắm mắt mà chê bừa là... bó tay rồi đấy.

Ikebana có nhiều trường phái, với trường phái Ikenobo này, bình hoa cúc trên hình là một bình Shoka (hướng về mặt trời, xin tự suy ra ý nghĩa ở đây).

Khác với ikebana của người phương Tây, ikebana của người Nhật chú trọng "chất lượng", không phải "số lượng". Nếu có một chùm hoa lớn, người cắm hoa phương Tây sẽ giữ hầu hết các bông hoa đẹp, còn nghệ nhân Nhật Bản sẽ cắt bỏ khá nhiều, chọn ra bông hoa đẹp nhất mà thôi. Người xem hoa, theo đó, được tập trung sự chú ý vào cái đẹp nhất đã qua chọn lọc.

Các bình hoa ikebana Nhật Bản, vì vậy, thường trông có vẻ đơn sơ (về số lượng) hơn các bình hoa kiểu phương Tây.

Với cách nghĩ trên của người viết, có thể các dạng cắm tự do (free style) mới có của người Nhật sẽ là phù hợp. Vì sẽ chú trọng nhiều hơn đến sự "bắt mắt", ít quan trọng cấu trúc, quy tắc và nội dung hơn.

Tôi xin phép dừng lại ở đây để tiết kiệm thời gian viết cho việc khác. Nếu bạn nào thật sự muốn biết hơn, tôi tin rằng bạn có thể tự tìm và biết.

Tôi đọc vài bài trên SOI, thấy phê bình các nhà báo không chịu hỏi và hiểu trong khi người phê bình gần như không hiểu công việc viết báo (xin nhấn mạnh là viết báo chứ không phải viết blog hay trang điện tử nhé), đã thấy ngộ rồi, nay đọc bài chê bai dạng này, càng thấy ngộ quá đi thôi.

21:20 Wednesday,24.11.2010

Đăng bởi:  admin

HN thân mến, bạn thấy đẹp như thế nào thì phân tích ra luôn cho mọi người cùng thấy đẹp nhé. Chẳng lẽ người bình thường Việt Nam phải đọc sách về Ikebana rồi mới được quyền buông một lời khen hay chê sao bạn? Tưởng việc chuẩn bị kiến thức đó là trọng trách của những cầu nối văn hóa (thí dụ JF chứ?). Các bạn ấy không làm thì chịu thôi. Thí dụ mình mở một lễ hội cái áo dài bên Tây. Một bà đầm đi xem chê trang phục gì mà xấu. Thế là chúng ta mắng bà ấy không hiểu gì sao? Hay chúng ta trách các tùy viên văn hóa đã không chuẩn bị thông tin cho người đến xem được hiểu hơn về áo dài?
Nhiều khi cái xấu đẹp tách rời trang sách HN à. Nhưng cuối cùng, vẫn mong bạn phân tích giúp đẹp ở đâu, theo cách nhìn Ikebana, thuần kỹ thuật vào nhé. Cảm ơn bạn.

21:11 Wednesday,24.11.2010

Đăng bởi:  HN

Soi ơi là Soi,
Rất không đồng ý với Soi về việc chê mấy cái bình hoa Bát Tràng với lối cắm ở đây nhé. Chê như vậy, theo tôi, là Soi không hiểu gì về Ikebana Nhật Bản (mà đang đứng trên góc nhìn của người quen thưởng thức cách cắm hoa phương Tây nhan nhản ở các cửa hàng hoa để nhận xét).
Trân trọng đề nghị các tác giả viết bài phê bình nghiên cứu/tìm hiểu cẩn thận về đối tượng phê bình trước khi viết bài!

18:35 Monday,22.11.2010

Đăng bởi:  Huyen Trang

Xin chào,

Cảm ơn anh Soi về bài bình luận cùng những chia sẻ rất chân tình đối với Japan Foundation.

Chương trình Cắm hoa nghệ thuật Ikebana là một chuỗi sự kiện được tổ chức từ tháng 9 - 11/2010 tại các thành phố lớn như Tp.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Bao gồm:
1.Biểu diễn và Hướng dẫn thực hành cắm hoa Ikebana của Giáo sư SASAKI Yasuhito tại Hà Nội và Tp.HCM
2.Triển lãm trưng bày Ikebana của Giáo sư SASAKI Yasuhito và các em sinh viên đến từ CLB Ikebana của Trường ĐH Hà Nội tại Trung tâm chiếu phim quốc gia Việt Nam.
3. Thuyết trình và Biểu diễn Ikebana tại TP. Đà Nẵng.

Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, tại Hà Nội, Giáo sư đã có dịp được ghé thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám và tìm hiểu về lịch sử hình thành và ý nghĩa của khu di tích này. Từ sự ngưỡng mộ đối với các bậc thánh nhân, hiền triết được lưu danh nơi đây, giáo sư đã quyết định tổ chức một buổi lễ dâng hoa nho nhỏ để tỏ lòng tôn kính của mình.
Cũng vì đây chỉ là một buổi lễ dâng hoa nhỏ, nên thông tin không được phổ biến rộng rãi và chỉ được gửi đi trước khi buổi lễ diễn ra có 1 ngày. Khâu chuẩn bị cũng khá đơn giản, nhưng về cơ bản là giống với các nghi thức của lễ dâng hoa ở Nhật Bản.

Trước ngày diễn ra lễ dâng hoa, giáo sư cũng rất bận rộn với các sự kiện nêu trên và chỉ có duy nhất một ngày để chuẩn bị cho buổi lễ. Có lẽ anh Soi chưa biết, để chuẩn bị cho một tác phẩm Ikebana, một người nghệ sĩ phải mất một thời gian khá lâu để có được ý tưởng, và để hoàn thành một tác phẩm công phu cũng phải mất đến hàng giờ đồng hồ. Chưa kể đến công đoạn đi mua hoa cũng mất khá nhiều thời gian anh Soi ạ.

Như đã nói ở trên, đây chỉ là một buổi lễ dâng hoa nhỏ, nên mọi khâu chuẩn bị đã được đơn giản hóa và với mục đích duy nhất là để tỏ lòng tôn kính đối với các bậc hiền triết.

Về việc chọn hoa Cúc cho lễ dâng hoa, có lẽ đối với anh Soi, hoa Cúc không được đẹp cho lắm, nhưng đối với người Nhật, đó là biểu trưng cho linh hồn, sự sống và sức mạnh của Nhật Bản. Bông hoa 16 cánh giống như mặt trời đang tỏa chiếu là biểu tượng của hoàng gia và là quốc huy Nhật Bản.

Anh cũng có nhận xét rằng "Trời ơi, ba cái bình hoa thật là nghèo nàn, nghệ thuật cắm cũng không có gì đặc sắc, trông có khi còn thua các cô mẫu giáo thi cắm hoa ở trường nhân 20-11, lại đựng trong ba cái bình phải nói là xấu, hai trong số đó là bình Bát Tràng thuộc loại rẻ tiền nhất, hàng rong bán đầy"...Mỗi người một ý kiến, mỗi người một cách nhìn,. Tuy nhiên, ngày hôm đó giáo sư chỉ cắm duy nhất 1 bình hoa (ở giữa), 2 bình còn lại để dành cho thành viên đoàn và các quan khách, những người cũng mong muốn được tỏ lỏng tôn kính đối các bậc danh nhân văn hóa. Anh Soi thấy đó, các bạn sinh viên mặc áo dài có nhiệm vụ phát hoa cho các vị khách, chứ không phải như anh nghĩ đâu ạ.

Mặc dù là chương trình nhỏ, nhưng người Nhật Bản, cũng như các nhân viên của Japan Foundation cũng luôn mong muốn làm được tốt nhất. Chính vì thế "căng thẳng" cũng là điều dễ hiểu anh nhỉ! Căng thẳng vì phải làm việc, chứ không phải tỏ vẻ căng thẳng để thêm phần trang trọng đâu ạ.

Cuối cùng, nếu chương trình có sai sót gì, hoặc không được như mong đợi của anh Soi và người Việt Nam, mong mọi người thông cảm, và vẫn tiếp tục ủng hộ cho các hoạt động của Japan Foundation.

Xin chân thành cảm ơn sự góp ý của anh Soi!




Nếu có gì sai sót, mong mọi người thông cảm.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả