Bàn luận

Liệu anh Giang có đẩy người ta vào vòng xoáy tù ngục lương tâm lần nữa?

Đây là cmt cho bài “Tôi đi gặp ‘bảo mẫu ác thú’“. Soi tổng hợp và đặt tên, đưa lên thành bài để các bạn dễ thảo luận.  * Siêunoob Một người có thể không tha thứ, nhiều người có thế không tha thứ được cho cái cô kia, nhưng ở mức cả xã hội, […]

Ý kiến - Thảo luận

18:50 Wednesday,15.3.2017

Đăng bởi:  Ai đó trong đám đông

Đọc mấy ý trong bài lại nhớ ra câu chuyện này. Thôi thì kể ra coi như tự rửa mũi vậy.

Tôi biết một bà mẹ có cậu con trai đi tù. Tội trộm cắp. Bà sống một mình trong căn nhà nhỏ dưới bãi sông hồng. Bà có một quán nước chè trên vỉa hè phố X, Hà Nội. Cuối mỗi tháng, bà gom chút tiên lên trại thăm con.
Một hôm, có một nhóm thanh niên đến quán bà. Họ hỏi thăm bà về cậu con trai, về sức khoẻ và cuộc sống của bà. Tối hôm ấy, một người được cử ở lại về cùng bà cho biết nhà.
Sáng hôm sau, hai nam thanh niên đến nhà bà. Họ mang theo một số dụng cụ và giúp bà sửa lại cái cửa sổ hỏng bản lề và đặt lại vài viên ngói bị kênh trên mái.
Từ đấy cứ mỗi tuần, trong một ngày nhất định lại có một hay vài thành viên đến thăm hỏi sức khoẻ bà, giúp đỡ bà mấy việc lặt vặt; khi thì đun hộ bà ấm nước, lúc lại bưng chén trà cho khách hay đến nhà bà sửa sang lau chùi lại một thứ gì đó.
Cuối tháng, khi đến kỳ bà vào trại thăm con, nhóm lại cử một, hai thành viên cùng với bà lên trại với một chút quà, một chút thôi, khi thì gói bánh, khi vài bao thuốc.
Bà bảo với tôi rằng đó là nhóm thiện nguyện thuộc một giáo xứ Tin lành ở Hà Nội. Giáo xứ có nhiều nhóm khác nhau với những thiện vụ khác nhau. Công việc của nhóm này là thăm hỏi chăm sóc những gia đình có con em tù tội.
Tôi hỏi bà họ có thuyết giảng giáo lý cho bà không (tôi biết bà là người công giáo, nhưng đã mất niềm tin và hàng chục năm không đi nhà thờ). Bà cười bảo không. Họ không nói chuyện gì về tôn giáo, cũng không hỏi bà có thuộc tôn giáo nào không. Câu chuyện của họ với bà chủ yếu xoay quanh cuộc sống, tinh thần và sức khoẻ của bà cũng như tình hình cậu con trai trong trại. Họ tự nghĩ ra việc và vui vẻ bắt tay vào làm; khi thì đóng thêm cái ghế cho bà bán hàng, lúc lại lôi cái tivi cũ đã chập cheng ra sửa. Họ không đòi hỏi gì ở bà cũng như không nói gì nhiều về công việc thiện nguyện của họ. Bà không biết tại sao họ lại biết hoàn cảnh hai mẹ con bà, và cũng không biết ngoài bà ra họ còn giúp đỡ những ai. (Sau này tôi cũng hỏi một thành viên trong nhóm một số câu hỏi nhưng cô chỉ cười trừ. Tôi cũng không gạn).
Có lần họ đến và phát hiện ra bà có bệnh. Họ đưa bà đi viện khám. Bà phải nằm viện. Họ phân công thay nhau trông nom bà cho đến khi bà ra viện.
Vài tháng sau khi gặp nhóm thiện nguyện, nom bà tươi tỉnh hẳn lên. Giọng nói của bà nhẹ nhàng hơn, cử chỉ của bà mềm mại, thân thiện hơn. Bà không còn dễ nổi cáu như trước đây nữa. Tôi mừng cho bà, đồ rằng có lẽ bà, một lần nữa, lại cảm thấy mình có một gia đình.
Ngày cậu con trai ra tù, cả nhóm cùng bà mẹ lên đón cậu về nhà. Họ tổ chức cho cậu một bữa tiệc nhỏ, có hoa, có bánh ngọt, coca và tiếng đàn ghi ta của một thành viên trong nhóm. Tôi không được tham dự, chỉ được nghe bà mẹ kể lại rằng họ có đề nghị với cậu một số công việc và lớp học nghề để cậu chọn. Nhưng bà mẹ đã xin cho cậu vào làm trong một xưởng sản xuất nhỏ của một người họ hàng.
Tiếc rằng đây không phải là câu chuyện có hậu. Câu con trai sau nửa năm lại vào tù một lần nữa. Ở trong tù gần một năm, cậu chết. Người ta kể rằng câu tham gia vào một vụ đánh nhau và bị đối phương đánh chết. Tôi ngờ rằng đó là do cậu cố tình (vì tôi phần nào biết câu chuyện đời cậu).
Trong quá trình cậu ở ngoài rồi đi tù lần nữa, cũng như sau khi cậu chết, thành viên của nhóm đều đặn một tuần một lần đến thăm hỏi. Lúc này thì họ đã thân nhau lắm rồi.
Ngày đưa tro cậu từ trại về nghĩa trang, cả nhóm cùng đến, xắn tay tham gia mọi việc như những thành viên trong gia đình.
Tôi không thấy ở họ có gì đặc biệt so với những nhóm từ thiện khác. Có chăng là ở thái độ của họ đối với công việc: Tận tuỵ, chu đáo, nhẹ nhàng và...lặng lẽ. Vâng, đúng rồi! Tôi không thấy họ ồn ào bao giờ. Họ đến, sau vài lời thăm hỏi, họ nhìn quanh, nếu thấy rác họ cầm chổi lên quét, thấy chén chưa rửa thì đi rửa... cứ thế thôi, mọi việc cứ diễn ra nhẹ nhàng như thể họ đang làm việc nhà của họ vậy.
Tôi không biết tên nhóm và chỉ nhớ mang máng tên một hai thành viên và có lẽ, sau khoảng bảy năm, bây giờ gặp lại tôi cũng chẳng còn nhận ra họ nữa.
Sau cái chết của con trai, bà mẹ đã đi nhà thờ trở lại (tất nhiên nhà thờ công giáo). Bà cũng tham gia một nhóm thiện nguyện, không phải nhóm kia, mà là một nhóm thiện nguyện chuyên giúp đỡ trẻ vị thành niên lầm lỡ.
Trước khi rời khỏi khu phố, tôi vẫn thấy họ thường xuyên gặp gỡ nhau. Có lẽ họ đã thực sự trở thành một gia đình.

13:44 Monday,13.3.2017

Đăng bởi:  Phú Quý Sinh

Quần chúng chú ý Fb của Giang Đặng xem anh ta có phát biểu gì về những vụ ấu dâm gần đây không nhe, hay anh ta im miệng và ngồi lưu tài liệu về phản ứng của người dân, một năm sau sẽ tố về những phiên tòa trên mạng, và lần mò đến nhà những tên phạm tội ấu dâm đó ban phép lễ, và sách ra, chị em nội trợ ta lại ào ào đi mua :-))

11:20 Monday,13.3.2017

Đăng bởi:  Nghiêm Toàn

Cái ác, cái xấu luôn hiện hữu, đám đông cũng thế, muôn đời vẫn thế. Phẫn nộ, chia sẻ, phân tích nó thì chỉ là vòng lặp luẩn quẩn theo cấp số nhân, làm hương vị nồng nàn của cái xấu lan tỏa theo tốc độ gigabite/ giây mà thôi. Mọi thứ chỉ có thể giải quyết bằng tinh thần bao dung của tôn giáo hoặc luật pháp -thứ vốn sinh ra như một nguyên tắc đồng thuận để điều chỉnh tất cả các hành vi ấy.

Chả mấy ai có thể bao dung được như ông Phật, ông Jesu, hay thậm chí cũng chả còn tin vào sự công bằng của pháp luật, nhưng ai cũng có thể tự mình cắt đi một mắt xích lan truyền cái xấu, không cho ai thì cũng để cho chính mình, dẫu không thơm tho thì cũng không ám mình trong toàn cứt đái.

Chúa có thể không có thật, Phật có thể cũng không có thật, nhưng sống một đời tránh xa thị phi và tận hưởng những điều đẹp đẽ bình dị, như cuộc sống vẫn thế, thì cũng đáng sống lắm.

22:26 Sunday,12.3.2017

Đăng bởi: 

@ Cụ già khó tính
Những người giọng chua, đặc biệt nếu hát sẽ hay lên những nốt nhạc cao chói lói, thì thường lúc nào đỡ bốc giọng lại xuống tông khào khào. Bác cứ yên tâm là anh Tùng sẽ giữ vững phong độ để bảo toàn chất "cương dương", đặng sáng tạo thêm nhiều góc nhìn mới lạ và hấp dẫn trong diễn đờn thân yêu này...
Xin cho một tràng pháo tay ạ!!!

20:04 Sunday,12.3.2017

Đăng bởi:  Candid

Em nhắc đúng tên tác giả cuốn sách mà Tiến sĩ Giang. Bác Tùng mà còm là TS. Tùng thì em cũng gọi thế.

19:21 Sunday,12.3.2017

Đăng bởi:  Cụ già khó tính

Nếu anh Tùng dịu giọng xuống như bình luận vừa rồi thì còn phần nào nghe được và nhiều điều hợp lý, giống với giọng văn anh thường ngày, chứ như bình luận đăng trong bài thì chưa xuôi.

Cái tôi muốn nói nữa là nhiều người bình luận ở đây nóng quá mất hay, đang nhằm vào việc anh Giang viết sách, cố tình nhấn mạnh chữ "tiến sĩ" trước chữ "Đặng Hoàng Giang", tấn công nhân cách anh ta... cái văn hóa phản biện như vậy không những không giải quyết được vấn đề mà lại có những biểu hiện của cái "cơn bão căm ghét" anh này đang nhắc đến.

17:17 Sunday,12.3.2017

Đăng bởi:  Candid

Cùng ý như bác Tùng, xưa nay em rất thích theo dõi tác giả Đàm Hà Phú và có mua sách của tác giả này. Như tác giả có nói, giữa cái xấu đầy rẫy tác giả chọn kể lại nhưngx mẩu chuyện nho nhỏ về những hành động đẹp của những người rất bình dị mà tác giả gặp trên đường. Đọc những mẩu truyện ấy không hề sến, giả tạo đơn giản bởi vì hoàn toàn có thực.

15:51 Sunday,12.3.2017

Đăng bởi:  Minh Tinh

Mình chỉ đọc bài về vụ đi gặp cô Thiên Lý của anh Giang, và chỉ xin bình luận thêm về việc làm của anh tác giả này.
Rõ ràng việc hai con quỷ cái kia đánh trẻ con vào lúc nó đánh là không thể tha thứ. Cư dân mạng có chửi cũng là đúng. "Cụ già khó tính" hay tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã có con chưa, con đã bị đánh chưa mà nói những phản ứng tức giận của người dân khi đọc tin ấy là "bị cuốn theo", "bị điều khiển", rồi là "cơn bão căm ghét", và đặc biệt là vị tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, đã viết một cách mỉa mai: "Hình dạng của cái mà người ta cho là hiện thân của ma quỷ luôn có một sự hấp dẫn đặc biệt, kích thích tò mò pha lẫn ghê sợ cùng kinh tởm."
Thế xong vị ấy lại còn có thể đi gặp cái cô bảo mẫu ác thú kia và thương khóc, thậm chí có mùi "thông cảm".
Trong bài này, Cụ già khó tính đã lầm lẫn: anh Giang không gợi lại cái ác đích thực là cái ác của bảo mẫu Thiên Lý để mà chúng ta rút kinh nghiệm trong xử lý với những kẻ này, mà lại đi nói bóng bảy về cái mà anh ấy cho là ác, tức là phản ứng giận dữ chính đáng của người ta khi đọc tin cái con ôn này nó đánh trẻ con.
Ai thì cũng có sai lầm, bảo mẫu Thiên Lý sau này "hoàn lương" thành người tốt hay người bình thường thì cũng tốt thôi, những không phải vì thế mà những người đã lên án hành vi ác độc của cô ta bị gọi là những người độc ác. Thế thì bất công quá.
Xét cho cùng, những người như Đặng Hoàng Giang là ích kỷ, thờ ơ với đứa bé bị đánh (có ai nghe thấy anh ta thương đứa bé bị đánh câu nào không? Có ai thấy anh ta hỏi thăm cháu nó bây giờ thế nào không?) Anh ta lặn lội đi gặp cô bảo mẫu để mà viết sách thôi. Đạo cụ cả.

15:18 Sunday,12.3.2017

Đăng bởi:  phó đức tùng

cụ già khó tính
từ xưa có câu "bad news is good news", cho thấy xu hướng các kênh truyền thông thích khai thác vấn đề xấu, vì cộng đồng dễ hưởng ứng với những thứ đó. Hai cơ chế tâm lý cơ bản: tại sao mỗi con người muốn tìm thấy kẻ ác, cái ác và lên án nó? và tại sao tập thể thì sẽ có thể bị kích động ném đá chết người, dù lỗi ban đầu không là gì cả thì đều đã được ngành tâm lý học và tâm lý học đám đông giải thích rất cặn kẽ. Hai điều đó không liên quan gì đến văn hoá VN, mà là toàn cầu, chỉ ở mức độ khác nhau, độ tinh vi khác nhau. Nước càng văn minh, người ta càng biết kiềm chế cái nhỏ, nhưng để rồi dồn vào những tội ác lớn ngoài tầm tưởng tượng của cá nhân. Một nước lạc hậu như VN, có thể cộng đồng xúm vào chửi bới cô Lý. Còn nước văn minh như Mỹ, cộng đồng sẽ đồng ý ném bom nguyên tử vào Nhật, dùng bom napal huỷ diệt Việt nam hay tiêu diệt I rắc, cấm vận Miến điện v.v.

Nay trong hiện tượng "bão ác trên mạng" ta không có một hiện tượng mới, vẫn là những hiện tượng đó, nhưng nhân hậu quả lên nhiều lần, do diện phủ sóng của media mới lớn hơn nhiều. Mỗi một việc tiêu cực, một cái ác sẽ bị nhân lên nhiều lần và bị ném đá túi bụi từ nhiều phía. Đó là cơ chế không thể dùng bài học đạo đức để thay đổi. Nó khiến cho cả cuộc đời nhuốm màu xám xịt, bi đát. Chẳng hạn nếu ta quan tâm, ta có thể được thông báo về hàng triệu vụ cướp giết hiếp toàn cầu hàng ngày, và sẽ có cảm giác loài người không bằng cầm thú. Vì thế, việc phân tích của anh Giang mặc dù không sai, và xuất phát từ mục tiêu tốt, nhưng không thể thay đổi vấn đề, ngược lại, nó còn có thể khiến chính anh trở thành nạn nhân của bão, nếu phân tích còn chỗ sơ hở, như chúng ta đã thấy trong ví dụ cô Lý.

Vì thế theo tôi cách hiệu quả hơn, đặc biệt trong thời đại này, là nên tìm ra ví dụ tốt. Mặc dù các ví dụ đó không làm mất đi cái xấu vốn có ở đời, không giải quyết được gì, nhưng với năng lực nhân rộng của mạng, nó cũng khiến cuộc đời vui tươi hơn.

10:04 Sunday,12.3.2017

Đăng bởi:  Cụ già khó tính

Đành rằng trong bài "Tôi đi gặp “bảo mẫu ác thú” (http://soi.today/?p=232566) anh Giang nêu vấn đề chưa thực sự thuyết phục nhưng dù sao anh Giang vẫn là người tiên phong trong việc đưa ra vấn đề "cái ác tập thể và cơn bão căm ghét trên mạng" ở Việt Nam.

Hằng ngày, dù trí thức giáo sư tiến sĩ hay anh công nhân chân lấm tay bùn đều dễ dàng bị cuốn theo, bị điểu khiển bởi các công cụ tinh vi của facebook, báo mạng và diễn đàn online.

Mấy hôm nay đang có vụ việc sai câu hỏi cuộc thi Tuần của chương trình Đường lên đỉnh Olympia là ví dụ điển hình. Ngắn gọn là: một em trả lời chưa chính xác hai câu hỏi nhưng MC không nhận ra nên cho điểm, em này được giải nhất, hơn em giải nhì 5 điểm. Vậy là có 3 nhân vật: Ban tổ chức, em giải nhất, em giải nhì (giải nhất hụt). Và cách hành xử của cộng đồng mạng như sau:

*Chửi rủa và hả hê vì Ban tổ chức (VTV3) sai. (Tương tự như cái vui mừng khi thấy ông Hải Quận 1 kéo xe biển xanh, phá cơ quan Nhà nước lấn vỉa hè, nhiều khi bất chấp pháp luật). Nhưng sự việc không dừng ở đó mà các nhà điều tra (bằng bàn phím) đã đi đến kết luận: Ban tổ chức ăn hối lộ, dàn xếp kết quả. Chương trình "luôn luôn" thiên vị cho người miền Bắc (vì em giải nhất ở Hà Nội).

*Với em giải nhất: đòi em này trả lại giải nhất (thực tế: lỗi do BTC, em này không có tội), suy luận gia đình em này (+ nhà trường) chạy tiền và gian lận để giành giải. Chụp mũ rằng em này không tài cán gì, thắng nhờ thủ đoạn.

*Với em giải nhì: đòi công bằng hộ (trong khi em trả lời phỏng vấn rằng em không cần và chỉ sợ bạn giải nhất buồn. Em cũng tiếc nhưng lúc thi thì ko ai biết câu trả lời chưa chính xác để khiếu nại.)

Theo quy định của chương trình mà tất cả nhà trường, phụ huynh, thí sinh đều hiểu và cam kết là kết quả chỉ có thể thay đổi trước khi cuộc thi kết thúc. Chỉ có các nhà đạo đức học trên mạng là không biết (và các báo mạng biết nhưng lờ đi).

Cái đáng sợ nhất là các báo (mạng) lại là những công cụ đắc lực nhất cổ vũ cho cái ác và cái sai trong những lời vu khống này: đưa các bình luận facebook vào bài viết (chụp ảnh màn hình!?) và thể hiện sự ủng hộ tinh vi hơn trong bài viết qua câu chữ, cách đặt các dấu ngoặc kép và thả lỏng bình luận.

Nếu như Giang không đưa ra những vấn đề này thì hệ thống cung cấp thông tin trên mạng kết hợp với văn hóa của người Việt sẽ còn nuôi dưỡng cái ác ảo (tác động thật) mà không một ai đề cập đến. Nếu như ai hay lang thang trên mạng sẽ thấy Webtretho là một trong những nơi nuôi dưỡng những cái ác kiểu này (hầu như ai cũng biết mà không nói): vùi dập tất cả những ai có tội (bằng những ngôn ngữ rất tàn nhẫn) hoặc vô tội thì suy luận ra có tội và xét xử "lưu động" tại chỗ. Đặc biệt là những người hay dùng chữ "quả báo", có thể họ theo Phật nhưng lại rất thích/mong người khác bị quả báo.

Trong link Youtube mà Sieunoob đăng (https://www.youtube.com/watch?v=OsFEV35tWsg), Nhà tâm lý học Philip Zimbardo có nói đến thí nghiệm Stanford Prison Experiment (1971) nổi tiếng của ông. Khi mà cái ác lây lan và biến những người không ác thành ác hoàn toàn phụ thuộc vào môi trường và hoàn cảnh.

Tôi không đồng ý với anh Giang về nhiều chỗ nhưng tôi cũng không đồng ý với việc nhiều người định kiến , ghét cách anh này kiếm sự nổi tiếng v..v.. để làm chệch vấn đề. Cái ác mà anh ấy nêu lên rất đáng để phân tích chứ không thể bỏ qua cho nó hoành hành trên mạng như bây giờ, ảnh hưởng nhiều lắm, trực tiếp đến con cháu mình hằng ngày xem internet đấy!

12:50 Friday,10.3.2017

Đăng bởi:  Siêunoob

Em vừa tình cờ xem cái TED talk này, giải thích tại sao người ta thành ác thú, bác nào chưa xem thì xem thử:

https://www.youtube.com/watch?v=OsFEV35tWsg

Túm lại là khi trao cho một người quyền lực mà không có giám sát thì khả năng thiên thần biến thành ác thú là không nhỏ :). Có dẫn câu này của Dostoevsky: "Không gì dễ hơn là lên án một người độc ác; không gì khó hơn là hiểu được anh ta".

22:07 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  LC

Pập pập mấy từ của bác Dương Trần nhé. Ai lại " kính hoa" với " mang lễ sang ban...". Hết khôn thì dồn đến dại thôi !

19:34 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  phó đức tùng

candid
buồn cười quá, đúng là tự dưng đi đọc stt của SOI về việc này mà lại thành ôm rơm rặm bụng. nhưng vớ được câu của Candid là một kết có hậu cho vụ này, ném xong đá rồi thì thôi.

18:43 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  candid

Em đồng ý với bác Chữ khắc dấu là không mua sách, vì em vẫn nghĩ độc giả vô đạo đức như em không phù hợp với sách dạy đạo đức như của TS. Giang. Tuy nhiên ắt hẳn sách của TS vẫn có độc giả riêng của mình và đó là quyền tự do.

Khổ cái Soi lại đăng bài, em cũng như bác trót đọc mà thành bức xúc, mà TS. Giang lại bảo là "bức xúc không làm ta vô can", đã không vô can thì lại phải vào ném đá. Thật là oan trái.

17:28 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  CHỮ KHẮC DẤU

Nếu chỉ để tạo danh và bán sách thì có lẽ chỉ riêng ồn ào quanh bài về cô Lý của ah Giang là đủ rồi.
Nhưng tiền thì chắc không phải là đích của tác giả. Còn đóng vai tuẫn tiết, thuyết giảng đạo đức để ghi danh thì thế này là kiểu giống ông Ê RỐT XÌ TÁT bên la mã đốt đền cho lưu xú hậu thế.
Nhiều khi chữ nghĩa hay không bằng một cử chỉ chân thành kiểu bát cơm Siếu Mẫu trong sử Tàu...
Nhưng thế là cuộc sống, TS Giang vẫn có quyền viết sách bán chạy và rao giảng. Còn những người như tôi dù trân trọng ý kiến riêng của tác giả nhưng sẽ không mua sách. Vì mua về mang thêm sự bức xúc về .

14:16 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  Dương Trần

Tiện đường kính hoa lên bác candid, tôi cũng xin mang lễ sang ban bác Tùng. Mấy lời phê bình của bác làm tôi liên tưởng đến ông "ngự sử" văn đàn Pháp thế kỉ XIX Sainte-Beuve. Đoạn sau tôi mạn phép trích ở cuốn "Màn" của Milan Kundera: ...“Điều tôi trách cứ cuốn sách của ông, là cái thiện quá thiếu vắng”, Sainte-Beuve nói trong bài phê bình Bà Bovary. Tại sao, ông tự hỏi, trong cuốn tiểu thuyết này không có “dù chỉ một nhân vật có bản tính ngõ hầu an ủi, làm người đọc ngơi nghỉ nhờ một cảnh tượng tốt đẹp?”. Rồi, ông chỉ ra cho tác giả trẻ tuổi con đường cần theo: “Tôi biết ở hẻo lánh một tỉnh miền Trung nước Pháp, có một người phụ nữ còn trẻ, thông minh vượt bậc, trái tim nồng nhiệt, đang buồn chán; lấy chồng mà không được làm mẹ, không có đứa con nào để nuôi nấng, để yêu, cô ấy làm gì để nguôi bớt trí tuệ và tâm hồn quá đầy tràn của mình? […] Cô ấy trở thành một người làm ơn tích cực […]. Cô ấy dạy đọc và dạy luân thường đạo lý cho lũ con nhà dân làng, thường là sống rải rác cách xa nhau. […] Có những tâm hồn như thế trong cuộc sống tỉnh lẻ và nông thôn: tại sao không cho người ta thấy cả họ nữa? Cái đó đỡ đần, cái đó an ủi, và cái nhìn của nhân loại chỉ có thể là hoàn chỉnh thêm mà thôi”...

14:06 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  Phan An

Tôi cho rằng các bác tranh luận ở đây, ngoài việc đi sâu vào phân tích một hiện tượng xã hội, còn giúp cho cuốn sách này bán chạy, vậy là Nhã Nam mừng rồi!
Còn khi đọc bài viết trong cuốn sách được Soi đăng, không khó để nhận ra mục đích cơ bản của tác giả là nói ngược lại đám đông, đóng vai người tuẫn tiết để phục vụ cho một chủ đề đã được tác giả hoạch định từ trước cho cả cuốn sách. Nó giống như vạch ra một tiên đề (không quan trọng là đúng hay sai,thiện hay ác) rồi sau đó vận dung trí thông minh, những tư liệu từ nước ngoài (mà bạn Anh Nguyễn đã chỉ ra một số) và cách dùng ngôn từ khéo léo để minh họa cho tiền đề đã được vạch sẵn.
Dù là để bán sách (có tiền và cả danh) hay vì mục đích giải độc cho đám đông thì cuốn sách cũng là mặt bên kia của tấm huân chương "tiến bộ công nghệ", khi mà mạng xã hội làm cho đời sống con người trở nên phí phạm và rã rời...

14:04 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  Dương Trần

Xin lỗi các bác nhưng tôi đầu óc chậm chạp, đọc mãi mà không nhận ra cái ý phân biệt thiện-ác ở chỗ nào trong bài viết. Bác Candid tự nhận mình là Chí Phèo theo tôi là chưa trúng, tôi xin mượn hoa kính Phật, tặng bác một đoạn khác của Nam Cao: "...Tôi lẳng lặng về nhà, lấy giấy bút viết truyện một thằng say. Thằng say này say lắm. Nó uống rượu vào rồi nó chửi. Chửi lung tung cả. Thằng say nào chẳng vậy? Ấy thế mà có một bọn người rất tỉnh kêu bù lu bù loa lên rằng: tôi mượn rượu để chửi cả làng nhà họ..."
Tôi nghĩ chắc là bác Giang cũng chỉ muốn nói tới những thành phần chửi hùa chửi góp, chứ không dám đụng tới những người bức xúc một cách chân chính như chúng ta đâu ạ!

13:16 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  candid

@bác Phan Minh: Thì người ta cứ nói đám đông mà không rõ đám đông là ai, em thì không nhân danh đám đông được nên cứ Chí Phèo mà nhận bừa chắc là nói mình đấy mà nhận phe Ác. TS. Giang thì rõ ràng không phải là Chúa Trời hay là Tòa Án rồi nên chắc chắn là phe Thiện. Phân chia phe rõ ràng thế cũng tiện cho vật nhau uỳnh uỵch trên Soi cho bà con xem. Đã trót tạo nghiệp thì cũng tạo nghiệp cho trót. Các bác cũng phân chia nhau tham gia hai phe cho vui. Giang hồ lại dậy gió tanh mưa máu một phen.

12:18 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  Mã Lương

Tớ đoán đó chính lã mãnh lực của đồng tiền (bán sách) Sieunoob ạ :-).
Nói thế thôi chứ tớ thấy vụ này nhảm nặng. Quan chức mà được tha tội thì các bác nhảy dựng lên phải đên 9 tầng mây, nhưng một kẻ thủ ác không phải quan chức thì các bác suýt xoa thực hành nghi lễ tẩy trần, lại còn chửi ngược người đã phê phán là bọn ác. Tớ cũng sợ cái đám đông kiểu cải lương ấy, chính kiến chao đảo bố ai biết mà lần, thảo nào nhà nước mình cứ lặng lẽ mà làm khối việc, ai mà tin được lương tâm và chính kiến của cái đám gọi là có tí não này chứ.

11:52 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  Anh Nguyễn

Tôi không biết tác giả viết bài này khi nào, nhưng có thể (có thể thôi nhé) tác giả đã lấy cảm hứng từ những vụ "online witch hunt" nổi tiếng như là vụ này:

https://www.nytimes.com/2015/02/15/magazine/how-one-stupid-tweet-ruined-justine-saccos-life.html?_r=0

Nạn nhân là bà Justine Sacco, trước khi lên máy bay gõ twitter "Sắp đến châu Phi, hy vọng không dính AIDS" và bị cộng đồng mạng rủa xả tơi tả đến mức bị đuổi việc.

Hay một vụ online shaming (làm nhục trên mạng) nữa là vụ này:

https://www.theguardian.com/technology/2015/feb/21/internet-shaming-lindsey-stone-jon-ronson

Tác giả lấy ví dụ cô Lý để minh hoạ cho vấn đề sỉ nhục trên mạng là một ví dụ tồi. Không phải cứ na ná giống nhau thì bản chất cũng là một. Mấy trường hợp kia xứng đáng thành bài học cảnh tỉnh vì thực sự là chuyện bé xé ra to. Cộng đồng mạng như muốn tiêu diệt tất cả những thứ Thoughtcrime dù là lời nói đùa hay phản ứng nhất thời, mặc dù lúc riêng tư thì chẳng ai cao thượng 100%.

Còn trường hợp cô Lý có nạn nhân cụ thể, lại còn là một đứa trẻ, mà lại vơ vào như mấy vụ kia thì là đánh tráo khái niệm.

11:42 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  Siêunoob

Với pháp luật thì cô ấy đã bị trừng phạt bằng cách ngồi tù rồi. Và với xã hội thì cô ấy cũng đã bị trừng phạt qua những gì phải nghe, phải thấy (ở đây em không dám nói đám đông có ác hay không).

Vậy khi nào sự trừng phạt chấm dứt? Với pháp luật thì chỉ mở khóa tù cho người ta là xong. Còn với xã hội, cộng đồng thì khi nào cô này có thể thấy hết bị trừng phạt?

Tất nhiên mỗi người một ý, có người bảo thôi im lặng cho qua, có người bảo không nhắc nhưng đừng bao giờ quên có đứa như nó. Có người bảo thối vậy dở lại làm gì nữa. Mà bản thân cái cô đã từng phạm tội này nghĩ gì chúng ta cũng chịu.

Nhưng theo bác Giang thì tha thứ, khép lại có nghĩa là cô ấy được gặp một người trong đám đông ghê gớm kia. Một người xa lạ nhưng đến nghe cô ấy kể lại mọi chuyện, cả những chuyện bên lề về vợ chồng, ông bà, họ hàng tưởng như chẳng liên quan gì đến cái đám đông kia. Như thế theo bác Giang là khép lại cho cô ấy.

Khi bác Giang bỏ công vất vả làm cái việc trên, gọi cao cả là "nghi lễ tái hòa nhập", ta cũng chẳng biết bác ấy làm vì mục đích gì. Bác ấy có thể bảo là vì thiện. Có người bảo là vì khôn. Nhưng theo em thì có thể vì một cái cảm quan nào đó cao hơn ý thức của bác ấy, cao hơn cả việc phân tách thiện, ác mà nhiều bác đang bàn ở đây.

11:32 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  Phan Minh

Tôi thấy dư luận xã hội trong đây không hề có gì xấu. Chừng nào quyền lên tiếng của tất cả, cho dù tổn thương, được chấp nhận thì tôi không thấy hy vọng gì cho một nền dân chủ ở nước Nam ta. Anh Giang lên tiếng công khai về những gì anh giang cho là sai trái thì tôi cũng có quyền phản bác những luận điểm đó nếu tôi cho nó là sai trái. Ở đâu tôi tấn công vào luận điểm mà anh Giang trình bày trong bài viết chứ tôi không tấn công bản thân anh Giang. Nên tôi thực sự khá thất vọng vì có sự phân vai Thiện, Ác ở đây. Anh Giang không phải ông Thiện và anh Candid không phải ông Ác. Cả hai anh đơn thuần đưa ra ý kiến của mình như tôi đưa ra ý kiến chả tôi. Vậy phải chăng tôi và các anh đã sai khi tin vào quyền tự do ngôn luận mà Hiến Pháp đảm bảo cho tôi với tư cách công dân?

10:26 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  phó đức tùng

Mỗi một sự việc đều có thể được nhìn nhận thế này hay thế khác, cốc nước có thể còn đầy một nửa, hay đã mất đi một nửa, đó là sự khác nhau cơ bản giữa tích cực và tiêu cực. Mỗi con người đều có thể được thấy là một sinh linh tuyệt hảo của trời đất, kể cả khi anh ta ốm đau, nghiện hút, giết người, ngược lại kể cả một thiên tài, hoa hậu cũng có thể bị coi là một túi da bọc cứt, nói thế nào cũng đúng cả. Đám đông lên án cô Lý có thể được nhìn dưới góc độ tốt, là họ đã đồng cảm với đứa trẻ, phản đối cái ác, mặc dù nó chẳng trực tiếp liên quan tới họ, đó chính là nhân bản. Lại cũng có thể coi là họ mắng một người mà không biết người đó sẽ bị ảnh hưởng thế nào bởi những lời mắng đó, là bất tri, bất nhân v.v.

Có một điều tôi thấy rất lạ. Thông thường đàn ông có xu hướng tách biệt giữa cá nhân và sự việc. Tôi có thể phê bình sản phẩm A của một anh kia là rất dở, không có nghĩa là tôi nói toàn bộ anh ta dở, và thông thường anh ta sẽ hiểu điều đó. Phụ nữ thường có xu hướng coi mọi thứ là cá nhân. Chẳng hạn nếu người phụ nữ hỏi tôi một đôi giày trên giá cửa hàng có đẹp không?, và tôi bảo xấu thì lập tức cô ta sẽ tự ái, vì cho rằng khi cô ta hỏi như vậy có nghĩa là đã hơi thích đôi đó, và nếu ta bảo xấu thì khác gì nói cô ta không có mắt thẩm mỹ?
Nay theo cách phân tích của anh Giang, thì ta rất khó tách bạch sự việc khỏi con người, nói về một sự việc nào cũng có nguy cơ chạm vào nỗi đau của một con người nào đó. Điều đó tất nhiên không sai, vì phụ nữ không thể sai, nhưng mà không thể ai cũng có thể tư duy kiểu phụ nữ như vậy được.

9:20 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  Phạm Tuấn Hưởng

Bạn Atesca nên đọc kỹ bài viết và cmt của mọi người hơn là chỉ đọc mỗi tên bài rồi nóng nảy bình luận.

Khi một hiện tượng tàn ác, vô đạo đức diễn ra, tôi chắc bạn cũng nằm trong số những người sôi nổi nhất nhảy vào phê phán. Thế là tốt. Xã hội mà KHÔNG có những người kịp nhận ra cái xấu để mà phê phán ngay như thế thì xã hội ấy đáng lụi tàn.

Thế nhưng lại có một thế lực như kiểu tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đây, khi chuyện xảy ra thì không một lời phê phán, đợi chuyện lắng rồi bắt đầu moi ra lại, đổi người tốt thành người xấu, tập thể biết phê phán thành đám đông tàn bạo, hành động phê phán thành hành động sỉ nhục, và cuối cùng, tất yếu là, người phạm tội cần được một ai đó tha thứ, và đó chính là chàng, vị Bồ Tát khôn ngoan xuất hiện đúng lúc, lừa lúc những người như bạn Atesca đang bức xúc với những câu chuyện mới và quên mất câu chuyện tàn ác cũ.

Tôi tin vào lòng tốt của những người như Atesca, nhưng tôi mong các bạn hãy có trí nhớ dài hơn. Các bạn có thể không cần khêu cứt ra ngửi lại (rồi bảo là nó không đáng thối đâu) như tiến sĩ, các bạn có thể giả vờ quên cho cô Lý được yên thân, nhưng các bạn đừng bao giờ quên chuyện tương tự đã xảy ra, để cái ác không quay lại được nữa.

9:01 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  atesca

Thật là một câu hỏi quái dị. Người ta bình tĩnh nhìn nhận một vấn đề có thật trong xã hội là hành vi làm nhục người khác ở trên mạng, anh lại bảo người ta chọc cứt ra để ngửi. Một thứ logic lạ lùng. Anh chỉ chia sẻ toàn những tranh hoa bướm lá thì xã hội đẹp đẽ lên? Hay chỉ là che mắt lương tâm, rằng tôi từ chối nhìn cái xấu? Vì anh từ chối mà nó thôi tồn tại chăng? Nói về hành vi xã hội một cách nhẹ nhàng, lí trí như thế, thức tỉnh cả những người tưởng mình là trí thức, nhìn lại hành vi hằn học của mình trên mạng và ngoài đời, mà vẫn bị gán là chọc cứt với dạy đời, thì thật là tuyệt vọng. Thảo nào người xấu cứ xấu còn trí thức mũ nỉ che tai tự nghĩ mình vẫn thơm vì mình không dây vào đấy.

8:29 Thursday,9.3.2017

Đăng bởi:  candid

Đọc câu mời ở phần PS tự dưng nhớ tới Thỏ Bông của Thảo Hảo với câu mời gọi trứ danh muốn biết thì ở lại đây đêm nay quá. Mình vốn nghe câu truyện cảnh giác tối thứ 7 nhiều nên thôi trao đổi ở đây cho nó lành.

Đọc qua thông tin về buổi ra mắt sách cũng như câu chuyện về bảo mẫu thì hiểu là TS. Giang phê phán về cái ác của đám đông, của dư luận khi lên tiếng một cách tự do mà không chịu ai lắng nghe ai. Đối với mỗi sự vật mỗi người có một cách nhìn nhận, cái nhìn của mình đối với việc này là mình nhìn thấy một đám đông yếu đuối và bất lực. Đáng nhẽ ở một nơi luật pháp nghiêm minh hơn thì rất nhiều câu chuyện không đến nỗi ồn ào như thế. Đáng buồn ở đây là những nạn nhân không có gì để bảo vệ mình ngoài việc hy vọng sẽ có người lên tiếng bênh vực họ. TS.Giang buồn vì mọi người tự do lên tiếng và không ai chịu lắng nghe còn mình thì buồn vì thấy tiếng nói của mọi người vẫn chưa được đúng địa chỉ lắng nghe.

Mình vẫn nghe thấy tiếng nói vô vọng của nạn nhân trong vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu, mình vẫn nghe thấy tiếng nói vô vọng của những người dân bị ảnh hưởng trong vụ thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung, mình vẫn nghe thấy tiếng nói vô vọng của những người trẻ muốn bảo vệ Sơn Đoong...

Như trong mọi vở kịch bao giờ cũng có vai Thiện và Ác, ở đây TS. Giang sắm vai Thiện rồi thì mình rất vui lòng nhận vai Ác để cùng ném đá với dư luận, còn Chúa thì ở trên cao và cười.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả