Gẫm & Bình

Một số thắc mắc quanh triển lãm
Vũ Cao Đàm

Tôi không vào TP. HCM được để xem triển lãm tranh thạch bản của Vũ Cao Đàm. Nhưng đọc thông tin trong bài nói giá từ 3.500 – 5.000USD một bức thì choáng. Lại thêm họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cung cấp links để tham khảo giá. Các bức thạch bản chỉ có giá chưa […]

Ý kiến - Thảo luận

15:40 Wednesday,20.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@ Candid
Xem:
http://www.fujiarts.com/cgi-bin/main.pl?gclid=CJPA-I-13LACFSRKpgoduhAX3A

15:31 Wednesday,20.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@ CANDID

Tôi không biết "bản in khắc gỗ của Hokusai" mà người ta tặng bạn là bản gì, nhưng một điều chắc chắn là xác xuất bạn có thể mua được một bản in khắc gỗ của chính tay Hokusai (1760-1849) khắc và in là hầu như bằng 0. Các bản đó nay đã vào bảo tàng và thành tài sản quốc gia cả rồi. Kể cà ván khắc của chính Hokusai cũng vậy.

May ra bạn có thể mua được vài bức "xịn" tại các nhà đấu giá nổi tiếng cỡ Christie hay Sotheby, nếu bạn có đủ tiền.

Những bản còn lại đều là các bản sao. Bản sao không phải là bản gốc. Bản sao của tranh in cũng có thể đẹp song giá rẻ hơn bản gốc nhiều.

15:06 Wednesday,20.6.2012

Đăng bởi:  candid

Em cũng không dám chắc đấy là bản original hay reissue, hôm đấy ăn chia tay ở cái nhà hàng bán mì nổi tiếng chuyên phục vụ hoàng gia ở Kyoto, em uống nhiều rượu quá nên say mất nên không hỏi kỹ. Bác Đăng có thể cho biết giá của tranh khắc gỗ của Hokusai và các họa sĩ khác của Nhật không?

15:00 Wednesday,20.6.2012

Đăng bởi:  candid

Cám ơn bác Đăng đã giải thích vì sự cầu kỳ của tranh thạch bản in thủ công. Thế nhưng so sánh với tranh khắc gỗ của họa sĩ Nhật Hokusai em nghe nói là 1 bức tranh cũng cần đến mấy chục ván in khác nhau. Cách đây 2 năm, em có qua Nhật, lần đấy để tiễn 1 đồng nghiệp của em về hưu, các bạn Nhật có tặng 1 bản in khắc gỗ của Hokusai, em có hỏi giá thì thấy bảo cũng tầm mấy trăm đô thôi. Em cũng không biết thực hư ra sao.

13:30 Wednesday,20.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Làm thế nào đề phân biệt bản in thạch bản theo truyền thống cổ điển với bản in thạch bản offset?

Như tôi đã viết trong cmt trước, trong in thạch bản cổ điển (lithography), hoạ sĩ vẽ thẳng lên khuôn (mặt đá, kim loại hay nhựa polyester, giấy, v.v.), hoặc vẽ lên giấy rồi ép hình từ giấy lên đá (phương pháp của Alois Senefelder ,1771 - 1834). Sau đó, hoạ sĩ lăn mực và in. Vì vậy mỗi bản in là thành phẩm mang dấu ấn riêng của hoạ sĩ. Mỗi màu cần một hình vẽ riêng. Thời xưa người ta dùng tới 20 – 25 phiến đá để in các màu khác nhau.

Xem ví dụ về quá trình in tay lithography tại
http://www.youtube.com/watch?v=ianTszA1d64&feature=related

hoặc tại

http://www.youtube.com/watch?v=HdyCODGIJSo&feature=related

Trong in thạch bản offset (offset lithography) – một trong những dạng phổ biến nhất trong in ấn thương mại, hoạ sĩ thuê thợ ảnh chuyên nghiệp chụp hình bản gốc tranh của mình. Sau đó ảnh chụp được gửi tới nhà in (Ngày nay, hầu hết các nhà in thương mại nhận làm luôn cả công đoạn chụp hình từ bản gốc). Nhà in sau đó chuyển tất cả các màu trên ảnh thành một tổ hợp của 4 màu (gọi là tách màu): đỏ, vàng, lam, và đen. Các màu và sắc khác đều có thể được tạo ra từ 4 màu đó theo nguyên tắc trừ màu: đỏ + vàng = da cam, vàng + lam = lục, lam + đỏ = tím. Trên thực tế, mực in dùng màu cyan (hồng tím) thay vì màu đỏ. Màu cyan khi pha với vàng cho màu đỏ da cam, còn khi pha với màu lam cho màu nước biển sẫm (ultramarine). Từ 4 ảnh với 4 màu riêng rẽ, người ta làm âm bản và khuôn in từ ảnh, rồi cho vào máy in.

Như vậy, trong offset lithograph, dấu ấn của hoạ sĩ bị mất 3 lần. Lần thứ nhất ở công đoạn chuyển từ bản gốc sang ảnh chụp, lần thứ hai ở công đoạn tách màu, và lần thứ 3 ở khâu in vì, tùy theo trình độ và chất lượng của nhà in, màu khi in ra có thể khác ít hoặc khác xa bản gốc.

Cách thông thường và đơn giản nhất để phân biệt một bản in lithography (vẽ trực tiếp và in tay theo phương pháp cổ điển) với bản in offset lithography (thông qua chụp ảnh bản gốc và tách màu) là nhìn bản in dưới kính phóng to, chẳng hạn kính loupe có độ phóng đại càng lớn càng tốt. Trong bản in lithography các chấm màu được phân bố ngẫu nhiên, không theo trật tự hay đường thẳng nào, mực có thể đè lên nhau, trông rất phong phú.

Ví dụ
http://www.rbollinger.com/images/e1_chrom2.gif
http://www.rbollinger.com/shtml/ew_chrom.shtml

Còn trong bản in offset litography các chấm màu được tạo ra từ việc tách màu hiện rõ, xếp thẳng hàng một cách cơ học, ví dụ:
http://www.rbollinger.com/images/e3_offset2.gif

Mỗi màu có hình thù chấm màu riêng, và khi hoà với nhau tạo nên một vòng tròn rất nhỏ hình hoa thị (rosette). Dưới kính phóng đại 25 – 50 lần, các chấm hiện ra sắc cạnh, xếp theo lưới thẳng hàng. Phần giấy cạnh phần có mực in thường sạch.

Ví dụ:
http://www.dp3project.org/webfm_send/623

Phóng to 200 lần:
http://the-print-guide.blogspot.jp/2010/08/how-was-it-printed-simple-ways-to.html

Một khi bạn nhìn thấy những chấm hoa thị (rosette) như vậy thì chắc chắn đó là bản in có sự can thiệp của máy ảnh và công nghệ in offset thương mại.

Ngoài ra bạn có thể dùng ngón tay sờ mặt bản in trên giấy. Mặt bản in offset lithography thường nhẵn thín, trong khi mặt bản in lithography bằng lăn mực in tay thường có mặt mực dày nổi lên tựa như mặt một bức tranh vẽ vậy. Cũng có thể không cần sờ tay, mà chỉ cần nhìn nghiêng qua kính lúp. Bản in lithography bằng khuôn kẽm lên giấy thường có dấu ấn từ máy in, giấy không phẳng mà có lốt của khuôn kẽm hằn lên ở mặt sau tờ giấy.

Giấy in lithography thường dày và có sợi. Danh mục vài loại giấy in lithography được liệt kê tại các đường link ở cuối trang web này:
http://www.legionpaper.com/applications/hand-lithography.html

Một chiêu nữa là nhìn chữ ký của tác giả ở dưới mỗi bản in hoặc ở mặt sau bản in lithography. Tuy nhiên chiêu này không phải lúc nào cũng an toàn, kể cả khi chữ ký đúng là từ tay hoạ sĩ. Năm 1974 Salvador Dalí đã làm tiền bằng cách ký khống hàng chục ngàn tờ giấy trắng tinh. Sau đó Leon Armeil – một tay làm tranh giả - đã mua được các tờ giấy này và đem in các bản in giả lên để tung ra thị trường với giá cắt cổ. Vì thế hiện nay nhiều bản in có chữ ký của Dalí vẫn còn làm các nhà sưu tập và bảo tàng đau đầu để phân biệt thật giả.

Tóm lại, bản in thạch bản theo truyền thống cổ điển (lithography) thường được đánh giá cao hơn bản in thạch bản offset (offset lithography) vì lithography mang dấu ấn trực tiếp của hoạ sĩ , có chất lượng cao hơn và số lượng bản in ra ít hơn nhiều so với offset lithography.

10:51 Wednesday,20.6.2012

Đăng bởi:  candid

Cám ơn bác Đăng và bác Thông đã giải thích rất chi tiết.

7:31 Wednesday,20.6.2012

Đăng bởi:  Phạm Huy Thông

Xin bổ sung một vài thông tin lặt vặt vào phần comment của anh Đăng.
Về phương pháp offset-lithography dùng bản kẽm (khuôn) công nghiệp. Nếu chúng ta không lắp bản khuôn đó lên lô máy in mà vẫn để phẳng, bỏ lên máy in tay (print making press) thì vẫn có thể in thủ công như in với khuôn đá. Chiêu này hay được thầy Lê Huy Tiếp dạy trong các trại sáng tác của hội.
Để ra phim phơi cho bản kẽm này, tốt nhất nên đến 33 đê Tô Hoàng vì chỗ này rẻ, nhiều khách nên không phải chờ lâu ghép mẻ phim, chỉ khoảng nửa ngày là có. Anh chị em về có thể phơi thủ công lên tấm khuôn in công nghiệp bằng cách phơi dưới ánh mặt trời.
Hôm trước có bạn Hà Cơ Khí giới thiệu là nếu muốn ra khuôn theo kiểu Computer to Plate thì ra 11 Ngô Thì Nhậm, cũng chưa có dịp để kiểm chứng thông tin này.
Ngoài bản kẽm in offset rẻ tiền. Còn một loại khuôn in nữa dành riêng cho các hoạ sĩ đồ hoạ. Đó là loại tấm kẽm (nhôm) có phủ bề mặt như đá, ta có thể tiến hành các công đoạn như với một phiến đá thực thụ. Loại bản này khi in xong thì vứt bỏ chứ không mài lại tái sử dụng như phiến đá. Giá của loại ngày hơi khoai, khoảng 30usd cho một tấm khổ khoảng độ 60x90. Ở Việt Nam hình như không ai bán.

0:02 Wednesday,20.6.2012

Đăng bởi:  Phuong Huynh

Tôi xin cảm ơn họa sĩ Nguyễn Đình Đăng về hai sự giải thích rất rõ ràng ở trên. Đặt biệt là phần trả lời của Mon Kat về giá tranh. Nếu đúng như những thông tin anh đăng thì thât sự BTC của triển lãm này đã khiến cho những người mới bắt đầu tham gia vào sưu tập như chúng tôi sẽ hoang mang rất nhiều. Ngoài ra, về ý nghĩa từ thiện của BTC lập ra thì cũng chỉ là hình thức. Theo tôi thấy mục đích chính là một trong những phi vụ làm ăn của BTC triển lãm. Ví dụ như theo giá tranh của anh Đăng gửi đường link trung bình sắp xỉ mua là $200 trên 1 bức X 14 bức = $2800. Còn thông tin giá bán trên trang web của soi thì trung bình bán 1 bức là $4000 X 14 bức = $56000 --- chênh lệch gần $53000. Theo cách tính của tôi, với lợi nhuận này thì chị Hương có tặng cho Quỹ GD gần $4000 cũng không thấm thía với số tiền thu được của BTC. Tôi không hiểu tại sao giữa giá bán và giá mua lại chênh lệch nhau nhiều đến thế, tôi thật sự bất ngờ và khó hiểu?

22:16 Tuesday,19.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

Nói một cách rất sơ lược thì in thạch bản (in đá) (litography) có hai phương pháp, tạm gọi là truyền thống và hiện đại.

1) Phương pháp truyền thống

Nguyên tắc in thạch bản hay in đá (litography) được phát minh từ t.k. 18, khá đơn giản. Phần khuôn dương bắt mực, nhưng không bắt nước, và phần khuôn âm hút nước nhưng không bắt mực. Người ta dùng một loại bút như bút chì sáp (ruột có dầu mỡ, không hút nước), vẽ hình lên mặt đá phẳng (đá vôi, CaCO3). Sau đó người ta bôi một dung dịch keo pha nước lên mặt phiến đá. Dung dịch này chỉ bám lên những chỗ không dính dầu mỡ. Trong quá trình in, phiến đá được làm ướt. Nước chỉ bám vào những chỗ có keo, và để hở những nét vẽ bằng sáp (chất có dầu mỡ). Còn mực in có chứa dầu như dầu lanh và dầu bóng trộn với màu. Khi lăn mực in lên phiến đá đã được vẽ hình thì mực in chỉ bám lên các nét vẽ có dầu mỡ. Kết quả là hình in lên giấy là từ mực dính trên các nét vẽ.

Đến t.k. 19 người ta phát minh ra in thạch bản màu (color lithography). Nguyên tắc in thạch bản nhiều màu cũng tương tự như in thạch bản một màu, nhưng bây giờ mỗi màu phải có một phiến đá riêng, và phải in riêng từng màu. Khó khăn ở đây là phải làm thế nào cho các hình in bằng các màu khác nhau không được lệch vị trí.

2) Phương pháp hiện đại: offset lithography

Thực chất đây là in offset dựa trên nguyên tắc in thạch bản, tức là nước và dầu đẩy nhau (không dính vào nhau). Phương pháp này cho phép in được rất nhiều bản.

Offset lithography bao gồm việc in ảnh lên các tấm nhôm, nhựa polyester, v.v. có phủ nhũ tương bắt sáng (photoemulsion) (như trên phim chụp ảnh), tạm gọi là khuôn in (printing plate). Người ta chụp ảnh tác phẩm, đặt phim âm bản lên trên khuôn in, rồi chiếu tia cực tím lên. Sau đó hiện và hãm khuôn in tương tự như hiện và hãm ảnh khi rửa ảnh. Hình in được giữ lại trên khuôn, còn những gì không thuộc hình in thì được tẩy đi nhờ một quá trình hoá học. Tuy nhiên công đoạn này hiện nay được thay bằng kỹ thuật in laser gọi là CTP (Computer to Plate) và các khuôn không cần tẩy hóa học nữa.

Khuôn in sau đó được cuốn lên trụ trong máy in. Nước được lăn lên khuôn in, nhưng chỉ dính vào những chỗ trống, và không bám vào phần nhũ tương (có hình vẽ). Sau đó mực in được lăn lên khuôn, và mực chỉ dính vào phần hình vẽ, chứ không bám vào phần đã dính nước.
Trụ này lại lăn trên một trụ đối diện bọc cao su. Trụ cao su này sẽ dính hình vẽ từ khuôn sang và ép nước đi, thành ra khi in lên giấy, giấy không bị ướt. Vì hình vẽ được chuyển từ khuôn (set) sang trụ cao su (off set = ngoài set) rồi mới in lên giấy nên phương pháp này được gọi là offset litography (in thạch bản offset) hay đơn giản là in offset.

Trong comment tiếp theo tôi sẽ nói về làm thế nào phân biệt tranh in thạch bản.

20:49 Tuesday,19.6.2012

Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng

@Mon Kat:

Những đường links tôi đã dẫn có lai lịch như dưới đây.

1) http://www.findartinfo.com
Cộng hoà Panama (Server đặt ở Mỹ).

2) http://www.youvalyou.com
Không rõ xuất xứ (Server đặt ở Mỹ).

Hai đường link này chỉ copy lại các bảng giá đã bán được của các nhà đấu giá.

Còn 2 đường link tiếp theo mà tôi đã dẫn (có kèm hình ảnh và giá đã bán được) là của 2 nhà đấu giá tại Hoa Kỳ:

3) http://www.ragoarts.com
Công ty Rago Art and Auction Center tại Hoa Kỳ. Nhà đấu giá hàng đầu về mỹ thuật, đồ trang sức, trang bị nội thất, v.v., thành lập từ 1995 bởi David Rago.

Địa chỉ:
333 North Main Street Lambertville NJ 08530
USA
Tel: (609) 397-9374
Fax: (609) 397-9377

Đây là công ty đã đăng hình và giá đã bán được của bức "Stallion"
của Vũ Cao Đàm (183 USD) (do Discovery Department của họ bán vàp tháng 1 năm 2011 (Link của Discovery Department của Rago Arts là http://www.ragoarts.com/departments/discovery)

4) http://www.skinnerinc.com
Đây là công ty Skinner.Inc. - một công ty của các nhà đấu giá và đánh giá nghệ thuật tại Hoa Kỳ.

Địa chỉ:
63 Park Plaza
Boston, MA 02116
USA
Phone: 617-350-5400
Fax: 617-350-5429

274 Cedar Hill Street
Marlborough, MA 01752
USA
Phone: 508-970-3000
Fax: 508-970-3100

Đây là công ty đã đăng hình và báo giá bán được của bức "The blossoms" của Vũ Cao Đàm (150 USD) (do công ty này bán được).

Tôi chắc còn nhiều đường links nữa công bố giá bán được các tác phẩm thạch bản của hoạ sĩ Vũ Cao Đàm, xong tôi không có thì giờ để Google.

16:42 Tuesday,19.6.2012

Đăng bởi:  candid

phương pháp in lithograph thì em có hiểu sơ sơ, trong ảnh cũng có phương pháp in ảnh tương tự như thế này nhưng thường là ảnh đen trắng. Đối với tranh màu thì làm thế nào để in ra nhiều màu như thế nhỉ? Hay là mỗi mầu phải có 1 ru lô như lối in tranh khắc à?

16:15 Tuesday,19.6.2012

Đăng bởi:  Mon Kat

Tuy em không am hiểu nghệ thuật bằng các bác đã bình luận, nhưng dựa theo thiển ý của em, em xin mạn phép trả lời thắc mắc của bác Nguyên Bản như sau:

1. Giá bán trong link của bác Ng Đình Đăng là có đúng hay chưa, chưa có ai đứng ra xác thực. Nếu website này là của nhà Christie hay Sotheby, em không dám lạm bàn, nhưng đây là website của cộng hòa Panama, và theo dạng forum, tính xác thực có lẽ cũng nên phải được phân định rõ ràng trước khi đặt nghi vấn giá cả của tranh.

2. Bác nên tìm hiểu kĩ tranh thạch bản là gì trước khi bác đặt câu hỏi này. Dựa theo những gì em đã tìm hiểu, tranh dùng kĩ thuật in thạch bản thì không bức nào giống bức nào và bức nào cũng là nguyên bản, chứ không phải in laser hay off set đâu bác ạ.

3. Câu hỏi này của bác, theo em hơi thừa. Việc họa sĩ đã mất bao nhiêu năm và việc bao giờ triển lãm tranh không có liên quan gì đến nhau. Bác mua được đồ tốt không có nghĩa bác phải mang ra khoe ngay khi bác rinh đồ về nhà. Việc mang ra triển lãm thời điểm này hoặc trước đó vốn dĩ không nói lên việc tranh có bán ế ở thị trường nước ngoài hay không. Bác nói thế thì khác gì bảo rằng cái gì mà về VN thì chỉ khi nào ôi thiu mới về đến VN. Xin hỏi bác vì sao lại có cái suy nghĩ như thế???

4. Dạ cái câu hỏi này em xin thưa bác là, chắc bác không có đi xem triển lãm và cũng không đọc báo. Trong báo có ghi rõ, và ngày hôm đó cũng có công bố là bà Lan Hương đã trích tặng $3900 cho quỹ EDF rồi, cái thắc mắc này theo em là bác không đọc thông tin kịp thời nên mới thắc mắc thế. Mà thật ra chắc bác quen lối làm từ thiện của cty VN là đi mua mì nên bác mới hỏi câu này.

Sorry bác nếu em trả lời hơi thẳng thừng trong từng câu bác hỏi. Em chẳng biết gì về tranh và bà Lan Hương có bán được tranh với giá nào em cũng ko hưởng lợi gì vì chẳng liên quan đến em. Nhưng em đọc bài bác viết cảm thấy bác "soi" khá kĩ bà Lan Hương và dường như muốn "ném đá" là chính chứ không phải thắc mắc thật sự. Dù cho mục đích của bác là gì, bảo vệ tranh, người mua tranh, hay họa sĩ, thì bác nên tìm hiểu kĩ thông tin trước khi viết bài phê phán bác ạ.

Cuối cùng em còn 1 ý nữa là thế này: nghĩ những thứ thuộc về collectible thì giá luôn là thứ không đo lường được. Nếu đã là 1 và duy nhất, thì giá luôn đẩy lên, chứ không có đi xuống bao giờ, vì càng về sau nó càng thuộc danh sách quý hiếm. Cho nên việc nghe giá 3 đến 5 ngàn mà chóang thì cũng không hiểu là bác hiểu collectible như thế nào. Dẫn trường hợp những con figurines của Star Wars, đối với nhiều người có thể chỉ là thứ không ra gì, nhưng với những người chuyên sưu tầm họ sẵn sàng bỏ cả ngàn, chục ngàn đô để sở hữu. Túm lại là nếu bác đang vinh danh họa sĩ, nhưng lại sẵn sàng định giá 1 bức tranh chỉ tầm mấy trăm đô thì vấn đề logic ở đây chắc phải xem lại.

Thân.

Mèo Mon

2:55 Tuesday,19.6.2012

Đăng bởi:  Giời Ơi

Tranh in đá (thạch bản) là loại tranh có thể in nhiều bản. Các bản in được đánh số thứ tự và bản nào cũng là bản chính (1/20, 2/20, 3/20...). Các bản in dĩ nhiên không giống nhau hoàn toàn và do đó có bản đẹp và bản xấu hơn. Giá trị cũng từ đó mà ra. Thường thì tranh in (đá, đồng, kẽm...) không có giá cao vì lí do chúng có thể được in ra rất nhiều. (trừ tranh in độc bản). Tuy nhiên để khẳng định tranh in thạch bản giá bao nhiêu lại là điều không dễ. Phải căn cứ vào tên tuổi họa sĩ, số lượng bản in, thời gian sáng tác...và trên hết là đẹp xấu. Tranh Vũ Cao Đàm trong bộ sưu tập của cô Lan Hương ngoài giá tiền có thể tính được theo những tiêu chí thông thường còn phải cộng thêm cả "giá" của kỉ niệm. Tùy theo kỉ niệm có "giá" bao nhiêu mà cộng vào nên giá tranh in có thể rất cao mà cũng có thể rất thấp.

1:08 Tuesday,19.6.2012

Đăng bởi:  trần tuấn đạt

Tôi thấy ban tổ chức cuả triển lãm này cần phải giải thích cho công chúng như đề nghị của ban Nguyên Bản. Với lí do là để tránh tiền lệ sau này với các triển lãm khác của các danh họa trên ý nghĩa từ thiện. Trong phần đầu, tôi thấy có nhiều đơn vị đồng tổ chức như Cty Truyền Thông Sài Gòn, Quỹ Giáo Dục. Nếu không nhầm thì nhìn thấy chị Thế Thanh nguyên là phó GĐ Sở VH TPHCM. Rất mong muốn với tư cách là người đồng tổ chức, chị có ý kiến về việc này và cảm nhận của chị ra sao? xin chân thành cảm ơn chị,

23:41 Monday,18.6.2012

Đăng bởi:  Phuong Huynh

cám ơn các bạn trong website của Soi đã cung cấp những thông tin về triển lãm này. Tôi là một người quan tâm đến nghê thuật, bắt đầu có ý định sưu tập và mua tranh. Thú thật tôi là doanh nhân, tôi rất là hoang mang với những thông tin trên. Nếu mà không đọc trên Soi mà cứ tin vào các thông tin truyền thông trên báo chí truyền thông trong nước... Qua đây tôi cũng muốn các bạn giúp cho giới doanh nhân chúng tôi mấy ý sau: tranh in thạch bản của triển lãm này chất lượng ra sao? Tôi có tham khảo và hỏi một số người bạn có kinh nghiệm về việc này thì mọi người đều nói là tranh in thạch bản cũng rất dễ làm giả nếu như không có kinh nghiệm chuyên môn bởi có thể in đi in lại nhiều lần. Họ có nói là nên quan tâm cả chất lượng giấy in. Tôi không biết điều đó có đúng không? Mong các hoại sĩ có kinh nghiệm cùng góp ý cho người ngoài nghề như chúng tôi để có thể mua được tranh đúng chất lượng đúng như mong muốn.

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả