Nghệ sĩ Việt Nam

“Quẫy” – Người quẫy, trời cũng quẫy 31. 07. 14 - 3:14 am

Bài: T&T. Ảnh: CTB

QUẪY
Thời gian: 16h ngày 27. 07. 2014 đến 30. 07.  2014
Địa điểm: Then Café, số 63 Lê Trung Đình –  Tp. Huế

*

Trong khi nghệ thuật đương đại ở Huế rất có tiềm năng để hình thành một dòng chảy lớn, với những đặc điểm nhận dạng riêng, lại có thêm ảnh hưởng từ văn hóa một kinh đô cũ, thì các nghệ sĩ Huế lại hoạt động khá trầm lắng. Vì nhiều lý do: vì cá tính nói ít làm nhiều, vì xuôi ngược các miền để mưu sinh, vì thiếu sân chơi phù hợp vv… Mỗi người một đời sống riêng. Đó cũng là khó khăn nhất định cho một cuộc triển lãm chung, hội tụ nhiều nghệ sĩ Huế và Hà Nội tham gia.

Có vẻ như điều bất ngờ đã xảy ra khi chiều hôm trước: 15 nghệ sĩ đã tham gia vào một cuộc chơi chung đầy hào hứng trong Visual Art Party “ Quẫy tại Then Café.

Với cái tiêu đề có vẻ như không phù hợp mấy với các nghệ sĩ đất cố đô chỉ quen “ẩn dật”, các nghệ sĩ đã đem tới buổi triển lãm một bữa tiệc nghệ thuật thật sự.

Với nội dung xoay quanh vấn đề thời sự biển Đông, mỗi người “quẫy” bằng một tác phẩm, có người tới 2 tác phẩm.

Dẫu trong suốt thời gian qua, trên cả nước, các nghệ sĩ đã bày tỏ thái độ về vấn đề biển Đông với nhiều hình thức: mít tinh, triển lãm tranh cổ động… Riêng ở “Quẫy”, các nghệ sĩ lại cùng có chung một quan điểm xuyên suốt: đề cập vấn đề biển Đông bằng ngôn ngữ nghệ thuật riêng của mình, lấy đề tài thời sự làm chất liệu, lấy nghệ thuật làm ngôn ngữ  đa chiều.

“Quẫy” là hành vi đánh động, thể hiện thái độ trách nhiệm của mỗi cá nhân nghệ sĩ trước các biến cố của thời cuộc. Đúng với tinh thần của bữa tiệc thị giác, khoảnh khắc khai mạc đã diễn ra nhanh gọn nhưng đầy hào hứng trong nền nhạc chillout được mix bởi nghệ sĩ Nguyễn Hoàng việt.

Dù trời mưa lớn, bữa tiệc được đông đảo khách mời đến tham dự, trong đó có ông Đặng Mậu Tựu, nguyên chủ tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật Tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra còn có anh em nghệ sĩ đình đám Le Brothers, chủ nhân NSAF và một số đaị diện cho Hội Mỹ thuật thành phố Huế.
 

Dù trời mưa lớn, buổi khai mạc vẫn đông khán giả đến tham dự. Trong hình: ông Đặng Mậu Tựu (áo xám) đang trò chuyện cùng nghệ sĩ Trần Tuấn – chủ nhân của Then Café, nhà tài trợ cho triển lãm lần này. Phía sau là họa sĩ Lê Văn Nhường (áo caro).

Người xem khá thích thú với sự phong phú của các loại hình, như một bữa tiệc kiểu Huế truyền thống, mỗi thứ một ít, mỗi món một hương vị, ví dụ như video art “Café sáng” của Trần Hữu Nhật. Tác phẩm kể về một buổi café sáng bình dị như bao nhiêu buổi café sáng của anh với bạn bè, chỉ duy điều đặc biệt nhất là nó diễn ra dưới nước. Các nhân vật, từng người một, đến uống café trong các tư thế nhấp nhổm, thỉnh thoảng phải bơi lên để thở. Cuộc trò chuyện giữa họ chỉ là những tiếng ộp oạp từ bong bóng nước thoát ra từ khoang miệng. Khung hình thỉnh thoảng nhòe nhoẹt do màu café túa ra bao phủ cuộc nói chuyện như trong ảo tưởng của các nhân vật. Tác phẩm bàn về sự tự do ngôn luận, sự bình đẳng trong một tình huống éo le, trái khoáy.
 

Nhiều bạn trẻ đang đứng trước tác phẩm video art của nghệ sĩ Trần Hữu Nhật.

Ngoài tác phẩm video art, Trần Hữu Nhật còn tham gia một bức tranh khổ lớn miêu tả một lão ngư dân trước giờ lên thuyền ra khơi với tựa đề được cắt ra từ một câu thơ do chính ông ngư dân ứng tác tặng tác giả: “Nắng, mây, tan chảy, ngư dân ra khơi”.

Tác phẩm “Nắng, mây, tan chảy, ngư dân ra khơi” vẽ bằng than và acrylic của nghệ sĩ Trần Hữu Nhật. Năm 2012, anh đã từng tham gia vào dự án Đen cùng nhiều nghệ sĩ khác từ Việt Nam do FonYa gallery (Đài Loan) tổ chức. Trong ảnh: một bạn nữ đang đọc bản ghi cảm hứng sáng tác của tác phẩm.

Ngay sau giây phút khai mạc, người xem được thưởng thức hai tác phẩm trình diễn của hai nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè và Nguyễn Văn Duy.

Với dòng ghi chú dặn người xem cân nhắc trước khi xem tác phẩm, Nguyễn Văn Duy khiến tôi tò mò về màn trình diễn của anh. Xuyên suốt tác phẩm “Một câu chuyện khác”, anh chỉ thực hiện một hành vi duy nhất: nằm thẳng trên sàn nhà với hàm răng cắn chặt viên nước đá được đông lại từ nước biển. Màn trình diễn kết thúc khi nước đá tan chảy thành nước biển với số lượng lớn trong vòm họng khiến anh bị sặc và nôn mửa. Tác phẩm của Nguyễn Văn Duy đề cập vấn đề ngôn luận trong truyền thông, xung quanh câu chuyện biển Đông.
 

Nguyễn Văn Duy với tác phẩm trình diễn “Một câu chuyện khác”. Anh là một nghệ sĩ trẻ, thường thực hiện thể nghiệm nhiều loại hình nghệ thuật, đặc biệt là trình diễn.

Nguyễn Hóa gây chú ý với tác phẩm Mix Media “Đường Chân Trời” đứt đoạn với 4 tấm sơn mài trên kính và giấy, bố trí ngược sáng. Người xem nhận ra một đường chân trời rực sáng trong một đêm biển lặng bình yên mà bình thường ra đã là rất nhiều hy vọng về những đàn thuyền đầy cá của ngư dân đang đánh bắt ngoài khơi. Đó cũng là ước vọng của hàng triệu người dân ở thời điểm hiện tại, nhưng giờ đường chân trời rực sáng kia có thể không phải từ những chiếc đèn đánh cá của ngư dân, mà có thể là nguy cơ đến từ thứ gì đó khác, nguy hiểm và đe dọa. Hóa cũng là tác giả của tác phẩm stop motion “Fish”, mô tả một đàn cá tranh nhau đớp một miếng vải nàu đen.

Tác phẩm “Fish” của Nguyễn Hóa được làm từ hơn 500 bức hình chụp liên tục. Tiếng cắn xé rì rào của đàn cá gây nên cảm giác ức chế, tựa như tiếng tằm ăn rỗi. Trong hình: nghệ sĩ Nguyễn Văn Duy đang đứng trước video art của Nguyễn Hóa. Bên cạnh là nghệ sĩ Tôn Thất Minh Nhật đang trò chuyện cùng bạn, anh là một nghệ sĩ trẻ tài năng với các tác phẩm sơn mài thể nghiệm lạ mắt, độc đáo.

An Nhiên Hà My đưa đến triển lãm một tác phẩm Site Specific Art ấn tượng có tên “Biển Bạc”.  Cô thiết kế một dải lụa mỏng dài 10 mét khảm bạc đặt trôi bồng bềnh trên mặt nước sông Ngự Hà đối diện Then Café. Sự mềm mại lấp lánh, dải lụa dài xoay chuyển theo dòng nước và gió, kết hợp với sự phản chiếu lên bạc từ ánh nắng mặt trời đã đem đến cho người xem nhiều góc nhìn khác nhau về tác phẩm ứng biến với một không gian cố định. Cô viết: “… Biển bạc diễn tả sự trù phú của thiên nhiên. Đó là khái niệm vô hình mà tôi muốn thể hiện bằng cái hữu hình. Biển Bạc là tài nguyên có thật mà chúng ta đã từng có hay là ngụ ý xa xôi về một tương lai –  ngày biển bạc trắng, ngày biển không còn màu xanh sâu thẳm, mường tưởng về ngày không còn những con thuyền đánh cá ra khơi. Thật khủng khiếp…

Tác phẩm của Hà Mi đặt nằm trôi nổi trên sông Ngự Hà. Thật đáng tiếc vào buổi khai mạc, trời đổ mưa khiến hiệu ứng ánh sáng do mặt trời đem lại (mà người viết đã được mục kích) không thực sự tốt.

Có lẽ người gây bất ngờ lớn nhất trong triển lãm Phan Duy Đăng. Bất ngờ bởi ý tưởng, chất liệu, cách kết cấu tác phẩm sắp đặt “Nguồn sống”. Bất ngờ bởi anh là người ngoại đạo đối với nghệ thuật: chưa từng tham dự một khóa học hay bất cứ một hoạt động nghệ thuật thị giác nào trước đây. Tuy nhiên, sắp đặt của Đăng cho thấy sự tự tin, óc quan sát, và cấu tứ nghệ thuật tinh tế.

Tác phẩm gồm một loạt bình nước biển y tế với một mớ dây dẫn, nút điều chỉnh. Các dây dẫn bắt đầu từ bình nước biển thòng xuống và quấn búi vào nhau tạo thành một mớ hỗn độn. Kết thúc của một đám lùm xùm đó là một đoạn dây dẫn với kim tiêm và nút điều chỉnh bị khóa lại ngăn dòng nước biển ở phía trên tràn xuống. Tác phẩm của anh nói về sự phức tạp, rối rắm tới mức vô nghĩa của cuộc tranh giành quyền lợi biển. Bên cạnh đó, nước biển cũng là liều thuốc tăng lực đối với khối đoàn kết toàn dân Việt Nam, khi chủ quyền bị xâm phạm, mọi người dân Việt Nam đều cùng đồng tâm đứng lên bảo vệ lãnh thổ.

Một góc của tác phẩm “Nguồn sống” của Phan Duy Đăng. Nhìn đám chai nước y tế này, cá nhân người viết có cảm giác rùng mình, ớn lạnh, không biết có phải vì tác phẩm hay vì mấy vụ lùm xùm của Y tế Việt Nam mấy tháng trước đây.

Sau đây là một số hình ảnh khác trong buổi khai mạc

Ông Đặng Mậu Tựu trả lời phỏng vấn trước buổi khai mạc triển lãm. Phía sau là loạt tác phẩm Tranh Cổ Động Chống Tàu của họa sĩ Trần Công Dũng. Được biết, chính loạt tranh này của anh là nguồn cảm hứng cho buổi tiệc thị giác này.

 

Họa sĩ Hồ Đăng Chính (áo sơ mi) đang đứng trước tác phẩm sắp đặt Chuyện Đằng Đông của Nguyễn Hoàng Việt. Anh cũng có một tác phẩm tham dự đợt triển lãm lần này.

 

Ngay sau khai mạc triển lãm là tác phẩm trình diễn của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè. Phía trước cũng là một tác phẩm sắp đặt khác của anh.

 

Nghệ sĩ Lê Ngọc Thanh cũng đến tham dự buổi khai mạc triển lãm. Theo tin từ trung tâm New Space Arts Foudation (NSAF) thì hiện tại có hai nữ nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc đang nhiệm trú tại trung tâm – do anh và người anh em song sinh Lê Đức Hải thành lập. NSAF trong những năm gần đây đã chứng minh tầm quan trọng trong việc tạo môi trường và thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật đương đại tại Huế.

 

Một góc trong triển lãm. Bên trái là tác phẩm “Chớ” của Trầm Thị Trạch Oanh và phía bên phải là bức “Biển Xanh” của họa sĩ Tôn Thất Minh Nhật.

 

Một người xem đang đứng trước tác phẩm “Sợi chỉ đỏ” của họa sĩ Hồ Đăng Chính.

 

Hai người xem đang trò chuyện phía sau là một tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương. Anh từng có một triển lãm cá nhân mang tên “Virus” năm 2012.

“Quẫy” sẽ kết thúc vào ngày 04. 08. 2014.

 

Ý kiến - Thảo luận

22:28 Sunday,24.8.2014 Đăng bởi:  Tran Tuan
ở thời buổi củ hành ganh củ tỏi, hiếm khi thấy được người ta giấu mặt khen nhau, cám ơn các bạn ủng hộ, chúng tôi vẫn còn nhiều hơn là chỉ Quẫy một cái, kế hoạch tiếp theo sẽ là "Huế Mộng Huế Mơ", xin mời xem thêm thông tin tại đây:

https://www.facebook.com/events/364277933719403/
...xem tiếp
22:28 Sunday,24.8.2014 Đăng bởi:  Tran Tuan
ở thời buổi củ hành ganh củ tỏi, hiếm khi thấy được người ta giấu mặt khen nhau, cám ơn các bạn ủng hộ, chúng tôi vẫn còn nhiều hơn là chỉ Quẫy một cái, kế hoạch tiếp theo sẽ là "Huế Mộng Huế Mơ", xin mời xem thêm thông tin tại đây:

https://www.facebook.com/events/364277933719403/ 
19:39 Thursday,7.8.2014 Đăng bởi:  phuong binh
thâm thật, heeeeeeeeee
...xem tiếp
19:39 Thursday,7.8.2014 Đăng bởi:  phuong binh
thâm thật, heeeeeeeeee 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp