Khác

KÈN GÕ – cái hay và cái bực mình của một đêm nhạc không đàn dây 13. 08. 22 - 8:41 pm

Willow Wằn Wại

Ai đi nghe nhạc cũng biết bộ dây quan trọng như thế nào trong một dàn nhạc. Vivaldi sáng tác Tổ khúc Bốn Mùa diễn tả mọi hoạt cảnh thời tiết quang cảnh chỉ với đàn dây, hay Bản Giao hưởng số 5 của Beethoven với câu nhạc đầu tiên hoành tráng cũng là đàn dây tấu lên. Đâm ra chúng ta đôi khi cũng vô tình quên đi sự đóng góp của các nhạc cụ khác.

Vì có nhiều “spotlight” như vậy nên lượng người đi học đàn dây cũng nhiều hơn hẳn. Thành thử tôi được chia sẻ rằng ở Nhạc viện Thành phố, khoa đàn dây có rất nhiều nam thanh nữ tú tầng lớp trung lưu trở lên, còn ở khoa ít nổi hay nghe cái tên ít “sang chảnh” hơn như Kèn thì hầu như đều là tầng lớp “bình dân” trở xuống, thậm chí nếu khoa khác đủ chỉ tiêu thì sinh viên có thể được tư vấn dạt bớt sang Kèn. Có nhiều người còn chưa hình dung được cái kèn mình học thế nào, hoặc không có niềm yêu thích với nó, vì tiếng kèn họ hay nghe nhất là… tiếng kèn đám ma đinh tai nhức óc ngoài đường.

Tôi được biết đến đêm nhạc Kèn Gõ của Saigon Winds một cách vô tình. Nhân hôm xem buổi diễn của một dàn nhạc khác (gọi là dàn nhạc chị em vì có chung một số thành viên) thấy giới thiệu nên đặt vé mua luôn. Thế rồi buổi diễn của “dàn nhạc chị em” ấy trước khá là dở, nên phải nhờ có người bạn đứng ra “đảm bảo”, nói mục đích của đêm nhạc tới là giới thiệu các nhạc cụ bộ Kèn và Gõ, giúp khán giả đại chúng làm quen, nghe cũng hợp ý nên cuối cùng tôi vẫn đi.

Toàn cảnh đêm nhạc. Đố biết Willow ở đâu trong bức ảnh.

Địa điểm tổ chức đêm nhạc là một khán phòng của trường nhạc. Với một số người thì không gian này có thể quá nhỏ, ghế ngồi san sát. Nhưng vậy vẫn thích hơn là xem hòa nhạc ngoài trời. Hòa nhạc ngoài trời ở thành phố này là cái gì đó quá xa xỉ. Xa xỉ ở chỗ phải bỏ thời gian cho việc vừa nghe nhạc vừa nghe tiếng còi xe, thậm chí tiếng hát rong bán kẹo kéo. Thật khó có thể tìm được địa điểm tổ chức sự kiện nào trong thành phố mà không bị dính tạp âm khó chịu, chưa kể chất lượng dàn âm thanh là một nỗi buồn thiên thu nói mãi không hết.

Dàn nhạc Kèn Gõ bắt đầu chương trình khá muộn, sau đó lần lượt đi qua những bản nhạc của phim hoạt hình Disney và kết thúc bằng bài nhạc phim Doraemon (bài này được cả người lớn lẫn trẻ con hưởng ứng nhiệt tình). Lúc đầu dàn có hơi chuệch choạc đây đó nhưng càng về sau thì chơi lại càng hay, và đến cuối phần 1 lẫn phần hai của đêm nhạc là những đoạn hòa tấu dễ chịu, khá thú vị vì lần đầu tiên tôi nghe những tác phẩm đó với bản phối khác, thiếu hoàn toàn bộ dây. Hóa ra tên đêm nhạc cũng dễ gây hiểu lầm cho người ngoài vì lấy tên bộ Kèn, nhưng thực ra có cả sáo lẫn kèn (mà người ngoại đạo như tôi hay được giới thiệu bộ này là bộ Hơi).

Nói về hai chữ Kèn Gõ, có lẽ gọi đây là một buổi hòa nhạc xen với những kiến thức giáo dục cộng đồng thì đúng hơn. Chỉ huy dàn nhạc đã tranh thủ những lúc nghỉ để giới thiệu về các loại nhạc cụ, độ hiếm của chúng ra sao, nghe như thế nào. Hiếm ở đây là số người học bộ này ở Việt Nam rất hiếm, có loại chỉ có duy nhất một người học. Trong một nỗ lực xóa mù kiến thức thì đây là phần gây kích thích và hấp dẫn nhất đêm nhạc, rất được khán giả hào hứng và ủng hộ.

Khán giả cũng được giới thiệu đầy đủ những âm thanh riêng biệt của trống định âm, kèn trombone, french horn (kèn cor), oboe (kèn ô boa), sáo, v.v…. Nếu phần này kéo dài hơn, hoặc/và có tờ chương trình kèm những thông tin giới thiệu nhạc cụ hay đoạn đặc biệt trong nhạc phổ thì chắc hiệu ứng sẽ tốt hơn nữa.

Thành viên nhỏ tuổi nhất của đêm Kèn Gõ là Quách Duy Khôi (kèn saxophone, ngồi giữa), năm nay 13 tuổi, học tại trường Nguyễn Du. Bên cạnh là cha em, nghệ sĩ kèn saxophone Quách Tiến Dũng, hiện là giảng viên saxophone tại Nhạc viện Thành phố.

Tựu chung đây là một chương trình rất tốt với nhiều điều thú vị. Các nhạc phẩm đều của Disney nên dễ nghe, và cũng vì phần lớn mọi người đều đã được/bị nghe trước kia rồi nên càng dễ nắm bắt giai điệu lẫn cảm xúc. Để ý có thể thấy một số nhạc cụ trong đêm nhạc là đi thuê. Bạn tôi từng chỉ tôi một mẹo là “nhạc cụ nào nhìn cũ kỹ không bóng bẩy thì 90% là hàng thuê”.

Điều tồi tệ nhất xảy đến với tôi trong chương trình này là sự ồn ào của người xem, cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Bình thường đi xem phim hay đi nghe chương trình trong nhà hát vẫn phải có người có nhắc nhở nhiều và liên tục về việc giữ im lặng mà vẫn có người làm ồn, thì một chương trình tự phát mang tính thử nghiệm thế này càng khó tránh khỏi ồn. Có điều những tiếng nói chuyện đùa giỡn của người nghe diễn ra liên tục với cường độ âm thanh của bàn nhậu gây khó chịu kinh khủng. Đã có nhiều bạn bè tôi phàn nàn về không gian ồn ào ở phòng trà ca nhạc, nhưng thú thật sự ồn ào ở các phòng trà chất lượng cao vẫn tốt gấp 10 lần ở đây (hoặc do tôi xui ngồi đúng chỗ bị ồn chứ chỗ khác không ồn?).

Dù đã nhắc nhở, cuối cùng tôi vẫn phải nghe trọn những tiếng vòi vĩnh í éo của trẻ con, tiếng chúng cầm đồ vật đánh nhau, cuộc điện thoại của người ngồi trước, giọng oanh vàng của những ca sĩ nghiệp dư, và sau hai tiếng chương trình thì tôi biết được trọn vẹn về sở thích, mối quan tâm, địa điểm ăn uống, mối quan hệ với chỉ huy dàn nhạc, thậm chí biết cả về những người bạn vắng mặt và một cuộc tranh cãi về việc shopping của những người ngồi sau tôi. Những người gửi gắm thông tin ấy có lòng tốt như sợ tôi không nghe rõ nên đã phải nói lớn hơn cả tiếng nhạc, dù tôi đã ngồi hàng ghế gần sát dàn nhạc nhất.

Nếu hỏi tôi có tham gia một đêm nhạc thế này lần nữa không, câu trả lời là có. Và tôi cũng khuyến khích mọi người cứ nên đi, nhưng với sự cân nhắc và tinh thần sẵn sàng chịu đựng những tác nhân không đáng có xảy ra trong chương trình. Tôi đã có phản ánh lại lên nhóm và được đảm bảo tình hình sẽ cải thiện trong lần tới.

Mời các bạn xem thêm một số hình ảnh và câu chuyện kèm theo:

Chỉ huy, founder của nhóm Saigon Winds – Thiên Ân, chuyên kèn trumpet. Tôi đã có buổi nói chuyện khá thú vị với Ân và được nghe Ân diễn tả lại một số kỹ thuật kèn rất hấp dẫn. Nguyện vọng của Ân khi thực hiện là muốn mọi người đừng quên vẻ đẹp của bộ Kèn Gõ và sự quan trọng của nó trong dàn nhạc, cũng như tạo sân chơi đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh cho những bạn trẻ thích bộ môn này. Toàn bộ các bản phối trong đêm nhạc đều là cây nhà lá vườn.

Sỹ Đức, cây oboe (ô-boa) duy nhất trong dàn. Đức chia sẻ từng là học viên duy nhất của Nhạc viện Thành phố, nên tay oboe này thực sự là “của hiếm”. Kèn oboe có âm thanh du dương, sáng như tiếng hát, pha chút giọng mũi. Do đặc tính khó/ít bị biến đổi cao độ nhất (theo hãng Yamaha giải thích) nên kèn oboe được sử dụng làm âm mẫu cho các nhạc cụ khác trong dàn nhạc để điều chỉnh theo. Đức cũng cho biết kèn oboe học khá khó và cũng rất khó sửa, nhất là khi có quá ít người chơi oboe tại Việt Nam.

Jung Dong Gue và A Ngang, chơi kèn bassoon (kèn pha-gốt). A Ngang là một trường hợp rất đặc biệt. Là người đồng bào Jơ Lơng, A Ngang cho biết khi còn học cấp 3 đã rất mê âm nhạc và từng tự học chơi đàn guitar. Đam mê âm nhạc khiến cậu lặn lội từ Kon Tum xuống thành phố để học nhạc. Cậu cũng là học viên duy nhất khoa kèn bassoon tại Nhạc viện Thành Phố. Nhạc viện Hà Nội hiện cũng chỉ có hai sinh viên theo học, biến nhạc cụ này thành nhạc cụ rất hiếm ở Việt Nam. Cậu vừa mới tốt nghiệp và cho biết chưa đủ tiền mua cho mình một cây kèn riêng nên đêm diễn phải đi thuê kèn.
Jung Dong Gue thì 18 tuổi, vừa tốt nghiệp cấp 3 tại trường quốc tế. Cậu vô tình biết đến kèn pha gốt và đặc biệt hào hứng với thanh âm của nó. Pha gốt là kèn thuộc bè trầm, khả năng biểu cảm cao, độ ngân rung ấm áp, mang chất kịch tính và còn diễn hoạt sự châm biếm. Ai đi nghe nhạc thì sẽ để ý thấy kèn pha gốt ngay vì hình dáng độc đáo, nhìn xa nom như một cái ống gỗ nổi lên giữa dàn nhạc.

Ý kiến - Thảo luận

16:58 Wednesday,7.12.2022 Đăng bởi:  An
Nghe thú vị quá. Việc ồn thì có một thứ gì đó rất là tệ trong văn hoá thưởng thức. Những người đến các buổi thế này thường đã là những người có văn hoá cao rồi, nhưng họ vẫn coi thường người biểu diễn và các khán  giả khác mà mặc nhiên làm phiền, quấy nhiễu: mang trẻ con đến không quản, không có ý thức tắt âm đt, âm lượng nói chuyện vv... Các buổi t
...xem tiếp
16:58 Wednesday,7.12.2022 Đăng bởi:  An
Nghe thú vị quá. Việc ồn thì có một thứ gì đó rất là tệ trong văn hoá thưởng thức. Những người đến các buổi thế này thường đã là những người có văn hoá cao rồi, nhưng họ vẫn coi thường người biểu diễn và các khán  giả khác mà mặc nhiên làm phiền, quấy nhiễu: mang trẻ con đến không quản, không có ý thức tắt âm đt, âm lượng nói chuyện vv... Các buổi tổ chức nghiệp dư thì hay cả nể, không nhắc nhở khán giả triệt để, thành ra rất là bực. Tôi đi nghe nhạc ở Nhà hát lớn với các buổi nhạc nghiệp dư để ủng hộ các bạn nhỏ mà cũng có không ít lần chịu đựng tình huống đó... 
9:30 Thursday,18.8.2022 Đăng bởi:  Đào Đức
Giá có một đêm kiểu này tại Nhạc viện Hà Nội.
...xem tiếp
9:30 Thursday,18.8.2022 Đăng bởi:  Đào Đức
Giá có một đêm kiểu này tại Nhạc viện Hà Nội. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói qua một tí về múa vậy

Nghệ sĩ Trần Lương

Vĩ thanh cùng Bolero

Người xem Sài Gòn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả