Bàn luận

Nói qua một tí về múa vậy 21. 06. 10 - 4:02 pm

Nghệ sĩ Trần Lương

(SOI: Nhân bạn Lê Hà đề nghịkhông nên tranh luận về khái niệm nữa, mà vào các trường hợp cụ thể, và ở đây là vở “Có thể là mãi mãi“, nghệ sĩ Trần Lương đã bớt thì giờ bận rộn của anh lại để nói qua một chút về múa. Bài viết này thực ra dài hơn, với 2 phần riêng biệt – phần sau “phê bình” Soi trong một việc khác, xin phép anh Trần Lương được tách riêng ra để dễ theo dõi và thảo luận. Cảm ơn anh vì đã trả lời bạn Lê Hà.)

*

Múa đương đại đã trở nên phổ biến ở các nước tiên tiến từ khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau quá trình phát triển đã hơn 50 năm qua.

Về cơ bản, múa đương đại có quan niệm thẩm mỹ khác nhiều so với múa cổ điển, cụ thể không còn dựa trên những quy chuẩn hàn lâm của múa cổ điển (kể cả múa hiện đại có thể là bước chuyển, là cầu nối sang múa đương đại, nhưng tuy vậy vẫn cơ bản nằm trong giai đọạn lí luận và sinh học của múa cổ điển).

Cho đến năm 2000, múa đương đại có thể phân ra thành một số dòng khác nhau như:
1/ kiểu drama: được cấu tứ và phát triển theo 1 câu chuyện -1 nội dung,
2/ kiểu cấu trúc: dàn dựng theo nhịp điệu thị giác, ánh sáng và âm thanh, trong đó phần nội dung, tính minh họa đã ẩn đi, không rõ ràng.
3/ kiểu đậm chất triết học được truyền cảm hứng từ quy luật tự nhiên và con người (như Butoh dance xuất phát từ Nhật Bản)
4/ kiểu tương tác (luôn trôi nổi, ứng biến với từng điều kiện môi trường và con người cụ thể- site specific- không tập trước, tác phẩm bắt đầu luôn từ 1 ý tưởng, 1 cảm xúc, 1 gợi ý, 1 trạng thái…
5/ và những kiểu khác (có thể trong đó múa không còn là phần trung tâm của tác phẩm, mà là 1 phần phối hợp với Video projection, sắp đặt, âm thanh, hoặc pha trộn trong tác phẩm nhạc kịch, hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật thị giác…)

Tôi tạm đặt mốc cho đến năm 2000. Vì từ sau đó, múa đương đại đã chuyển mình về lí thuyết và hình thức sang một bước mới nữa rồi! Với sự tác động của những tiến bộ dân chủ, xã hội và công nghệ của loài người ở những năm đầu thế kỷ 21, trong lúc dòng múa đương đại chính thống phải hoàn thiện nâng cao chất hàn lâm và đào sâu tìm tinh túy của mình, thì mặt bằng múa đương đại nói chung đã cho thấy những bế tắc, lặp lại và phần nào hữu hạn về ngôn ngữ.

Trong vở To Dance and Skylark của đoàn Richard Alston

Một cuộc đào thoát mới không chỉ ở múa đương đại nói riêng mà cả ngành sân khấu nói chung đã đẩy cửa đi ra khỏi không gian mặc định (cả nghĩa đen lẫn bóng), thay đổi cả những khái niệm, cấu trúc và quy ước cũ để trình diễn với không gian 360 độ, tương tác với bất kì nghệ thuật khác, bất kỳ tầng lớp công chúng khác nhau và bất kỳ môi trường khác nhau…

Ở trường hợp này thoạt tiên chúng ta sẽ khó nhận ra loại hình nghệ thuật cụ thể giữa performance art (nghệ thuật trình diễn), performing art (sân khấu), contemporary dance (múa đương đại), hay đơn giản là action art (nghệ thuật hành vi)
Bước phát triển này còn rất mới, nhưng đã xảy ra khá thường xuyên ở các trung tâm nghệ thuật phát triển.

Vậy có thể tạm để vở Có thể là mãi mãi là ở kiểu 1, còn vở ROAM ở kiểu 2…

Trong Maybe Forever

Khi đề cập đến múa đương đại hay cụ thể vở múa ROAM của đoàn Tom Dale, tôi nói rắc rối rồi đây là vì tham gia thảo luận sẽ rất mất thời gian (thật lòng là tôi rất bận, nhiều lúc cũng muốn tham gia các diễn đàn nhưng sợ nhúng chân vào là mắc kẹt…)
Để nói có đầu có đuôi thì có thể đôi khi là bất khả kháng (nhiều khả năng bế tắc vì điều kiện hạ tầng), còn nếu bỏ lửng thì không fair lắm!

Phải nhắc lại cho rõ là với một lịch sử phát triển gần đây như múa đương đại (nhất là ở Việt nam) thì việc hồn nhiên tiếp cận và thưởng thức là không dễ dàng tí nào nếu không có quá trình tích lũy kinh nghiệm cảm xúc, thông tin, để chạm nhẹ và cảm được ngôn ngữ của nó. Trực giác ĐÚNG hay không phụ thuộc vào kinh nghiệm, kiến thức và thời điểm (như tôi đã viết ở comment trước).

Về tác phẩm Có thể là mãi mãi, rất tiếc tôi không được xem trực tiếp, còn trên mạng cũng chỉ xem được 1 đoạn thôi. Nhưng với ngôn ngữ hình thể và hình thức nghệ thuật, có thể nói tác phẩm này (và cả Roam) là ở form “trước năm 2000” (theo cách tự phân kì của tôi) Nếu so sánh giữa 2 tác phẩm, tôi thích ngôn ngữ hình thể, cấu tứ nhịp điệu, tổng thể thẩm mỹ thị giác và sự tinh tế phản ánh nhịp thời đại của Roam hơn!

Roam

Tôi có cơ hội xem trực tiếp khá thường xuyên performing art và contemporary dance ở các trung tâm văn hóa lớn trên thế giới từ hơn 10 năm nay, phải nói thực lòng là tôi đã ngán phần “đại trà“ của múa đương đại (trong phần “trước năm 2000”) lắm rồi, cảm giác là sự bế tắc! Ngôn ngữ múa của Có thể là mãi mãi cũng thế, nó làm tôi ngấy!

Để làm cho hình ảnh múa đương đại sáng ra một chút, không thể chỉ bàn không như thế này, tôi mong các bạn nên tham dự các workshop chuyên ngành. Bằng thực hành sẽ khai thông và lướt qua được hàng chục trang lí luận…

Trong tháng 7 này sẽ có chương trình workshop về múa đương đại hướng dẫn của Group 84 (gồm thực hành và tọa đàm) thời gian bắt đầu từ 30. 6 đến 29. 7. 2010, nhóm múa sẽ làm việc các buổi chiều thứ 2, 3, 4, 5. Tối Thứ Năm hàng tuần từ 7:30 đến 8:30pm sẽ có biểu diễn và giao lưu. Địa điểm: L’Espace trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội.    

TL

*

Bài liên quan: 

Đương đại quá! Quá đương đại đi!
Chỉ còn mệt mỏi là mãi mãi?
Tức quá, người ta cứ nghĩ là SOI giỏi
Nói qua một tí về múa vậy 
Ôi sao không ai nói gì về múa?
– Bao giờ là mãi mãi
Rồi bạn sẽ yêu như tôi yêu

Ý kiến - Thảo luận

16:41 Monday,21.6.2010 Đăng bởi:  Lê Hà
Cảm ơn anh Trần Lương đã chia sẻ những thông tin rất wikipedia và nói thẳng cảm giác của mình trước vở Có thể là mãi mãi. Tuy vậy tôi vẫn còn thắc mắc vì sao vở này lại khiến anh cảm giác bế tắc và ngán ngẩm. Anh giải thích thêm nhé.
...xem tiếp
16:41 Monday,21.6.2010 Đăng bởi:  Lê Hà
Cảm ơn anh Trần Lương đã chia sẻ những thông tin rất wikipedia và nói thẳng cảm giác của mình trước vở Có thể là mãi mãi. Tuy vậy tôi vẫn còn thắc mắc vì sao vở này lại khiến anh cảm giác bế tắc và ngán ngẩm. Anh giải thích thêm nhé. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả