Ăn uống

Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?04. 12. 14 - 10:59 pm

Đặng Thái
(Hình ảnh trong bài sưu tập từ nhiều nguồn trên mạng)

Nước Việt Nam nằm trên một bán đảo mà người phương Tây gọi là Indochina. “Indo” là Ấn Độ, “China” là Trung Hoa, Indochina hay L’Indochine như người Pháp dùng, đều có thể hiểu là nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Suy một cách rộng hơn, bán đảo này là nơi chịu ảnh hưởng và giao thoa của hai nền văn minh rất lớn trong lịch sử loài người. Thế nhưng những yếu tố văn hóa có nguồn gốc Ấn Độ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta hoặc là không có, hoặc có mà không biết.

Trong phạm vi bài này ta chỉ bàn về một khía cạnh nhỏ của văn hóa, đó là ẩm thực. Những nguyên lý nấu nướng cũng như phương pháp chế biến của người Trung Quốc thể hiện trong việc ăn uống của dân ta thế nào đã rõ, ảnh hưởng nhiều đến mức cái gì cũng tưởng xuất xứ bên kia biên giới: chè tàu, mùi tàu, táo tàu, thịt kho tàu… Nhiều người Việt Nam có lẽ đã thử hết các loại yến sào vi cá, nhà hàng Pháp năm sao, nhưng chắc chắn chưa một lần ăn món Ấn Độ hay bước vào nhà hàng Ấn Độ.

Tác giả là một trong số rất ít người Á Đông làm việc một thời gian dài tại nhà hàng Ấn Độ và nhà hàng Sri Lanka, xin được đóng góp một hương vị mới mẻ cho bạn đọc trong tình hình “món Tây, đồ Tây everywhere” trên Soi.

Một số gia vị thường dùng trong ẩm thực Ấn Độ, mời các bạn thử đoán để tự kiểm tra kiến thức


1. Sự phổ biến của ẩm thực Ấn Độ trên thế giới

Ẩm thực Ấn Độ có vẻ xa lạ với chúng ta nhưng là thức ăn hàng ngày của hơn một tỉ năm trăm triệu người trên thế giới. Gọi là Ẩm thực Ấn Độ nhưng thực ra có thể coi là cả khu vực Nam Á nói chung, trong tiếng Phạn dùng từ Desi để chỉ những người sinh sống trên tiểu lục địa Ấn Độ. Ẩm thực của các nước Desi này tuy có khác biệt về chi tiết nhưng giống nhau về đại thể và dựa trên nguyên mẫu Ấn Độ. Vì vậy dưới con mắt người phương Tây thì ẩm thực Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal hay Ấn Độ đều là một, và quả thực đầu bếp có là người nước nào trong những nước kể trên thì họ cũng trưng biển Indian Cuisine cả.

25 triệu người Ấn Độ định cư ở nước ngoài (và hơn chục triệu người Nam Á khác) đã mang theo hương vị ẩm thực truyền thống của họ ra toàn thế giới. Vào thời Trung đại, các thương nhân người Ấn Độ đã lên đường buôn bán theo hướng Đông Nam rồi định cư và để lại ảnh hưởng sâu đậm trong văn hóa ăn uống của các nước Đông Nam Á (trừ Việt Nam). Đến thời Cận đại, khác với Hoa kiều tự thân ra đi tìm đường kiếm sống, sự phổ biến của ẩm thực Ấn Độ chủ yếu là do người Ấn theo chân người Anh đến tất cả các thuộc địa của Đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại – British Empire, trong đó bao gồm cả nước Anh.

Một anh người Punjabi (vùng Đông Bắc Ấn Độ với khăn quấn đầu đặc trưng) làm lái xe cho bà chủ người Pháp tại Đông Dương (Cảnh trong phim” Indochine” 1992 – phim thiết kế phục trang rất công phu). Rất nhiều người Ấn Độ đến Việt Nam vào cuối thế kỉ 19 từ thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ. Họ đi lính cho Pháp hoặc là nhà buôn, dân lao động hay thợ kim hoàn… rồi trở lại Ấn Độ sau năm 1975. Năm 1990, Ấn Độ mở cửa kinh tế, người Ấn lại ồ ạt ra nước ngoài làm việc, một số lượng lớn dân lao động nghèo đi xuất khẩu lao động sang các nước nhiều dầu mỏ ở Trung Đông. Cùng thời điểm đó, kinh tế Việt Nam cũng chập chững bước ra thế giới và các nhà kinh doanh người Ấn Độ bắt đầu đến Việt Nam, dần hình thành một cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Món ăn đậm đà cùng cách sử dụng gia vị khác lạ đã nhanh chóng làm nhiều người mê mẩn và các nhà hàng Ấn Độ mọc lên như nấm. Ở các nước Phương Tây, đặc biệt là các nước nói tiếng Anh, người Ấn rất đông nên trong bán kính 1km có thể cùng tồn tại khoảng 10 nhà hàng Ấn Độ. Tuy nhiên cũng phải nói rõ rằng, những nhà hàng này buôn bán nhộn nhịp lại không phải do người Tây ăn là chính mà phục vụ dân Ấn Độ, Nam Á, Trung Đông là chủ yếu. Vì người Ấn Độ cực kỳ lười làm việc nhà, trong đó có nấu ăn, món Ấn Độ lại phải hầm thật nhừ, nhiều gia vị rắc rối, bánh mì phải nướng, nên ra nhà hàng mua vừa nhanh vừa ngon, ăn xong khỏi phải rửa bát.

Chicken Tikka Masala (Gà nướng nguyên miếng ăn kèm nước sốt màu cam). Năm 2001, trong một bài diễn thuyết về những sự đe dọa đến văn hóa Anh (mà sau này người ta gọi là bài diễn văn Chicken Tikka Masala), Ngoại trưởng Anh Robin Cook đã gọi món ăn này là một món quốc hồn quốc túy của nước Anh. Ông giải thích: “Chicken tikka là món gà nướng của Ấn Độ nhưng người ta đã nghĩ ra nước sốt Masala cũng với hương vị Ấn Độ để thỏa mãn nhu cầu của người Anh muốn ăn thịt kèm nước sốt. Điều đó thể hiện sự tiếp thu văn hóa ngoại lai của người Anh”. Sự thật là vậy vì theo một thống kê, món chicken tikka masala là món ăn xuất xứ nước ngoài được nấu nhiều thứ hai ở Anh (sau món xào kiểu… Tàu). Bài diễn văn đã gây rất nhiều tranh cãi vì người Anh luôn tự mãn với văn hóa bản địa, hiếm khi thừa nhận rằng mình hấp thụ văn hóa nước ngoài, họ áp đặt phong cách và lối sống Anh lên tất cả các thuộc địa bất kể vùng miền và lịch sử. Khác với người Pháp ở Annam nhanh chóng thích thú nghiên cứu văn hóa Việt Nam và dung hòa trong kiến trúc, người Anh đã khuất phục được Ấn Độ triệt để. Mấy nghìn năm văn hóa của Ấn Độ không thể từ bỏ, nhưng người Ấn luôn ngưỡng mộ, tôn sùng và sao chép kiểu cách Anh dù là giới thượng lưu hay bình dân.

Ngày nay, số lượng người Ấn Độ học nghề đầu bếp ở Tây tăng lên chóng mặt. Không giống như phần lớn dân Đông Á, khó khăn khổ sở nhập cư vào các nước phát triển phương Tây bằng những tấm bằng cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ rồi vẫn thất nghiệp, người Ấn Độ chọn nấu ăn, nhanh chóng có việc làm và nhập cư thuận lợi. Nhiều nhà hàng trông đậm chất châu Âu, bồi bàn da trắng nhưng trong bếp thì toàn bộ là… người Ấn Độ. Làn sóng lao động trí thức, du học sinh và lao động trá hình du học sinh người Ấn Độ đang ầm ầm tiến vào phương Tây (với số lượng nhiều thứ hai sau… các bạn cũng biết rồi) cùng với một số lượng lớn khách du lịch đến Ấn Độ khiến ẩm thực Ấn Độ phát triển hơn bao giờ hết.

Mặc dù vậy, người Ấn Độ vẫn bị ghét về cả thể chất và lối sống. Tính cách thì thường gian dối, bủn xỉn và không hòa đồng với những văn hóa khác. Mùi mồ hôi đặc trưng chua loét, nếu không thì mùi nước hoa đậm đặc và hắc nồng cùng mùi cà ri thoang thoảng trên quần áo. Những khu chung cư nhiều căn hộ một phòng ngủ bé tí tẹo mà có một nhà Ấn Độ nấu cà ri thì xác định là giống như dân Do Thái bị Đức Quốc Xã xịt hơi ngạt. Tuy nhiên người Tây ghét người Ấn không có nghĩa là họ ghét luôn ẩm thực Ấn Độ. Về mặt dinh dưỡng, so với ẩm thực Việt Nam thôi đã thấy rõ ràng rằng ẩm thực Ấn Độ không thực sự healthy (có lợi cho sức khỏe), nhưng thói đời là vậy “ngon, bổ, rẻ” khó mà đi cùng nhau. Món Trung Quốc béo ngấy nhiều dầu mỡ hay fastfood gây bệnh tim mạch lại là những món phổ biến trên toàn cầu. Vì vậy, ta tạm dừng nói xấu ở đây, tạm chấp nhận sự phủ sóng rộng rãi của ẩm thực Ấn Độ để cùng tìm hiểu về nó.

Một đầu bếp Ấn Độ trong gian bếp mở tại một khu mua sắm sang trọng. Tên quán là “Tandoor”, các nhà hàng Ấn Độ thường có cái tên này vì tandoor (tan-đu) là cái bếp lò truyền thống bằng đất nung, đốt củi ở dưới, nấu bằng hơi nóng và bức xạ nhiệt chứ không phải trực tiếp trên lửa. Còn giờ ở Tây, họ lịch sự bọc thép không gỉ bên ngoài cái chum đất cho sạch sẽ, cắm ga vào đun.


2. Những đặc điểm cơ bản của ẩm thực Ấn Độ

Ấn Độ là một đất nước rộng lớn, đông dân, lịch sử lâu dài và cực kỳ phức tạp. Độ rắc rối và phức tạp của Ấn Độ khó mà miêu tả được một cách dễ dàng, chỉ nêu qua một vài số liệu để bạn đọc hình dung: đất nước được chia thành 29 bang và 7 vùng lãnh thổ, mỗi bang có nhiều hơn một ngôn ngữ chính thức. Đây là nơi có số người theo các đạo Hindu, Sikh, Jain, Hỏa giáo và  Baha’i lớn nhất thế giới. Hiến pháp công nhận 212 dân tộc thiểu số và xã hội Hindu thì bị phân chia theo chế độ đẳng cấp. Một người Việt Nam không hiểu về đất nước mình thì đáng trách nhưng một người Ấn Độ thì có thể… thông cảm. Vì vậy trong bài, mình không thể đi sâu vào chi tiết cho các vùng miền của Ấn Độ mà nghiêng về ẩm thực miền Bắc Ấn Độ nhiều hơn, là loại ẩm thực phổ biến ở nước ngoài và có sự khác biệt so với ẩm thực Đông Nam Á. Nói một cách đơn giản, ẩm thực miền Nam Ấn Độ dùng ít bột mì hơn, ngọt hơn, nhiều sữa dừa hơn và cay hơn ở miền Bắc (giống bên ta).

a. Quê hương của gia vị

Điều đặc trưng nhất của ẩm thực Ấn Độ là cách sử dụng gia vị trong nấu ăn. Hàng chục loại gia vị khác nhau được sử dụng để tạo kích thích mạnh mẽ về cả thị giác, khứu giác và vị giác. Gia vị từ Ấn Độ đã trở thành món hàng xa xỉ ở phương Tây trong một thời gian dài và là một trong những động lực để phát triển thương mại giữa châu Âu và châu Á bên cạnh Ti trù chi lộ – Con đường tơ lụa giữa châu Âu và Trung Quốc (có lẽ lại phải thêm một bài nữa cho vụ gia vị này).

Một khay gia vị cơ bản của nhà hàng Ấn Độ (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới): bột tiểu đậu khấu (cardamom), bột nghệ (turmeric), muối trắng (salt), lá húng tây khô (basil), hạt mù tạt (black mustard seed), bột ớt cựa gà (paprika), ớt khô (chili pepper), hạt thì là Ai Cập (cumin), hạt điều (cashew nut), lá bạc hà khô (mint). Ngoài ra còn có tiêu đen, tiêu trắng, tiêu xanh, tiêu hồng, gừng, tỏi, quế, hồi, đinh hương, nhục đậu khấu, me, nghệ tây, lá cà ri, hạt rau mùi, các loại không dịch được ra tiếng Việt như asafoetida, bay, fenugreek, ajwain, vân vân và vân vân.

Hiện nay, Ấn Độ là nước sản xuất gia vị hàng đầu thế giới. Những gia vị này đã được sử dụng ở Nam Á từ thời cổ đại, còn phương Tây mới được biết đến từ thời Trung Cổ và tiếp tục sử dụng cho đến ngày nay. Người Ấn Độ có thói quen phơi khô các gia vị rồi nghiền thành bột để bảo quản được lâu. Họ trộn nhiều loại khác nhau thành các gia vị hỗn hợp gọi là Masala. Có nhiều loại masala phổ biến được đóng gói và xuất khẩu như garam masala hay chaat masala. Bột cà ri (curry powder) cũng chính là một gia vị tổng hợp như thế, để tiện lợi trong sử dụng và một người có thể tự nấu cà ri ngon mà không cần mua tất cả các loại gia vị khác.

b. Nền văn hóa bơ sữa

Khác với Việt Nam, Ấn Độ có truyền thống sử dụng rộng rãi sản phẩm bơ sữa từ lâu đời. Người Aryan đến Ấn Độ vào khoảng những năm 1500 đến 1000 trước Công Nguyên đã có thói quen uống sữa và dùng các món ăn chế biến từ sữa như sữa chua và ghee.

Ghee được xếp vào loại clarified butter (bơ được nấu chảy, đun cạn nước và tách phần chất rắn, chỉ lấy phần chất béo ở dạng lỏng, ghee có khác một chút là chỉ cho nước bốc hơi hết, vẫn giữ phần chất rắn nên hơi sền sệt). Ghee cổ truyền luôn được làm từ sữa bò và được coi là linh thiêng (vì lấy từ con bò – con vật thiêng được thờ phụng trong đạo Hindu), dùng trong các nghi lễ tế thần. Ghee được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Ấn Độ từ phết lên bánh mì cho đến trộn với cơm. Loại bơ này cũng được dùng thay dầu rán ở nhiều địa phương vì độ nóng của nó có thể đạt đến 250°C, cao hơn hẳn các loại dầu thực vật thường chỉ khoảng 200°C.

Sản lượng sữa trâu và sữa dê của Ấn Độ đứng hàng đầu thế giới.  Sữa trâu nhiều axít béo và đạm. Sữa dê có thành phần giống với sữa mẹ nhiều hơn so với sữa bò, hàm lượng chất béo thấp nên rất bổ dưỡng (thực ra sữa bò phổ biến ở phương Tây, phần còn lại của thế giới dùng sữa dê). Pho mát làm từ sữa dê (tiếng Pháp: chèvre) là một trong những chế phẩm từ sữa sớm nhất trong lịch sử.  Sữa và sữa chua có vô vàn biến thể, đơn giản là lassi (mặn thì pha với muối, cumin, ngọt thì trộn hoa quả xay nhuyễn, thường là xoài, pha thêm ít nước, đường, thành đồ uống giải khát) hay raita (sữa chua trộn cùng dưa chuột, cà rốt bào nhỏ, đường, gia vị) ăn kèm cơm, chua dịu dễ ăn và tốt cho tiêu hóa. Nhờ sử dụng các sản phẩm từ sữa mà đồ tráng miệng của Ấn Độ rất đa dạng.

c. Ảnh hưởng của tôn giáo lên ẩm thực

Ấn Độ là một đất nước rất sùng đạo từ quan chí dân. Là nơi khởi nguồn của bốn tôn giáo lớn, những triết lý và tư tưởng của các tôn giáo này ảnh hưởng sâu nặng lên thói quen ăn uống của người dân.

Mahatma Gandhi dùng bữa tại nơi ở ẩn sau khi được thả khỏi nhà tù Anh (Ảnh: Topical Press Agency/Getty Images). Ông là một trong những người ăn chay nổi tiếng nhất. Gandhi là một người theo đạo Hindu nhưng chịu ảnh hưởng của đạo Jain. Ông ăn chay trường vì mục đích tôn giáo, tâm linh, sức khỏe và cả chính trị: biểu hiện của hình thức cách mạng bất bạo động. Ông thường nhịn ăn cho đến khi nào yêu cầu chính trị của mình được đáp ứng. Ngoài việc tự dệt lấy trang phục của chính mình, ông cũng có phần lập dị trong cách ăn uống khi chỉ ăn hoa quả thay cơm trong 5 năm hay có thú nuôi là một con dê luôn mang bên mình để có sữa tươi uống (khi đã lớn tuổi, thường ốm nặng, bác sĩ và vợ ông đã khuyên ông uống sữa dê để đảm bảo sức khỏe, là ngoại lệ duy nhất trong việc ăn chay của Gandhi).

Ăn chay là phương pháp dinh dưỡng xuất hiện ở Ấn Độ và Hy Lạp cổ đại với mục đích thanh lọc tinh thần. Tuy nhiên sau khi châu Âu theo đạo Thiên Chúa, thói quen này đã bị từ bỏ, còn ở Ấn Độ thì tiếp tục được duy trì và phát triển.  Nguồn gốc của ăn chay xuất phát từ khái niệm ahimsa (bất hại) của đạo Jain, một tôn giáo cổ xưa mà Thích-ca Mâu-ni dựa trên những tư tưởng của nó để sáng tạo ra đạo Phật. Những người theo đạo Jain quan điểm không sát sinh dù trực tiếp hay gián tiếp để tránh tạo karma (nghiệp chướng), vì vậy không chỉ ăn chay (không ăn hành, tỏi) họ còn kiêng kị đến mức tuyệt đối: không ăn cả các loại củ vì khi nhổ lên sẽ làm chết những vi sinh vật sống nhờ vào rễ những cây đó, động vật chết tự nhiên cũng không ăn vì làm phương hại đến những vi sinh vật phân hủy cái xác, mật ong, trứng sữa đương nhiên sẽ bị cấm.

Xu hướng ăn chay ngày càng phát triển ở Ấn Độ vì nhiều lí do: sùng bái niềm tin tâm linh, những chứng minh khoa học là nó cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và vì… thịt lên giá. Vì vậy từ năm 2006, việc dán nhãn đồ chay đã trở thành bắt buộc ở Ấn Độ: chấm tròn màu xanh là đồ chay, màu nâu là không chay. McDonald’s đã phải chiều dân Ấn Độ bằng cách mở cửa hàng chay 100% đầu tiên trên thế giới và đưa thêm nhiều món chay vào thực đơn fastfood.

Đạo Hindu không bắt buộc nhưng khuyến khích tín đồ ăn chay nên nhiều người Ấn Độ tránh ăn thịt. Con bò là loài vật linh thiêng trong đạo Hindu nên chỉ ở Ấn Độ mới thấy bò hoang chạy đầy đường, thịt bò thì người theo đạo Hindu không ăn. Tuy nhiên những người theo đạo Hindu ở Nepal, phần vì nghèo đói, phần vì thói quen lâu đời nên vẫn có ăn thịt trâu, thịt bò; tranh cãi, chửi bới mãi rồi cũng thôi. Năm 1966, nhiều người Hindu biểu tình đòi Quốc hội ban hành luật cấm giết mổ bò nhưng thủ tướng Indira Gandhi không thông qua nên đã xảy ra bạo động, người biểu tình tấn công Tòa nhà Quốc hội, đốt cháy nhà riêng Chủ tịch Quốc hội. Lệnh giới nghiêm được ban bố và Bộ trưởng Bộ Nội Vụ phải từ chức vì không giữ được an ninh trật tự tại thủ đô. Không cấm được vì người Hồi giáo vẫn ăn thịt bò, và họ coi việc cấm ăn thịt bò là sự đàn áp của người Hindu (các cụ nói miếng ăn là miếng nhục cấm có sai, vì mấy con vật mà chém giết nhau suốt cả nghìn năm chưa chán).

Thực đơn trong tiệc chiêu đãi của Tổng thống Mỹ Barrack Obama với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tại Nhà Trắng. Lần đầu tiên trong lịch sử, khách mời từ chối dùng bữa và đơn giản là xin một cốc nước lọc rồi ngồi nhìn mọi người ăn. Ông Modi thăm chính thức Hoa Kỳ trong thời gian nhịn ăn chín ngày của đạo Hindu. Thế mới biết niềm tin tôn giáo mạnh mẽ thế nào, chả phải kiêng nể ai, cũng chẳng sợ mất quốc thể (dù cũng có mấy đứa lên twitter nói Thủ tướng làm bộ làm tịch, ông Modi giải thích là đều đặn năm nào ông cũng nhịn thế, có sang Mỹ cũng vậy thôi).

Thịt lợn thì người theo đạo Hồi không được ăn, nuôi lợn lại tốn kém hơn những loài ăn cỏ, phần đông người Hindu ăn chay, nên thịt lợn cũng không phổ biến ở Ấn Độ. Người theo đạo Sikh được ăn cả hai loại thịt trên nhưng vì người Ấn Độ ít ăn nên họ cũng không quen, không thích và không biết nấu. Vì vậy, ở Ấn Độ, thịt cừu, thịt dê, thịt gà, thủy sản là những thực phẩm chủ yếu.

d. Ảnh hưởng từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong

Dù có lịch sử rất dài và tính chất đặc thù rõ ràng, ẩm thực Ấn Độ không thể tránh khỏi những ảnh hưởng đến từ các nền văn hóa khác. Thời Cổ đại, người Aryan đến từ Tây Á mang nhiều ảnh hưởng đến ẩm thực Ấn Độ thông qua cách chế biến những đồ lên men như bánh mì, sữa chua, pho mát, bơ, một số gia vị như nghệ tây (saffron) và cumin. Người Hồi giáo gốc Mông Cổ (Mughal) đến Ấn Độ vào thế kỉ 11, xâm lược và thống nhất đất nước vào thế kỉ 14 đã đem văn hóa Trung Á cùng cách nấu nướng của họ vào đây và để lại dấu ấn rõ rệt trong ẩm thực miền Bắc. Đế quốc Ba Tư (Iran ngày nay) buôn bán với Ấn Độ và đã giới thiệu rất nhiều ngoại nguyên liệu mới như nước hoa hồng, hạt cười (pistachio), nho khô và hạnh nhân. Cuối cùng và rất quan trọng là ảnh hưởng của phương Tây, người Bồ Đào Nha và người Anh đã đem ớt, khoai tây, cà chua, súp lơ vào Ấn Độ, làm thay đổi diện mạo rất nhiều món ăn mà ta nhìn thấy ngày nay. Trà có nguồn gốc Trung Quốc, thông qua người Anh cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa Ấn Độ.

Samosa – một loại bánh chiên. Nhân bên trong nhồi khoai tây nghiền, đậu Hà Lan, gia vị. Ớt và khoai tây, hai nguyên liệu quan trọng của ẩm thực Ấn Độ được người Bồ Đào Nha mang đến. Họ là những người phương Tây đầu tiên tìm ra đường biển sang Ấn Độ và cũng là những người phương Tây cuối cùng rời Ấn Độ. Goa – bang có diện tích nhỏ nhất Ấn Độ – là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong hơn 450 năm cho đến khi quân đội Ấn Độ giải phóng vào năm 1961. Đây là nơi duy nhất ở Ấn Độ mà thịt lợn được ăn rộng rãi và có món cà ri thịt heo. Samosa ở Goa vì thế cũng khác, nhân thịt và có rất nhiều món được làm tương tự ở các thuộc địa của Bồ Đào Nha (Châu Phi và Brazil). “Vindaloo” là tên một món cà ri thực ra xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha là món nấu bằng rượu và tỏi, nhiều người Ấn Độ cũng không biết tưởng tiếng Hindi, vì “aloo” tiếng Hindi nghĩa là khoai tây.

Ảnh hưởng của cà ri (curry) thì quả là rộng khắp. Ẩm thực của tất cả các nước Đông Nam Á đều có cà ri là món chính. Cùng với những người di cư sang phương Tây (không chỉ người Ấn Độ), cà ri có mặt tại tất cả mọi đất nước trên thế giới, sánh vai cùng pizza của Ý.  Cà ri đã trở thành món ăn thường ngày tại rất nhiều nước, trong đó có cả những nước ẩm thực truyền thống cực kỳ phát triển như Nhật Bản.

Hình ảnh đặc trưng của cà ri Nhật Bản (Japanese curry) ăn kèm cơm. Người Anh giới thiệu cà ri sang Nhật Bản dưới thời Minh Trị và người Nhật nhanh chóng phổ biến, điều chỉnh cho hợp khẩu vị. Qua nhiều thế hệ, hương vị cà ri Nhật ngày nay rất đặc trưng, khác lạ, ngay cả người Ấn Độ cũng thích ăn. Bột cà ri Nhật bán trong các siêu thị trên toàn quốc và xuất khẩu ra khắp thế giới.

(Còn tiếp)

 

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

10:31 Thursday,24.10.2019 Đăng bởi:  Quân
Hình như ở Ấn chỉ có mấy bang miền Nam mới ăn bốc tay thì phải, mấy ông này nhìn cũng nhỏ, rất đen, còn miền Bắc thì trắng và cao to, ngọai hình nổi trội hơn rất nhiều( mà hình như đa phần là dân Hồi giáo).
...xem tiếp
10:31 Thursday,24.10.2019 Đăng bởi:  Quân
Hình như ở Ấn chỉ có mấy bang miền Nam mới ăn bốc tay thì phải, mấy ông này nhìn cũng nhỏ, rất đen, còn miền Bắc thì trắng và cao to, ngọai hình nổi trội hơn rất nhiều( mà hình như đa phần là dân Hồi giáo). 
0:44 Sunday,8.10.2017 Đăng bởi:  Kim Châu
Mình đọc chuỗi 4 bài về ẩm thực Ấn và cảm thấy rất thú vị :) mình là người ăn chay và thích tìm tòi nấu nướng nên bài viết của tác giả đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho mình. Yêu ẩm thực Ấn và muốn trải nghiệm quá :) cảm ơn người viết bài
...xem tiếp
0:44 Sunday,8.10.2017 Đăng bởi:  Kim Châu
Mình đọc chuỗi 4 bài về ẩm thực Ấn và cảm thấy rất thú vị :) mình là người ăn chay và thích tìm tòi nấu nướng nên bài viết của tác giả đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho mình. Yêu ẩm thực Ấn và muốn trải nghiệm quá :) cảm ơn người viết bài 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tâm vận động theo bút

Phan Cẩm Thượng

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp