Chiêm tinh

Bộ ba quyền lực trong Tarot: Nữ Hoàng, Hoàng Đế, Thầy Tư Tế01. 01. 14 - 7:08 am

Kay Nguyễn

Tiếp theo bài 1bài 2

Nếu ở bài trước, chúng ta đã được tiếp xúc với 3 lá đầu tiên của bài Tarot, chỉ cái tôi đang muốn vượt thoát (Thằng Khờ), cái ý thức hiện hữu và tiềm năng của hành động (Nhà Ảo Thuật), cái tiềm thức và tiềm năng của bất động (Nữ Tư Tế), thì hôm nay chuyến hành trình của Thằng Khờ sẽ đưa chúng ta đến gặp 3 vị quyền lực trong cuộc đời một con người: Cha, Mẹ, và Xã hội, qua ba lá tiếp theo trong bộ Đại Bí Mật của Tarot: lá Nữ Hoàng, lá Hoàng Đế, và lá Thầy Tư Tế.

Lá Nữ Hoàng

III: The Empress (Nữ Hoàng)

Nếu Nữ Tư Tế là về khía cạnh tâm linh, những góc khuất của tiềm thức, của giác quan thứ 6 trong hình tượng người phụ nữ, thì ngược lại, Nữ Hoàng là phần nhẹ nhàng, yêu chiều, gợi cảm hơn. Sự mắn đẻ, cảm xúc, và tính dục chính là những thứ thuộc về bản năng, không mang tính văn minh, học thuật. Nữ Hoàng làm chủ xúc cảm, hơn là làm chủ ý tưởng.

Thông thường, văn hóa phổ thông hay thể hiện hình tượng phụ nữ kiểu “nữ hoàng” theo một cách cực đoan: sáng nắng chiều mưa, hoàn toàn không có lý trí, nũng nịu như một con mèo nhưng cũng sẵn sàng hành hạ, thậm chí làm đàn ông sụp đổ. Nhưng trong Tarot, lá Nữ Hoàng tượng trưng cho một nhân sinh quan cao cấp và phức hợp hơn thế rất nhiều. Đó là cách tiếp cận cuộc sống và vũ trụ bằng năng lượng tự nhiên, thô tháp nhất, bản năng nhất, nhưng tràn trề sức sống nhất. Gọi là “cao cấp” vì nghĩ xem, nếu chúng ta không thể thụ cảm thế giới bằng chính ngũ quan của mình một cách đầy đủ viên mãn nhất, thì làm sao chúng ta có thể khái quát được thế giới, định nghĩa được thế giới?

Hãy tưởng tượng sau khi Thằng Khờ đi gặp Nhà Ảo Thuật (số 1) được học bài học về ý thức, về năng lượng sống động, rồi đi gặp Nữ Tư Tế (số 2) học được về những tiềm năng vô tận của tiềm thức, của năng lượng tĩnh, thì y bước vào quá trình sáng tạo khi gặp được số 3 (1+2=3) của lá Nữ Hoàng. Nhà khoa học Carl Sagan từng có giả định sự sống trái đất sinh ra từ một tia sấm sét trên trời đánh xuống biển sâu. Ở đây, từ sấm sét của Nhà Ảo Thuật đánh vào đại dương sâu thẳm của Nữ Tư Tế, làm nảy sinh sự phồn thực và sáng thế của Nữ Hoàng. Thằng Khờ đến đây đã gặp được hình tượng “mẹ”, hình tượng của sáng tạo, của vật chất đầu tiên sau khi y đã có ý thức và tiềm thức.

Thông thường các lá bài vẽ Nữ Hoàng luôn thể hiện một người phụ nữ gợi cảm, hiền lành, đứng giữa không gian sum suê hoa trái của Đất Mẹ, và có dấu chỉ của Venus, thần vệ nữ, sao Kim. Lá Nữ Hoàng có các từ khóa: tình mẫu tử, sự đầy đủ, viên mãn, hoạt động của cảm giác, ngũ quan, và chỉ thiên nhiên. Lá này còn chỉ thời gian là ngày Thứ Sáu trong tuần.

Lá Nữ Hoàng trong bộ Tarot “vỡ lòng” Rider-Waite có hình người phụ nữ ngồi giữa cánh đồng có hoa quả sum suê, cái khiên có dấu hiệu Venus đặt kế bên. Áo bà mặc có vẽ những quả lựu tượng trưng cho sự sai quả, mắn đẻ và phồn thực.

 

Lá Nữ Hoàng trong bộ Thoth của Alester Crowley có hệ thống biểu tượng phức tạp hơn, với hoa sen của phương Đông tượng trưng cho sự thanh khiết, cái áo có dấu hiệu hoàng gia và đai thắt có 12 cung hoàng đạo, con chim bồ nông và đàn con tượng trưng cho đức hy sinh, và cái khiên có hai con chim ưng tượng trưng cho muối và sulphur, hai trong ba chất để luyện thuật giả kim.


IV: The Emperor (Hoàng Đế)

Thằng Khờ đã gặp “mẹ” ở lá số 3 – Nữ Hoàng, thì sẽ bắt đầu gặp “cha” ở lá số 4, lá Hoàng Đế. Đây là lúc sự sáng tạo, các giác quan không còn mênh mang, vô định, mà đã đi vào tính kỷ luật, khuôn khổ của hình vuông 4 cạnh, của xã hội.

Tưởng tượng “mẹ” luôn nuông chiều, luôn cho đi, luôn khuyến khích, luôn tạo dựng và vun đắp, thì “cha” sẽ là người hướng dẫn con cái tính kỷ luật, các quy ước của xã hội, cái văn minh, cái thu vén, cái lễ nghĩa, cái hành xử đang được xã hội trông đợi giữa người với người. Nếu Thằng Khờ học được bài học hòa mình, bài học thụ cảm bằng giác quan, bài học bộc trực bản năng ở mẹ, thì sẽ bắt đầu học được ở cha, rằng sự duy trì và phát triển của cộng đồng người không thể mãi dựa vào năng lượng sống hoang dã, mà còn phải dựa vào luật lề, đạo đức, quy ước của xã hội đặt ra cho cộng đồng người đó.

Các lá bài vẽ Hoàng Đế luôn luôn thể hiện sự kỷ luật, khuôn khổ đó, bằng hình ảnh một Hoàng Đế, đứng đầu một cộng đồng người, với những dấu chỉ của quyền lực và sự phục tùng. Lá Hoàng Đế cũng là lá bài tarot đầu tiên chỉ cung hoàng đạo: cung Bạch Dương, tượng trưng cho mùa xuân, sự khởi đầu, năng lượng sống đi theo thứ tự cung hoàng đạo. Nên nhớ các lá trước đều chỉ các hành tinh: Nhà Ảo Thuật tượng trưng cho sao Thủy (Mercury), lá Nữ Tư Tế tượng trưng cho Mặt Trăng, lá Nữ Hoàng tượng trưng cho Sao Kim (Venus).

Bốc được lá Hoàng Đế là phải nhớ đến: Tình phụ tử. Hệ thống. Thẩm quyền. Luật lệ.

Lá Hoàng Đế của bộ bài “vỡ lòng” Rider-Waite có hình hoàng đế mặc áo giáp nghiêm nghị ngồi, màu đỏ của cung hoàng đạo Bạch Dương lan tỏa.

 

Hoàng Đế của Thoth thì mềm mại hơn, với kiểu bắt chéo chân chữ T tượng trưng cho quyền lực, sự cân bằng, áo có dấu hiệu con ong và hoa lily giống Nữ Hoàng để tượng trưng cho vương quyền, cái khiên có nguyên tố lửa, và con dê tượng trưng cho cung hoàng đạo Bạch Dương.

V: The Hierophant (Thầy Tư Tế)

Ngày nay, những con người hiện đại của chúng ta gặp khá nhiều khó khăn để có thể thụ cảm đầy đủ ý nghĩa của cụm từ “thầy tư tế”, chính bởi vì như triết gia Nietzsche đã tuyên bố vào cuối thế kỷ 19: “Thượng đế đã chết”. Thế thì còn đâu chỗ dành cho “thầy tư tế”, những thầy thông ngôn của Thượng Đế đối với loài người? Như vậy, cùng với sự thoái trào của tôn giáo và niềm tin tâm linh, nhường chỗ cho khoa học kỹ thuật, xác suất thống kê, thì chúng ta vô tình lại đánh mất một cột trụ quan trọng trong việc phát triển toàn diện của một con người thời cũ: tâm linh.

Thằng Khờ đã được gặp “mẹ”, gặp “cha”, được nuôi dưỡng và định hướng từ trong gia đình, thì khi đi ra ngoài xã hội, nó sẽ gặp “thầy tư tế”, sẽ được gặp hệ thống giáo dục đạo đức và tâm linh một lần nữa, cao hơn và bổ trợ cho hệ thống của “cha”, và mang tính truyền thống, tính cộng đồng cao hơn sự giáo dục của “cha” trong gia đình.

Thầy Tư Tế tượng trưng cho cung hoàng đạo Kim Ngưu, chủ về sự bảo thủ, sự tuân thủ, hệ thống niềm tin, hệ thống giáo dục, và danh tính, truyền thống của cả một cộng đồng.

Là nguyên tố đất, bốc được Thầy Tư Tế là phải nghĩ tới cái gì đó tĩnh tại, cứng nhắc, và bảo thủ, để duy trì cả một xã hội đang rùng rùng tiến tới nhưng không để chúng tiến đến khủng hoảng vì mất gốc rễ, mất niềm tin.

Thầy Tư Tế của Rider Waite nhìn có vẻ phán dạy, có hơi hướng Thiên Chúa Giáo với dấu hiệu thập giá, với hai đồ đệ theo hầu.

 

Ngược lại, Thầy Tư Tế của Thoth lại có màu sắc văn minh Hi-La, thậm chí Ai Cập (hình ảnh thần Isis nhỏ ở bên dưới và thần Horus ở ngay giữa ngôi sao), và 4 biểu tượng: con bò (sự kiên định), con sư tử (sức mạnh), con chim ưng (sự khôn ngoan), và con người (sự nhân văn)

Ý kiến - Thảo luận

2:56 Friday,3.1.2014 Đăng bởi:  Dustin Hoang

Xin tác giả viêt nhiều bài. Chứ đợi vài tuần mới có 1 bài, đói quá. Ngày nào cũng vào xem. Cám ơn.


...xem tiếp
2:56 Friday,3.1.2014 Đăng bởi:  Dustin Hoang

Xin tác giả viêt nhiều bài. Chứ đợi vài tuần mới có 1 bài, đói quá. Ngày nào cũng vào xem. Cám ơn.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp