|
|
|
|||||||||||||
Điện ảnhVivian Maier: khi người đời có mắt như mù, bỏ sót cô giữ trẻ08. 08. 14 - 12:32 pmHoàng Lan st và dịchBảy năm trước, nhà môi giới địa ốc trẻ tuổi sống ở Chicago tên John Maloof có trong tay một vật phi thường. Chả là anh vừa tham dự một buổi đấu giá, rồi tiện tay mua một cái hộp rẻ tiền, bên trong hộp đựng nhiều phim âm bản. Chiếc hộp là tài sản của người phụ nữ nào đấy tên Vivian Maier; sau đó, Maloof đi lùng tìm Maier và lần ra kho lưu trữ bà bỏ tiền thuê, trong kho chất đầy phim âm bản, ảnh in, và các thứ linh tinh khác nữa. Sau khi chi một khoản tiền khiêm tốn, Maloof trở thành chủ nhân của kho tư liệu ảnh đường phố đồ sộ này; người chụp nên chúng – bà Vivian Maier – là một tài năng vô danh nhưng xuất sắc đến không ngờ, sánh ngang với những Henri Cartier-Bresson lẫn Diane Arbus. Hàng ngàn bức ảnh đẹp và quý về mặt tư liệu – chụp đường phố New York, Chicago, Pháp, Canada… từ những năm 1950s đến nay – chưa hề tham dự bất kỳ triển lãm nào cho đến khi nữ nhiếp ảnh gia Vivian Maier qua đời (2009.)
Sinh năm 1926 tại New York, nhưng thời bé Vivian Maier sống ở vùng núi Alps nước Pháp (cũng là quê mẹ bà;) khi lớn Maier quay về Mỹ, làm công nhân tại một xưởng may mặc, rồi chuyển sang nghề giữ trẻ. Một trong số những gia đình Vivian Maier trông trẻ cho là nhà Mathews (bà mẹ tên Linda, có ba con: Joe, Sarah và Clark.) Nhà Mathews biết rằng Vivian Maier hơi khác thường vì bà chụp rất nhiều ảnh. Họ thu xếp cho bà một phòng ngủ trên gác xép, Maier luôn khóa chặt phòng riêng, trong phòng chất đầy những hộp và nhiều xấp báo. Không một ai, từ nhà Mathews đến các gia đình Maier từng trông con giúp, nghĩ rằng thiên hạ sẽ vinh danh cô trông trẻ này như một nhiếp ảnh gia Mỹ chủ chốt của thế kỷ 20 sau khi Maier mất vào năm 2009. Vivian Maier để lại hơn 100,000 bức ảnh trong hàng trăm chiếc hộp đựng phim âm bản, một số đoạn phim quay tại nhà bằng máy Super 8, băng thâu âm, và một hòm chứa đầy vật kỉ niệm. Maier đem đấu giá một số thứ trên vào lúc khó khăn khi bà không thể tiếp tục trả tiền thuê kho lưu trữ. Người mua lại chúng chính là nhà môi giới địa ốc John Maloof. Ban đầu anh mua chúng rồi để chúng qua một xó; 2 năm sau, khi anh bắt đầu in các bức ảnh đường phố trắng đen – sở trường của Maier – để xem thử, anh bị chúng lôi cuốn ngay. Vivian Maier có chụp các bà các cô quý phái khi họ đi mua sắm, chụp những tòa nhà thắp đèn sáng choang, nhưng hầu hết những bức ảnh nhận nhiều lời khen ngợi – các tác phẩm hiện có giá hàng ngàn đô và đang nằm trên tường lắm gallery – là những bức gột tả thành phần bất lực sống bên lề xã hội: người Mỹ gốc Phi, trẻ con, người già và người nghèo.
Vivian Maier luôn đeo máy ảnh (một chiếc Rolleiflex,) và đặt nó ngang ngực khi chụp chứ không đưa lên mắt nhắm. Hành động này cho phép Maier nhìn trực tiếp vào đối tượng chụp. Nhiều bức ảnh đáng nhớ và để lại ấn tượng mạnh nhất của bà là những pô chụp người đang nhìn bà trực diện.
Thế thì khi nhân vật đáng chú ý đến như vậy – một người tự miêu tả mình bằng những cụm từ “ả đàn bà bí ẩn,” “giông giống điệp viên tình báo” – trông nom con nít, trẻ con sẽ có những trải nghiệm gì? Hai chị em Joe và Sarah của nhà Mathews chia sẻ những kí ức về Maier lúc bà chăm sóc họ, khi ấy Joe 6 tuổi và Sarah 9 tuổi. “Với tư cách của một người trưởng thành thì tôi phải nói rằng bà ấy là một người ôm nhiều gánh nặng, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”, Joe nói. “Bà rất kỳ quặc. Tôi lên (phòng bà) ở trên gác xép chắc chừng ba lần trong suốt khoảng thời gian bà trông nom tôi, bên trong toàn mấy chồng báo chất cao hơn cả tôi. Cứ như thể tôi đang đi qua một thung lũng giấy báo vậy.” Chị Sarah của Joe thì lại có nhiều kỉ niệm hơn từ những lần Maier dẫn họ cùng cậu em út Clark đi tản bộ trong thành phố sau giờ học. “Tôi là một đứa trẻ khá cô độc và chẳng có mấy bạn bè, nên tôi chẳng có chuyện gì khác để làm ngoài việc đi dạo với Viv”, Sarah nói. “Tôi thích mấy buổi đi dạo phố này. Nhưng cứ sau mỗi buổi là chân tôi sẽ đau. Chúng tôi đi bộ gần 10 dặm, lúc bạn còn bé thì đó là một quãng đường dài.” Lũ trẻ biết những cuộc dạo chơi này chẳng phải nhằm mục đích mang lợi gì cho sức khỏe của chúng, mà là để Maier chụp hình. “Tôi nhận ra nhiều người trong ảnh của bà ấy,” Sarah cho biết.
“Tôi nghĩ bà ấy chẳng ưa trẻ con tí nào cả”, Joe nói. “Tôi nghĩ bà ấy thích chụp ảnh. Khi bà ưng một cảnh tượng nào đó bà ấy sẽ chụp ngay. Tôi cho rằng hành vi gom trữ báo cũng liên quan đến tính khí bốc đồng của bà. Có lẽ em trai tôi là đứa duy nhất hợp với Vivian Maier. Lúc ấy nó còn rất nhỏ và nó luôn là một cậu bé tốt tính. Tôi thì chuyên phá bĩnh. Tôi có cảm giác rằng bà chỉ muốn chụp ảnh, nên chuyện phải lôi lũ nhóc theo luôn là việc khiến bà khó chịu.” Thật đáng buồn và đáng ngạc nhiên, khi người phụ nữ có khiếu nắm bắt thần thái lẫn tâm trạng con người qua ảnh, thể hiện được sự kiên cường cũng như tính độc đáo khi chụp ảnh, lại sống cả quãng đời mà chẳng có lấy một mối quan hệ thân thiết nào cho bản thân.
Vào một ngày trong năm 2006, Sarah lúc ấy đã lập gia đình, có con, và đổi họ thành Sarah Ludington, tình cờ gặp Vivian Maier tại một tiệm vải, “Tôi đến bên bà ấy và nói ‘Chào Viv!’ một điều tôi sẽ không bao giờ làm khi còn bé. Bà ấy bảo với tôi rằng bà đang tìm việc và hỏi xem tôi có thể thuê bà trông mấy đứa bé nhà tôi không.” (Sarah không đồng ý được vì Vivian Maier đã 80.) Vào những năm cuối đời, bà rất đáng thương, người ta thường thấy Maier ngồi trên chiếc ghế dài trong công viên, ăn chả bò dỏm đóng hộp. Vivian Maier mất năm 2009. Công việc thất thường của bà cho bà thời gian để chu du khắp chốn (bà còn đến châu Á, thậm chí cả Việt Nam!) và có lẽ thân phận thấp kém của Maier khiến ảnh của bà có gì đó dữ dội. Thật thú vị, những bức ảnh bà chụp tại vùng nông thôn nước Pháp – quê mẹ bà – lại nhẹ nhàng hơn các hình ảnh mãnh liệt ở Chicago, ở New York.
Về một mặt nào đó, ảnh bà chụp giãi bày sự hỗn loạn về mặt tinh thần của chính bà. Vivian Maier quả là một đối tượng hấp dẫn. |