Trường phái
Tranh cổ Nhật Bản: Tawara Tōda mang ba món quà từ Long cung thành trở về06. 03. 17 - 4:45 pm
Hieniemic
Nhật Bản là một đảo quốc cô lập, nên rất ít khi bị ngoại bang xâm lược. Nhưng lịch sử Nhật Bản lại vẫn là một lịch sử chiến tranh, vì họ xoay ra đánh lẫn nhau suốt cả ngàn năm. Chùa chiền ở Nhật vì vậy cũng gắn liền với chính trị và quân sự. Mỗi ngôi chùa lớn cũng gần giống như một lãnh địa. Họ có đất riêng, có đội quân tăng binh riêng, họ nắm quyền điều khiển những ngôi chùa nhỏ hơn thuộc cùng tông phái. Và cũng như những thế lực chính trị khác, những ngôi chùa cũng có một vật biểu tượng cho quyền lực: chiếc chuông.
Chùa Mii, tức chùa Ba Giếng, hay còn có tên chữ là Viên Thành tự (Onjou-ji) là một quần thể chùa lớn và nổi tiếng nằm ở gần kinh đô Kyōto của Nhật Bản. Chùa Mii có một quả chuông lớn bằng đồng, tượng trưng cho quyền lực đứng đầu phái Tự Môn Thiên Thai tông của chùa. Bài này sẽ giới thiệu một bức tranh về tích cổ của Nhật có liên quan đến quả chuông chùa Mii: “Tawara Tōda mang ba món quà từ Long cung thành trở về”
Các bạn bấm vào hình để xem bản to nhé.
*
Tác giả của bức này là Utagawa Kuniyoshi. Chúng ta đã nói về Kuniyoshi (thầy của Yoshitoshi) trong vài bức tranh trước nên sẽ không nói lại về tiểu sử, chỉ xin nhắc lại vài nét về phong cách tranh của ông.
Kuniyoshi chuyên vẽ tranh võ sĩ trong huyền thoại và lịch sử Nhật, với bút pháp lộng lẫy hóa, hình tượng hóa nhân vật cùng khung cảnh rất mực cầu kỳ.
Đây là tranh vẽ về Tawara Tōda, một võ sĩ anh hùng trong cổ tích Nhật Bản, về phe nhà Fujiwara vào khoảng thế kỷ thứ 10. Một lần đi qua sông ở tỉnh Omi gần kinh đô, Tawara Tōda bắt gặp một con rồng chắn ngang cầu. Ông cứ thế bước qua đuôi Rồng mà đi tiếp. Rồng thấy vậy mới biến thành người, tự nhận là Long thần, bảo là ở đây chờ một người dũng cảm như ông đã lâu, xin nhờ ông giúp đỡ vì có một con Rết tinh đến chiếm cứ Long cung.
Chi tiết Tawara Tōda cưỡi rùa
Tawara Tōda nhận lời Rồng, dùng cung tên tẩm nước bọt của mình bắt chết con Rết. Long thần tặng cho ông chiếc chuông chùa quý cùng với ba bảo vật: một cuộn gấm thêu trải không bao giờ hết, một niêu cơm nấu không cần lửa, và một bao gạo không bao giờ vơi. Ông mang chiếc chuông này về tặng cho chùa Mii.
Chi tiết Tawara Tōda được tặng chiếc chuông do đám bạch tuộc bưng
Chi tiết một nhân vật phía sau cái chuông, là Long thần?
Hai bảo vật niêu cơm và bao gạo, ta thấy ở đây có nét khá giống với chiếc niêu cơm nấu không bao giờ vơi của Thạch Sanh. Cũng chính vua Thủy Tề tặng cho Thạch Sanh niêu cơm này sau khi cứu Hoàng tử Thủy Tề.
Trong tranh khắc họa cảnh Tawara Tōda cùng tôm rùa cá mực mang chuông về chùa Mii. Có 4 món đồ cả thảy nhưng tên tranh lại bảo Tawara Tōda mang ba món quà (sanshu no miyage). Trong tranh chỉ thấy có quả chuông, bao gạo và (các) cuộn gấm. Không thấy cái niêu cơm (hay mắt tôi kém, bạn nào tinh có thể tìm giúp, ảnh to ở đây).
Chi tiết bầy “thủy sản” đi trước, với cua cầm kiếm
Chi tiết bao gjao và cuộn gấm được bầy cá vận chuyển
Bầy cá tháp tùng
*
Tranh cổ Nhật Bản:
- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Đồng lúa ở Asakusa và hội Torinomachi”
- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Tào Tháo ngắm trăng lên sau núi Nam Bình”
- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Pháo hoa ở Ryōgoku”
- Tranh cổ Nhật Bản: Bắt cá trê bằng quả bầu, và kỹ nữ đánh đập cá trê
- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng
- Tranh cổ Nhật Bản: cảnh công viên Ueno trong tranh sắc đỏ aka-e và tranh sắc xanh aizuri-e
- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Trăng ở phố đèn đỏ”
- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige và “Anh đào đêm ở Phố giữa của Yoshiwara”
- Tranh cổ Nhật Bản: hai bức về anh đào đêm và chút phụ lục về Geisha
- Tranh cổ Nhật Bản: Tawara Tōda mang ba món quà từ Long cung thành trở về
- Tranh cổ Nhật Bản: tích Benkei trộm chuông chùa Mii
- Tranh “cổ” Nhật Bản: “tân bản họa” với mỹ nhân của Itō Shinsui
- Tranh “cổ” Nhật Bản: Mỹ nhân “cũ” và mỹ nhân “mới”
- Tranh cổ Nhật Bản: “Sóng lừng” của Hokusai
- Tsukioka Yoshitoshi (bài 1): Vẽ samurai gặp quỷ
- Tsukioka Yoshitoshi (bài 2): 14 tuổi vẽ trận hải chiến
- Tsukioka Yoshitoshi (bài 3): Vẽ dũng tướng để nhớ một thời đại
- Tsukioka Yoshitoshi (bài 4): Người tài máu me và sa đọa
...xem tiếp