Nghệ sĩ Việt Nam

Sắp đặt lớn tại bảo tàng: “Nhận diện và kết nối” của họa sĩ Đặng Thị Khuê 23. 10. 14 - 11:19 am

Thông tin từ BTC

.

NHẬN DIỆN VÀ KẾT NỐI
Khai mạc: 17h 26. 10. 2014
Địa điểm : Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam – 66 Nguyễn Thái Học – Hà Nội
Thời gian : Từ 26. 10. 2014 – 4. 11. 2014

Họa sỹ Đặng Thị Khuê sinh năm 1946, tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1976, nguyên Thường vụ, thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam 1978–1983. Thư ký Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (thời kỳ đổi mới) 1984-1989, Đại biểu Quốc hội khóa 7.

Là một họa sỹ có thâm niên và là người hoạt động nghệ thuật và xã hội rộng rãi, Đặng Thị Khuê sớm có những tác phẩm hội họa (chủ yếu là sơn dầu) về các đề tài chống Mỹ và đời sống xã hội, đồng thời cũng sáng tác nhiều tranh cổ động trong chiến tranh và xây dựng. Từ thập kỷ 80, bà dành nhiều thời gian nghiên cứu đời sống của các sắc tộc và ý tưởng về cội nguồn của con người, những vấn đề này đã được bà vẽ thành những tác phẩm hội họa sâu lắng phối hợp giữa hình thể con người bản nguyên và văn hóa. 

Nghệ thuật sắp đặt (Installation), một nghệ thuật mới được du nhập vào Việt Nam vào những năm 1990, cùng với Trình diễn (Peformance) và Video Art, nòng cốt của nghệ thuật Đương đại trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên những thực nghiệm tạo hình tổng hợp của Đặng Thị Khuê đã được thực hành từ nhiều năm trước trong hướng tìm về những phẩm chất đặc trưng của thẩm mỹ bản địa Việt Nam. Bà công bố triển lãm sắp đặt đầu tiên tại Mỹ năm 1998, triển lãm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam 2003 và cùng năm tại Thụy Điển, trưng bày tại Bảo tàng không gian văn hóa Mường năm 2007, tại Italia năm 2012, và một vài nơi khác. Con người trong gốc rễ của nó, với cái nhìn quá khứ, trăn trở hiện tại,  sự kết nối thời gian và cộng đồng trở thành chủ đề chính của Sắp đặt Đặng Thị Khuê.

Cuộc triển lãm lần này mang tên Nhận diện và Kết nối, theo bà để minh chứng cho sự đồng đại của tư duy minh triết xưa với phát kiến hôm nay, nó còn là cách để nghệ thuật tìm đường đến công chúng, làm tròn chức năng gắn kết tâm hồn con người vĩnh viễn.

Nội dung triển lãm, bao gồm các tác phẩm

 “Tri âm”
Một hoài cảm về Ca trù, lối diễn xướng của người Việt xưa. Tác giả dùng các đồ vật đàn đáy, trống, phách và bàn tay sắp đặt dưới hình thức ẩn dụ và siêu thực, tạo ra cái nhìn đồng đẳng phi thời gian về một nghệ thuật diễn xướng từng mê hoặc lòng người với thú chơi tao nhã.

“Cá thể và cộng đồng”
Một bảng mầu ngũ sắc được thiết kế từ những tấm vải lụa mầu, từng được sử dụng trong nghi lễ tín ngưỡng dân gian. Người xem có thể tìm vào, bước ra trong không gian để ngỏ của tác phẩm.

Tương tác trong tác phẩm “Cá thể và cộng đồng”

“Mẹ”
Tác giả dùng những bầu vú (bằng gỗ) sắp đặt theo tám cạnh với những đôi đũa, gợi mở về hình tượng người mẹ, người mang giữ sự sống, sự ra đi và trở lại của người phương Đông.

“Dấu ấn”
Tác giả phục chế thu nhỏ các họa tiết và hình ảnh cổ xưa trên đồ vật và tranh dân gian, qua đó tìm về ký ức – những dấu ấn tâm hồn, định vị nhân cách qua nghệ thuật.

“Cõi nhân gian”
Từ những chiếc thang tre, tác phẩm đề cập đến những mặt đối lập của cuộc sống – những nghịch lý có thật, ở đây nghệ sỹ chỉ là người gợi ý, công chúng tự mình tiếp cận với ẩn ý bên trong sự vật.

“Ngôn ngữ”
Một góc nhỏ tái hiện không gian sống của người H’mong với những sản phẩm chế từ sợi lanh và những đôi bàn tay đang phơi, in hoa văn. Một sự thêu dệt tâm hồn và khâu nối thời gian.

“Âm hưởng đại ngàn”
Văn hóa Tây nguyên được ẩn dụ qua những cây cột – cột Klao, cột Kut được tác giả chế tác theo cách hiểu riêng của mình. Vẻ kỳ bí, hoang dã, sự hiện diện của rừng để ngỏ cho người xem tiếp cận.

“Âm hưởng đại ngàn”

Với bảy phần khác nhau trong triển lãm, nhưng chung nhất một suy tư về con người lúc nào cũng phải đối diện với chính mình và quá khứ mà chúng ta đang làm tổn thất, để không hiểu được mình bây giờ. Thông điệp của quá khứ hiện diện trên từng đường kim mũi chỉ của người H’mong, từng nét khắc của dân gian Việt Nam, từng âm hưởng của tiếng đàn tiếng hát ca trù. Nghệ thuật là một thứ khuyến dụ, nó không lặp lại cuộc sống, nó trước hết là suy tưởng của một cá nhân về văn hóa, có khả năng tạo ra sóng tiếp cận với con người.

*

Bản năng bất biến

“Nghệ thuật Sắp đặt (Installation) vào Việt Nam cùng với Trình diễn (Performance) và Video Art những năm 1990, mặc dầu là quá muộn so với châu Á nói chung, nhưng phải hơn mười năm sau nó mới chính thức được chấp nhận. Ban đầu, không chỉ là giới quản lý văn hóa mà cả những nghệ sỹ có tên tuổi cũng không coi đó là nghệ thuật, nhưng rồi dần dần nó chiếm một vị thế lớn trong hoạt động nghệ thuật, và nói như Đặng Thị Khuê trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đặng Thủy (PV báo Người Hà Nội): “Đó là ngôn ngữ nghệ thuật của thời đại ta đang sống, có khả năng biểu đạt, được mọi khía cạnh của đời sống con người.”

Các nghệ sỹ Việt Nam đã tìm thấy ở Sắp đặt những hình thức tương tự trong nghi lễ tôn giáo bản địa, ví dụ một cuộc lên đồng, thì không kém gì một buổi Trình diễn–Sắp đặt đầy ắp nội dung và hình thức. Tuy nhiên, không thể nói đó là cội nguồn của Sắp đặt hiện tại, mà chỉ là sự tương tự nhất định trong ý tưởng chung của con người. Nhưng khả năng khai thác hai chiều truyền thống và hiện đại là hoàn toàn có thể.

Gắn bó với nghệ thuật truyền thống theo một cách riêng, Đặng Thị Khuê bắt đầu từ những biểu cảm Tây Nguyên, nơi bà coi đó là một cội nguồn bản nguyên, xa xôi mà hiện tại, của một nền văn hóa thổ dân luôn tìm cách hài hòa với tự nhiên, thần thánh và đời sống nhục cảm. Những bức tranh vẽ thổ dân, thổ cẩm và những bàn tay, bàn chân không còn dính dáng đến không gian ba chiều và sự mô tả nào đó, mà gắn với văn hóa sắc tộc, cách hiểu và niềm lưu luyến của bà với một quá khứ đang còn là hiện tồn.

Những cuộc Sắp đặt sau đó, dẫn nghệ sỹ đến với cách nhìn khái quát, sự tự do với hình thức và đồ vật, với cả không gian và tính ngẫu hứng với truyền thống. Ở đây quá khứ được biểu hiện như chính là hiện tại, nói như một nhà phê bình “Quá khứ là hiện tại trong ký ức“ (Nguyễn Quân – Ghi chú nghệ thuật). Ngay cả ranh giới đó – quá khứ và hiện tại, Đặng Thị Khuê cũng thấy không cần thiết, mà cần nhìn thấy nó, sử dụng nó như chính nó đang sống.

Cái tâm trạng níu kéo quá khứ, theo cách nói của những người không hoài cổ, hay coi quá khứ như đang là đang song hành cùng đời sống chúng ta, theo cách nói của người có dồi dào đời sống văn hóa, nhất là những văn hóa truyền thống, thì quá khứ có những thông điệp văn hóa đầy đủ trong từng đồ vật, không chỉ là để sử dụng như con người ngày nay. Ở đây bản sắc văn hóa quyết định giá trị nghệ thuật và ý nghĩa cần thiết của nghệ thuật với cuộc sống. –  Phan Cẩm Thượng

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả