Bàn luận

Còn bao nhiêu bức NÔNG THÔN
của Bùi Xuân Phái? 14. 10. 11 - 2:13 pm

Lý Đợi

“Nông thôn” trong bộ sưu tập của ông Tira

 

“Nông thôn” trên blog của Bùi Thanh Phương (hình mới bổ sung sau khi Em-co-y-kien cung cấp link).

Hôm tôi đến lễ khai mạc triển lãm của Tira Vanichtheeranot, có mấy người hỏi liệu bức Nông thôn có phải là của Bùi Xuân Phái không? Sao nhìn chữ ký màu đỏ, có dấu sắc, có vẻ là lạ? Thật sự, ở Việt Nam hiện nay không ai có đủ thẩm quyền để phán xét điều này, chính vì vậy, dù là danh họa nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam, nhưng tranh Bùi Xuân Phái vẫn không thể leo lên mức cao như vài hoạ sĩ khác vì cái sự nhập nhằng này. Ai cũng ngại nên cứ chơi kiểu 50/50, ép mua giá thấp, lỡ có bị giả cũng bớt thiệt hại vật chất, còn tinh thần thì kệ nó.

Hôm nay, đọc trên website của Bùi Thanh Phương, thấy anh có kể chuyện mình và Trần Hậu Tuấn mang tranh Bùi Xuân Phái đi triển lãm tại Hàn Quốc năm 2006, mà kết thúc chuyến đi là anh được tặng một máy ảnh Samsung và có tiền để xây một cái nhà theo phong cách Hàn, đặt tên là Kim’s House. Từ cái link này, bạn có thể dễ dàng thấy bức tranh Nông thôn.

Bùi Thanh Phương tại triển lãm Hàn Quốc

Sực nhớ đến bức Nông thôn mà ông Tira vừa mang ra triển lãm ở Sài Gòn, thì rõ ràng, trên thế gian này đang có ít nhất hai bức Nông thôn, vì trông màu sắc khác hẳn bức mà Thanh Phương đưa đi Hàn Quốc. Có người thắc mắc, thế một trong hai bức là tranh giả à? Không! Nếu có hai, ba bức thì cũng chưa chắc đó là tranh giả, biết đâu Bùi Xuân Phái vẽ hoặc ký tên hai, ba lần thì sao! Theo chứng cứ của vài họa sĩ lão thành còn sống hoặc đã chết cho biết, lúc về già, Bùi Xuân Phái thậm chí từng ký tên lên một số tác phẩm không do mình vẽ, để bán (!?), thế thì vẽ hai, ba bức giống nhau có là gì! (Lưu ý: Tư liệu này đã có hai, ba người chịu trách nhiệm, tôi chưa nêu tên ra đây là để chờ ai đó lên tiếng biện hộ, công bố luôn một lần cho sáng tỏ).

Có người lại hỏi, nhỡ đâu bức mà Tira trưng ra cũng chính là mới tậu được từ Bùi Thanh Phương? Không, cá nhân tôi thì cho rằng hai bức tranh này có nhiều điểm khác nhau lắm, dù cùng một ý tưởng và chủ đề (có thể họa sĩ vẽ hai lần, hoặc ai đó đạo họa – trường hợp nào cũng thấp kém cả), vì nếu là một, thì không thể sau ba, bốn năm, màu tranh lại thay đổi linh hoạt đến như vậy. Nông thôn mà Bùi Thanh Phương mang đi Hàn Quốc có con bò màu vàng óng, áo của thiếu nữ màu nâu, áo đứa nhỏ màu đỏ hơi tươi, mái tranh màu vàng; Nông thôn của Tira thì con bò màu đất đỏ hơi sậm, áo của thiếu nữ màu xanh lơ, áo đứa nhỏ màu đỏ bầm, mái tranh màu bạc pha sẫm đất. Chưa kể còn nhiều chi tiết khác nữa về hình, từ lõm lưng bò, tới nếp cong mái nhà… chỉ nói đại thể như vậy để thấy đây là hai bức cùng ký tên của một danh họa.

Bức “Nông thôn” trong triển lãm của Bùi Thanh Phương

Quay lại với câu hỏi mà vài nhà sưu tập đã nghe được trong suốt cuộc triển lãm bộ tranh quý của ông Tira: Tác phẩm Nông thôn là giả hay thật, nếu so với bức mà Bùi Thanh Phương đã mang đi triển lãm tại Hàn Quốc? Xin được trả lời ngắn gọn: pó tay!

Nhân đây, xin phép đưa lên câu chuyện mà Bùi Thanh Phương đang phân bua với các thắc mắc đây đó của độc giả đó đây, in tại website của anh (12. 10. 2011)

Sáng nay mình nhận được bức thư từ một thành viên ban tổ chức cuộc TRIỂN LÃM BỘ SƯU TẬP TRANH QUÝ CỦA ÔNG TIRA VANICHTHEERANOT. Trong thư có hỏi mình cho ý kiến nhận xét về bức tranh được gọi là tranh của Bùi Xuân Phái, và được trưng bày ở nơi trang trọng nhất. Khi mở ra xem, mình bất ngờ quá, đây là bức “Phố Hàng Bạc” tranh của Bùi Thanh Phương, được vẽ vào năm 1982, có chữ ký của mình to vật vã ở dưới, góc bên phải bức tranh. Sau đó qua điện thoại, đương nhiên là thành viên Ban tổ chức này đã nhận ra sai lầm của họ (nhưng chưa có lời xin lỗi tác giả) và mình cũng chỉ kịp yêu cầu họ ngay lập tức trả lại tên cho mình là: “Phố Hàng Bạc, tranh sơn dầu của Bùi Thanh Phương”.

Sự nhầm lẫn này làm mình buồn lòng. Từ 20 năm nay mình đã kết thúc không vẽ phố cổ Hà Nội nữa mặc dù đây là đề tài mình yêu thích nhất và thuộc nhuần nhuyễn nhất. Mình phải chia tay với nó vì biết rằng, nếu muốn vẽ phố cổ Hà Nội cho đẹp thì không thể thoát khỏi cái nhìn, góc nhìn của Bùi Xuân Phái và chịu sự ảnh hưởng của ông. Nhưng tranh của Phương vẫn là của Phương, sự nhầm lẫn nào cũng chỉ ra rằng do thiếu hiểu biết và chưa thuộc bài.

… Bức này mình vẽ vào thập niên 80, cũng hơn 20 năm rồi. Ở giai đoạn này, những bức tranh phố cổ Hà Nội của mình khi được vẽ ra, chúng thường không ở lại trong xưởng vẽ của mình quá 2 tháng, từ đó chúng lưu lạc khắp các phương trời trên thế giới, mình chỉ còn trách nhiệm với cái tên là tác giả nhưng không còn mắc míu gì giữa những chuyện trao đổi mua bán chúng nữa.

… Bức này mình vẽ năm 1982, lúc này phố cổ Hà Nội còn nguyên như thế. Ngày đó tranh cụ Phái giá bán cũng bằng giá tranh của Phương, và các họa sĩ thời đó vẽ tranh cho vui là chính thôi, hồn nhiên, vô tư không quan trọng lắm chuyện ảnh hưởng phong cách. Cứ vẽ đúng như thực tế phố cổ là nhang nhác giống cụ Phái rồi. Chỉ sau khi cụ Phái mất, và giá trị tác phẩm của cụ thăng tiến trên thị trường thì mình mới buộc phải kết thúc giai đoạn này, nghĩa là không vẽ phố cổ Hà Nội nữa. Bức tranh trên, tôi đảm bảo đã được bán đi cách đây trên 20 năm và nó qua tay bao người thì điều này tôi chịu.”

“Phố Hàng Bạc”, Bùi Thanh Phương

 

Tóm lại, người yêu tranh Phái có thể yên tâm: ông tuy mất rồi nhưng con ông vẫn có khả năng vẽ tranh y hệt bố, nếu muốn, vì anh rất “nhuần nhuyễn và thuộc bài”. Nguồn tranh (giống) Phái sẽ không bao giờ cạn. Tin vui?!

 

*

Bài liên quan:

– 7. 10: Đi xem bộ sưu tập quý giá của Tira
– Khai mạc triển lãm bộ sưu tập tranh quý của ông TIRA VANICHTHEERANOT

– Chuyện động trời khi xem một số tranh trong bộ sưu tập của ông Tira?

– 10 ý kiến bé tí của một công dân học trò nhỏ trước một chuyện quá to

– Còn bao nhiêu bức NÔNG THÔN của Bùi Xuân Phái?

– Tranh Phương có giả được tranh Phái?

– Bùi Thanh Phương có nên là người đại diện quỹ Bùi Xuân Phái?

– Thư ngỏ gửi nhà phê bình, và nhà phê bình gửi lại…

– Đến lượt ông Tira…

Ý kiến - Thảo luận

18:24 Monday,17.10.2011 Đăng bởi:  HongLam
Bây giờ mình mới hiểu tại sao cậu Tira cao thủ chọn Bt. Mỹ thuật Tp.HCM để làm triển lãm, vì cậu ý cũng biết sợ dân "nghệ" Bắc Hà ngổ ngáo, đành hanh, tinh quái. Cậu ý cứ tưởng tp.HCM bình yên, dễ tính. Ai ngờ cậu ý gặp luôn Lý Đợi. Vui thật.
...xem tiếp
18:24 Monday,17.10.2011 Đăng bởi:  HongLam
Bây giờ mình mới hiểu tại sao cậu Tira cao thủ chọn Bt. Mỹ thuật Tp.HCM để làm triển lãm, vì cậu ý cũng biết sợ dân "nghệ" Bắc Hà ngổ ngáo, đành hanh, tinh quái. Cậu ý cứ tưởng tp.HCM bình yên, dễ tính. Ai ngờ cậu ý gặp luôn Lý Đợi. Vui thật. 
8:10 Monday,17.10.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
NTN = Nguyễn Tư Nghiêm?

"Thế là CHỊ ƠI
cụ Nghiêm toi rồi,
Ô hay,
cụ Tư vẫn sống,
Nhái Phường chẳng tha??!!"

(Ca từ của bài hát CHỊ TÔI, kính xin tác giả lượng thứ cho chị em cháu ạ)
...xem tiếp
8:10 Monday,17.10.2011 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
NTN = Nguyễn Tư Nghiêm?

"Thế là CHỊ ƠI
cụ Nghiêm toi rồi,
Ô hay,
cụ Tư vẫn sống,
Nhái Phường chẳng tha??!!"

(Ca từ của bài hát CHỊ TÔI, kính xin tác giả lượng thứ cho chị em cháu ạ) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vĩ thanh cùng Bolero

Người xem Sài Gòn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả