Nghệ sĩ Việt Nam

Mở cửa cùng Tuấn Sư: “Không hiểu gì đâu, mặt trông ngu lắm!” 20. 12. 23 - 1:48 pm

An Lê

SOLO OPEN: DUYÊN NGHIỆP NHÂN SINH
Tại: À Bụt Studio, 86 ngõ 56 Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội.
Từ 22. 12. 2023 tới 01. 07. 2024
Của Hà Minh Tuân (1971 – 2023)
Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, khoa Điêu Khắc năm 1995

Tượng Phật của Tuấn Sư tức Hà Minh Tuân

Cuối cùng, cũng đến ngày ấy. 1971 – 53 – 3 – 7 – 35 – 49 – 0. Những con số đã từng gắn với một con người và rồi cũng thành hư vô. Nhưng những con số đó là mộng trung ý thức của chúng tôi về một người bạn, người anh, người em, người chồng, người cha, người con, một người tử tế và tài hoa đã rời xa cuộc đời này được 49 ngày.

Trên nền đất bãi Tứ Liên, nơi còn phảng phất những dấu chân, đầu mẩu thuốc lá, cặn rượu thừa đáy chén, cáu trà trên mặt chiếc ghế khảm, mẩu đất khô cứng, chiếc bàn xoay nghiêng ngả chênh vênh chực ngã, những phác thảo thô kệch, những mặt tượng lấm lem bụi đất, những thủ cấp tượng quay lơ, mắt he hé nhìn lên dãy cau hiên trước, giọng khao khao: Nhìn mặt ngu lắm*.

Ừ thì ngu, hãy ngu để có chút cân bằng với một thế giới ranh mãnh, khôn ngoan. Người vợ trẻ dại ngu ngơ trong cơn bạo biến bất thường, phút chốc sau lưng trống không, chẳng còn gì để nương tựa, dẫu là một mảnh víu bọt bèo, đành lao mình ra làm cột cái chống đỡ gia đình. Không thì ai?

Nhưng đứa con cũng ngu nghê. Chúng đầu xanh non nớt, miệng vẫn chiếp chiếp trong cái tổ đã bị hất văng trong giông bão, chờ đợi một miếng mớm của người cha. Gớm sao mà đi sang Bát Tràng làm gốm gì mà lâu thế, mãi chẳng thấy về, lại còn để quên điện thoại ở nhà nữa chứ. Đi lâu quá, đã 49 ngày rồi.

Bạn bè mặt cũng ngu ngu. Rất buồn cười, tự nhiên lăn quay ra bỏ cuộc chơi, bỏ cuộc rượu, bỏ cuộc trà là, bỏ những lời A OUM ngu lắm, không hiểu gì đâu. Ơ đi đâu vậy, cuộc chơi xé lẻ, thiếu chân, thất cước, nhỡ nhàng, ba thằng còn lại ngồi kiểu gì cũng lệch, cũng toang hoác riêng một góc trời.

Đĩa vẽ của Hà Minh Tuân

*

Thế là, Tuấn Sư đã ngã thật rồi. Một cú ngã đích đáng đúng nghĩa trên nền lò gốm, như vật một khuôn đất sét xuống để nhào luyện, nặn bóp, quăng quật, rồi tu chỉnh dung nhan, hoàn bị phục sức thật nghiêm chỉnh và đưa vào lò. Lửa hồng bật lên, không phải để nung tạo một cuộc thứ mới hình thành mà để giải – cấu trúc của một cuộc đời thành một nhúm tro bụi.

Bức tượng của Tuấn Sư đã vô hình, vô dạng, chỉ còn chút ý thức mơ hồ, và được trút vào một hộp đựng, yên vị ở đâu đó quanh đây. Anh đã có hiểu được công án của đời mình hay chưa, khi trong làn khói sương lảng bảng của Tây Hồ, tự hỏi mình sinh ra từ đâu, thế giới đến từ đâu, vũ trụ sẽ đi về đâu, để rồi lên chùa chỉ thất những ông tượng ngồi im, vô ngôn nhưng đầy thông điệp: Đừng hỏi câu đó? Mặt trông ngu lắm!

Sự dìu dắt đầu tiên của Phật giáo đã làm khởi cái duyên đạo Phật trong tâm thức vô lượng của Tuấn Sư một cách mạnh mẽ mà ngay cả những làn khói trắng, sự bạc bẽo của tha nhân, sự giày vò của tiền bạc hay cú nấc giật nổ cầu chì cuối cùng cũng không thể làm lung lạc được cái duyên đó.

Ngay từ lúc lơ lửng thân trung ấm sau cú vật đất, ý thức của Tuấn Sư vẫn lướt qua những tác phẩm Phật giáo cuối cùng của đời mình. 50 chiếc đĩa vẽ Phật, 7 bức tượng Phật, tất cả còn đang dở dang như chờ một cú xoay của Tuấn Sư để hoàn thành. Thế nhưng, cú xoay đó không bao giờ đến. Dang dở.

“Duyên 3”, tượng gốm của Hà Minh Tuân

Thì thế mới là duyên. Quả duyên nào khi tròn, nó phải dang dở, vỡ nứt, trống hoác thì mới có chỗ cho duyên nảy tiếp. Cũng như 3 tạng kinh Phật vậy, không hủy hoại, rách nát một vài trang, một vài quyển thì đâu có thể là kinh báu để người đời dốc lòng cầu thỉnh. Bằng cú ngã của mình, Tuấn Sư đã tạo mấu víu cho các tác phẩm của mình nảy sinh duyên mới.

Thì đấy, một người em gái của Tuấn Sư đã bấu vào duyên đó mà hoàn thành tạo tác cho anh mình, để rồi hồi hộp đón chờ những tác phẩm đó xuất lò, vui mừng khi chúng mang đậm tinh thần, ý thức và phong cách của Tuấn Sư.

Giờ đây, những pho tượng đó, những chiếc đĩa đó đã tề tựu ở bãi đất Tứ Liên cùng với những tượng, tranh mà Tuấn Sư đã sáng tác trong 53 năm của cuộc đời mình. Chúng ở trên tường, trên nền đất, trên kệ hay lăn lóc gốc cau nhưng vẫn bình đẳng như con kiến trước chén nước bởi chúng đều ở trong không gian xưởng sáng tác của Tuấn Sư.

Chúng sẽ được nhìn thấy những người anh em trước đó của mình, gồm các vị Phật, Chúa Jesus, nhà chí sĩ cách mạng, những sinh linh tay chân giả hay rồng hổ trâu mèo, thuộc các cõi Deva, Atula, hay Manussa. Chúng sẽ có duyên hội ngộ biết đâu là lần cuối trong không gian của Tuấn Sư để cùng nói lên tiễn biệt với Tuấn Sư.

Chúng ta, nếu có duyên với Tuấn Sư, cũng theo chân những tác phẩm của anh mà đến đây. Chúng ta sẽ đi qua đời Tuấn Sư một lần cuối vào ngày thất tuần chung thất của Tuấn Sư, ngày mà Tuấn Sư đã phân định nghiệp để chọn bến đỗ mới của mình.

Chúng ta sẽ xem những tác phẩm của Tuấn Sư, những thứ đã được anh đặt tên, và những thứ anh mới chỉ kịp hình dung mà chưa gọi được tên, và bây giờ, tuỳ duyên để lại mà chúng sẽ được gọi là Duyên 1, Duyên 2, Duyên 3, Duyên báo Duyên phi thường Duyên tại một cuộc trưng bày cá nhân.

“Duyên 4”, tượng gốm của Hà Minh Tuân

Kể cũng đau xót khi Tuấn Sư để lại mối duyên này cho chúng ta đan tiếp. Mới năm ngoái thôi, anh cũng ấp ủ rằng nếu đủ duyên thì năm nay hoặc năm sau sẽ ra một triển lãm tranh, tượng, điêu khắc cá nhân. Hỡi ôi, chính chúng ta lại phải làm điều đó thay vì Tuấn Sư, tại Open Solo mang tên: Duyên Nghiệp Nhân Sinh được dùng để tiễn biệt cố nhà điêu khắc Hà Minh Tuân.

Đến bây giờ chúng ta mới nhắc đến tên anh là Hà Minh Tuân, thay vì là Tuấn mà anh tự phết vào tính danh mình. Nhưng dù là Tuân hay Tuấn, anh vẫn là con người đó, một con người như chúng ta từng biết, từng yêu quý, từng luôn nói về tứ vô lượng tâm METTÀ KARUNÀ MUDITÀ UPEKKHÀ.

Tượng Phật của Hà Minh Tuân

Tại Open Solo Duyên Nghiệp Nhân Sinh này, nếu ai đó trong số chúng ta có hữu duyên với tác phẩm nào của Tuấn Sư thì cũng đừng ngạc nhiên khi dường như nghe lời thì thào từ những tàu cau: Không hiểu gì đâu, mặt trông ngu lắm. Có lẽ Tuấn Sư đang cảm ơn theo cách mà anh thích nhất đó.

*

* Câu anh Tuấn hay nói

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

E hèm, sau đây tôi xin trả lời...

Germaine Greer – Hồ Như Mai st và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả