KHÔNG vẽ người của Nguyễn Thị Mỵ: Khi tội đồ vô hình mà lồ lộ
18. 10. 18 - 9:50 am
Tiến sĩ Nghệ thuật học Phạm Văn Tuyến
Ở trên đời có bao nhiêu thứ đáng bận lòng. Không lẽ cứ phải là ai đó, sự kiện nào đó liên quan đến loài người, trong khi ở thế giới này, loài người chỉ là một trong vô vàn loài?
Sẽ thật là dễ hiểu nếu như chúng ta nhìn thấy những câu chuyện đầy ắp bi hài với những cái kết vô cùng thảm thiết được kể lại trên những bức tranh. Nhưng khi nhân vật chính hoàn toàn không có hình dáng con người, chỉ là những con chim bạc mệnh, hay phong cảnh không có bóng người và chỉ là sản phẩm nghệ thuật của cảm thức người trong hội họa; khi đó chúng ta sẽ phải suy ngẫm nhiều hơn.
“Con chim chết”, tranh của Nguyễn Thị Mỵ
Dường như đó là cách mà họa sĩ Nguyễn Thị Mỵ muốn chúng ta chú ý đến hội họa theo một cách tốn tâm lực. Hội họa của Mỵ thật sự không dễ để cảm thụ. Mọi thứ tồn tại trên mỗi tác phẩm sẽ dẫn người xem đi vào một cõi khác của đời sống nội tâm, mệt nhoài và thú vị trên từng vệt sơn vừa đủ đầy kĩ thuật, vừa không nệ gì vào kĩ thuật hoặc những sắc màu trầm mặc nhưng rất tinh vi về cung độ.
Số là những câu chuyện dành riêng cho từng con chim sẻ, từng bầy chim được nhân hóa đến mức chuyển tải phận đời, là thứ vốn chỉ thường dành cho giống “Người” được viết hoa trong muôn loài. Chim liệu có thể có quyền gì trong hành tinh này? Tổ tiên của nó còn có trước loài người mà sao lại không thể quyết định được mạng sống của mình? Thân phận những con chim ấy nằm trong tay những người vốn rất tử tế và thiện tâm, nhưng cách để người ta có được sinh mệnh của những con chim, nhất là cách người ta hành xử với sinh mệnh được “phóng sinh” lại là sự vô tâm đến chết chóc.
“Chạy trốn”, tranh của Nguyễn Thị Mỵ
Người ở đây, trong câu chuyện hội họa của họa sĩ mô tả là tội đồ và vô cảm đến khó hiểu. Thế là câu chuyện về những con chim thật ra là một câu chuyện rất thật nhưng có cái gì đó khác. Sự hiện diện những cái khác ấy nằm trong mắt của người xem.
“Chạy trốn”, chi tiết tranh của Nguyễn Thị Mỵ
Một câu chuyện khác đi từ những cánh đồng lúa, cỏ và hoa nhưng không phải như bạn vừa nghĩ thoáng qua. Đây lại là một câu chuyện khác. Nó hiện lên khá là quyết liệt và trực diện chứ không cần phải suy đoán gì nhiều. Hội họa thuần nhất luôn có uy lực ấy. Hội họa của Nguyễn Thị Mỵ thông qua những bức vẽ về chim, về phong cảnh cũng như ta đã từng xem tranh của Mỵ về cá và câu chuyện đằng sau của mỗi bức vẽ cũng đến gần với hội họa tự thân, vượt qua hình thức và kĩ xảo.
“Bãi cỏ hoang”, tranh của Nguyễn Thị Mỵ
Câu chuyện hội họa của Mỵ là sự giằng xé giữa thực tại và hư vô, tạo nên quá nhiều mâu thuẫn trong mọi lúc. Thỉnh thoảng lóe lên một vài tia sáng hi vọng rồi lại nhanh chóng bị dập tắt bởi thực tại. Sự bồn chồn lo lắng lẫn nỗi hoảng của thực tại. Vội vàng vớ lấy cái bút, cái màu để ẩn náu cho an toàn, may mà nó ghi lại được cái cảm giác ấy…
Để xem tường tận, với tâm trí sáng suốt của bạn, tôi tin là còn có những phát hiện mới hơn trên những bức vẽ của Nguyễn Thị Mỵ, cái mà chúng tôi còn chưa bàn gì ở đây.
Triển lãm sẽ mở cửa vào 20 tháng 10 tới tại Ron Art Gallery số 35 khu 5, khu đô thị Tân Tây Đô, Hoài Đức, Hà Nội.
Tiến sĩ Nghệ thuật học Phạm Văn Tuyến
*
(SOI: Bài có lược bớt. Tên bài do Soi đặt)
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
15:16Monday,29.10.2018Đăng bởi: phạm gia
Hội họa theo nghĩa thuần túy của nó tức là tiếng lòng của người họa sĩ. Vì thế bất luận là kĩ thuật hay nghệ thuật gì đi nữa thì cũng cần có thông điệp. Có điều, thông điệp là ẩn ý mà chỉ nhóm người đồng ý mới hiểu được. Mọi thông điệp có tính phổ biến đều đã đi từ giá trị nghệ thuật trở thành lợi ích của xã hội nhờ con thuyền t ...xem tiếp
15:16Monday,29.10.2018Đăng bởi: phạm gia
Hội họa theo nghĩa thuần túy của nó tức là tiếng lòng của người họa sĩ. Vì thế bất luận là kĩ thuật hay nghệ thuật gì đi nữa thì cũng cần có thông điệp. Có điều, thông điệp là ẩn ý mà chỉ nhóm người đồng ý mới hiểu được. Mọi thông điệp có tính phổ biến đều đã đi từ giá trị nghệ thuật trở thành lợi ích của xã hội nhờ con thuyền thời gian. Cũng như nghệ thuật viễn cận Châu Âu là đại diện cho học thuật hàn lâm, nhưng lấy nó để đánh giá thủ pháp đồng hiện trong tạo hình dân gian Việt thì không nên.
23:31Friday,19.10.2018Đăng bởi: Lex
Không chỉ là áo dài, nón lá, bụi chuối sau hè.... cổ điển, đây là mảng đề tài hiện thực của Nguyễn thị Mỵ cố đi khác. Cảnh đồng hoang cỏ úa..., bầy chim bỏ xứ..., con chim chết trong dầu... gợi nhớ tới sự nguy hại của ô nhiễm, và nhắc nhở con người phải cố tránh hủy hoại môi trường. Theo thiển nghĩ VN còn nhiều đề tài để phát tri ...xem tiếp
23:31Friday,19.10.2018Đăng bởi: Lex
Không chỉ là áo dài, nón lá, bụi chuối sau hè.... cổ điển, đây là mảng đề tài hiện thực của Nguyễn thị Mỵ cố đi khác. Cảnh đồng hoang cỏ úa..., bầy chim bỏ xứ..., con chim chết trong dầu... gợi nhớ tới sự nguy hại của ô nhiễm, và nhắc nhở con người phải cố tránh hủy hoại môi trường. Theo thiển nghĩ VN còn nhiều đề tài để phát triển thành nghệ thuật lớn. Như cảnh kẹt xe, nét hối hả trong mưa, thành phố nhốn nháo trong xây cất phát triển, nhà cửa cái thấp cái cao....cảnh đời thực, nếu với những nhát vẽ, sắc mầu tài tình làm sống động một thời rồi sẽ qua, thì cũng dễ thành nổi tiếng khắp năm châu. Những đề tài làm nghĩ đến tương lai, nhưng vẽ kiểu nào đây?, tùy các họa sĩ.
...xem tiếp