Nghệ sĩ

“ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ”: lâu lắm mới có một khai mạc đông vui và nhiều cảm xúc đến thế28. 10. 20 - 7:46 pm

Bài: Tịch Ru - Ảnh: Tịch Ru, Dương Khánh Tùng và Đinh Ngân

ĐI GIỮA HAI THẾ KỶ
Triển lãm tranh của họa sĩ Mộng Bích
Khai mạc triển lãm và ra mắt sách catalogue: 18h00 – 22.10.2020
22.10.2020 > 22.11.2020
Tại sảnh triển lãm L’Espace

Theo lời ông giám đốc L’espace Thierry Vergon, triển lãm “Đi giữa hai thế kỷ” của họa sĩ Mộng Bích có thể nói là sự kiện lớn nhất trong năm của l’Espace. Đây là một triển lãm mang ý nghĩa to lớn đối với cá nhân nghệ sĩ nói riêng và công chúng yêu nghệ thuật nói chung. Sau một khoảng thời gian dài với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của rất nhiều người, vào ngày 22 tháng 10, buổi khai mạc được mong chờ đã diễn ra.

Họa sĩ Mộng Bích cùng không gian triển lãm trước giờ khai mạc. Ở tuổi 90, đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Mộng Bích. Vốn trước đó đã là một họa sĩ có tiếng trong giới hội họa, nhưng bà sống gần như rất kín tiếng và không mấy khi muốn xuất hiện trước công chúng. Với 30 tác phẩm bao gồm tranh lụa, màu nước và các ký họa tiêu biểu, triển lãm lần này là một dấu mốc quan trọng trong suốt hành trình hội họa dài hơn sáu thập kỷ của bà.

Đây cũng là dịp ra mắt và phát hành cuốn sách catalogue “Đi giữa hai thế kỷ”. Ý tưởng hình thành cuốn sách là của ông Thierry Vergon sau khi ông đến gặp bà Mộng Bích lần đầu tiên tại làng Na và được lắng nghe những câu chuyện phía sau mỗi bức tranh của bà. Điều thú vị là, thay vì những quyển catalogue được đem đi tặng như ở các triển lãm thông thường, quyển sách này sẽ được bán tới tay những người thực sự quan tâm và trân trọng.

Bên cạnh những tác phẩm với phần Qr code thu âm trực tiếp câu chuyện được kể bởi bà Mộng Bích, triển lãm còn trình chiếu một video kéo dài hơn 3 phút ghi lại những hình ảnh thường ngày của họa sĩ trong ngôi nhà của mình.

Trên nền tường màu xanh được lấy ý tưởng từ chữ Bích trong tên họa sĩ, 30 tác phẩm được trưng bày ở ba mảng tường khác nhau: mảng tranh lụa, mảng ký họa và đặc biệt là mảng chân dung nhân vật bà Ngữ.

Mảng tường kí họa.

Ngay từ rất sớm, những người thân và bạn bè của họa sĩ đã đến từ rất sớm. Trong ảnh là nhà thơ Lâm Huy Nhuận. Được biết, họa sĩ Mộng Bích rất yêu mến thơ ông.

Bà Suzanne Lecht của Art Vietnam và họa sĩ Lê Huy Tiếp cũng đến từ sớm.

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng và họa sĩ Đỗ Minh Tâm trò chuyện trước triển lãm. Ông Phan Cẩm Thượng đã có rất nhiều kỷ niệm với họa sĩ Mộng Bích khi cả hai đi thực tế ở Phủ Lý từ những thập niên 90. Họa sĩ Đỗ Minh Tâm thì vừa có một triển lãm trừu tượng rất thành công mang tên “Khúc đồng dao” ở Viet Art Center.

Họa sĩ Lý Trực Sơn với không gian tranh.

 

Họa sĩ Đinh Ý Nhi đến sớm thăm họa sĩ Mộng Bích. Thân phụ và thân mẫu của Đinh Ý Nhi là họa sĩ Đinh Trọng Khang và họa sĩ Mỹ Dung. Họ đều là những người bạn rất thân của họa sĩ Mộng Bích từ hồi học trong trường. Phía ngoài cùng bên trái là họa sĩ Bùi Hoài Linh, con trai của họa sĩ Mộng Bích.

Họa sĩ Bùi Hoài Mai, con trai cả của họa sĩ Mộng Bích. Dù đã lui về ở ẩn vài năm nay, họa sĩ Bùi Hoài Mai vẫn có những đóng góp rất lớn trong vai trò tư vấn cho triển lãm lần này, trong đó có cái tên rất ấn tượng “Đi giữa hai thế kỷ” được đặt cho triển lãm.

Họa sĩ Lê Anh Vân.

 

Nhà điêu khắc Nguyễn Khắc Quân.

 

Vợ chồng họa sĩ Thọ Tường và vợ chồng họa sĩ Đào Trọng Lưu (Lưu Mải Chơi).

Họa sĩ Nguyễn Đình Tuyên (đứng giữa) và ông Lương Xuân Đoàn (bên phải) – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê – bà tự nhận là một người rất mến mộ tranh bà Mộng Bích.

Đáng quý nhất là họa sĩ Đỗ Hữu Huề, mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn cùng vợ đi xem triển lãm cá nhân đầu tiên của người bạn già. Họa sĩ Đỗ Hữu Huề năm nay 86 tuổi, học khóa Tô Ngọc Vân (khóa I), trước họa sĩ Mộng Bích một năm (họa sĩ Mộng Bích học khóa II Trần Văn Cẩn).

Họa sĩ Đỗ Hữu Huề rất đến sớm để xem tranh và trò chuyện cùng họa sĩ Mộng Bích. Hình ảnh hai người bạn già bên nhau thật cảm động. Họa sĩ Đỗ Hữu Huề bảo: “Lần này biết Mộng Bích triển lãm phải về Hà Nội nên mới tranh thủ đến thăm chứ trên Bắc Ninh xa quá không lên được. Bây giờ còn được gặp nhau chứ sau này chẳng biết thế nào.”

Vào lúc 18:00, buổi khai mạc được bắt đầu, ông Thierry Vergon – Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội – L’espace phát biểu: “Chào mừng quý vị đã đến khai mạc triển lãm Đi giữa hai thế kỷ của nghệ sĩ Mộng Bích. Nhân dịp này, chúng tôi cũng ra mắt cuốn sách catalogue Đi giữa hai thế kỷ được xuất bản bởi nhà xuất bản Nhã Nam. Trước khi nhường lời cho ngài đại sứ Pháp tại Việt Nam, tôi xin cảm ơn nhà tài trợ AIC đã tài trợ chương trình này.”

Tiếp theo là lời phát biểu của ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ông Nicolas Warnery: “Thưa quý vị và các bạn, chúng tôi rất vui mừng chào đón ở đây nghệ sĩ Mộng Bích. Cách đây vài ngày chúng tôi đã đến thăm bà tại ngôi nhà của bà, cũng nhân dịp này chúng tôi đã được hiểu thêm không những chỉ về nơi ở mà bà đã sáng tạo ra các tác phẩm và còn hiểu thêm về con người bà, gia đình bà. Tôi có thể nhìn thấy ở đây, một trong những người tham gia triển lãm là một em bé chỉ vài tháng tuổi. Và điều đó rất xúc động. Tôi xin dừng ở đây và nhường lời cho người hiểu tác phẩm hơn tôi rất nhiều. Xin cảm ơn.”

Tiếp đó, là lời chia sẻ của ông Phan Cẩm Thượng: “Tôi xin thay mặt gia đình họa sĩ Mộng Bích cảm ơn ông Đại sứ Pháp, cảm ơn ông Giám đốc Viện Pháp cùng các đồng nghiệp đã giúp đỡ họa sĩ Mộng Bích làm triển lãm và cuốn sách này. Đây có thể triển lãm đầu tiên và cuối cùng của họa sĩ sau gần một thế kỷ chờ đợi. Sau đây với tư cách là một nhà phê bình, tôi xin phát biểu vài lời… 50 năm trước, bà Mộng Bích rất khiếm tốn trước các bậc thầy của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. 50 năm sau bà lại lạc lõng trước nghệ thuật đương đại Việt Nam. Chính điều đấy đã khiến bà suy nghĩ về cuộc đời, số phận mình và qua đó bà đã khắc họa lên những bức chân dung. Những bức chân dung đấy không chỉ là tính cách của những người bà vẽ mà còn là cả những văn hóa mà họ mang theo. Và tôi xin một lần nữa chúc mừng bà Mộng Bích.”

Cuối cùng, họa sĩ Mộng Bích phát biểu: “Tôi cảm thấy rất xúc động và hạnh phúc vì cả cuộc đời làm nghệ thuật được có ngày hôm nay. Tôi coi đây như một giấc mơ. Trước hết, tôi xin cảm ơn các thầy giáo của tôi, trong đó là có cụ Phan Chánh, thầy Hoàng Lập Ngôn, thầy Nguyễn Văn Tỵ, thầy Nguyễn Tiến Chung, thầy Nguyễn Đỗ Cung, thầy Nguyễn Đức Nùng. Đó là các thầy giáo của tôi và giờ không còn nữa. Sau đó tôi xin cảm ơn ngài Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông giám đốc L’espace, ông Phan Cẩm Thượng và cuối cùng tôi xin cảm ơn các bạn già, bạn trẻ đã đến tham dự buổi triển lãm tranh của tôi. Xin cảm ơn lần nữa.”

Kết thúc buổi khai mạc, ông đại sứ tặng hoa cho họa sĩ Mộng Bích.

 

Mọi người quây quần chúc mừng họa sĩ Mộng Bích. Đáng quý nhất là những người bạn già hôm nay vẫn có mặt bên cạnh họa sĩ. Người ôm Mộng Bích là họa sĩ Kim Thái, đứng cạnh bên trái là vợ chồng họa sĩ Bằng Lâm, Mai San.

Nhà văn Đỗ Chu, một người bạn rất yêu nghệ thuât của bà, rất xúc động đến nắm chặt tay bà rất lâu.

Triển lãm thu hút không chỉ những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn rất đông các bạn trẻ. Nhiều người nhận xét, đã lâu lắm rồi ở Hà Nội không có một triển lãm đông người và nhiều cảm xúc đến thế.

Ý kiến - Thảo luận

1:59 Monday,11.1.2021 Đăng bởi:  Tịch Ru
Xin phép được trả lời bạn Minh Luân.

Hoạ sĩ Phan Chánh là sinh viên khoá I trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương được thành lập vào ngày 27 tháng 10 năm 1924 do ông Victor Tardieu làm hiệu trưởng đầu tiên.

Năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương đóng cửa.

Năm 1951 trường mỹ thuật được lập lại trong chiến khu Việt B
...xem tiếp
1:59 Monday,11.1.2021 Đăng bởi:  Tịch Ru
Xin phép được trả lời bạn Minh Luân.

Hoạ sĩ Phan Chánh là sinh viên khoá I trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương được thành lập vào ngày 27 tháng 10 năm 1924 do ông Victor Tardieu làm hiệu trưởng đầu tiên.

Năm 1945 Nhật đảo chính Pháp, trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương đóng cửa.

Năm 1951 trường mỹ thuật được lập lại trong chiến khu Việt Bắc, cùng đội ngũ giảng viên là các cựu sinh viên trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương. Khoá này do ông Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng nên thường hay gọi là Khoá kháng chiến Tô Ngọc Vân.

Ngày 15 tháng 11 năm 1955, Trường cao đẳng mỹ thuật Việt Nam, tiền thân là trường cao đẳng mỹ thuật Đông Dương được thành lập hiệu trưởng đầu tiên là hoạ sĩ Trần Văn Cẩn. Khoá đầu tiên để tưởng nhớ sự hi sinh của cố hiệu trưởng Tô Ngọc Vân (mất năm 1954) nên đã đặt tên là khoá Tô Ngọc Vân, và khoá hai là khoá Trần Văn Cẩn. 
10:22 Sunday,10.1.2021 Đăng bởi:  Minh Luân
Họa sĩ Đỗ Hữu Huề năm nay 86 tuổi, học khóa Tô Ngọc Vân (khóa I), trước họa sĩ Mộng Bích một năm (họa sĩ Mộng Bích học khóa II Trần Văn Cẩn).

Trong khi cụ hoạ sĩ Phan Chánh học khoá 1 (1925) là thầy của hoạ sĩ Mộng Bích và tính năm sinh, hoạ sĩ Mộng Bích và Đỗ Hữu Huề còn chưa sinh ra.

Tác giả có gì nhầm lẫn không ạ???
Hay bài viết đang gây hiểu lầm và
...xem tiếp
10:22 Sunday,10.1.2021 Đăng bởi:  Minh Luân
Họa sĩ Đỗ Hữu Huề năm nay 86 tuổi, học khóa Tô Ngọc Vân (khóa I), trước họa sĩ Mộng Bích một năm (họa sĩ Mộng Bích học khóa II Trần Văn Cẩn).

Trong khi cụ hoạ sĩ Phan Chánh học khoá 1 (1925) là thầy của hoạ sĩ Mộng Bích và tính năm sinh, hoạ sĩ Mộng Bích và Đỗ Hữu Huề còn chưa sinh ra.

Tác giả có gì nhầm lẫn không ạ???
Hay bài viết đang gây hiểu lầm và người đọc cần nhiều hơn kiến thức mới hiểu được. (Ở đây không hiểu khoá 1 khoá 2 là của trường nào??) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp