Thiết kế

ALICE: MADNESS RETURNS:
điên đấy, đẹp đấy, nhưng quá ẩu18. 08. 21 - 12:54 pm

Willow Wằn Wại

Alice ở Xứ Sở Diệu Kỳ là một truyện dành cho trẻ em rất nổi tiếng của Lewis Carroll. Truyện kể về cô bé Alice đuổi theo một chú thỏ biết nói và rơi vào Xứ Thần Tiên, nơi cô bé gặp nhiều điều kỳ lạ khác như mèo biết nói, thuốc thần kỳ biến to hóa nhỏ, một bà hoàng hậu kỳ quặc cùng đội quân là các quân bài Tây.

Năm 1951, Walt Disney tái hiện lại câu chuyện trên phim hoạt hình. Từ đó trở đi, hình ảnh bé Alice với chiếc váy phồng màu xanh da trời, tạp dề trắng đã trở thành một biểu tượng bất hủ. Dù riêng với mình thì bộ phim hoạt hình thực sự đáng sợ và khiến cả một tuổi thơ bị ám ảnh với cái miệng cười ngoác ra của con mèo béo.

Alice kinh điển trong phim của Walt Disney và cô bé Kathryn Beaumont – người lồng tiếng và diễn vai Alice để các họa sĩ vẽ họa theo.

Alice: Madness Returns là một game cũng dựa trên bộ phim của Walt Disney nhưng được khai thác theo hướng phá vỡ tuổi thơ hơn cả phim.

Alice bị điên sau khi tất cả người thân của em chết trong đám cháy. Tất cả những gì người ta nghe thấy là việc em khóc và nói em không cố ý giết gia đình mình. Alice bị nhốt vào trại tâm thần, và sau đó được thả ra. Giờ đây Xứ Sở Diệu Kỳ – Wonderland quay lại trong bộ dạng điêu tàn. Alice liệu có muốn chu du vào đó lần nữa không, để tìm về những ký ức đau buồn đã từng tan mất

Cũng là Alice váy xanh tạp dề trắng nhưng phiên bản máu me và có lẽ là tâm thần phân liệt

Có thể nói Alice Điên Lần Nữa là một game cực kỳ cuốn hút và đáng chơi. Ở góc độ concept và thiết kế, phải chấm game này ở mức 10/10, từ ý tưởng đến thế giới trong game. Nói 1 cách ngắn gọn thì nó đủ khiến mình – 1 đứa khá khắt khe về mấy cái về tâm lý học – cảm thấy hoàn toàn đắm chìm trong đó. Sự điên loạn không hề được làm quá, mà ngược lại tạo ra sự ám ảnh rất lạ kỳ. Phân cảnh Alice lang thang trong trại tâm thần, chứng kiến những trò hành hạ cô từng phải chịu đựng đều được diễn tả ấn tượng.

Alice trong trại tâm thần. Đâu là thật, đâu là mơ?

Bên cạnh sự dễ thương luôn là cái gì đó kỳ quặc, cạnh sự đẹp đẽ là thứ gì đó tởm vãi linh hồn. Hành trình đi tìm lại ký ức trong điên loạn cuốn khó dứt ra được (và cũng ghê cả răng). Từng mảnh ký ức là từng thứ phải suy ngẫm, được bóc tách. Trong báo cáo của luật sư nói ngọn lửa thiêu chết gia định Alice là do con mèo làm đổ đèn khiến thư viện ở tầng dưới bốc cháy trong đêm. Nhưng một ký ức khác lại là mẹ Alice đang nói với con: “Tối là chỉ được để một đèn sáng thôi nhé, và phải để đèn trên tầng trên đấy”.

Alice cầm ngựa gỗ đồ chơi đánh nhau cùng quân bài. Những quân bài Tây là những mảnh chắp vá cơ thể nhìn rất gớm.

Một trong những ký ức khác là giọng nói thất thanh của chị Alice: “Alice, đừng bỏ chị! Đừng bỏ cha mẹ! Cứu chị với, Alice!”. Chị gái, người gần gũi nhất với Alice cũng tiết lộ những chi tiết cho thấy cô đã bị lạm dụng: “Chị không phải đồ chơi, Alice, mà gã cứ bắt chị phải làm những thứ chị không muốn”.

Game dẫn dắt người chơi đến một thế giới tuổi thơ bị phá nát. Những con búp bê bị móc mắt, chặt đầu. Những ngôi nhà bị phá hủy, những sinh vật biển trơ xương. Tất cả đều liên hệ đến thế giới đau khổ của Alice

Cùng lúc đó, những người liên quan đến vụ tai nạn, trong khi thể hiện như đang thân thiện với Alice, thực tế ký ức lại cho biết họ là những kẻ vô trách nhiệm, tàn nhẫn và kinh tởm. Ví dụ như bà già được giao nhiệm vụ chăm sóc Alice ở trại tâm thần thường xuyên đe dọa và tống tiền cô, thậm chí phun ra những câu để hành hạ Alice như: “Một số mùi ngửi là nhận ra ngay nhé, như là mùi thịt người cháy ấy, chẳng giống mùi thịt cừu nướng đâu”. Hoặc ông Wilton, luật sư của gia đình, chỉ chăm chăm vào tài sản mà Alice được thừa kế thì “an ủi” cô bé Alice những câu nghe muốn đấm: “(Cha mẹ cháu) không đến nỗi cháy trụi đến mức không nhận ra được đâu, khói thôi ấy mà. Rồi một ngày nào đó cháu cũng sum họp gia đình với họ ở dưới hầm mộ thôi”.

Thành phố London ô nhiễm, u tối, nơi Alice mồ côi và chỉ có một mình, liên tục bị những người gần gũi lợi dụng.

Concept thì tuyệt đẹp và có sự đầu tư cao (thật sự không biết có bao nhiêu game làm cái hộp gỗ khảm xà cừ cho theme Trung Quốc?), mỗi màn là một thứ mới, một thế giới mới, mini game cũng đa dạng nhiều trò. Đan xen sự tỉnh táo lẫn điên loạn của Alice rất đẹp và cuốn hút, không giống kiểu đan xen không thời gian chán òm của cái game *ahem* sát thủ nào đó.

Alice đến xứ sở châu Á. Để ý nắp hộp khảm xà cừ óng ánh và bình sứ men lam phía xa. Tất cả những thứ Alice gặp trong game hay trong cơn mê man hỗn độn thực – ảo đều có liên quan trực tiếp đến những thứ Alice gặp.

Chặt chém, vũ khí đều ok. Màn chơi thiết kế đủ tốt để phải dùng toàn bộ items/skill có được để sử dụng, không thể cầm đúng 1 loại vũ khí solo đến cuối game được trừ khi kỹ năng của bạn siêu hạng. Game không có nhiều quái vật nhưng sự kết hợp quái rất điêu luyện đã khiến cách chơi đa dạng rất nhiều.

Ngay cả thiết kế quái vật cũng đa dạng, những thứ bình thường giờ bỗng trở nên ám ảnh. Bình trà có mắt, búp bê biến chất (?), sinh vật biển, hồn ma, v.v…

Okay concept game này rất đỉnh, game là đỉnh, ở mặt ý tưởng. Còn khi thành game thì nó có nhiều thứ TỆ KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN ĐƯỢC. Camera ngu si siêu ngu si, lỗi đồ hoạ nhiều kinh khủng, thiết kế hit box và nhất là collider phải đặt nhiều dấu chấm hỏi. Cả bạn lẫn quái sẽ gặp những lỗi ngu không tưởng tượng được, thường xuyên mắc kẹt ở góc hoặc camera tự động đâm vào tường. Vì thấy tội nghiệp quái vật quá nên cũng là động lực nhanh end game cho tụi nó được siêu thoát. Nhiều lần phải cho Alice tự sát hoặc restart màn chơi để thoát khỏi lỗi game.

Game rất đẹp nhưng làm rất ẩu. Nhìn trơn tru vậy thôi, chỉ cần nền nhà có chỗ gồ lên là Alice bị kẹt luôn, phải nhảy qua hoặc tệ hơn là chơi lại.

Sự cẩu thả còn hơn cả tôi năm một đại học buồn ngủ quá ghi cả tên công thức vào phần điền tên trong giấy thi. Có ai đó đã nhận xét game không được “polish”, và xin vote cái nhận xét đó 10 điểm. Game được làm engine Unreal 3, một engine mạnh nhưng nhà phát triển lại không tận dụng được ưu thế của engine đó. Khung hình trồi sụt giật lag thường xuyên, đặc biệt những màn có nhiều kẻ thù và nhân vật. Khâu gia công rất cẩu thả, texture sử dụng có độ phân giải thấp, cắt dán lung tung. Một cái trạm xe bằng đất có thể nằm trên một nền gạch, chả có tí liên kết nào.

Một ví dụ về concept thì đẹp mà lúc dựng thành sản phẩm thì thất bại. Hộp xà cừ óng ánh, ánh sáng, phục trang đều đẹp. Nhưng nền đá mà Alice đang đứng thì góc cạnh, vỡ nát. Kiểu nát bét thế này là ở trình độ game của những năm 97-98 thời Final Fantasy 7.

Tóm lại Alice đúng là khiến bạn Điên Lại Lần Nữa vì cái camera, lỗi game, collider và sự cẩu thả. Bạn muốn bỏ game bao nhiêu lần mà cứ phải chơi tiếp vì story telling và concept đẹp. Một anh chàng quá đỗi đẹp trai nhưng nhiều tật xấu hết sức. Cái thứ có đỏ nhưng ít có thơm này không phải chỉ có mỗi Alice Điên có mà là vấn đề chung của thị trường game. Ngay cả người khổng lồ *ahem* sát thủ/hành động bí mật Assasin’s Creed: Unity với đồ họa sắc nét đỉnh cao thế giới, được gần chục studio hợp tác xây dựng, và đủ đẹp để có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho kiến trúc sư, vậy mà game cũng tràn ngập lỗi, bug đè bug,

Ông lớn làng game Ubisoft và đội quân studio hùng hậu đông đảo cũng không cứu được một đứa con khỏi nạn nhìn thì đẹp long lanh nhưng khi chơi thì muốn đập nát cái máy.

Một số người đánh giá game hơi quá rush đoạn cuối. mình cũng có cảm nhận tương tự; nhưng chơi đến đoạn gần cuối là chỉ muốn chơi cho xong cho rồi nên càng end sớm càng tốt thôi.

Nói chung là ai yêu thích cái đẹp (như mình) thì nên chơi nhé, chỉ riêng việc ngắm đồ đạc thời trang concept cũng thích mắt lắm rồi. Một trong những game hiếm hoi làm về Đông Á của Trung Quốc và Nhật mà concept đẹp, nghiên cứu kỹ đến từng món đồ cổ ở Trung Quốc, à dù sao cũng là studio Tàu làm mà. Hàng Tàu vẫn luôn đẹp về mẫu mã nhưng chất lượng cần học hỏi hàng Nhật nhiều.

Sekiro: Shadows Die Twice (Bóng Chết Hai Lần)

Ví dụ đơn của hàng Nhật chất lượng cao gần đây: Sekiro: Shadows Die Twice (Bóng Chết Hai Lần) thì không khiến người ta phải Điên Lại Nữa như Alice, mà khiến người ta muốn chơi lần nữa. Ngoài việc thể hiện văn hóa Nhật và concept khá đẹp, không mắc những lỗi ngớ ngẩn, game còn đầu tư cho nhân vật kỹ đến từng chi tiết bé tí ti. Ở phần mở đầu game, nhân vật chính sẽ phải chạm nhẹ vào kiếm khoảng 0.3 giây rồi mới rút kiếm, đến cuối game sau khi người chơi đã điều khiển anh đánh nhau vài trăm bận thì nhân vật chính không cần sờ chạm gì mà rút kiếm ra nhẹ như hơi thở. Làm game mà còn thế này thì bảo sao môi trường ở Nhật chả áp lực và toxic thuộc dạng nhất nhì thế giới.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp