Nghệ sĩ Việt Nam

Vài cảm nghĩ nhanh sau khi xem triển lãm solo của Trần Quang Đại10. 04. 22 - 7:36 pm

Ace Le

HOW ARE YOU THESE DAYS?
Triển lãm mở cửa tự do vào các ngày 08,09,10 tháng 04 tại:
Eight Gallery – 08 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM
10:00-18:00

Hình trong bài lấy từ trang này 

1. Mong sao triển lãm nào cũng nhiều khán giả trẻ như vậy. Dễ chừng phải có đến 50 bạn xếp hàng bên ngoài (rất trật tự, chỉn chu) để chờ vào xem. Điều đáng nói hiện nay là 90% các triển lãm được cho là có chất lượng khác lại vắng teo không ai đi xem . Ừ thì biết rằng số lượng khán giả không phải là tiên quyết, nhưng nó cũng cho thấy một sự đứt gãy rất lớn trong hiệu quả công việc của những giám tuyển hiện nay.

2. Mong sao các bạn vào xem tranh là chủ yếu. Nếu các bạn trẻ chịu đi xem 10 cái triển lãm/năm, thì lẽ tất dĩ họ cũng sẽ tự thiết lập được cho mình hệ quy chiếu và đánh giá riêng thôi. Cái tôi “lo ngại” là họ “chỉ” đi xem mỗi triển lãm của Đại thôi và bỏ quên tất cả các triển lãm khác. Và đó thì không phải lỗi của Đại.

Hình của Ace Le

3. Mong sao tinh thần khen nhiệt liệt hay chê gay gắt không chỉ dừng lại ở triển lãm này, mà được tiếp nối và lan rộng hơn. Tôi có cảm giác lần này nhiều người bạo dạn thể hiện quan điểm là vì Quang Đại là lính mới – nhưng mới hay cũ không quan trọng, phản tư nhiều chiều luôn là cần thiết.

4. Tôi không quen Quang Đại, nhưng tôi cho là bạn có tiềm năng hội họa, thông qua một số tác phẩm tôi được thấy từ trước.

.

5. Triển lãm solo đầu tay là, và nên là, một dấu mốc sự nghiệp rất quan trọng với một nghệ sỹ. Quang Đại đã rất nghiêm túc khi đầu tư không gian, lắp đặt, website, và truyền thông. Nhưng giá như bạn có được sự trau dồi và hỗ trợ chuyên môn thêm về mặt giám tuyển, thì triển lãm sẽ không mắc phải một số lỗi cơ bản như hiện có. Quang Đại là một người mẫu, nên mặc định cũng bị thành kiến kiểu Chi Pu của hội hoạ. Bởi vậy nên nếu làm nghiêm túc thì phải cần cố gắng gấp đôi để vượt được định kiến ấy.

.

6. Trước hết, về mặt tác phẩm, tôi thấy loạt tranh có ngôn ngữ thị giác, hòa sắc và tạo hình nhất quán và của riêng bạn, đây là điều kiện cần. Có người nhận xét tranh của bạn không theo đúng luật mỹ thuật, tôi không cho đây là việc quan trọng. Nhưng khi ta rời bỏ kỹ thuật thì bắt buộc phải chú trọng vào chiều sâu ý niệm.

7. Thứ hai, về ý niệm, triển lãm thiếu việc diễn giải chiều sâu, và thiếu một mạch nội dung liền lạc. Tất nhiên không thể cứ bắt nghệ sỹ phải giải thích hết mỗi tranh của mình có ý nghĩa gì, nhưng đó là vai trò của giám tuyển, và ở đây có một lỗ hổng lớn về truyền đạt, nên không có đủ thông tin để khán giả đánh giá về chiều sâu tác phẩm.

.

8. Thứ ba, nếu muốn khán giả nhìn nhận tác phẩm của mình nghiêm túc, nghệ sỹ nên giảm thiểu (hoặc loại bỏ) các yếu tố tạp kỹ chung quanh. Tác phẩm của bạn là tranh, không phải sắp đặt, nên những bông hoa giả hay hiệu ứng ánh sáng trong trường hợp này lại đóng vai trò làm sao nhãng thay vì bổ trợ cho tác phẩm, và gợi cho người xem một cảm giác “kitsch” (sến) không cần thiết.

.

9. Nhìn rộng ra, tôi cho rằng việc một người trái ngành rẽ ngang sang làm nghệ thuật lẽ ra phải là một việc nên được động viên, vì nghệ thuật nên mở rộng cho mọi người – đã có quá nhiều rào cản tiếp cận nghệ thuật trong bối cảnh Việt Nam rồi. Tôi cũng đồng ý là sẽ tốt hơn nếu bạn đợi thêm vài năm và lựa tuyển cho triển lãm solo thật kỹ càng. Việc triển lãm solo quá sớm hoặc quá dầy khi mới vào nghề dễ gây cảm giác mỏng và nông. Vân biết quyền của một người vẽ tranh là họ được tự tổ chức triển lãm, nhưng công chúng đón nhận theo chiều nào là hệ quả của sự chuẩn bị và thái độ làm việc của họ có nghiêm túc hay không.

.

10. Mong rằng Quang Đại có đủ bản lĩnh để tiếp thu những phản tư mang tính xây dựng, và chúc em đi được chặng đường dài, tập trung chất lượng hơn số lượng. Những sân chơi có số má thì tất nhiên phải khắt khe. Ở đây tôi chỉ nói điểm tiếp cận với nghệ thuật nên được mở rộng với tất cả, và người muốn trở thành nghệ sỹ cũng cần có bản lĩnh tiếp thu phản hồi. Càng khắt khe tức là càng giúp nhau. Nhưng có một sự khác biệt nhất định giữa khắt khe có tính xây dựng, và bài trừ theo dạng chủ nghĩa tinh hoa.

Tuy nhiên tôi cũng rất dị ứng với những comment kiểu “con tôi cũng vẽ được thế này”; vì những người như thế đi triển lãm nào họ cũng nói vậy thôi. Việc vẽ tranh cần nghiêm túc chừng nào, thì việc xem và bình tranh cũng cần nghiêm túc chừng ấy.

*

Nguồn: Fb tác giả