Điện ảnh

Bài 10 – Nhật ký (không) làm phim:
Gặp nhà phát hành đãi bôi. Xin được món tiền be bé29. 05. 22 - 8:31 pm

(Tiếp theo bài 9)

Minh họa của Dana Fradon (The New Yorker)

Như đã nói ở bài trước, lúc tính đến việc tìm nhà sản xuất cho phim “Sàigòn thứ bảy” của tôi, Jack Gajos bảo, nếu giờ bạn gấp thì tôi giới thiệu cho một bà sản xuất khác. Jack nói sao làm vậy.

Bà sản xuất ông nói đến là một tên tuổi trong nghề, vài tuần sau gọi điện cho tôi bảo, tôi có xem kịch bản rồi nhưng tôi không làm được. Jack lúc đó bèn bảo, OK, thì mình tiến hành giai đoạn thứ nhì.

Nên biết, chỉ việc hãng phim đọc kịch bản không thôi thường là cũng mất mấy tháng, dù cho có người ân cần giới thiệu và nhắc tới nhắc lui. Trong khi đó, Jack đi Phi Châu chuẩn bị một phim gì đó khác (hay là bộ phim “Lumumba” đã nói đến, tôi không còn nhớ rõ), và bởi vì hay thề độc (?) nên ông đột tử đau tim chết tại phim trường!

Tôi thương ông (hay thương tôi), bởi vì tôi nghĩ là nếu vẫn còn sống thì Jack đã sản xuất phim “Sàigòn thứ bảy” như ông hứa. Ông là người lúc đó có đủ khả năng, đủ phương tiện chính thống để làm được. Tôi hiếm thấy có người nào yêu mến và hiểu kỹ bộ phim này như vậy, dù mới chỉ ở trên dạng kịch bản.

Nhà phát hành đãi bôi

Còn nếu nói đến qua loa và đãi bôi thì tôi có một chuyện ngược lại.

Khi dự án về tay Pierre-William thì bạn chạy được một việc giỏi, là tìm ra người phát hành. Đây là tiền ứng trước của phát hành thôi, chẳng bao nhiêu hết, 100.000 USD. Nhưng phim thì chưa làm, có tí tiền thì tốt và nó giúp cái danh là chính, khi khoe với các đầu tư khác ta có thể nói “Dự án này đã có phát hành rồi!” để họ an tâm bỏ tiền vào. Nhà phát hành này lúc đó là lớn và uy tín ở Pháp, Pierre-William nói năng chạy chọt thế nào thì không phải việc tôi, lúc thành rồi thì tôi phải đi ăn với hai bạn, gọi là để ăn mừng giữ tín, tuy chưa ký đến hợp đồng.

Bạn phát hành phim bảo, “Phim của anh khó thật (ý là cao cấp về mặt nghệ thuật). Tuần đầu ra Deauville (là thị trấn nghỉ mát cuối tuần nơi bờ biển của người Paris), tôi đọc mà nhức cả đầu. Tuần sau tôi lại giở ra, nỗ lực sang ngày thứ nhì mới đọc xong và bộ phim này hay thật!” Pierre-William gật gù. Chắc tại nhờ bạn tâng bốc nó với phát hành, và phát hành tin tưởng vào sản xuất nên Pierre-William nói sao phát hành nghe vậy, chứ trao đổi mấy câu là tôi biết cậu ấy chưa hề đọc 1 dòng! Tôi cũng chẳng cần cậu phải thích thật, cậu cứ trình chiếu nó là được rồi.

Lúc đó cậu ấy đang phát hành “Hoàng đế và thích khách” của Trần Khải Ca (2000) và có cô Củng Lợi. Phim này chưa đến Liên hoan phim Cannes thì phải, vì sau đó có đoạt được vài giải và số chiếu ngoài rạp có tăng lên. Nhưng bữa ăn là vào trước tháng 5, và nhà phát hành bảo, phim anh tôi cũng sẽ chiếu 40 hay 50 rạp, như Trần Khải Ca ấy! Chắc là tại vì cậu phát hành thấy tôi mặt như người Trung Quốc và cậu chỉ biết có vậy, hay là dưới mắt cậu này tôi cũng loáng thoáng có nét giống Trần Khải Ca! Thế thì tốt quá rồi, còn muốn gì hơn, tôi bảo, nhưng có nét hoài nghi lộ lên mặt, “Mày đừng có bốc phét, kịch bản tao mày còn chưa đọc, và phim này không có Kinh khê Kinh sống hay Kinh nhão nào, ở đó mà 50 rạp!”

Củng Lợi trong “Hoàng đế và thích khách”, ảnh ở đây 

Cậu nhận ra và xuống tông mấy nấc, tôi thề với anh (điện ảnh hay có thề thốt) là tôi sẽ không phát hành vào tháng 8 đâu mà anh lo! Tháng 8 là tháng hè ở Pháp, chẳng có ai đi xem hát. Luật ở Pháp ấn định, trước khi chiếu trên truyền hình và ra video phim phải có chiếu tại rạp ít nhất trước đó sáu tháng. Các phim ít khách và bị dìm, phát hành chiếu tại 1 hay 2 rạp trong tháng 8 vì tháng 9 cho khỏi phí chỗ màn hình dành cho Batman hay King Kong chẳng hạn. Thế là xong việc phát hành của họ, sản xuất chỉ còn ngồi nhìn lịch đợi để đưa sang truyền hình, sau đó còn cho thuê băng đĩa.

Tôi có một bạn đạo diễn Pháp, làm phim khó nhọc loại cà tàng như tôi. Phim bạn đã hoàn thành từ lâu rồi, mời tôi đi xem premiere đã lâu. Gặp lại bạn, bạn nghe được tin vui này thì than, phim mình cả năm nay xếp xó, chưa có phát hành mà phim anh mới lên dự án đã tìm ra được! Tôi bảo, đừng có nói thế nhé, ít ra là phim bạn đã làm xong mà quả là như thế vậy, có đau đớn (hai chiều) không! Phim của bạn, năm ba năm sau tôi thấy khuya khoắt trên truyền hình vào một đêm không trăng, có nghĩa là số phận của nó đã là phát hành trong 1 rạp vắng ngắt vào tháng 8 của một năm nào trước đó. Nhưng phim của tôi thì không được đến như vậy, nào ai biết trước được ở thế giới điện ảnh.

Nhà nước – nhà tài trợ dễ tính

Sản xuất ở đâu thì tôi không biết, nhưng ở Pháp chẳng khi nào nhà sản xuất của cơ chế điện ảnh lại lỗ cả. Họ chỉ có từ ăn tới huề. Việc của họ là kiếm đủ ra tiền để thực hiện và nước Pháp có chính sách nâng đỡ điện ảnh nước nhà. Thí dụ trong tuần có ngày cấm truyền hình phát phim truyện và giá vé tại rạp hạ để khuyến khích bà con xem màn ảnh lớn. Một số rạp được phát nhãn “Art et essai” (Nghệ thuật và thử nghiệm). Khi chiếu những phim thuộc dạng này rạp được nhà nước bảo đảm một số vé vào nhất định, có nghĩa là không ai xem thì nhà nước mỗi xuất vẫn trả cho bao nhiêu ghế ngồi. Chính sách này nuôi được điện ảnh Pháp sống để chống cự lại với cơn lốc Hoa Kỳ, trong khi một nền điện ảnh xuất sắc như là Italy, không có khuyến khích của nhà nước, thì nhắm mắt buông tay và chết mất xác. Pháp còn có hội đồng này hội đồng nọ, quỹ này quỹ kia duyệt kịch bản để nâng đỡ giúp tiền.

Tháng 7. 2018, lần đầu tiên, đại lộ Champs-Elysees (Paris) được biến thành rạp chiếu phim khổng lồ vào một đêm Chủ nhật. Bộ phim được chiếu là “The Visitors”, với sự có mặt của diễn viên Jean Reno. Ảnh ở trang này

Đầu tiên là tiền đâu, và sản xuất chạy những trợ cấp trung ương, địa phương từ thành đến tỉnh, không chê một thứ nào.

Tôi ngụ ở Val de Marne, là một départment (huyện) thuộc ngoại thành Paris. Tôi điền một cái đơn hai mặt giấy kèm đề cương kịch bản ba trang gửi đến cơ quan văn hóa huyện. Đây là việc nhỏ, chẳng nhọc nhằn gì, và như ta biết, “Sàigòn thứ bảy” chẳng liên quan gì đến Val de Marne cuối năm. Nhưng đạo diễn của nó có hộ khẩu ở huyện này và cuối năm, lúc tính sổ nâng đỡ nghệ thuật, huyện còn thừa tiền lẻ ở trong quỹ! Vậy là huyện gọi tôi đến dùng trà, và qua tiếp xúc tôi nhận ra là chẳng ai biết mô tê gì về phim tôi cả, việc là đưa tôi một tờ giấy k‎ý nhận. Công ty sản xuất nhận được 5.000 USD và cuối phim chớp nháy 1 giây sẽ có hàng chữ “Quỹ điện ảnh của Val de Marne” khi khán giả đã đứng dậy ra về. Các bạn nào chịu khó ngồi đến hàng chữ chót, sẽ thấy những logo và hàng chữ này chi chít, mỗi cái là do đóng góp chút tiền.

Ít có khán giả nào mà chịu ngồi đến hàng chữ cuối, trừ các khán giả trong nghề. Nói qua, và ngoài lề là credits cuối phim dài ki lục thế giới là của bộ phim “26 năm” (2012) của Hàn Quốc.

Han Hye-jin trong bộ phim Hàn Quốc “26 năm”, ảnh ở đây 

Bộ phim này đề tài tế nhị, nhân vật ác là cựu tổng thống (còn sống) Chung Do Hwan, kẻ đã ra lệnh thảm sát mấy ngàn thường dân tại Quang Châu năm 1980. Tội của ông thì đã rõ rồi và ra tòa sau này vào thời dân chủ, ông bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên, ông được tổng thống Kim Young Sam ân xá cho về tư dinh. Nhân vật thiện của bộ phim này là mấy bạn từng có thân nhân bị giết trong sự cố, quyết ép ông nếu không xin lỗi thì phải đền tội. Bộ phim gặp trục trặc lên xuống về khâu tiền, có lúc diễn viên ngại ngần nên rút khỏi dự án. Diễn viên hay đạo diễn còn thay thế được, nhưng 10 ngày trước khi bấm máy, một nhóm đầu tư phim bỏ chạy.

Một ca sĩ danh tiếng bèn bỏ 1 triệu USD vào, và độc đáo là hình thức crowdfunding, hay quyên góp quần chúng. Mỗi người góp tiền lẻ trong túi và có 15.000 người đóng góp được 650.000 USD! Cuối phim tất cả 15.000 người này được nêu danh. Bộ phim thành công, là một trong những phim chạy nhất tại Hàn Quốc, 3 triệu lượt vé, trong đó có chí ít là 15.000 khán giả ngồi đến hàng chữ cuối cho đến khi rạp bật đèn.

(Còn tiếp)

*

Nhật ký (không) làm phim:

- Bài 1 – Nhật ký (không) làm phim: nhớ Non nhân xem Two Brothers

- Bài 2 – Nhật ký (không) làm phim: Niềm tự hào tại quán bar

- Bài 3 – Nhật ký (không) làm phim: Joey Luna tháo vát và ấm áp

- Bài 4 – Nhật ký (không) làm phim:
Từ Thái sang Phi tính đường làm phim Việt

- Bài 5 – Nhật ký (không) làm phim:
Chin Chin Gutierrez – gương tốt minh tinh

- Bài 6 – Nhật ký (không) làm phim:
Sản xuất già đời, đạo diễn tay mơ

- Bài 7 – Nhật ký (không) làm phim:
Để nhốt một đoàn diễn viên

- Bài 8 – Nhật ký (không) làm phim:
Đi chọn bối cảnh, gặp Eric the Red

- Bài 9 – Nhật ký (không) làm phim:
Mối tình bất thành quanh Sàigòn

- Bài 10 – Nhật ký (không) làm phim:
Gặp nhà phát hành đãi bôi. Xin được món tiền be bé

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp