Bàn luận

Nhân phim đam mỹ bị cấm, nghĩ về tình tri kỷ01. 06. 22 - 10:34 pm

Trịnh Bình An

Đam mỹ = lãng mạn nam nam

Một cảnh trong phim “Trần Tình Lệnh” (Hình ảnh cả bài: internet)

Đầu tháng Giêng 2022, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh chính thức cấm chiếu các phim thể loại “đam mỹ”.

Phim đam mỹ là loại phim phiêu lưu, tình cảm, không chứa đựng những tư tưởng cải cách, đấu tranh, đòi tự do, dân chủ

“Đam” nghĩa là mê đắm (như trong đam mê), “Mỹ” là đẹp đẽ (như trong mỹ lệ). Nhưng khi dùng cho tiểu thuyết, phim ảnh, hai chữ “đam mỹ” hàm ý tình yêu giữa người nam và người nam. (Tiếng Anh là “Danmei”: The male same-sex romance genre of “boys’ love”)

Trong năm 2021, hãng phim Netflix của Hoa Kỳ đã cùng một lúc phổ biến 4 bộ phim đam mỹ: Trần Tình Lệnh (The Untamed), Sơn Hà Lệnh (Word of Honor), Âm Dương Sư: Tình Nhã Tập (The Yin-Yang Master: Dream of Eternity), và Thiên Bảo Phục Yêu Lục (The Legend of Exorcism).

Những bộ phim này đều có chung một số ưu điểm: Kịch bản hấp dẫn, cảnh quan lộng lẫy, dàn diễn viên trẻ, đẹp, giỏi diễn xuất (riêng Thiên Bảo Phục Yêu Lục là phim hoạt họa). Nội dung cả 4 bộ phim đều xoay quanh mối tình lãng mạn giữa hai nhân vật nam chính.

Poster phim Thiên Bảo Phục Yêu Lục

Nhưng tại sao chỉ là “lãng mạn”?

Bởi vì trong phim hoàn toàn không có những cảnh ướt át, mùi mẫn như hôn hít, vuốt ve, làm tình… điều vẫn thấy nhan nhản trong các phim đồng tính nam. Ở đây, tình yêu chỉ được thể hiện qua ánh mắt tha thiết, lời nói ân cần. Yêu là quan tâm lẫn nhau, thông cảm với nhau, hy sinh mạng sống cho nhau. Những cảnh thân mật nhất chỉ có: nắm tay khi trị thương, đỡ nhau khi bất tỉnh, choàng vai khi… khinh công.

Tri kỷ – cốt lõi của đam mỹ

Chỉ “thụ thụ bất thân” nhưng thể loại phim này thu hút được rất nhiều khán giả. Để hiểu được nghịch lý này, tưởng cũng nên nhắc lại quan niệm “Tri Kỷ” trong văn hóa Trung Hoa.

Hai chữ tri kỷ dùng để chỉ một người bạn rất thân, thân đến mức có thể thông cảm và hết lòng với mình. Những đôi tri kỷ trong sử Tàu được nhắc tới nhiều nhất là Bá Nha-Tử Kỳ và Quản Trọng-Bảo Thúc Nha. Còn bộ ba anh em kết nghĩa Lưu Bị-Quan Vũ-Trương Phi là tình “huynh đệ-chiến hữu”, chiến đấu bên nhau, sống chết cùng nhau. Thế nhưng những cặp tri kỷ ấy, ai nấy đều có gia đình riêng, có vợ con, thậm chí còn có nhiều vợ.

Còn khi hai người nam yêu nhau tới mức trở thành tình nhân thì không gọi “Tri Kỷ” nữa mà là “Đoạn Tụ”. “Đoạn” là chặt đứt, “Tụ” là tay áo. Hai chữ ấy có nguồn gốc từ điển tích “Chặt tay áo”: Đổng Hiền được vua Hán Ai Đế yêu thương, nằm gối vào tay áo vua mà ngủ. Khi vua dậy trước, không nỡ đánh thức, bèn cắt luôn tay áo mà đứng lên.

Văn hóa Trung Hoa ca ngợi tình tri kỷ như thứ tình cao quý giữa người và người, nếu là nam và nữ thì nữ là “hồng nhan tri kỷ” của nam. Tri kỷ cũng có nguyên tắc của tri kỷ. Một trong những nguyên tắc chính yếu là phải “đạm”, tức không bày tỏ lộ liễu, như câu “Quân tử chi giao đạm nhược thủy” (1). Tình của của người quân tử lạt như nước, nước nhờ lạt mà không ngán.

Một câu khác (tương truyền của thừa tướng Gia Cát Lượng) còn nói rõ thêm: “Ôn bất phiền hoa – Hàn bất cải diệp” – Ấm không nở hoa, lạnh không thay lá – Ý nói trong giao tình nên giữ thái độ bình thản, không vồ vập khi thích nhau nhưng cũng không hắt hủi khi hết thích nhau.

Một cảnh trong phim Trần Tình Lệnh

Nước Việt ta truyền tụng tình bạn tri kỷ giữa hai thi hào Nguyễn Khuyến và Dương Khuê. Khi cụ Nghè Dương ra đi, cụ Tam Nguyên Yên Đổ viết bài thơ khóc bạn, khóc thương người đi nhưng cũng khóc thương chính mình, vì mất tri kỷ đồng nghĩa mất đi người có thể chia sẻ với ta những điều tinh tế nhất.

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa.
Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.

Tình tri kỷ còn là thứ tình bạn chỉ có được ở những bậc hào hoa nhất, phong lưu nhất, những con người không màng tiền tài, danh lợi. Bài hát “Si Tình Mộ”, trong phim Âm Dương Sư, đề cao tình cảm cao quý ấy với hai câu thơ: “Bất cầu anh hùng vạn thế danh – Đãn cầu tri kỷ đồng lộ hành” (2) – Cần chi danh tiếng anh hùng, những mong tri kỷ đi chung một đường.

Một cảnh trong phim Âm Dương Sư

Người đàn ông phương Tây cũng cảm nhận những tình bạn sâu sắc giữa họ với nhau, nhất là trên chiến trường. Tác phẩm “All Quiet on The Western Front” (Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh) của Erich M. Remarque có đoạn miêu tả thứ cảm tình lạ lùng mà thâm trọng ấy.

“Tôi chợt nghe thấy tiếng ai đó nói nho nhỏ. Nghe ra như giọng của Kat… Những tiếng nói, những lời nho nhỏ, những bước chân trong chiến hào ở sau lưng, đã kéo giật tôi ra khỏi nỗi cô đơn và nỗi sợ chết kinh hoàng suýt nữa quất tôi đổ sụm. Những tiếng nói ấy, với tôi, còn hơn cả sự sống, hơn cả tình mẫu tử, hơn cả nỗi sợ hãi; Chúng là thứ mạnh mẽ nhất, ủi an nhất: Chúng là tiếng đồng đội của tôi. Tôi không còn là một một đốm sáng thoi thóp lập lòe, lẻ loi trong bóng tối – tôi thuộc về họ và họ thuộc về tôi. Tất cả chúng tôi đều có chung nỗi sợ hãi và có chung cuộc sống. Chúng tôi gần gụi nhau hơn cả tình nhân, thật dễ dàng mà cũng thật khó khăn. Tôi có thể vùi mặt vào họ, vào những tiếng nói của họ, những tiếng nói ấy đã cứu lấy tôi và sẽ đứng bên tôi.”

Tình “huynh đệ chi binh” cũng khiến độc giả chúng ta say mê theo dõi từng bước chân của bốn chàng lính Ngự Lâm của Alexandre Dumas. Dù xuất thân rất khác, tính tình cũng rất khác, Athos, Porthos, Aramis và d’Artagnan vẫn gắn bó với nhau trong những điệp vụ gian nan, kéo dài từ tác phẩm “Les Trois Mousquetaires” (Ba Chàng Ngự Lâm Quân) tới tác phẩm “Vingt Ans Après” (Hai Mươi Năm Sau).

Và nếu không dựa vào tình tri kỷ thì Conan Doyle sẽ khó lòng viết nên những trang trinh thám mãi mãi mê hoặc lòng người giữa chàng thám tử tài hoa Sherlock Holmes và người bạn của anh – bác sĩ. Watson. Khi Watson bị trúng đạn, chứng kiến biểu cảm của Holmes, lòng ông tràn đầy xúc động:

“Vết thương thật đáng giá; cho dù nhiều vết thương hơn nữa vẫn thật đáng giá. Nhờ nó, mới thấy ẩn sau lớp mặt nạ lạnh lùng kia là thăm thẳm tình thâm nghĩa trọng. Chỉ một thoáng qua thôi, nhưng tôi thấy đôi mắt vốn dửng dưng kia bỗng chợt tối lại, đôi môi nghiêm nghị kia chợt khẽ run lên. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi được thấy một trái tim vĩ đại và một khối óc vĩ đại. Tất cả những năm tháng âm thầm tận tụy của tôi, cuối cùng, cũng đã viên mãn chỉ trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy.”

Sherlock Holmes và bác sĩ Watson

Trên đây, là một vài ví dụ cho tình tri kỷ của những thời trước. Dù Đông hay Tây, phái nam thường thích tụ họp, quây quần với nhau. Đó có thể là vết tích của người tiền sử chăng, khi đàn ông giữ nhiệm vụ săn bắt, họ phải cùng nhau đối đầu với những loài dã thú to khỏe và hung dữ.

Kịch bản cho một mối giao tình nam-nam vì thế không thể bỏ qua hai yếu tố: thiện tâm và dũng khí.

Bởi, dù vẻ ngoài mềm mỏng, những nhân vật chính đều vẫn là những anh hùng, tình yêu của họ không thể chỉ nhìn vào mắt nhau mà phải cùng nhìn về một hướng: trừ gian, diệt ác. Mà, chỉ anh hùng mới có tri kỷ, không có tình bạn giữa kẻ cướp.

*
Quay về với chủ đề phim đam mỹ.

Hai bộ phim truyền hình nhiều tập Trần Tình Lệnh và Sơn Hà Lệnh đều được chuyển thể từ tiểu thuyết kiếm hiệp đam mỹ. Hai nhân vật nam chính trong truyện đều thuộc loại “đoạn tụ”, tiếng Anh là “gay man”, tiếng Việt là “đàn ông cong”, trái với “đàn ông thẳng – straight man”. Thế nhưng, để qua được kiểm duyệt, phim được sửa đổi để chỉ còn là tình tri kỷ, các cặp tình nhân nam-nam đều bị đặt trong cái thế “tình trong như đã mặt ngoài còn e”

Khi thị trường điện ảnh châu Á đã chán ngấy các thể loại ngôn tình sướt mướt, cung đấu trí trá, tiên hiệp viển vông… việc họ quay ra say mê tình bạn tri kỷ ấm áp “sống chết có nhau, không rời không bỏ ” là điều dễ hiểu.

*

Chú thích

(1) Nguyên câu văn trong “Trang Tử Nam Hoa Kinh”: “Quân tử chi giao đạm nhược thủy, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ” (Quân tử đối xử với nhau nhạt như nước lã, tiểu nhân thì lại ngọt như rượu nếp).

(2) Nguyên đoạn là: “Bất cầu anh hùng vạn thế danh. Đãn cầu tri kỷ đồng lộ hành. Tâm như băng tuyết khiên như điệp. Thị phi đối thác vô bằng tá”. (Chẳng cần được tiếng anh hùng ngàn năm. Chỉ mong có tri kỷ đi cùng đường. Trái tim như băng tuyết, đôi vai như cánh bướm (lạnh với các ham muốn, nhẹ với các mưu cầu). Thị phi đúng sai không can dự vào).

Ý kiến - Thảo luận

16:16 Friday,3.6.2022 Đăng bởi:  Khánh
Cũng khổ cho khán giả/độc giả Trung Quốc. Làm tình, hôn hít hay vuốt ve là chuyện vô cùng tự nhiên của tình cảm con người. Cứ phải gỡ hết những yếu tố đó đi, thay bằng phong hoa tuyết nguyệt làm cho khán giả xem xong bị ảo, từ phim ngôn tình cho người thẳng tới phim đam mỹ cho người ..không thẳng đều bị một bệnh chung.
...xem tiếp
16:16 Friday,3.6.2022 Đăng bởi:  Khánh
Cũng khổ cho khán giả/độc giả Trung Quốc. Làm tình, hôn hít hay vuốt ve là chuyện vô cùng tự nhiên của tình cảm con người. Cứ phải gỡ hết những yếu tố đó đi, thay bằng phong hoa tuyết nguyệt làm cho khán giả xem xong bị ảo, từ phim ngôn tình cho người thẳng tới phim đam mỹ cho người ..không thẳng đều bị một bệnh chung. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp