Soi học

Bài học Chủ nhật: Chimera – nguồn cảm hứng cho lũ quái thú trong phim hoạt hình Nhật? 23. 09. 12 - 12:56 am

Pha Lê

 

Sau nhiều bài về các cô tiên nữ, chúng ta nên chuyển sang học một tích về anh hùng và quái thú cho nó đổi món. Quái thú ở đây là con chimera (rất nổi tiếng), còn anh hùng là Bellerophon (không nổi tiếng bằng). Trước hết, hãy bắt đầu bằng món khai vị đơn giản nhất: sơ yếu lý lịch.

Trong truyền thuyết cũng như tích của dân Hy Lạp xưa, Echidna (hoặc Ekhidna) là “mẹ của các loài quái thú”. Bộ dạng của bà thần này cũng rất kinh dị, nửa người nửa rắn, thành thử mọi người sẽ không tìm thấy tượng hay tranh vẽ Echidna đâu vì không ai muốn trưng bà này trong nhà. Chồng của Echidna là Typhoeus – cũng nửa người nửa rắn giống vợ, khác cái là ông chồng có thêm hai cánh.

Đây là hình vẽ Typhoeus trên chiếc bình cổ, có niên đại 550 năm trước Công Nguyên. Vị thần không những có cánh mà còn có nhiều chân rắn, ngo ngoe như bạch tuộc. Echidna cũng giống thế, trừ đôi cánh, và Echidna chỉ có một chân rắn.

 

Nhà thơ Hesiod phán rằng Echidna sinh hạ Orthos (chó địa ngục – hai đầu, đuôi rắn), Ceberos (chó ba đầu, gác cổng địa ngục, từng xuất hiện trong tích về Orpheus), con rắn nước 9 đầu Hydra, và con Chimera. Sau đó Orthos và Chimera cùng nhau sinh hai quái thú: sư tử Nemeian và nhân sư. Còn nhà thơ Appolodurus bác bỏ việc Chimera và Orthos đẻ con, nói rằng chính Echidna đẻ con nhân sư, và sinh thêm đại bàng Kaukasian (chính là con đại bàng Zeus sai xuống moi gan Prometheus), và con lợn rừng Krommynon.

Chimera là một quái thú… tạp chủng, có mình sư tử, phần đầu trước là đầu sư tử, phần đuôi là một cái đầu rồng (hoặc đầu rắn), giữa thân Chimera mọc một cái đầu dê. Chimera biết phun lửa, và nàng quái vật này (lúc đầu) hưởng một cuộc sống khá hạnh phúc. Ngày đêm lang thang tại các vùng nông thôn của vương quốc Lycia, lâu lâu giết cừu giết gà xơi qua bữa.

Đây là chiếc đĩa Hy Lạp cổ, thuộc thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Đáy đĩa có hình Chimera vừa lai sư tử, vừa lai dê, lai rắn. Chắc người xưa không biết rằng sư tử với cái bờm xù to thế này là sư tử đực, chứ Chimera là con cái mà, không thể có bờm được. Chiếc đĩa hiện nằm tại bảo tàng Lourve.

 

Cuộc sống có lẽ cứ thế tiếp diễn cho nàng Chimera, nếu Bellerophon không xuất hiện.

Theo Appolodorus, Bellerophon là con trai của vua Glaukos và Eurymede, còn Hesiod thì phán chàng này là con của Eurymede và thần biển Poseidon. Chuyện sơ yếu lý lịch dài dòng, tóm gọn lại là: chàng Bellerophon này vô tình (hoặc cố tình) giết người, rồi sau đó chạy trốn tới xứ Tiryns để tẩy uế hay sám hối chi đó. Vị vua Proetus của Tiryns rất quý Bellerophon, còn hoàng hậu Anteia (hoặc là Stheneboea, tên tuổi của bà hoàng hậu này khác nhau tùy theo bản) thì lại chết mê chết mệt chàng trai trẻ. Canh lúc chồng đi vắng, Anteia mon men tới dụ khị Bellerophon, nhưng bị chàng từ chối. Vừa quê độ vừa ấm ức, Anteia tố cáo bậy với chồng mình rằng Bellerophon giở trò sàm sỡ khi chồng vắng nhà.

Tin hoàng hậu, nhưng không muốn vấy máu, vua Proetus gửi Bellerophon sang cho bố vợ – vua Iobates của xứ Lycia, kèm theo thư mật nhắn Iobates ám sát Bellerophon giúp mình. Của đáng tội, Iobates cũng ngán giết chóc, thế là ông sai Bellerophon đi săn con Chimera hiện đang hoành hành ở vùng nông thôn của Lycia, Iobates đinh ninh rằng Chimera sẽ xơi tái chàng trai trẻ giùm mình.

Để giết Chimera, Bellerophon cưỡi con ngựa có cánh Pegasus tới vùng quê. Như mọi người đã biết, Pegasus là con của Poseidon và Medusa, chào đời từ xác mẹ sau khi Perseus chặt đầu Medusa để đem về dâng vua Polydectes. Làm sao Bellerophon bắt được Pegasus để cưỡi vậy? Nhà thơ Appolodorus thì nói là Bellerophon đi gặp một vị tiên tri, ông này kêu chàng trai ngủ qua đêm trong đền thờ của Athena. Chàng làm theo, và Athena hiện hình, đưa chiếc cương bằng vàng cho Bellerophon và chỉ cho Bellerophon cách bắt và thuần Pegasus. Còn Hesiod thì nói rằng Poseidon – bố của Bellerophon – tặng cậu con ngựa có cánh, và con ngựa cũng đồng ý cho Bellerophon cưỡi vì dù gì thì hai người cũng là anh em cùng cha khác mẹ. Có ngựa rồi, Bellerophon phóng đi tìm Chimera để giết.

Tác phẩm “Bellerophon lên đường đi giết Chimera”, Ivanov Alexander Andreevich, 1829. Vị râu bạc đang ngồi trên ghế và bắt tay Bellerophon chắc là nhà tiên tri – người bảo Bellerophon vô đền thờ Athena ngủ. Chứ vua Iobates muốn giết Bellerophon mà, nên sao bắt tay được? Bên cạnh chàng dũng sĩ trẻ tuổi là con ngựa Pegasus và thần thông thái Athena với khiên, mũ, và áo giáp. Mọi người biết rồi đấy, Athena đã mến ai là người đó sẽ chiến thắng.

 

Đây là hình minh họa do Mary Hamilton Frye vẽ cho cuốn sách “Myths Every Child Should Know” (Những tích trẻ em nên biết), xuất bản năm 1914. Vì nhiều họa sĩ vẽ Perseus cưỡi Pegasus đi giết thủy quái để cứu Andromeda, nên lắm người nhầm rằng Pegasus là của Perseus; chứ thực ra Pegasus là của Bellerophon.

 

Tác phẩm “Bellerophon trên lưng Pegasus” này là do Giovanni Tiepolo vẽ trên trần của cung điện Labia ở Venice, Ý, vào năm 1747. Nữ thần ở trên cao chắc là Athena – người luôn phù hộ các anh hùng. Còn cái ông râu dài bên tay trái thì không biết là ông nào? Poseidon chăng? Bellerophon là con Poseidon nên có thể bố đang ngồi đấy ủng hộ con, nhưng Poseidon cầm đinh ba cơ mà? Vũ khí sai rồi.

 

Vậy Bellerophon có giết được Chimera? Mới đầu, chàng trai dùng giáo đâm con quái thú tới tấp, nhưng Chimera vẫn tỉnh bơ, chẳng hề hấn gì, tiếp tục phun lửa đuổi Bellerophon đi chỗ khác. Thấy ngọn lửa nóng liên tiếp phun ra từ miệng con quái thú, Bellerophon nảy ra sáng kiến: thay vì dùng đầu nhọn đâm chọt, chàng xoay chiếc giáo lại và thọc chuôi (đúc bằng chì) vào họng Chimera, ngọn lửa nóng khiến chì chảy xuống họng và làm tắc đường thở của con quái thú, thế là nó lăn quay ra chết.

Tác phẩm “Bellerophon”, Peter Paul Rubens, 1635. Bellerophon lẫn Pegasus trong tranh Rubens trông hơi bị mập, nhưng thôi, vào thời của Rubens thì ai cũng mập thế. Con Chimera này nhìn không giống Chimera, thiếu mất đầu rồng/rắn và đầu dê rồi. Rubens cũng giống dân Hy Lạp xưa, vẽ sư tử cái thành sư tử đực.

 

Đây là tranh minh họa cho cuốn “Tanglewood Tales”, xuất bản năm 1920, nhưng ai vẽ thì không thấy đề, bạn nào biết xin bổ sung cho SOI nhé. Bellerophon trong tranh dùng kiếm chứ không dùng giáo, nhưng con Chimera thì đẹp quá nè, có đầu sư tử (cái), rắn, và dê (dù đầu dê phải nằm ở giữa và đầu rắn nằm ở đuôi, nhưng thôi kệ, vẽ vậy lại thấy kỳ kỳ).

 

Từ Chimera còn được dùng tới ngày nay, giống con quái thú trong tích, Chimera dùng để chỉ những con vật mang trong mình hơn 2 hợp tử và có 2 bộ DNA khác nhau, chứng bệnh “thai trong thai” hiếm gặp được gọi là Chimerism.

Đặc biệt, các nhà làm truyện tranh và làm phim hoạt hình Nhật rất khoái các con thú kiểu Chimera. Series nổi tiếng Pokemon thì đầy rẫy những con vật lai tạp với lắm hình thù khác nhau, series Ga-Rei Zero có con Ranguren – trông cực giống con Chimera trong tích Hy Lạp với đầu sư tử và đuôi rắn; Chimera cũng xuất hiện thường xuyên trong series Fullmetal Alchemist, và nhiều series hoạt hình khác nữa. Ai mê hoạt hình Nhật, thì chắc chắn sẽ biết về Chimera trước khi đọc tích này, thật vui khi thấy tích cổ còn được sử dụng nhiều trong các loại hình nghệ thuật thời hiện đại.

Đây là con Chimera lai cọp/sư tử với đuôi rắn trong Ga Rei Zero.

 

Còn đây là con Chimera trong Fullmetal Achelmist, lai sư tử, thằn lằn, và con gì như gà tây. Trông kinh dị khiếp! Ai không đọc tích thì chắc sẽ nghĩ là phim hoạt hình Nhật có nhiều con trông ghê ghê và bạo lực, chứ đúng ra thì mấy con này cũng là do tích cổ truyền cảm hứng mà ra thôi, mọi người nhỉ?

 

Ý kiến - Thảo luận

18:59 Saturday,10.9.2016 Đăng bởi:  Thiên Minh
Em lại cứ nghĩ anime làm vậy để tăng độ dị hợm cho chúng, chứ kiểu như sáng tạo ra nhân vật ngoài hành tinh thì cũng không đáng sợ lắm @@
...xem tiếp
18:59 Saturday,10.9.2016 Đăng bởi:  Thiên Minh
Em lại cứ nghĩ anime làm vậy để tăng độ dị hợm cho chúng, chứ kiểu như sáng tạo ra nhân vật ngoài hành tinh thì cũng không đáng sợ lắm @@ 
21:21 Saturday,3.1.2015 Đăng bởi:  minh henshin
Kamen rider wizard có hình hẳn hoi về chimera ấy
...xem tiếp
21:21 Saturday,3.1.2015 Đăng bởi:  minh henshin
Kamen rider wizard có hình hẳn hoi về chimera ấy 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả