Bàn luận

Nên dành cho tiếng Trung một chỗ đứng cùng tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật trong trường học Việt Nam 31. 08. 16 - 8:27 pm

Phạm Tuấn Anh

Khi làm việc ở Ai Cập có một điều làm mình suy tư về người Ai Cập hiện đại là việc mình không nhìn thấy một kết nối, liên hệ chặt chẽ mang tính kế thừa trọn vẹn, đầy đủ giữa người Ai Cập hôm nay với quá khứ vinh quang của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Khi làm việc ở Trung Quốc mình không thấy suy tư đó và thấy rằng người Trung Quốc hiện đại, tốt hay xấu, cũng kế thừa được nhiều truyền thống cổ xưa của họ. Sự khác biệt giữa hai nền văn minh bố mẹ thế giới kia theo suy nghĩ của mình là do chữ viết của Trung Quốc vài ngàn năm nay không bị gián đoạn và lịch sử Trung Quốc được ghi chép đầy đủ nhờ chữ viết đó.

Việt Nam do vị trí địa lý có một nền văn hóa, nền học vấn mượn nền tảng chữ viết của người Trung Quốc nên dù muốn hay không chúng ta cũng vẫn có những điểm chung với họ. Muốn biết, hiểu về chính quá khứ của chúng ta thì chúng ta phải dùng chữ của họ do tổ tiên ta dùng chữ của họ để ghi chép lại về quá khứ.

4 chữ “Vi bách Việt tổ” (Tổ của trăm họ bách Việt) cùng 2 chữ “Long Tiên” với hàm nghĩa con Rồng cháu Tiên trên một tấm toan 3m x 25m. Tác giả của bức thư pháp là hai nhà Thư pháp Tiền vệ Lê Quốc Việt và Nguyễn Quang Thắng thuộc nhóm “Zenei gang of Five”

Khi người Pháp đến chúng ta bỏ chữ Hán để đi theo chữ quốc ngữ cũng tức là bỏ đi cái chìa khóa mở cửa quá khứ của chính chúng ta. Đa số người Việt Nam ta đều có tên có nghĩa Hán Việt nhưng đại đa số đều mù mờ về nghĩa của tên của mình. Đến tên mình chúng ta còn không biết thì lịch sử của chính chúng ta viết bằng thứ chữ đó làm sao chúng ta hiểu được?

Mình ủng hộ việc tìm lại cái chìa khóa cũ đó bằng cách phổ cập thế nào đó việc học Hán Nôm giúp chúng ta khôi phục lại mối dây liên hệ tình cảm, truyền thống v.v… với quá khứ, với tổ tiên, để chúng ta không còn là người mất gốc nữa và nhờ thế có thể là chủ nhân trọn vẹn và đích thực trên quê hương mình. Chính bản thân mình cũng rất cố gắng có ý thức học tiếng Trung để hiểu tiếng Việt hơn.

Mình khuyến nghị không đồng nhất hai việc học chữ Hán với việc bị đồng hóa hay tăng sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Nên nhớ, nước Trung Quốc cộng sản với các chính sách bành trướng, hiếu chiến sớm muộn gì cũng tan vỡ nhưng chữ Hán sẽ còn tồn tại hàng ngàn năm nữa.

Thư -Thế của Thư pháp gia Nguyễn Trung Hoàng Long

Tiếng Việt ta như người ta quen nói là có tới 70% là từ Hán Việt. Nhiều khái niệm Hán Việt đã trở nên quá quen thuộc nên khó có thể nói sai, dùng sai nhưng nhiều khái niệm khác rất hay bị dùng sai như cứu cánh, chỉnh chu, yếu điểm, vv. Nói học Hán văn để giúp người ta hiểu phần Hán Việt của tiếng Việt rõ ràng hơn, hay nói văn hoa là để nâng cao sự trong sáng của tiếng Việt, là nói một điều nghiễm nhiên đúng.

Mình nghĩ là nên dành cho tiếng Trung một chỗ đứng cùng tiếng Anh, Pháp, Nga, Nhật trong trường học Việt Nam để cho học trò có lựa chọn chứ mình không ủng hộ việc bắt buộc học môn này. Mình chỉ muốn nói là mình không tin có ai có thể giỏi tiếng Việt mà chỉ nhờ học truyền khẩu từ Hán Việt như nhiều bạn comment trong post của mình (trên Fb).

Lấy một ví dụ là bạn Linh Linh. Bạn comment phản đối việc cổ vũ cho việc học Hán Việt qua Hán tự qua tiếng Trung. Bạn Trung trong cùng reply thread nói rằng có thể giỏi tiếng Việt mà chẳng cần biết gì về Hán tự. Mình đã gửi cho các bạn ảnh dưới đây là ví dụ của tên bạn Linh. Như các bạn thấy cùng một phát âm Linh trong tiếng Việt có 48 ký tự tương đương với bằng đó nghĩa khác nhau trong Hán văn. Làm sao có thể coi một người là giỏi tiếng Việt nếu người ta không biết linh trong Bộ tâm linh khác linh trong một trăm linh một khác linh trong điêu linh, lung linh, phục linh như thế nào. Ai đó muốn hiểu biết đến tận cùng tiếng Việt hay mở rộng ra là sử Việt bắt buộc phải học chữ Hán.

Mình học qua nhiều thứ tiếng và may mắn rung động được với nhiều lời hay ý đẹp trong những thứ tiếng mình đã học ở cấp độ rất nâng cao. Có rất hiếm thứ về văn chương, tư tưởng phát biểu bằng tiếng Anh mà mình không thể hiểu nổi tuy thế mình thành thật thú nhận chỉ có Hán ngữ, Hán văn mới làm cho mình thường xuyên có những cảm giác xúc động rùng mình. Đọc các bài thơ Đường và nhận thức ra rằng mấy trăm năm trước tổ tiên mình cũng ngồi đọc những bài này và rùng mình xúc động làm mình cũng rùng mình xúc động theo. Mình không thể chối bỏ thực tế trong quá khứ cha ông mình phải dùng nhờ Hán văn để ghi chép mọi thứ Việt nhưng mình cũng nhận thức được là Hán văn với chính phủ Trung Quốc hiện thời là hai thực thể khác xa nhau. Chính phủ Trung Quốc không có độc quyền với Hán văn, Hán ngữ. Chính tổ tiên mình cũng là một chủ nhân ông của Hán tự. So với chiều dài lịch sử của Hán tự thì 70 năm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chỉ là đứa trẻ con, cái nháy mắt. Mình nghĩ không nên vì cái tạm thời mà bỏ qua đi cái lâu dài.

*

Nguồn: từ Fb của Phạm Tuấn Anh

Ý kiến - Thảo luận

8:01 Wednesday,22.3.2017 Đăng bởi:  Canhchimtudo
Tôi đọc qua bài viết này và có một cảm giác khó chịu. Bạn có thể đặt ra 1 lý do cho bài viết là yêu cầu của kinh tế và văn hoá nên Bộ có thể đưa tiếng Trung vào trong chương trình. Còn nếu bạn lấy lý do là để hiểu thêm tiếng Việt thì tôi thấy không hợp lý. Tiếng Trung hiện giờ là Hán hiện đại, Hán Nôm là Hán cổ. Và muốn hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt t
...xem tiếp
8:01 Wednesday,22.3.2017 Đăng bởi:  Canhchimtudo
Tôi đọc qua bài viết này và có một cảm giác khó chịu. Bạn có thể đặt ra 1 lý do cho bài viết là yêu cầu của kinh tế và văn hoá nên Bộ có thể đưa tiếng Trung vào trong chương trình. Còn nếu bạn lấy lý do là để hiểu thêm tiếng Việt thì tôi thấy không hợp lý. Tiếng Trung hiện giờ là Hán hiện đại, Hán Nôm là Hán cổ. Và muốn hiểu tiếng Việt và văn hóa Việt thì sao bạn không "xúi" học và đọc Hán Nôm đi.
Hán văn mới cho bạn xúc cảm "rùng mình" còn nó cho tôi cảm giác "phát ói". Cái thể loại chữ và tiếng ấy của bạn được xếp vào những loại chữ và tiếng khó học nhất thế giới. Nó được nhiều người nói chỉ là do dân nó đông là 1, do vị thế kinh tế đang đi lên nên họ học để kiếm tiền ở Trung Quốc là 2. Bản thân cái tiếng đó và chữ đó nghe không dễ chịu và học cũng chả thú vị gì đâu. 
12:36 Sunday,4.12.2016 Đăng bởi:  beo
Mình có phải người đâu? Chết rồi nhớ, sống tiếp lại quên. Có câu: Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.
...xem tiếp
12:36 Sunday,4.12.2016 Đăng bởi:  beo
Mình có phải người đâu? Chết rồi nhớ, sống tiếp lại quên. Có câu: Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả