Gẫm & Bình

“Salome” – đã quyến rũ thì thường gây chết người (phần 1)28. 11. 13 - 6:18 am

Anh Nguyễn biên soạn

Cái đẹp có thể cứu chuộc thế giới, như Fyodor Dostoyevski đã nói, nhưng cũng có thể đem đến hủy diệt. Không gì minh họa cho điều này rõ hơn cái chết của thánh John người Rửa tội (Saint John the Baptist), mà trong đó, Salome – kẻ tội đồ – có thể được coi là một trong những nữ nhân quyến rũ nhất của lịch sử, một Đát Kỷ của phương Tây, đúng với câu “hồng nhan họa thủy”.

Theo câu chuyện được chép lại trong Tân Ước của Mark và Matthew, Salome là con gái riêng của Herodias, vợ vua Herod.

Thánh John là em họ của Chúa Jesus, là người rửa tội cho Chúa, và là người tiên đoán sự giáng thế của Chúa với vai trò Đấng Cứu thế.

John the Baptist và Jesus lúc nhỏ – tranh của Bartolome Murillo

Hoàng hậu Herodias căm thù thánh John vì ngài phê phán cuộc hôn nhân thứ hai của bà là sai trái – chồng trước của Herodias chính là anh trai của vua Herod.

Đúng vào sinh nhật vua Herod, Herodias sắp xếp cho con gái là Salome nhảy múa trước mặt nhà vua – chú ruột đồng thời là cha dượng của Salome. Khi Salome nhảy, bảy lớp voan trên người nàng lần lượt tuột xuống, do đó điệu nhảy có tên “The dance of the seven veils”.

Gustave Moreau, “Salome”, 1876

Điệu nhảy quyến rũ tới nỗi, vua Herod hứa sẽ ban thưởng cho Salome bất kì điều gì nàng muốn, thậm chí sẵn sàng dâng cho nàng một nửa vương quốc. Herodias bèn xui con gái xin một thứ duy nhất: cái đầu của thánh John. Và người em họ của Chúa Jesus đã chết tức tưởi như vậy. Hàng năm, cứ vào ngày 26. 8, Giáo hội Công giáo kỉ niệm ngày thánh John bị chặt đầu.

Thánh John bị chặt đầu – tranh của Caravaggio

Câu chuyện về Salome trong Kinh thánh rõ ràng có ảnh hưởng từ truyền thuyết về nữ thần Ishtar của thần thoại Babylon, được chép lại trong trường ca Gilgamesh, một trong những tài liệu văn học cổ nhất của thế giới.

Theo truyền thuyết, để cứu người yêu dưới âm phủ, nữ thần Ishtar phải vượt qua bảy lần bảy cánh cổng. Ở mỗi cây cổng, Ishtar phải nhảy múa và để lại một tấm voan đang khoác trên mình. Điệu nhảy này của Ishtar do vậy cũng được gọi là The dance of the seven veils, là biểu tượng của vạn vật sinh sôi, bởi mỗi khi nàng dừng nhảy thì toàn bộ sự sống đều ngưng lại, và vì cũng vì thế nó còn có tên Điệu nhảy chào đónthe Welcome Dance.

Thần Ishtar sau khi qua 7 cánh cổng, mất hết 7 lớp voan, gặp lại vua Gilgamesh (tay cầm con vẹt)

Salome (hay Shalome) trong tiếng Hebrew cũng có nghĩa là hòa bình hoặc chào đón; sự ảnh hưởng của truyền thuyết Babylon lên câu chuyện Kinh thánh là không thể bàn cãi. Nhưng trái ngược với sự sống mà Ishtar mang lại, Salome đem đến chết chóc. Câu chuyện của Salome đen tối, vừa có màu sắc bạo lực (violence), loạn luân (incest), thậm chí ái tử thi (necrophilia).

Salome hôn cái đầu của thánh John, trong vở opera Salome, Lyda Borelli và Edith Head đóng

*

Những tác phẩm dựa trên câu chuyện Salome hại thánh John có vô số cách diễn giải khác nhau, tùy theo ý đồ và cách nhìn của tác giả. Nhưng iconography phổ biến nhất là cảnh Salome cầm chiếc đầu của thánh John, lúc trầm ngâm, lúc say mê, thậm chí có nhiều tranh còn vẽ Salome hôn lên miệng của John the Baptist!

Oái oăm thay, không phải Saint John mà chính là điệu nhảy nổi tiếng của “yêu nữ” này đã truyền cảm hứng cho hàng trăm tác phẩm văn học, hội họa, điêu khắc, kịch nghệ, điện ảnh, thậm chí cả video games. Vào thế kỉ 19, một cơ duyên hiếm có đã dẫn tới sự kết hợp của hai tài năng – Oscar Wilde và Aubrey Beardsley, cho ra đời một series những bức hình minh họa trắng đen, được gọi chung là “Salome.”

Oscar Wilde

Oscar Wilde là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Ireland. Rất nhiều nhạc, film, truyện là dựa theo tác phẩm của ông, gần đây nhất có bộ phim Dorian Gray (dựa theo tiểu thuyết The picture of Dorian Gray của Wilde) sản xuất năm 2009, và đến ông trùm thời trang Karl Lagerfeld còn phát hành hẳn một cuốn tiểu thuyết bằng ảnh lấy cảm hứng từ Dorian Gray!

Khi vở kịch Salome của Oscar Wilde mới ra đời vào năm 1891, nó bị cấm diễn ở London vì luật pháp lúc bấy giờ không cho phép những câu chuyện Kinh thánh được đưa vào nhà hát, và phải đến vài năm sau nó mới được diễn ở Paris. Phải sang tận thế kỉ sau (thế kỉ 20), Salome mới được trình diễn ở quê hương London.

Vở “Salome”của Oscar Wilde về sau được nhiều đoàn dàn dựng. Đây là một poster quảng cáo với Nazimova trong vai Salome.

 

Ở một phiên bản khác của vở “Salome”, Gertrud Hoffmann trong vai Salome

 

Và Salome trong tạo hình của Miss Maude Allan

Một điều kì lạ là bản thân Oscar Wilde chưa bao giờ xem kịch của mình! Trong cuộc sống riêng, ông là một người đồng tính luyến ái, và có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng ông có một sự tự đồng hóa rất mạnh với nữ nhân vật của mình, hệt như nhà văn Gustave Flaubert với bà Bovary trong Madame Bovary vậy, thậm chí Oscar Wilde còn tuyên bố: “Salome c’est moi” (Salome chính là ta). Có một dạo, lan truyền (không phải trên mạng), một bức ảnh chụp Oscar Wilde trong trang phục “bảy lớp còn một lớp” của Salome, cầm cái đĩa đựng đầu thánh John. Mãi đến năm 2000, tin đồn này mới được đính chính: không phải là Oscar Wilde, mà là Alice Guszalewicz – một soprano người Hung, có hình dáng rất giống “nam nhân”, cũng trong vai Salome, nhưng trong vở opera một màn của Richard Strauss, khoảng 1910, dựa trên bản dịch vở kịch Salomé tiếng Pháp của Oscar Wilde!

Bức ảnh nhầm nhưng cũng góp phần không nhỏ làm kịch Salome thêm đình đám

Vở kịch Salome càng nổi tiếng và gây lắm tranh cãi, khi vào năm 1894, Aubrey Beardsley xuất bản một series những bức tranh minh họa cho vở kịch. Oscar Wilde rất thích những bức tranh này. Trên cuốn sách tặng riêng Aubrey, ông viết: “Dành cho Aubrey, người nghệ sĩ duy nhất, ngoài tôi ra, hiểu điệu nhảy của bảy lớp voan nghĩa là gì, và có thể nhìn thấy điệu nhảy vô hình đó.

Aubrey Beardsley là ai? Ông vẽ thế nào mà được Oscar Wilde ca tụng như vậy? Chúng ta sẽ tìm hiểu điều này cũng như trường phái mà Aubrey theo đuổi trong bài tiếp theo, vào tuần sau…

(Còn tiếp)

*

Salome:

- “Salome” – đã quyến rũ thì thường gây chết người (phần 1)

- “Salome” của Aubrey: Art Nouveau làm đau mắt người giả dối

- Điệu nhảy chết người (phần 1):
Hư hỏng thì nổi tiếng hơn

- Điệu nhảy chết người (phần 2):
Múa bụng mỗi người một phách

- Opera Salome của Strauss: “kinh khủng, nổi loạn, ghê tởm”, nhưng…