Kiến trúc
SFMOMA của Mario Botta (bài 1):
Bậc thầy gạch đá12. 03. 15 - 6:40 am
Đặng Thái
(Hình ảnh trong bài sưu tập từ nhiều nguồn trên mạng)
San Francisco Museum of Modern Art (SFMOMA) – Bảo tàng nghệ thuật hiện đại San Francisco – là một đơn vị hoạt động phi lợi nhuận nắm trong tay một bộ sưu tập khổng lồ: 29.000 tác phẩm mỹ thuật hiện đại và đương đại mang đẳng cấp thế giới. Được thành lập năm 1935, SFMOMA là bảo tàng đầu tiên ở Bờ Tây nước Mỹ hoàn toàn chỉ dành riêng cho các tác phẩm nghệ thuật của thế kỷ 20. Ngoài tranh và tượng, bảo tàng còn trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh, mẫu thiết kế, nghệ thuật đa phương tiện và kiến trúc.
Là một thánh đường của nghệ thuật hiện đại nên đương nhiên phương án kiến trúc của tòa nhà bảo tàng không thể xem thường. Sau sáu mươi năm cải tạo và dùng tạm (một số tầng trên của) Tòa nhà tưởng niệm cựu chiến binh San Francisco, cuối cùng năm 1995, tổ ấm mới cho các tác phẩm vô giá đã được xây dựng.
Tòa nhà mới với diện tích trưng bày 59.000 feet vuông (xấp xỉ 5500 m2) đã đưa SFMOMA lên hàng lớn thứ hai trong số những bảo tàng nghệ thuật hiện đại của nước Mỹ (đứng số một đương nhiên là bảo-tàng-mà-ai-cũng-biết-là-bảo-tàng-nào-đấy: MoMA ở New York). Công trình được giao cho một kiến trúc sư đi đầu trongtrào lưu cách tân kiến trúc đương đại với một phong cách không thể nhầm lẫn: Mario Botta.
Mario Botta chụp ảnh trước tòa nhà bảo tang SFMOMA
Swiss Made của Mario Botta
Mario Botta sinh năm 1943 tại Mendriso, Thụy Sĩ và bắt đầu nghiệp “kiến” từ khi mới có 15 tuổi. Ông cắp cặp đi học việc ở một công ty thiết kế tại thành phố Lugano. Ông cũng “đeo bám” rất nhiều bậc thầy về kiến trúc hiện đại lúc bấy giờ để học mót như Le Corbusier (cũng dân Thụy Sĩ), Louis I. Kahn và thầy dạy của chính ông – Carlo Scarpa. Phải mười năm sau ông mới được hoàn thành việc “ăn học cho tử tế” để lấy bằng cử nhân tại trường kiến trúc Istituto Universitario di Architettura, thành phố Venice. Ngay sau khi có bằng cấp đàng hoàng, năm 1970, ông mở một văn phòng kiến trúc tại Lugano và nhanh chóng nổi lên trong giới kiến trúc đương thời với những công trình được cả thế giới công nhận.
Chân dung Mario Botta. Nhìn qua lý lịch thì ta cũng biết đây là một con người rất chăm chỉ học tập. Ông thực sự là một kiến trúc sư yêu nghề và dành hết đam mê cho nghiệp vẽ (không phải thuộc “trường phái” kiến trúc sư đi làm kinh tế). Hiếm thấy cái ảnh nào chụp ông mà không có cái bút.
Người Thụy Sĩ dùng cụm từ Swiss Made như một thương hiệu để chỉ những sản phẩm sản xuất tại Thụy Sĩ và quan trọng hơn là làm bởi người Thụy Sĩ theo tiêu chuẩn của Thụy Sĩ. Chất lượng của những sản phẩm “made in Switzerland” thì không phải bàn cãi. Họ làm đồng hồ và sô cô la rồi cà phê sữa cho đến nhà băng, cái gì cũng “nhất quả đất” trong khi Thụy Sĩ là một quốc gia với tài nguyên nghèo nàn và khí hậu khắc nghiệt. Bạn sẽ còn thấy nhiều điều bất ngờ hơn nữa khi tìm hiểu về đất nước nhỏ bé này. Chỉ lấy đơn giản một ví dụ, đồng Franc hiện hành của Thụy Sĩ khác với bất kì đồng tiền của một đất nước nào, chúng không được in hình các chính trị gia mà lại in toàn là nghệ sĩ (Le Corbusier được in lên đồng 10 franc). Các sản phẩm kiến trúc Thụy Sĩ cũng không ngoại lệ. Mario Botta đã làm rạng danh Swiss Made với những sản phẩm đầu tay là những biệt thự trong nước với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại rất rõ ràng nhưng vẫn mang chất cổ điển và đặc điểm khu biệt của địa phương nhờ những hàng gạch đỏ.
Biệt thự tại Ligornetto (cực nam Thụy Sĩ – quê nhà Mendrisio của Botta), 1975. Công trình này ngày nay không còn quá mới lạ nữa, thậm chí nhiều người chắc còn cho là xấu xí (trong ảnh thì gạch đã xỉn màu và tường hơi mốc rồi) nhưng vào thời điểm 40 năm trước thì thực sự là một thử nghiệm mới mẻ và táo bạo. Nhà riêng mà thiết kể kiểu này hẳn phải là dân chơi rồi.
Hành lang, nội thất và ban công tất cả đều toát lên vẻ trẻ trung hiện đại, vẫn là tác phẩm mẫu mực dù ở thời điểm ngày nay.
Botta còn thiết kế rất nhiều nhà thờ Công giáo. Những thiết kế nhà thờ của ông sử dụng toàn vật liệu tự nhiên thô ráp: gạch và đá, với ngôn ngữ mới lạ đã chúng đã trở thành những biểu tượng mới của kiến trúc Thụy Sĩ đương đại. Một nhà thờ hoàn toàn bằng đá sừng sững giữa sườn núi ở độ cao 1530m (Chùa Đồng Yên Tử nằm tại độ cao 1068m) thật đáng kinh ngạc và phải gật gù rằng nó tuyệt đẹp. Một tỷ phú ở địa phương, chủ của hãng cáp treo lên núi, muốn xây một nhà thờ để tưởng nhớ vợ quá cố. Ông đã cho Botta tha hồ chọn trên dãy núi một địa điểm thích hợp để xây dựng. Kiến trúc sư đã chọn ngay bờ vực đang lao dốc để đặt một “cỗ máy” khỏe khoắn mà mềm mại bởi những đường uốn lượn khéo léo.
Nhà nguyện Santa Maria degli Angeli trên núi Monte Tamaro, 1990-1996
Chi tiết bậc thang và phòng giảng kinh
Tầm nhìn từ chiếc cầu vắt ngang qua mái
Một nhà thờ khác cũng được rất nhiều người thăm quan là nhà thờ Mogno, 1994-1996. Cũng với hình dạng một cỗ máy cơ khí, nhưng nhà thờ này lại có vẻ gọn gàng và nằm nhỏ bé giữa thiên nhiên.
Nội thất được ốp hoàn toàn đá granite và đá cẩm thạch (sản xuất tại địa phương) tạo nên mô típ trang trí có một không hai cho nhà thờ đá này. Đơn giản nhưng không đơn điệu, sáng rực rỡ mà vẫn đầy vẻ tôn nghiêm.
Cũng như những sản phẩm khác của Thụy Sĩ, kiến trúc của Mario Botta rất thực dụng, hợp lý, tiết kiệm vật liệu, khỏe khoắn, đậm chất địa phương và mang hơi thở thời đại. Sau những thành công rực rỡ ở quê cha đất tổ, ông bắt đầu được mời đi giảng dạy ở nhiều trường đại học và thiết kế nhiều công trình lớn trên toàn thế giới.Một trong những tòa nhà còn mang đậm dấu ấn của ông tại nước Mỹ chính là bảo tàng SFMOMA.
Tòa nhà để treo tranh hiện đại thì trông nó phải làm sao? Chúng ta cùng bàn tiếp vào kỳ sau nhé…
...xem tiếp