Kiến trúc
NGV (bài 1):
Bảo tàng mỹ thuật quốc gia
Tòa nhà hoành tráng nhưng mà xấu kinh19. 01. 16 - 7:23 am
Đặng Thái
Mỗi lần sang Melbourne, mình đều ngồi xe tram đi qua trước cửa cái tòa nhà to lù lù như pháo đài, tối âm u như lăng mộ ấy. Nếu như hôm nọ không đọc thấy trên Soi đưa tin về triển lãm của Andy Warhol và Ngải Vị Vị thì có lẽ mình cũng chẳng bao giờ viết bài về cái bảo tàng này. Trước khi mời bạn đọc xem triển lãm ở bài sau, chúng ta hãy cũng tìm hiểu về nơi tổ chức nó trước, một tác phẩm kiến trúc của người Úc, một bảo tàng nắm trong tay bộ sưu tập mỹ thuật lớn nhất Nam bán cầu (cái anh Úc này quanh năm so sánh với Nam bán cầu!).
Tòa nhà bảo tàng hình chữ nhật vuông thành sắc cạnh, bên trái là mặt tiền quay hướng Bắc.
National Gallery of Victoria (NGV) dịch thoát nghĩa là Bảo tàng mỹ thuật quốc gia bang Victoria. Cái tên này có một chút kì cục, trước hết là các bảo tàng mỹ thuật ở Úc, dù to vật vã cũng chỉ gọi khiêm tốn là “gallery” (phòng tranh), sau là “bảo tàng quốc gia” nhưng lại của “bang Victoria”.
Thông thường các bảo tàng quốc gia luôn nằm ở Thủ đô, và tiện đây nói luôn bởi ước tính có đến 95% người Việt Nam không biết Thủ đô Liên bang Australia là thành phố nào. Khi thành lập Liên bang thì Melbourne (bang Victoria) và Sydney (bang New South Wales) tranh nhau đòi làm thủ đô nên để giải quyết thì chính quyền quyết định xây hẳn một thành phố mới hoàn toàn trên núi, nằm giữa Melbourne và Sydney, đặt tên là Canberra. Thành phố nhỏ xinh này đẹp tuyệt vời, đường rộng thênh thang bốn làn xe chạy và vắng như chùa bà đanh vì toàn dân công sở.
Sau khi xây xong Bảo tàng mỹ thuật quốc gia (National gallery of Australia) ở Canberra năm 1967 thì người ta đòi đổi tên National Gallery of Victoria để chỉ còn một bảo tàng quốc gia duy nhất nhưng bên này (tức Melbourne) cũng không vừa, chiến đấu đến cùng để giữ chữ “National” (Quốc gia). NGV lập luận rằng bảo tàng này thành lập năm 1861, tức là tuổi đời còn nhiều hơn cả chính quyền Liên bang đến 40 năm, hơn hẳn thằng Bảo tàng quốc gia mới xây những 106 tuổi nên chẳng có lý gì phải đổi tên cả.
NGV đến nay vẫn tự hào với lịch sử 150 năm của nó, được thành lập mười năm sau khi Thuộc địa Victoria giành quyền độc lập từ người Anh. Một trong những cơn sốt vàng lớn nhất trong lịch sử thể giới diễn ra tại thuộc địa này đã khiến dân số tăng gấp 7 lần trong mười năm, Melbourne là thành phố lớn nhất, giàu có nhất Australia và một trong những thành phố giàu có nhất trên thế giới. Điều đó khiến nhu cầu tiêu dùng và lưu trữ nghệ thuật tăng mạnh, giới doanh nhân giàu có tài trợ rất nhiều tiền cho bảo tàng. Những người mới giàu ở Melbourne muốn đem ánh sáng văn minh châu Âu đến cái xứ xa xôi này, họ ra sức mua các tác phẩm nghệ thuật thông qua đội ngũ nhà buôn ở Anh cho các bộ sưu tập cá nhân. Trường nghệ thuật trực thuộc bảo tàng là đơn vị đào tạo mỹ thuật uy tín nhất cả nước, cho ra lò nhiều họa sĩ xuất sắc nhất trong lịch sử mỹ thuật Úc.
Tòa nhà bảo tàng năm 1970 (Ảnh: Dennis Mayor). Phía trước là đại lộ St Kilda với bốn hàng cây, dọc đường này rất nhiều Lãnh sự quán và các Công ty lớn.
Năm 1959, ba kiến trúc sư nổi tiếng người Úc theo trường phái hiện đại là Roy Grounds, Frederick Romberg và Robin Boyd được giao thiết kế một tòa nhà mới, thật hoành tráng cho bảo tàng ở phía Nam thành phố, bên kia sông Yarra. Năm 1960, giám đốc bảo tàng và Roy Grounds được cho đi một chuyến châu Âu và Mỹ trong ba tháng để tham quan học tập tìm ý tưởng. Grounds ấn tượng với những cung điện palazzo vuông vức của Ý, đến lúc về ông dẫn cả Ban quản lý dự án bảo tàng đến Nhà tù cổ Melbourne nơi có tường đá xanh và cổng vòm để xin ý kiến. (Sau này trong bài diễn văn khánh thành, ông Chủ tịch Bang phát biểu: “Đây là một nơi lý tưởng để treo (tranh)”, báo chí chế giễu đúng thật là để treo (cổ) vì lấy cảm hứng từ nhà tù). Grounds kết hợp cả hai yếu tố lại nhưng khi chìa bản thiết kế ra cho hai cộng sự xem thì cả hai ông kia phản đối cực lực, thế là ông Grounds cho họ nghỉ khỏe để một mình ông tự làm cho thỏa thích. Đến năm 1967 tòa nhà mới hoàn thành và phần bên ngoài cũng như khung xương chính của nó vẫn còn nguyên đến giờ, trông vẫn rất mới, có lẽ vì phần đá và bê tông ngoại thất khiến nó trông như trường tồn vĩnh cửu. Huy hiệu bang Victoria rất to bằng đồng gắn trên cổng là của nhà điêu khắc nữ Norma Redpath người Úc.
Cổng chính vào tòa nhà với mặt tiền rộng mênh mông, tha hồ treo quảng cáo cho triển lãm đang diễn ra tại bảo tàng.
Tòa nhà là một hình chữ nhật khổng lồ, tất cả đều góc cạnh, không chỉ tạo dáng khỏe khoắn mà còn có thể nói là “hầm hố”, vững như bàn thạch, sừng sững không gì lay chuyển được. Bên trong chia thành ba khối chữ nhật nhỏ hơn với ba sân lộ thiên hình vuông. Mặt tiền của tòa nhà thể hiện một cái cổng thành hình vòm kiểu phương Đông với phần mái trải dài, làm dẹt đi theo phong cách hiện đại. Giữa mái và “tường thành” là một hàng cửa số kính chạy liên tục, zích zắc. Hai hồ nước phía trước cũng hình chữ nhật luôn, hồ bên trái thì tiếp tục chạy vòng quanh tạo thành một hào nước của các tòa thành kiểu Đông Á. (Đáy hồ lấp lánh rất nhiều tiền xu người ta ném xuống để ước, báo nào qua chơi nhớ mang theo cái vợt là cũng đủ ăn mấy ngày).
Nếu đài phun nước không hoạt động, mặt nước phẳng lặng, đi qua đây lúc buổi tối vắng người thì không khác nào một lăng mộ, tĩnh tuyệt đối.
Các công trình lớn thời Trung cổ luôn có một phòng lớn gọi là Đại sảnh làm nơi hội họp và có những ô cửa số kính màu còn ở đây thì thay vì cửa sổ kính lại làm trần kính. Trần của Đại sảnh là tấm kính màu treo lớn nhất thế giới, tác phẩm của nghệ sĩ Leonard French phải dùng mười hai cột sắt lớn để đỡ, càng làm cho không khí bên trong trở nên nghiêm trang như một thánh đường.
Sau khi một khu phức hợp được xây ở Quảng trường Liên Bang bên bờ bắc Sông Yarra, thì bảo tàng được chia cho một tòa nhà lớn để chuyển hết các tác phẩm của các họa sĩ Úc sang, gọi là NGV Australia. Tòa nhà đá tảng bề thế đổi tên thành NGV International nơi tập trung trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ quốc tế (va có khách tham quan đông hơn hẳn).
Năm 1996, văn phòng kiến trúc sư Mario Bellini người Ý trúng gói thầu khổng lồ 168 triệu đô la Úc để sửa sang, nâng cấp và mở rộng tòa nhà 35.000 m2 này. Dân chúng phản đối, kêu như vạc vì lo sợ tay người Ý này sẽ phá hỏng tòa nhà.
Đám đông đặt bàn tay lên bức tường nước với khẩu hiệu:”Thả tay ra khỏi bảo tàng của chúng tôi” để phản đối việc sửa tòa nhà ngày 21/3/1997. Roy Grounds dùng một vách kính cực lớn để tạo ra bức tường nước, qua năm tháng dần trở thành một biểu tượng văn hóa của thành phố. Ảnh: Simon O Dwyer
Bellini đã quyết định lắp mái cho ba cái giếng trời và tiến hành lắp đặt một loạt thang cuốn, thang máy, cầu thang bằng thép và kính để hòa hợp với những bức tường bê tông ốp đá xanh xám xịt lạnh lẽo, đồng thời tăng cường phần trang trí vì Bellini còn là một nhà thiết kế.
Tòa nhà NGV khi hoàn thành sửa chữa sau 7 năm thiết kế và thi công. Tòa nhà hình tam giác để dành cho sinh viên mỹ thuật và văn phòng.
Toàn cảnh “khu văn hóa nghệ thuật” của Melbourne. Bảo tàng nằm ngang như cái thuẫn đặt cạnh nhà hát có cột thép nhọn như cái mâu. Nhà hát cũng là tác phẩm của Roy Grounds, đến tận năm 1984 mới hoàn thành, một dự án tốn kém và gây tranh cãi ngang ngửa với Nhà hát Sydney. Bên kia sông có mấy cái cục nằm ngang lộn xộn với sân màu cam chính là Quảng trường Liên bang với NGV Australia ở đấy.
Hai khoảng sân hai bên được xây thành hai tòa nhà ba tầng, mỗi sàn hình vuông 20 x 20 m, mỗi “tòa nhà” mini này được bao quanh bởi hành lang đi bộ bằng kính. Riêng giếng trời ở giữa được lắp mái kính để làm không gian lễ tân. Vì vậy ở cổng chính, kiến trúc sư cho dịch chuyển bức vách kính ra sát cửa, như một cái bình phong, tạo thành hai lối vào-ra hai bên. Lúc nào cũng có thể bắt gặp mấy đứa bé (và bố mẹ chúng nó) đang nghịch nước trên vách, cái rãnh thoát nước lại bé tí khiến cho không gian này có một điểm dở hơi là lúc nào sàn cũng ướt, lép nhép bẩn thỉu ngay khi khách vừa bước chân vào, lại lố nhố người đứng chọc ngoáy, chụp ảnh.
Sau khi bước qua cổng vòm là đến bức tường nước gồm bảy tấm kính, mỗi tấm rộng 3 mét, dày 25 li, nặng 1,3 tấn. Sàn đá thì trơn nên cứ phải để cái biển cảnh báo trông rất mất mỹ quan.
Sảnh chính với bàn lễ tân, phía xa là bức tường nước. Phần tiền sảnh được làm tối như một thủ pháp quen thuộc để làm nổi bật không gian rộng, sáng phía trong. Các kết cấu thép được dùng tràn lan vì tòa nhà cũ không hề có mảng thép nào (phần tường đá là cũ). (Ảnh từ trang này)
Trong bài sau ta sẽ cùng xem phần tổ chức hoạt động và một vài tác phẩm lưu giữ trong bảo tàng, tất cả đều của các nghệ sĩ quốc tế nghĩa là NGV phải bỏ tiền ra mua toàn bộ.
(còn tiếp)