Tạp hóa - Xã hội

Chuyện cắm hoa trong tòa Bạch Ốc (phần 1): chăm chỉ ngắm hoa lúc bình minh01. 01. 17 - 6:44 am

Anh Nguyễn

 

Nancy Clarke và các Đệ nhất phu nhân: Rosalynn Carter, Hillary Clinton, Laura Bush

Từ 1978 đến 2009, hoa trong Nhà Trắng đều được chăm chút, sắp đặt, nắn nót dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Nancy Clarke – người phụ nữ nhỏ nhắn được mệnh danh là Sa hoàng của hoa (Czar of Flowers). Bà đã phục vụ dưới sáu đời tổng thống Mỹ, và đảm nhận chức vụ “chưởng môn cắm hoa” (chief flower designer) của Nhà Trắng trong gần ba thập kỷ. Sau khi lui về nghỉ hưu bà còn chấp bút một cuốn sách có tên gọi My First Ladies. Sách kể về mối quan hệ thân tình của bà với sáu vị Đệ nhất phu nhân, từ Rosalynn Carter cho tới Michelle Obama.

Nancy Clarke và các Tổng thống: Bill Clinton, George Bush, Barack Obama

Nancy Clarke là người kín đáo, tế nhị, vì thế những câu chuyện bà kể đa phần xoay quanh việc cắm hoa chứ không có mấy phần thâm cung bí sử, nhưng người đọc vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng những vị nữ chủ nhân Nhà Trắng trong từng trang sách. Ông Lâm Ngữ Đường khi bàn về hoa và mỹ nhân đã nói: ”Lấy lòng yêu hoa mà yêu mỹ nhân thì tất có cái thú riêng; lấy lòng yêu mỹ nhân mà yêu hoa thì thêm cái thâm tình và thêm lòng nâng niu, thương tiếc.” Xin mượn chút tinh thần Sống đẹp ấy để cùng ngắm hoa, ngắm người, dù là “những người muôn năm cũ” ở nước Mỹ xa xôi.

Bà Nancy Clarke với một mẫu hoa hồng cắm trong giá nến (candelabra)

Bà Nancy Clarke bắt đầu sự nghiệp một cách tình cờ nhưng không quá bất ngờ. Từ nhỏ bà đã mê hoa lá, cũng may nhờ có khu vườn đẹp của ông nội cho cô bé Nancy tha hồ nghịch ngợm. Khi trưởng thành bà theo chồng thuyên chuyển công tác khắp nơi (chồng bà phục vụ trong quân đội Mỹ) nhưng vẫn không ngừng trau dồi kiến thức về cắm hoa, thậm chí bà còn theo học tại một trường dạy nghề thuộc hàng danh giá nhất nước Mỹ. Khi ông Michael Clarke nhận nhiệm vụ mới ở DC, bà xung phong tình nguyện đến Nhà Trắng giúp đỡ cho đội cắm hoa.

Bà Nancy Clarke và Barbara Bush, một phu nhân được khen ngợi là dễ gần và vui tính. Barbara Bush cũng là một người đam mê làm vườn.

Vào thời điểm đó (đầu thập kỉ 80), tất cả những người đảm nhiệm việc cắm hoa trong Nhà Trắng đều là đàn ông. Việc cắm hoa tưởng chừng nhẹ nhàng đấy, song lại yêu cầu sức khỏe và sự dẻo dai không nhỏ. Không những họ phải đứng làm việc liên tục trong thời gian dài, mà quy luật bất thành văn của Nhà Trắng là “cắm hoa chỗ nào thì phải tự tay mang đến chỗ đó.” Bưng bê những bình hoa to nặng cồng kềnh mà không để rơi rớt nước trên thảm quý, đồ cổ thật không phải việc dễ. Không những thế, mãi cho tới khi Hillary Clinton sống trong Nhà Trắng và bình thường hoá việc … đàn bà mặc quần, tất cả các nhân viên nữ trong Nhà Trắng đều phải mặc váy nghiêm chỉnh khi làm việc. Nhưng bà Nancy đã mau chóng chứng minh được khả năng và ý chí của mình, dần dần trở thành nhân viên bán thời gian, toàn thời gian, và cuối cùng là trưởng nhóm cắm hoa. Đây quả thực là một thành tích đáng nể.

Một trong những sự kiện cuối cùng do Nancy Clarke đảm nhiệm: bữa tối trọng thể đầu tiên của vợ chồng Obama năm 2009, trang trí với hoa hồng đỏ.

Mỗi ngày, bà Nancy Clarke đều thức dậy từ bốn rưỡi sáng. Bà bật TV để nghe ngóng tình hình tin tức đặng chuẩn bị tinh thần nếu có sự kiện gì xảy ra đột ngột, vội vã ăn sáng, tắm rửa, rồi lái xe 40 phút đến nơi làm việc. Ngày làm việc của các nhân viên trong đội cắm hoa bắt đầu từ sáu rưỡi sáng (!!!) trong xưởng hoa của Nhà Trắng. White House Flower Shop là một nơi đầy hoa tươi thơm ngát và luôn bận rộn, chỉ thiếu mỗi kẻ mua người bán là hoàn thành bức tranh cửa hàng hoa chính hiệu. Trong xưởng là một tủ lạnh vĩ đại chứa đầy hoa nhập về từ khắp nơi trên thế giới. Nancy Clarke đã viết: “Trong suốt cuộc đời mình, tôi chưa từng thấy hoa ở đâu nhiều, phong phú, và đẹp hoàn hảo như ở Nhà Trắng.”

Hoa đồng tiền đỏ mập mạp trong xưởng hoa

Sau khi xuất trình giấy tờ cho hai vòng kiểm tra an ninh, bà Nancy bắt tay vào một khối lượng công việc khổng lồ. Đầu tiên, bà phải chăm chút cho những bình hoa trong khu vực sinh hoạt của gia đình tổng thống, kể từ những lọ hoa bé tí trên bàn trang điểm của Đệ nhất phu nhân trở đi. Trong số những bà vợ Tổng thống, có lẽ Nancy Reagan là người cầu toàn và khó chiều nhất. Bà ghét hoa màu tím – “màu của bà già”, vì thế trong suốt thời kỳ tám năm gia đình Reagan sống trong Nhà Trắng, không một bông hoa tím đậm, tím hoa sim, hay oải hương gì gì được lọt vào đó. Bà cũng không chịu cho ngắt nhụy của hoa lily, sợ làm mất vẻ tự nhiên, và yêu cầu Nancy Clarke phải dùng một chiếc bàn chải nhỏ xíu chải những nụ phấn vàng lỡ có rơi rớt trên cánh.

Đỏ là màu ưa thích của Nancy Reagan – bà yêu hoa màu đỏ, hay mặc trang phục đỏ, thậm chí thường xuyên chụp ảnh chân dung trong phòng Đỏ (Red Room)

Ngoài màu đỏ, Nancy Reagan còn ưu ái hai loại hoa hồng phấn nhạt – Kyrie và Sonia. Khi bà phải nằm dưỡng bệnh sau khi phẫu thuật khối u tại bệnh viện Hải quân Bethesda, Clarke đã chuẩn bị một bó hồng Kyrie để Tổng thống mang vào tặng phu nhân. Trả lời báo chí khi đi thăm vợ ốm, Tổng thống đã nói: “Tôi có một buổi hẹn hò với một nàng ở Bethesda.”

Bức ảnh tổng thống Ronald Reagan cầm bó hoa hồng Kyria đến thăm vợ cùng lời cảm ơn Nancy Clarke do chính ông viết

Đặc biệt, Nancy Reagan ưa chuộng hoa mẫu đơn – thiết kế được bà yêu cầu thường xuyên nhất là một “bát” cỡ lớn chứa chừng năm chục bông mẫu đơn nở xòe, không có chiếc lá nào! Bà luôn đòi hỏi hoa mẫu đơn kể cả khi trái mùa, tức là gần như tất cả mọi lúc, và Clarke phải nhẹ nhàng nhắc nhở Đệ nhất phu nhân là không phải hoa lúc nào cũng có sẵn. Sau khi bà rời khỏi Nhà Trắng, Clarke tặng cho bà một chiếc gối thêu tay có dòng chữ “Mẫu đơn chỉ nở vào tháng Năm”.

Cái gối “Hoa mẫu đơn nở tháng Năm” do chính tay bà Nancy Clarke thêu tặng bà Reagan. Năm nay khi bà Reagan mất thì gối được đem bán đấu giá gây quỹ.

 

Nancy Reagan thổi nến sinh nhật 94 tuổi vào năm ngoái, vẫn không thể thiếu được những bông mẫu đơn yêu thích

Việc quan trọng thứ hai mà bà Nancy Clarke phải đảm nhiệm là chăm sóc hoa trong khu vực khách tham quan. Từ thứ Ba tới thứ Sáu là khoảng thời gian công chúng được vào tự do thăm thú một số phòng ở Nhà Trắng. Việc tham quan này gần như không bao giờ bị gián đoạn, trừ một khoảng thời gian kéo dài chừng vài tháng sau vụ 11 tháng 9. Trong mỗi phòng (ba phòng tầng trệt, ba phòng nghi thức, cộng thêm phòng chào) đều có một bình hoa lớn, thường được chuẩn bị vào thứ Hai và chăm chút đều đặn trong suốt tuần đó (thay hoa héo, bơm nước cũ ra, bơm nước mới vào, ngắt những cành lá rụng…) Bà Nancy Clarke luôn để ý phối hợp màu sắc chủ đạo của từng căn phòng với màu sắc của bình hoa. Ví dụ: những đoá hoa trong phòng Lam (Blue Room) luôn phải có chút màu xanh hoặc tím để ăn ý với nội thất, và bà Nancy cũng thường dùng hoa có tông màu mạnh (đỏ, vàng đậm) để bình hoa khỏi bị “chìm nghỉm.” Sau một tuần dọn vào Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã tuyên bố “hoa chính là điều ông ưa thích nhất khi sống ở nơi đây.”

Tổng thống Obama trong phòng Lam. Lọ hoa trên bàn là tác phẩm cuối cùng của bà Nancy Clarke trước khi rời Nhà Trắng, đồng thời cũng được vinh dự xuất hiện trên bìa cuốn “My First Ladies” của bà. Lần này bà phá lệ cắm một bình hoa toàn trắng và xanh.

 

Bữa tối lịch sử kỉ niệm 50 năm ngày thành lập NATO, 1999

Phần thứ ba trong công việc củaNancy Clarke là chuẩn bị hoa cho khu vực West Wing. Vì đây là phạm vi tương đối … chiến lược, nên trong sách bà không đề cập nhiều đến những việc xảy ra quanh đó.

Những cuộc họp mặt cấp cao hay thảo luận căng thẳng trong Nhà Trắng vẫn luôn có sự góp mặt của hoa

(Còn tiếp phần 2: “Đã có khi phải dùng hoa thừa từ tiệc trước”)

Ý kiến - Thảo luận

17:47 Thursday,18.5.2017 Đăng bởi:  Ngọc Ánh
Cháu có một chút thắc mắc nhỏ, lúc đọc cái câu: ”Lấy lòng yêu hoa mà yêu mỹ nhân thì tất có cái thú riêng; lấy lòng yêu mỹ nhân mà yêu hoa thì thêm cái thâm tình và thêm lòng nâng niu, thương tiếc.”

Cháu thấy nó rất giống câu của Trương Trào viết trong U Mộng Ảnh, nếu không nói là bỏ qua những sự khác biệt do dịch thuật, thì cháu thấy ha
...xem tiếp
17:47 Thursday,18.5.2017 Đăng bởi:  Ngọc Ánh
Cháu có một chút thắc mắc nhỏ, lúc đọc cái câu: ”Lấy lòng yêu hoa mà yêu mỹ nhân thì tất có cái thú riêng; lấy lòng yêu mỹ nhân mà yêu hoa thì thêm cái thâm tình và thêm lòng nâng niu, thương tiếc.”

Cháu thấy nó rất giống câu của Trương Trào viết trong U Mộng Ảnh, nếu không nói là bỏ qua những sự khác biệt do dịch thuật, thì cháu thấy hai câu này là một: "Lấy lòng yêu hoa mà yêu người đẹp, tất cảm nhận được cái thú vị dạt dào; lấy lòng yêu người đẹp mà yêu hoa, tất trong cái thâm tình còn thêm lòng chở che, mến tiếc". (Bản dịch của Huỳnh Ngọc Chiến).

Cháu nghĩ đây là câu của Trương Trào chứ không phải câu của Lâm Ngữ Đường. Mọi người xem lại hộ cháu điểm này được không ạ? 
17:35 Thursday,12.1.2017 Đăng bởi:  Lê Anh Dũng
Đọc và thấy Anh Nguyễn là người nhàn nhã và sung sướng, nó thể hiện qua đề tài, chữ nghĩa của nàng.
...xem tiếp
17:35 Thursday,12.1.2017 Đăng bởi:  Lê Anh Dũng
Đọc và thấy Anh Nguyễn là người nhàn nhã và sung sướng, nó thể hiện qua đề tài, chữ nghĩa của nàng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp