Đi & Ở

Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người31. 01. 15 - 7:07 am

Đặng Thái

 

Lời mở đầu: Đọc xong tiêu đề chắc hẳn nhiều bạn sẽ lẩm bẩm: “ Thằng cha này điêu!”. Quả đúng là có nửa đùa nửa thật. Bốn món ăn nêu trên chỉ là ẩn dụ cho những yếu tố văn hóa đa dạng trong xã hội Fiji. Còn món “thịt người” thì sao? Ngày xưa là nghệ thuật ẩm thực đấy nhé!

Thuở trước, ăn thịt người ở Fiji là một việc có thật, xem lẫn với nhiều huyền thoại. Thực ra mới cách đây khoảng một trăm năm mươi năm chứ chưa lâu lắm, các bộ lạc trên đảo vẫn còn giữ tập tục này. Hơi lạc đề một tí, chả là chú và dì nhà mình tâm đầu ý hợp về rất nhiều mặt nhưng có một chuyện hễ nói đến là cãi nhau. Chú nói: “Người Pháp đến Việt Nam là khai hóa văn minh”, dì bảo: “Người Pháp đến đô hộ làm Việt Nam không có cơ hội phát triển”, tranh luận cứ gọi là bất phân thắng bại. Riêng trường hợp ở Fiji, có lẽ đúng là người Anh đã đem văn minh đến thật, chúng ta cùng thong thả trôi theo dòng lịch sử xem sao…

Ở những vùng sâu vùng xa, tuy hiếm nhưng vẫn còn những người Fiji sống và nhảy múa ca hát như thế này. Trong các resort trên các đảo giờ đây cũng có những đội ngũ vũ công và nhạc công phục vụ khách du lịch.

Năm 1643, nhà hàng hải Abel Tasman (nhìn tên ông này có lẽ nhiều bạn sẽ đoán được rằng ông chính là người tìm ra đảo Tasmania của Australia), nhân viên của công ty Đông Ấn Hà Lan, là người châu Âu đầu tiên nhìn thấy Fiji một cách tình cờ và bất ngờ do tàu bị thủng vì va vào đá ngầm. Bị lãng quên trong suốt hơn một trăm năm sau, đến tận năm năm 1774, trên đường đi tìm châu Úc, cụ James Cook đã phát hiện ra và đặt chân lên một loạt các đảo phía Nam Thái Bình Dương trong đó có Fiji.

Trong một bộ phim tài liệu nói về những công trình khổng lồ thời cổ đại như Kim Tự Tháp Ai Cập, các nhà làm phim muốn chứng minh giả thuyết rằng đó là do người ngoài hành tinh hướng dẫn người cổ đại xây dựng, họ đã lấy một ví dụ rất hay. Vào Chiến tranh thế giới lần thứ II, khi mà Mỹ xây dựng các căn cứ quân sự chống Nhật trên những hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương, máy bay là phương tiện chuyên chở thường xuyên. Những thổ dân chưa từng tiếp xúc với thế giới bên ngoài nghĩ rằng đó là “người nhà trời” giáng xuống. Bằng chứng là khi chiến tranh kết thúc, lính Mỹ “bay” đi, thổ dân trên đảo đã làm những mô hình máy bay bằng cỏ khô để cúng tế và chờ đợi “các đấng thần linh” quay lại.

Lấy ví dụ như vậy để bạn thấy rằng nền văn minh trên các đảo Thái Bình Dương lúc bấy giờ mới ở mức rất sơ khai, sinh sống theo hình thức bộ lạc nguyên thủy. Ngay cả lục địa Australia khổng lồ cũng dừng lại ở thời kì đồ đá và chưa hề tiếp xúc với “nhân loại tiến bộ”. Tuy nhiên người Fiji vốn là dân Đông Nam Á, họ đến đây nhiều nghìn năm trước qua bán đảo Malay. Xã hội trên đảo đã phát triển ở một mức cao hơn tại Úc, họ đã biết đóng thuyền và dệt vải nhưng vẫn sống quay quần theo dòng tộc nên việc đánh nhau xảy ra thường xuyên. Hai bộ tộc mà chiến tranh thì kẻ thua chắc chắn phải “lên thớt” theo đúng nghĩa đen. Việc ăn thịt đối thủ không chỉ là cách để biểu thị quyền uy, khiến kẻ thù khiếp sợ mà còn là một nghi lễ tôn giáo. Dân đen mà gặp tù trưởng thì thường chào cung kính: “Ăn thịt tôi đi!”. Một tù trưởng đã lập kỷ lục về ăn thịt, mỗi một người bị ăn được đánh dấu bằng một hòn đá, cạnh mộ của ông ta hiện nay vẫn còn nguyên chồng đá với… 872 viên! Người Tây đặt tên cho Fiji là Cannibal Isles (Đảo ăn thịt người) nên nó mới bị xa lánh trong hàng trăm năm.

Tàu săn cá voi truyền thống của thổ dân. Hiện vật bảo tàng Quốc gia Fiji. Nhìn cái bảo tàng xơ xác này thì các bác làm bảo tàng bên nhà mình nên mừng rằng công việc của các bác vẫn đang còn tốt hơn khối đồng nghiệp trên thế giới.

Những người châu Âu đầu tiên đến Fiji là để tìm gỗ trầm hương và hải sâm. Sau khi Cách mạng Mỹ thành công, đế quốc Anh mất gần hết đất ở Bắc Mỹ nên bắt đầu để tâm đến việc chiếm toàn bộ các đảo châu Úc để trồng bông và tìm khoáng sản. Người Anh sử dụng cùng một chiêu thức mà chủ nghĩa thực dân áp dụng trên phạm vi toàn cầu: Đạo (Thiên Chúa) là đường, là phương pháp hữu hiệu để đánh đổ chính quyền địa phương từ bên trong. Hàng loạt nhà truyền giáo được gửi đến Fiji, họ học tiếng địa phương, đi khắp cả nước giảng Kinh Thánh. Trong bối cảnh tôn giáo nguyên thủy bản địa không có kinh sách, không có triết lý thì đương nhiên không đủ sức giữ chân tín đồ, hàng loạt người Fiji đã cải đạo, phụng sự Chúa bằng cách tiếp tục đi vận động những người khác theo đạo. Sự lan truyền chóng mặt của Đạo Thiên Chúa uy hiếp trực tiếp đến quyền lực của các tộc trưởng và thầy phủ thủy ở bộ lạc. Họ đe dọa tính mạng của những phái đoàn truyền giáo nhưng không trực tiếp tấn công người da trắng. Họ ra lệnh cho bắt và ăn thịt toàn bộ những người Fiji mới theo Đạo. Nhưng rồi chuyện gì đến cũng phải đến, năm 1867, linh mục Thomas Baker đã trở thành người da trắng đầu tiên bị làm thịt. Đó cũng là trường hợp độc đáo và duy nhất khi một thầy tu của giáo hội Giám Lý bị ăn thịt vì có lẽ thổ dân họ không dám ăn thịt trắng chăng?

Dân gian lưu truyền rằng đây là cái dĩa đã dùng để ăn thịt linh mục Thomas Baker. Những cái dĩa có hình dáng đặc biệt này được chế tác dành riêng cho món… thịt đồng loại, giờ được bán cho du khách mua về… làm quà lưu niệm.

Đó là về “món ăn” đặc biệt mà giờ đây khách du lịch không tìm ăn thử được nữa. Còn lúc này tạm mời thực khách “ăn từ xa” qua màn hình bằng cách theo dõi hành trình một ngày của mình nhé! Giá vé phòng bao gồm một suất ăn sáng, ngày nào cũng như ngày nào, kiểu Continental: bánh mì nướng, mứt, bơ, đường, sữa, trà và cà phê, mỗi là có thêm đu đủ. Bữa sáng đầy đủ kiểu Anh quá nhiều đạm và chất béo nên giờ đây người dân ăn sáng chỉ tinh giản lại như hình dưới đây. Đu đủ thì của nhà trồng được, mọc đầy trong sân, ăn thỏa thích chứ không phải thòm thèm như mua ở siêu thị bên Tây giá mặn chát.

Continental breakfast: tất cả các thứ trên khay là do người Anh mang đến Fiji

Ẩm thực Anh thì vẫn luôn bị cái tiếng là tệ nhất châu Âu, chán nhất địa cầu. Người ta có hai câu nói vui về các dân tộc châu Âu dựa theo văn hóa thế này: ”Thiên đường là nơi đầu bếp người Pháp, cảnh sát người Anh, thợ máy người Đức, tình nhân người Ý và tất cả được quản lý bởi người Thụy Sĩ” còn “Địa ngục là nơi đầu bếp người Anh, cảnh sát người Đức, thợ máy người Pháp, tình nhân Thụy Sĩ và tất cả được quản lý bởi người Ý”. Món quốc hồn quốc túy của nước Anh là fish and chip, bất kì nước nói tiếng Anh nào cũng có những quán ăn chuyên món này. Đây là một món cực kỳ đơn giản: cá tẩm bột rán và khoai tây chiên. Tiếng Anh và Fish and chip dường như là hai trong số ít những yếu tố văn hóa Anh Quốc còn sót lại tại đây. Xe chạy qua một cửa hàng Mc Donald’s, thấy buồn cười không chỉ vì chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh này đã đến đây trước cả Việt Nam mà còn vì thấy chỗ “Drive-thru” trống trơn, người ta sinh hoạt kiểu Fiji time thì sinh ra cái chỗ ấy làm gì?

Trong cái khay ăn sáng ở trên có một món đã làm thay đổi cả lịch sử Fiji, chính là bát đường. Nếu ai để ý thì sẽ thấy mình đã nhắc đến Fiji trong bài con đường của mía. Sau khi Fiji chính thức trở thành thuộc địa của Anh năm 1874, chính quyền thực dân đã nhận thấy tiềm năng trồng mía ở đây. Nhưng một năm sau đó, một sự kiện kinh hoàng xảy ra, đó là nhà vua (cũ) Cakobau cùng đoàn tùy tùng thăm Sydney đã mang về hòn đảo biệt lập này bệnh sởi. Chưa từng ai trên đảo mắc sởi, không có thuốc, không có đề kháng khiến bốn mươi nghìn người chết, khoảng một phần ba dân số trên đảo thời điểm 1875. Đó là lí do tại sao những nước như Úc và New Zealand họ làm cực kỳ chặt chẽ ở khâu kiểm dịch nhập cảnh, vì hai nước này là những quốc đảo, tách biệt với thế giới, chỉ cần bệnh dịch lạ lan ra là chết như ngả rạ. Nguồn lao động địa phương không đủ đáp ứng cho các đồn điền mía nên chính quyền Sydney đã xin quyết định nhập khẩu lao động từ một nơi dư thừa người: Ấn Độ (quan trọng nữa là dân Ấn Độ rất khỏe và chăm chỉ, người Việt vẫn hay tự nhận là cần cù nhưng nếu bạn đã thấy dân Ấn lao động thì mới thấy dân mình thật là lười và yếu ớt).

Năm 1879, 463 người Ấn Độ đầu tiên đặt chân đến Fiji và 67.000 người nữa tiếp tục đi xuất khẩu lao động trong 37 năm tiếp theo. Họ nói tiếng Hindi, ăn đồ Ấn Độ, thờ thần Hindu, sống thành cộng đồng và không những không hòa nhập với văn hóa bản xứ, dân châu Á ranh ma còn lừa đảo và chèn ép những người bản địa.

Đền Sri Siva Subramaniya , là ngôi đền Hindu lớn nhất Nam Bán Cầu. Trước giờ những cái to nhất, dài nhất, rộng nhất Nam Bán Cầu bao giờ cũng thuộc về Úc, vì so với thế giới thì nhỏ nên cứ phải so với Nam Bán Cầu cho nó to.

Việt Nam là một quốc gia gần như “thuần chủng”, chỉ có một dân tộc áp đảo. Một vài hình mẫu xã hội mà chúng ta được học và hay bàn luận là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tương tự, gần hết là một giống người. Từ trước đến nay, người gốc ngoại quốc sinh sống nhiều nhất ở Việt Nam cũng chỉ là Hoa kiều mà họ lại nói tiếng Việt rất giỏi. Vì vậy mà chúng ta khó hiểu được những mâu thuẫn chủng tộc gay gắt ở một nơi như Fiji. Nhiều người Việt Nam cũng sống ở những nước đa văn hóa như Mỹ, Canada, Úc nhưng vẫn có một dòng văn hóa chủ đạo là của người da trắng và chính quyền nằm trong tay họ, còn ở đây 40% dân số là người gốc Ấn. Tạm gọi là “khách nhập gia, chủ nhà chịu khách”. Dân châu Á thì bao giờ cũng giỏi hơn về khoản kinh doanh (gian thương) và khôn khéo trong chính trị (hối lộ). Sau khi Anh trao trả độc lập cho Fiji vào năm 1980, thì các chính phủ tiếp theo đều do người Ấn nắm giữ. Họ có quyền lực về cả kinh tế và chính trị, Diwali – tết Hindu trở thành ngày nghỉ lễ chính thức. Đất nước có ba ngôn ngữ hành chính: Tiếng Anh, Hindi và Fijian. Đến tận gần đây, 2008, quân đội đảo chính, người Fiji bản địa mới lên nắm quyền và dân Ấn Độ mới chấp nhận trở lại thành dân tộc thiểu số.

Bữa trưa: Prawn Vakaviti, một món gần giống cà ri tôm. Phục vụ bàn là những cô người gốc Fiji to béo còn trong bếp trăm phần trăm là Ấn Độ.

Thiểu số thế chứ từ các ngành kinh tế to đến cửa hàng bán lẻ nhỏ vẫn là dân gốc Ấn quản lý. Em cũng dân châu Á mà còn bị lừa đấy các bác ạ. Dân Ấn Độ ở đây có hiền hơn các nơi khác thôi chứ bản tính thì không đổi, trả lại tiền thừa mà mình không đếm là thiếu. Lúc sáng tinh mơ mình bắt taxi ra bến xe khách, anh lái taxi nói chuyện rất vui vẻ, tận tình ngồi đợi đến khi nào mình lên được xe khách xong mới yên tâm lái đi, dắt mình ra nói với nhà xe, dặn họ phải thả xuống chỗ đúng chỗ không thằng bé lạ nước lạ cái lại lạc đường. Cảm động sụt sùi cả nước mắt nước mũi. Mình trả tiền xe xong tự nhiên chột dạ quay lại hỏi hai chị Fiji ngồi sau vé bao nhiêu tiền mới biết tay nhà xe lấy mình gấp đôi. Quay ra đòi trả lại thêm tiền thì chợt nhận ra rằng anh Ấn Độ lái taxi đã tan đi như sương mờ buổi sớm!

Hiến pháp mới nhất đã phân biệt rằng người Fiji bản địa từ nay gọi là iTaukei, còn những người là công dân Fiji (ý chỉ gốc ngoại quốc) thì gọi là Fijian. Đây là biển tên của Bộ Xã Hội chuyên trách cho người iTaukei trong chính phủ mới để bảo vệ quyền lợi cho họ. Người bản địa hiền lành sẽ bớt bị thua thiệt nhưng nó cũng tạo ra hố sâu ngăn cách về chủng tộc.

Chiều đến, dạo chơi trên phố, mùi thơm ở các nhà hàng bay ra, tự nhiên thế nào lại thấy thèm… vịt quay. Rồi quyết phải đi ăn vịt quay Fiji xem nó khác vịt quay Quảng Đông thế nào mới được. Mình đi tìm quán vịt quay là bởi vì ở Fiji cũng có người gốc Tàu. Lúc đầu biết có dân Trung Quốc ở cái xứ xa tít tắp này cũng ngạc nhiên nhưng rồi nghĩ lại, nếu có nơi nào trên hành tinh này không có dân Trung Quốc và Ấn Độ sinh sống thường xuyên thì nhiều khả năng chỉ có thể là Nam Cực. Người Trung Quốc ở đây chủ yếu là dân Quảng Đông và đến đây theo một cách rất khác với dân Ấn Độ.

 

Gia đình ông Moy Bak Ling . Giữa thế kỉ 19, ông cũng như bao nhiêu dân nghèo miền Nam Trung Quốc đổ xô sang Úc vì thiên hạ đồn là tìm thấy nhiều vàng. Việc đào vàng quá khắc nghiệt mà chẳng thấy gì, Vỡ mộng, ông đã đi từ vùng mỏ Ballarat, một mình dong buồm ra khơi và đến Fiji vào năm 1855, lúc ông mới 20 tuổi. Vốn là thợ mộc lành nghề, ông đã mở xưởng gỗ và được lịch sử ghi nhận là cơ sở kinh doanh đầu tiên của người Trung Quốc ở Fiji.

Khi mà nô lệ da đen bị cấm trên toàn đế quốc Anh thì nhu cầu lao động lại trở nên sốt sắng. Ngoài dân Ấn, người Anh hi vọng sẽ thuê dân Tàu sẽ sang làm đồn điền theo hợp đồng ở Fiji. Tuy nhiên người Anh quá ngây thơ, người Hoa không bao giờ chịu đi làm chân tay, nghề có thể coi là “truyền thống” của Hải ngoại Hoa nhân chính là nghề giặt là (đến bây giờ vẫn thế). Họ mở các cửa hàng nhỏ buôn bán hàng tiêu dùng, cắt tóc, thợ may để kiếm được tiền thì cuốn gói về nước. Nhưng rồi Cách mạng Tân Hợi nổ ra và sự xâm lược của Nhật Bản khiến những người này đã không trở về nước nữa mà quyết định ở lại nơi đây.

Người Hoa tiết kiệm, giỏi buôn bán nên dù số lượng rất ít, họ vẫn tồn tại và thậm chí là có tiền có của. 8000 người Hoa tại Fiji không phải là nhiều nên trên phố cũng không thấy quá nhiều hàng quán bán đồ ăn Trung Quốc. Trời thì mưa xối xả, có hai quán trên phố nhưng trong thực đơn không có vịt, chỉ thấy bào ngư, vi cá, hải sâm. Chủ quán thì đon đả mời: “Cứ gì phải vịt, trời mưa to, chú cứ ngồi xuống mà ăn, đi đâu nữa cho mệt?” Nhưng mà cái bụng nó không nghe, cứ đòi ăn vịt, thế là mõ mẫm hỏi đường, vòng đi vòng lại, lên xe xuống ngựa, cuối cùng cũng tìm được một quán ở ngoại ô xa tít có ghi roast duck trên menu. Thấy mình bước vào quán gọi luôn con vịt rồi ngồi mắt chớp chớp, mồm đớp đớp với tinh thần hồ hởi, phấn khởi và chờ đợi, cả chủ lẫn tớ tròn xoe mắt nhìn. Người Hoa ở Fiji có lẽ là những người Hoa dễ thương và đáng yêu nhất trên thế giới. Mấy anh bếp, anh chủ quán, bồi bàn lau nhau bàn tán trong bếp rồi nhìn mình qua cái khe đưa thức ăn từ bếp ra ngoài. Mình chẳng tức mà thấy vui vui, chắc đang hỏi nhau xem thằng này con nhà nào.

Vịt quay Fiji, cũng xì dầu hành tỏi đầy đủ, đúng là bõ công ăn một con vịt chạy ba quãng đồng. Thấy mình xin thêm cơm lần thứ ba, chủ quán cười như nắc nẻ.

*

Còn tiếp

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

0:48 Tuesday,3.2.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Như là về quê ấy nhỉ, cũng đến thế mà thôi
Chẳng nhẽ lại nhớ câu của ông HP quá cố: Ta về với mịa ta thui/ Kẻo mai chít lại mồ cui dưới mồ??????????????Imùa
...xem tiếp
0:48 Tuesday,3.2.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Như là về quê ấy nhỉ, cũng đến thế mà thôi
Chẳng nhẽ lại nhớ câu của ông HP quá cố: Ta về với mịa ta thui/ Kẻo mai chít lại mồ cui dưới mồ??????????????Imùa 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp