Nghệ sĩ Việt Nam

10.000 chiếc tàu lụa là 25. 10. 10 - 2:00 pm

Người Xem Sài Gòn

NHẬT KÝ TỪ TRẬN CHIẾN ẤY VỚI 10.000 TÀU THỦY

Triển lãm của Tammy Nguyễn
Triển lãm: từ 18. 10 – 18. 11. 2010
L’Usine – 151/1 Đồng Khởi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Sàn Art tổ chức

 

Buổi khai mạc hôm 18. 10 có khá đông bạn bè đến dự với Tammy Nguyễn

 

Từ Zoe Butt – một giám tuyển người Úc gốc Hoa

 

Đến Hà Thúc Phù Nam – một nam họa sĩ gắn bó với Sàn Art

 

Có Lê Kinh Tài mới đi triển lãm ở Singapore về, đến chung vui…

 

Có những bạn mà Người xem Sài Gòn chưa biết tên…

 

Tất cả đứng xem tác phẩm, uống bia, tán dóc, trong L’Usine ấm cúng nhưng hơi chật.

 

Xem triển lãm với 10 ngàn tàu chiến của Tammy Nguyễn, tự nhiên tôi có liên tưởng về tập thơ đồ sộ và cổ xưa bậc nhất của Nhật Bản còn lại đến ngày nay – Manyoshu (Man’yōshū: 万葉集: Vạn diệp tập, tạm hiểu nghĩa đen: tuyển tập về 10 ngàn chiếc lá). Tập thơ do Otomo Yakamochi (大伴 家持, khoảng 718-785) và một số người khác biên soạn năm 759, theo chỉ thị của Thiên hoàng Junnin, thời kỳ Nara.

Sự liên tưởng này xuất phát từ mấy thực tế:

Thứ nhất, trong tiểu sử mà Sàn Art cung cấp, cho biết Tammy Nguyễn “bị hấp dẫn bởi những ý tưởng về chủ nghĩa truyền thống trong văn hóa đương đại, lấy cảm hứng từ thư pháp Trung Đông & châu Á, và thấy thích thú trước những điều vô lý và ngớ ngẩn”.

Chính vì “sự hấp dẫn” này mà khi nhìn xuyên qua những hình vẽ, hình thêu trên lụa trắng, tự nhiên tôi có cảm giác như nhìn những chiếc lá đã hết diệp lục, chỉ còn lại các sớ lá và màng lá, như xương khô.

Vạn diệp tập ngoài sự đồ sộ, bao quát, lớn lao các chủ đề từ thiên hoàng cho đến cóc nhái, thì cũng đầy “thích thú trước những điều vô lý và ngớ ngẩn”.

Nhật ký từ trận chiến ấy với 10.000 tàu thủy là một hồi ức, tuy không thù hận, căng thẳng, nhưng rất buồn và đầy vương vấn về hình ảnh xưa.

Thứ hai, 10.000 hay 1 vạn với người phương Đông là một con số ước lệ, để chỉ một ước số rất nhiều, rất lâu dài, bền vững. 10 ngàn tàu thủy nghĩa mà Tammy Nguyễn đưa ra cũng vậy, nghĩa là rất nhiều, nó như một cuộc đại du hành, một “đại thủy chiến”… Vì tính ước lệ, cho nên, phần thể hiện thì không nhất thiết phải minh họa đầy đủ như vậy.

Tác phẩm được đánh số 1 nằm ngay ở phòng chính, là một sắp đặt mô hình gợi tưởng đến tàu thủy, gồm xi măng, in kỹ thuật số trên lụa, chỉ đen, mực đen… (hoàn tất năm 2010), có tên Đổi chiều hướng. Chiếc tàu này lênh đênh sóng gió, bị mất hướng lái và nước biển thì đen sậm. Nó là hình ảnh tượng trưng cho 10 tàu thủy.

Sắp đặt ước lệ mô hình tàu thủy

 

Đi xem tác phẩm nghệ thuật, thấy tên là một con số, tự nhiên nghĩ về một con số đã có tên trước đó. Ví như khi thấy con số “ngàn lẻ một”… thì ta dễ liên tưởng đến “đêm”, hơn là “ngày”. Vạn diệp tập cũng thế, chỉ là con số ước lệ, vì thực chất nó chỉ có 4.496 bài thơ. Nhưng lại được hiểu là tập thơ: lưu truyền vạn đời, hàng vạn bài thơ, hàng vạn trang, hàng vạn lời…

Thứ ba, là lý do tổng hợp từ hai ý trên để có thể nói rằng 17 tác phẩm mà Tammy Nguyễn mang đến cho người xem, ngoài nỗi bi ca (nếu có), thì ngập tràn sự tri ân, niềm tha thứ… cho quá khứ. Chính vậy mà nó lại giống một tập thơ giàu nữ tính, sự hân hoan và mơ tưởng.

Tammy Nguyễn cũng cho biết lý do tại sao khi mình về Việt Nam theo học sơn mài truyền thống lại làm triển lãm lụa, vì lớp dạy lụa kế bên lớp sơn mài!

Cô nói mình đã có yêu thích và dự định làm triển lãm về chất liệu lụa từ lâu, nay mới có dịp thực hiện. Cơ duyên là nhờ cơ sở l’Usine chuyên về chất liệu này, nên đã giúp rất nhiều trong việc in ấn, thêu, dệt…

Trong triển lãm nhóm trước đây có tên Lục đục… lục đục… lục đục do Tammy Nguyễn làm giám tuyển, các tác phẩm của Lê Nguyên Chính cũng đã thể hiện trên chất liệu lụa.

 

*

Bài liên quan:

10.000 chiếc tàu cơ à?
10.000 chiếc tàu lụa là

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đi và không bao giờ đến

Phan Cẩm Thượng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả