Bàn luận

Hiện thực Mù là một nghịch lý hiển nhiên trong môi trường cá biệt 28. 10. 12 - 6:52 pm

Lê Quảng Hà

Hoan hô, sơn dầu trên canvas, (80 x 100cm) x 3, 2007

 

Hiện thực mù là tên triển lãm cá nhân của tôi vừa diễn ra tại TP. HCM. Tôi rất thú vị khi nhận được nhiều phản hồi tranh luận quanh cái tên tôi đặt cho triển lãm. Đó cũng chính là thông điệp mở mà tôi đưa ra như cách tôi thể hiện thái độ sống rõ ràng bằng thực hành nghệ thuật của chính mình. Từ những tranh luận đa chiều đó, tôi mong muốn và trên thực tế phần nào đã nhận ra những cảm xúc thật của xã hội quanh tôi. Xin cảm ơn mọi người đã quan tâm và có vài lời cùng bạn đọc của Soi nhân sắp kết thúc triển lãm.

Với Đinh Hải Bằng: Cá nhân tôi thấy hai bài viết của anh: “Hiện thực mù” là sản phẩm của “vừa tránh vừa sờ voi”? và “Tìm ra hiện thực mù bằng chính phương pháp của con nghiện” giống như được viết theo đơn đặt hàng. Anh “mù” thật “ hay “giả mù” với thông điệp quá rõ ràng của tôi? Tôi không biết. Chỉ biết rằng, phải nói lại để anh rõ, chính vì sự tôn trọng người xem và cả vì lòng tự trọng của chính mình, nên tôi dành cho người xem sự tự do suy tưởng với những gì tôi trình bày, thay vì cầm tay và dẫn dắt họ. Anh cũng đã không hiểu được công việc của người lao động sáng tạo khi nói “… nhất là khi các tranh anh đăng lên lần này cũng toàn là tranh cũ, từ cách đây những 4, 5 năm, không có vẻ gì là sản phẩm của một quá trình khám phá, tiệm cận một lý thuyết mới, chân trời mới. Có vẻ như Lê Quảng Hà đang mặc cho mớ tranh cũ một thứ lý thuyết mới, một cái tên mới mà bản thân anh cũng mù mờ…”.

Anh Bằng ạ, việc sáng tác không đơn giản giống như làm theo đơn đặt hàng mang tính thời vụ. Nó là một quá trình lao động lâu dài và liên tục. Vậy 4, 5 năm hoặc lâu hơn nữa không phải là vấn đề, miễn sao tác phẩm đó phù hợp với những thông điệp được đưa ra. Xem anh giải thích với nhiều trích dẫn của anh về mù chủ động, mù bị động.., tôi thấy có lẽ cần kể cho anh nghe câu chuyện này.

Cháu tôi (đang học tiểu học) hỏi tôi: “Hiện thực mù là gì hả bác?
Tôi nói: “Nếu có ai đó bịt mắt con và hỏi: bầu trời màu gì?” Con nói sao?
Cháu tôi trả lời: “Bầu trời màu đen
Tôi nói: Còn có người chấp nhận nhìn bầu trời màu gì theo màu mà kẻ bịt mắt anh ta xui khiến. Nhưng cuối cùng chân lý chỉ có một: “Bầu trời vẫn xanh”.
Cháu tôi reo lên: “Con hiểu rồi
Và hôm sau cháu kể với tôi rằng, cháu đố các bạn câu đố về bầu trời. Và các bạn cháu đều đồng ý “dù thế nào thì bầu trời vẫn xanh”.

Một chân lý giản đơn như vậy, đến đứa trẻ cũng hiểu ra ngay. Còn người lớn chúng ta, chẳng phải đã hiểu, hơn thế nữa, biết rõ rằng đôi khi “kẻ sáng mắt, nhìn mà không thấy, kẻ mù mắt thấy mà chẳng cần nhìn” hay sao?

Còn nữa, khi viết “Tìm ra hiện thực mù bàng phương pháp của con nghiện”, Đinh Hải Bằng cũng tỏ ra không hề hiểu bản chất công việc sáng tạo. Vì đâu nghiện? Vì thiếu lý trí, thiếu hưng phấn trong cuộc sống, con nghiện cần đến thuốc để tạo hưng phấn và sự hoang tưởng. Chỉ cần cảm hứng đưa đến trạng thái hoang tưởng, với người nghiện, thế là thỏa mãn. Còn với người nghệ sĩ cảm hứng chính là chất xúc tác để trí tưởng tượng được thăng hoa thành tác phẩm! Nếu thiếu những điều đó, người sáng tác chỉ còn là cỗ máy hay những kẻ nô lệ làm thuê theo đơn đặt hàng mà thôi.

Phản biện Darwinism, sơn dầu, 200 x 240 cm, 2005

 

Với Nguyễn Đình Đăng: Tôi không biết đang nói chuyện với anh hay đống sách vở mà anh dẫn chứng! Thú thực, những sách vở anh Đăng đưa ra dẫn chứng ở đây chẳng liên quan gì đến công việc của tôi. Nhưng tôi tin, một trí thức như anh Đăng chắc rất biết cách sử dụng và sàng lọc kiến thức đã học, đã đọc. Vậy xin được hỏi anh, với trách nhiệm của một người làm khoa học, anh nghĩ gì về tầm quan trọng của tính chính xác và lòng trung thực? Và, có phải anh đang cố tình nhầm lẫn giữa Blinded ReallismBlind Reallism? Ngoài công tác nghiên cứu khoa học, anh Đăng còn là một nghệ sĩ. Khi anh nói: “mô tả đẹp (tranh đẹp) – mô tả xấu (tranh xấu)”, tôi thấy chưa thỏa dáng. Nói cách khác, anh Đăng chỉ biết ngọn mà chưa thấy gốc .Anh nghĩ sao với trường hợp: mô tả đẹp (tranh xấu), – mô tả xấu (tranh đẹp)? Và nữa, mô tả đẹp (tranh đẹp) – mô tả xấu (tranh đẹp) anh đã nghĩ đến chưa? Kiến thức, trí tuệ và tính nhân văn để làm gì khi ta không thể phân biệt đẹp – xấu, khách quan – không khách quan, đúng – sai, đạo đức – không đạo đức? Những gì anh Đăng đã dày công sưu tập, biên dịch để phổ biến đến cộng đồng là đáng kể lắm chứ. Nên tôi càng cảm thấy tiếc khi anh kết luận “không có gì mới dưới ánh mặt trời”, nó khác nào khi anh dạy kỹ năng cho người tập chạy, anh lại nói với họ: Có người đã cán đích rồi.

Đi tới thiên đường, sơn dầu, 155 x 195 cm, 1999

 

Với Trịnh Xuân Đỉn: Không biết tôi có đủ thông minh để hiểu những gì anh nói không. Để biết được điều đó, tôi cũng cần biết anh thông minh đến cỡ nào? Vậy, hãy gửi Soi chỉ số thông minh của anh nhé (có công chứng, vì bây giờ nạn bằng cấp giả nhiều lắm). Hoặc hãy cho tôi biết một vài công việc của anh, tôi mới biết anh thông minh ở mức nào?

Với Linh Cao: Rất cám ơn vì tình cảm bạn giành cho tôi. Tôi không phải và cũng không muốn là siêu nhân, cũng không yêng hùng như bạn nghĩ đâu. Chẳng qua tôi chỉ cố chiến thắng sự sợ hãi trong tôi mà thôi. Tôi có nhiều nỗi sợ. Nhưng sự sợ hãi lớn nhất trong tôi chính là sợ mình trở thành kẻ hèn nhát. Nếu được làm loài xương rồng, như hình ảnh mà bạn yêu mến tặng, tôi cũng không muốn bị trồng trong chậu hay làm hàng rào . Tôi xin được làm hạt cây bé nhỏ, để được tự do bay đi, gặp đất lành sẽ nẩy nở thành cây, bất cứ nơi nào. Tôi luôn yêu và cám ơn cuộc sống này, dù nó có khắc nghiệt đến mấy, vì ở đây, tôi được thử thách để trưởng thành.

Xin cảm ơn Soi và tất cả mọi người.

Lê Quảng Hà
28 tháng 10 năm 2012

 

*

HIỆN THỰC MÙ
Triển lãm cá nhân của Lê Quảng Hà

Khai mạc: 18h00 thứ Tư 10. 10
Triển lãm: 10. 10 – 10. 11. 2012
Eight Gallery (Số 8 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, Quận 1, TP HCM)

 

*

Bài liên quan:

– Lê Quảng Hà phát hiện ra một loại hiện thực mới: HIỆN THỰC MÙ 
– “Hiện thực mù” là sản phẩm của “vừa tránh vừa sờ voi”? 
– “Đáp án” của Lê Quảng Hà về hiện thực mù

– Tìm ra hiện thực mù bằng chính phương pháp của con nghiện?
  
– Hiện thực Mù là một nghịch lý hiển nhiên trong môi trường cá biệt
  
– Nếu vậy thì tranh luận trên Soi là vô nghĩa, mọi art talk là vô nghĩa?
  
– Cãi không phải vì ghét tranh. Cãi vì ghét “nổ”.

 

 

Ý kiến - Thảo luận

11:05 Friday,2.11.2012 Đăng bởi:  anvile
Thông điệp chủ đạo của tác giả là thay đổi tư duy và kích động/đánh thức cái mê miên trong tri thức người Việt.
...xem tiếp
11:05 Friday,2.11.2012 Đăng bởi:  anvile
Thông điệp chủ đạo của tác giả là thay đổi tư duy và kích động/đánh thức cái mê miên trong tri thức người Việt. 
12:21 Tuesday,30.10.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
Nếu xứ sở của người mù có những người đứng đầu có óc cởi mở, họ có thể dễ chấp nhận cho Nunez cưới con gái của họ mà không cần móc mắt anh. Như vậy con anh và cô gái mù sinh ra có thể có mắt tinh. Dẩn dần s
...xem tiếp
12:21 Tuesday,30.10.2012 Đăng bởi:  Nguyễn Đình Đăng
Nếu xứ sở của người mù có những người đứng đầu có óc cởi mở, họ có thể dễ chấp nhận cho Nunez cưới con gái của họ mà không cần móc mắt anh. Như vậy con anh và cô gái mù sinh ra có thể có mắt tinh. Dẩn dần số người có mắt tinh trong xứ sở mù sẽ nhiều lên và họ sẽ thoát mù. Nước Nhật đã xử sự như vậy từ thời Minh Trị và đã trở thành cường quốc ngày nay. Trong truyện của H.G. Wells khả năng này đã không xảy ra. Nunez chỉ có thể được những người mù chấp nhận là người của họ nếu anh chịu để cho họ móc mắt. Và nếu sau đó anh và cô gái có sinh con, thì con của họ cũng sẽ bị móc mắt. Nunez đã quyết định thoát khỏi xứ sở người mù để chọn tự do với đôi mắt tinh của mình.
 
Hoạ sĩ cũng giống như Nunez trong "Xứ sở của người mù" của H.G. Wells.  Hoạ sĩ nhìn và vẽ thế giới theo nhãn quan của riêng mình, chỉ riêng mình có. Quần chúng xung quanh, kể cả các đồng nghiệp của hoạ sĩ, không bao giờ hiểu hết hoạ sĩ. Họ cảm nhận tranh của hoạ sĩ theo thẩm mỹ và nhận thức của họ - mà đối với hoạ sĩ đó là nhận thức của những người mù, bởi họ không bao giờ "thấy" hết được cái mà hoạ sĩ "thấy".  Đối với họ, hoạ sĩ là một người bất thường cũng tương tự như đối với những người mù thì Nunez là người thiểu năng.
 
Mâu thuẫn đó không bao giờ được giải quyết triệt để bởi đó là một phần của những gì tạo nên nghệ sĩ. Vấn đề là ở chỗ, trong một xứ sở tự do và khoan dung, hoạ sĩ có quyền vẽ, bày tranh, và phát biểu những gì mình thích, mình cảm nhận, tương tự như Nunez có thể sống trong một xứ sở của người mù, nhưng lại được tha hồ nói về những màu hoa, cỏ cây, chim chóc đẹp như thế nào, thậm chí cưới con gái họ làm vợ, mà không bị họ móc mắt.
 
Chính vì thế mà Albert Einstein từng nói: “Tất cả những gì thực sự vĩ đại và truyền cảm đều được sáng tạo bởi cá nhân lao động trong tự do”. Năm 1933 ông đã có một tuyên bố nổi tiếng: “Chừng nào tôi còn có thể lựa chọn, tôi sẽ chỉ sống tại nước nào mà luật lệ là tự do chính trị, lòng khoan dung, và quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp lý.
 
Tôi chúc hoạ sĩ Lê Quảng Hà sức khoẻ và nghị lực để vượt qua mọi khó khăn trên con đường nghệ thuật mà anh đã chọn.
  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bàn về gái đẹp

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả