Luala Concert

LUALA concert tuần 5: Chia tay bịn rịn hẹn mùa Đông sau 15. 12. 15 - 1:23 pm

Khói - Ảnh: Đỗ Quang Cường và LUALA Concert

Dàn nhạc thính phòng Hà Nội
Chỉ huy: Nguyễn Khắc Thành

Nhạc mục buổi LUALA Concert chiều 13. 12. 2015:

Mở đầu, dàn nhạc chơi bản “Il barbiere di Siviglia” của Gioacchino Rossini

 

Tiếp theo là “Introduction et Allegro” của Maurice Ravel

 

Phần trình diễn đàn Harp của Aya Matsumoto với các tác phẩm: “The Seasons, Op.67” của Aleksandr Glazunov, “Cavalleria rusticana” của PietroMascagni…

 

“Le Cygne” của C.SaintSaens, và “The scent of the Women” của Piazzolla

Nghỉ giải lao

Dàn nhạc trình diễn “The Nutcracker (suite), Op.71a” của Pyotr Tchaikovsky

 

“Swan Lake (suite), Op.20a” của Pyotr Tchaikovsky

 

Một tác phẩm của Franz Lehár là “Gold und Silber”

 

Và một tác phẩm của G.Bizet là “Camen Suit no1”

 

Giọng soprano của nghệ sĩ Lê Thị Dung với các tác phẩm: “Main herr marquis” và “Radezsky March” của J.Strauss…

 

cùng một bài hát Ý là “O sole mio”

 

Và đây là tường thuật của Khói – một người luôn luôn không kiếm được chỗ ngồi trong các buổi Luala Concert:

TRONG CHIỀU ĐÔNG…

Thoắt một cái, đã đến buổi cuối cùng trong chuỗi biểu diễn các tác phẩm cổ điển trên vỉa hè của LUALA Concert. Tôi đã xem buổi biểu diễn đầu tiên cách đây hơn một tháng, rồi lại xem buổi cuối cùng chiều Chủ nhật vừa rồi, thấy vẫn dàn nhạc ấy, vẫn đám đông say mê xúm xít trên phố Lý Thái Tổ ấy, vẫn tiếng còi ô tô xe máy râm ran làm phần nhạc nền không đổi cho buổi biểu diễn.

Cả nỗi cảm động mỗi khi xem biểu diễn của Luala Concert cũng không đổi.

Chỉ huy Khắc Thành. Ảnh toàn bài: Đỗ Quang Cường

Lần nào tôi cũng thấy cảm động bởi những nhạc công vốn được dành chỗ nơi những thánh đường diễm lệ nhạc cổ điển, vậy mà chịu ra ngồi trên hè phố để chơi nhạc miễn phí cho một đám đông không phải lúc nào cũng chắc chắn là hiểu hết về những khúc aria, những láy đi láy lại rondo, kỹ thuật chạy giang tấu hay thậm chí là cả những khoảng lặng giữa các phân khúc trong bản nhạc.

Nhưng tôi thấy cảm động hơn vì cái đám đông mỗi chiều Chủ nhật trên hè phố Lý Thái Tổ ấy, trong đó có cả tôi, lại chịu khó đứng cả hai giờ đồng hồ (chỉ một số ít đến sớm có ghế ngồi), chăm chú nghe như nuốt lấy như từng âm thanh được các nhạc công vuốt ra từ cần đàn hay phím ngà của đàn piano, từ dàn kèn đa thanh hay những loại nhạc cụ hiếm gặp như đàn harp (người Việt nói kiểu Hán hóa là “hạc cầm”)

Buổi biểu diễn giã biệt mùa thu đông 2015 này của LUALA Concert cũng có đàn hạc, nhưng trước đấy, dàn nhạc đã chào sân bằng Il barbiere di Sivviglia lấy từ vở Opera cùng tên của Gioacchino Rossini. Kiệt tác âm nhạc của người được mệnh danh là “Mozart của Italia” được biểu diễn trên vỉa hè phố Hà Nội mang đến cảm xúc quen huộc với tất cả những ai đã từng biết đến vở opera Người thợ cạo thành Seville.

Nghệ sĩ Hà Miên

Tiếp đấy, là Introduction et Allegro mà Maurice Ravel viết dành cho hạc cầm, sáo, kèn clarinet và tứ đấu đàn dây. Những ai đã từng biết đến bản Bolero có cấu trúc lặp đi lặp lại nổi tiếng, lần này biết thêm chất trữ tình trong tác phẩm này của nhà soạn nhạc Pháp theo trường phái ấn tượng. 

Phần trình diễn đàn hạc của nghệ sỹ Aya Matsumoto là phần đinh của chương trình trước lúc giải lao. Những ai thuở ấu thơ đã từng đọc Không gia đình của Hector Malot hẳn là sẽ biết được âm thanh của cây đàn hạc trong một gánh xiếc rong là thế nào!

Nghệ sĩ Aya Matsumoto

Trong lãng đãng chiều đông Hà Nội như lời thơ Tạ Quốc Chương mà nhạc sĩ Phú Quang đã đưa vào trong một ca khúc, người Hà Nội khăn phu la quấn kín mít che gió lạnh, chìm vào trong những giai điệu cổ điển đẹp đẽ, mê đắm vút ra từ cây hạc cầm của người nữ nghệ sỹ Nhật Bản. Không có sương giăng trên phố, chỉ có tiếng còi xe xa xa và sự im lặng của đám đông trên vỉa hè.

Phần hai của chương trình “quen thuộc” với tai nghe của người thưởng thức hơn với những trích đoạn “Kẹp hạt dẻ”, “Hồ thiên nga” của nhà soạn nhạc Nga vĩ đại Pyotr Tchaikovsky, Gold und Silber của Franz Lehár, Camen Suit số1 của G.Bizet. Cuồi cùng là giọng soprano chới với trong vắt của Lê Thị Dung với Main herr marquis và Radezsky March. Rồi mặt trời nước Ý, Mặt trời của tôi, O sole mio…

Nghệ sĩ Lê Thị Dung. Ảnh: LUALA Concert

Nhạc mục của chương trình đến đây là hết, nhưng buổi biểu diễn cuối của LUALA Concert mùa này dường như còn dùng dằng chẳng nỡ chia tay với người Hà Nội. Nhạc trưởng Khắc Thành cùng dàn nhạc bonus thêm một vài phân đoạn sôi nổi và đúng khi ấy, trong trời chiều mùa đông nhá nhem tối, bất chợt ánh đèn noel trên toàn bộ mặt tiền của phía trước gian trưng bày của Luala bật sáng rực như một lời giã biệt đầy tiếc nuối.

Cả những tràng vỗ tay giống hệt sau mỗi tiết mục biểu diễn nhạc cổ điển trong nhà hát, cũng kéo dài tiếc nuối trong chiều đông Hà Nội.

Hẹn gặp lại, mùa đông tới.   

Ảnh: LUALA Concert

*

(Ảnh trong toàn bài của Đỗ Quang Cường. Trừ vài ảnh của LUALA Concert thì đã có ghi chú).

Ý kiến - Thảo luận

16:45 Tuesday,15.12.2015 Đăng bởi:  Trương Huyền

"... Thoắt một cái, đã đến buổi cuối cùng trong chuỗi biểu diễn các tác phẩm cổ điển trên vỉa hè của LUALA Concert. Tôi đã xem buổi biểu diễn đầu tiên cách đây hơn một tháng, rồi lại xem buổi cuối cùng chiều Chủ nhật vừa rồi, thấy vẫn dàn nhạc ấy, vẫn đám đông say mê xúm xít trên phố Lý Thái Tổ ấy, vẫn tiếng còi ô tô xe máy râm ran làm phần nhạc n
...xem tiếp

16:45 Tuesday,15.12.2015 Đăng bởi:  Trương Huyền

"... Thoắt một cái, đã đến buổi cuối cùng trong chuỗi biểu diễn các tác phẩm cổ điển trên vỉa hè của LUALA Concert. Tôi đã xem buổi biểu diễn đầu tiên cách đây hơn một tháng, rồi lại xem buổi cuối cùng chiều Chủ nhật vừa rồi, thấy vẫn dàn nhạc ấy, vẫn đám đông say mê xúm xít trên phố Lý Thái Tổ ấy, vẫn tiếng còi ô tô xe máy râm ran làm phần nhạc nền không đổi cho buổi biểu diễn.Cả nỗi cảm động mỗi khi xem biểu diễn của Luala Concert cũng không đổi".

Cảm ơn bạn Khói đã nói hộ những điều tôi muốn nói.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả