Bàn luận

Phạm Ngà – khi cá mập muốn sống theo nước lợ 15. 07. 12 - 10:03 pm

Hoàng Nguyên Vũ

SOI: Đây là cmt cho bài “Gossip cuối tuần: Noi theo Phạm Ngà? Bám theo Phạm Ngà?”, Soi xin được đưa lên thành bài. Tên bài do Soi đặt.

Đọc bài của SOI, rồi đọc cả tá những tin liên quan đến cô Ngà này, thấy sáng ra nhiều điều, cả về khía cạnh truyền thông lẫn những con người được coi là thuộc giới nghệ sỹ.

Người phương Tây có câu: “Truyền thông giống như con chó đói. Cho nó ăn no thì nó sẽ không sủa; còn để nó đói thì nó sẽ sủa ầm ĩ, có khi còn cắn bậy”.

Câu này áp vào truyền thông của ta thật không có gì hợp hơn!

Thực ra, qua vụ cô Ngà đăng đàn nói về sex (cô ấy nói về nhiều thứ nữa, nhưng cái còn lại khiến người ta bàn tán chủ yếu là chuyện sex), chẳng có gì gọi là cái “bẫy truyền thông” cả. Mấy ông truyền thông của ta lúc nào cũng đói tin lá cải, vớ được quả này quá vớ được vàng. Biết chắc là đăng lên thế nào cũng làm “dậy sóng” trên mạng, thế nên tội gì không đăng. Mà cũng chẳng cứ truyền thông nhà ta, đến BBC không nhịn nổi cũng phải nhảy vào để viết bài thì đủ biết là chủ đề này “câu view” hiệu quả cỡ nào.

Sau khi xuất hiện bài phỏng vấn nổi đình nổi đám cô Ngà, người ta bàn đủ thứ chuyện. Đàn ông tức tối hoặc che dấu sự tức tối bằng những lời đùa cợt sàm sỡ trên các diễn đàn; đàn bà ủng hộ (hoặc phản đối, về bản chất cũng giống nhau). Một bữa tiệc thịnh soạn cho giới gõ phím buôn dưa lê.

Bài đối thoại của SOI quả thật đã đưa ra cách nhìn khá thấu đáo về hiện tượng này, khi nói đến phẩm cách của người nghệ sỹ.

Ở đây, tôi muốn nói thêm, ít ra là một điều còn lớn hơn cái phẩm cách ấy: đó là cái không khí, cái môi trường văn hóa ở ta.

Nó tệ đến mức là tạo ra một khung cảnh, một môi trường khiến một số người, khi làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, cứ như bị ma làm, phải gây ra những vụ việc (đình đám) như thế này! Có cảm giác như cứ phải có những vụ ầm ĩ trên truyền thông thì mới có danh, mà với người làm nghệ thuật, thì như thế mới “sống” được!

Cô Ngà có thể ngây thơ (hay bị phóng viên gài) để nói ra những điều mà cô nghĩ là “thẳng thắn”; cũng có thể cô nhằm đạt tới một mục tiêu nào đó, như thay vì đi múa ở quán bar hay trong chương trình của anh Khánh thì ngồi làm giám khảo một cuộc thi múa, thi nhảy chẳng hạn, cũng danh giá hơn nhiều mà lại nổi tiếng.

Nhưng tựu trung lại, sau khi đọc những bài phỏng vấn kiểu như thế này, cái đọng lại nhiều nhất trong những người đọc tử tế không phải khâm phục sự thẳng thắn của cô, cũng chẳng phải tức tối gì cho cam (nhất là cánh mày râu, kiểu gì thì cũng “chắc là nó chừa mình ra”), mà là sự buồn bã, thậm chí thương hại, cho những người làm việc trong giới showbiz – cái giới vốn đã có vô vàn những chuyện thị phi, ấm ớ.

Nếu đọc bảng những thành tích của cô diễn viên múa này thì về mặt chuyên môn, quả thật rất ấn tượng. So với mặt bằng múa của Việt Nam (mà có người bỡn cợt nói rằng đó thường là động tác “đứng một chân rồi thỉnh thoảng đá chân lên một cách vô cớ), những giải thưởng mà cô đạt được là khá “khủng”.

Nói cách khác, trong đại dương nghệ thuật múa, cô là con cá mập, đủ khiến cho các bạn đồng nghiệp thờn bơn cân cấn phải kính sợ, e dè.

Nhưng cá mập sống trong đại dương nước mặn thì thỏa chí vẫy vùng; chuyển sang sống ở vùng nước lợ thì phải ứng xử theo kiểu nước lợ.

Đó mới là điều tệ nhất.

Cái môi trường văn hóa nước lợ ở ta nó khiến cho một ca sỹ tầm tầm, mỗi khi chuẩn bị ra album nhạc thì việc đầu tiên khi đăng đàn không phải nói về cái album ấy, mà là chuyện trước đây đã yêu một người đẹp chân dài a,b,c nào đó, bị đá (hoặc đá cô ta), giờ đây hai người vẫn giữ quan hệ bè bạn tốt (hoặc không tốt!).

Nó cũng làm cho một số họa sỹ đẻ ra những triển-lãm-vẽ-trước-diễn-ngôn-sau, những buổi trình diễn ấm ớ, có nghĩa là nổ văng miểng trong các statement, với một mớ ngôn từ tù mù, bóng bảy đến tội nghiệp, trong khi nội dung của tranh, của trình diễn thì không có lấy nổi một gram ý nghĩa hay cảm xúc thật sự nào. Những người này dùng ngôn từ để thay cho tác phẩm, hy vọng vào hiệu ứng “ông vua cởi truồng” nơi người xem…

Nó cũng làm cho một vài nhà văn tài mọn gài một hai ý tứ nhạy cảm con con vào trong cuốn sách dày cộp 500 trang, vừa sợ người ta “phát hiện”, vừa thì thầm đây đó chỉ mong “cơ quan chức năng” nhìn ra, rồi tác phẩm bị cấm để bán đắt như cá hồi (tôm tươi bây giờ rẻ lắm, không đáng để ví von)….

Nói nhanh cho nó vuông, cái môi trường nước lợ này mới đúng là cái tệ hại nhất trong những cái tệ hại.

Nhưng vượt được lên trên nó, cá mập mới xứng là cá mập, anh hùng mới xứng mặt anh hùng.

Còn không thì cũng chỉ như Phạm Ngà, từ phận cá mập chuyển sang lấy chuyện bùn ra mua vui, để mong có được chút tanh dễ dãi.

 

*

Bài tương tự:

– Gossip cuối tuần: Phản cảm! Cẩn thận với các Lão Hồng Vệ Binh!
– Gossip cuối tuần: Niềm vui hoang dã của người làm văn hóa

– Gossip cuối tuần: Gửi kẻ cắp, gửi bà già, và gửi Bộ Văn hóa

– Gossip cuối tuần: Đừng tưởng thời xưa đã tốt lành hơn về đạo đức. Nhưng…
– Gossip cuối tuần: Ai phải xấu hổ? Thu Minh hay báo chí?

– Gossip cuối tuần: Hán hóa rồi thì đến Hàn hóa…

– Gossip cuối tuần: Noi theo Phạm Ngà? Bám theo Phạm Ngà?

– Gossip cuối tuần: Vẽ gì khi người mua hết tiền?

– Phạm Ngà – khi cá mập muốn sống theo nước lợ

– Gossip cuối tuần: Có nên chịu chết đợi nhà phê bình?
 
– Gossip cuối tuần: Ta không lạc hậu, chỉ có chúng biến thái
 
– Gossip cuối tuần: Khẩu hiệu mới cho những người chống Tàu

 

Ý kiến - Thảo luận

9:59 Monday,16.7.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Người phương Tây có câu: “Truyền thông giống như con chó đói. Cho nó ăn no thì nó sẽ không sủa; còn để nó đói thì nó sẽ sủa ầm ĩ, có khi còn cắn bậy”.

Câu này áp vào TRUYỀN THÔNG của TA thật không có gì hợp hơn!..."

SAI !

Đây mới là hình ảnh truyền thông TA:

"... Người An Nam có câu: “Truyền thông giống như con chó được thần zưỡng hoặc xích cổ.
...xem tiếp
9:59 Monday,16.7.2012 Đăng bởi:  Em-co-y-kien
"...Người phương Tây có câu: “Truyền thông giống như con chó đói. Cho nó ăn no thì nó sẽ không sủa; còn để nó đói thì nó sẽ sủa ầm ĩ, có khi còn cắn bậy”.

Câu này áp vào TRUYỀN THÔNG của TA thật không có gì hợp hơn!..."

SAI !

Đây mới là hình ảnh truyền thông TA:

"... Người An Nam có câu: “Truyền thông giống như con chó được thần zưỡng hoặc xích cổ. Cho nó ăn no thì nó sẽ không sủa; để nó đói thì nó cũng chẳng zám sủa; đôi khi nó cũng cố cắn bậy, nhưng khổ quá, chỉ zám đợp những kẻ thấp cổ bé họng trong xã hội hoặc chỉ được đợp vào những chỗ được phép đợp, nhá, nhá ...” 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả