Nghệ sĩ Việt Nam

Nhật ký cá, trong lúc chờ đợi 02. 05. 16 - 8:16 pm

Candid

Việc cá chết hàng loạt ở bờ biển một số tỉnh miền Trung là tâm điểm chú ý của người dân nước ta trong tháng Tư vừa qua. Nhiều loài cá ở tầng sâu, ít khi gặp khi đánh cá, nay cũng chết dạt bờ. Đã gần một tháng, nhưng nguyên nhân đưa ra vẫn hoặc là không thuyết phục (do thủy triều đỏ) hoặc quá chung chung (do hoạt động xả thải của con người).

 

Cá hồng (Lutjanus sanguineus) là loài cá xương, thuộc họ cá Hồng (Lutianidae), phân bố ở vùng biển Ấn Độ (Ấn Độ Dương) và phía Tây Thái Bình Dương. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao. Ở Việt Nam, loài cá này chiếm 10-12% sản lượng cá đáy ở vịnh Bắc Bộ. Cá hồng là một trong những loại cá bị chết đợt này. Vẽ vào ngày thứ 21 kể từ khi cá chết mà không rõ nguyên nhân.

 

Cá liệt xanh, splendid ponyfish, một trong những loại cá bị chết do ô nhiễm. Ngày thứ 22 kể tử khi cá chết.

 

Cá dưa xám, hay cá lạt, cá lạt bạc hay cá lạt ù hay còn gọi là mạn lệ ngư, Muraenesox cinereous, là một loài cá thuộc vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cá lạt có ở vùng biển phía Nam như Phú Yên, Đà Nẵng. Cá lạt là một trong những loại bị chết đợt này. Đã 23 ngày kể từ khi cá chết.

 

Cá tráp biển hay còn gọi là cá hanh, Sparidae, là một họ cá trong bộ cá vược (Perciformes). Đây là các họ cá có giá trị kinh tế cao, có hẳn một ngành thủy sản với tên gọi đánh bắt cá tráp. Cá tráp là một trong những loại cá chết do ô nhiễm đợt này. Đã 24 ngày kể từ khi cá chết.

 

Cá nhái (Xenentodon cancila) là một chi cá trong họ Belonidae, có ở các vùng nước mặn và nước lợ ở vùng Đông Nam Á và Nam Á. Loài này đã được nuôi phổ biến như loài cá cảnh từ năm 1963 tại Áo. Ở Việt Nam, cá nhái có nhiều ở vùng biển Phú Yên Kiên Giang (đảo Hòn Nồm). Cá nhái được người dân địa phương gọi bằng nhiều tên như cá lìm kìm biển, cá xương xanh, cá xương xương, cá sơn trắng, là loài cá được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Cá nhái cũng là loại cá chết trong đợt này. Đã 25 ngày kể từ khi cá chết.

 

Cá thiều hay còn gọi là cá úc, sea giant catfish. Là loài cá da trơn, sống ở biển, ăn tầng đáy, có tập tính ấp trứng bằng cách con đực ngậm trứng trong miệng. Cá thiều là một trong những loại cá chết do ô nhiễm đợt này. Đã 26 ngày kể từ khi cá chết và các nhà khoa học cùng các Bộ, ngành vẫn chưa tìm ra thủ phạm chính thức!

 

Cá đuối xương sụn, hình dẹt, nhìn trông giống chiếc quạt, đuôi cá dài ra ngoài như cái cán quạt. Thân cá được cấu tạo từ chất sụn cứng và đàn hồi, thịt cá ngon và cho nhiều dinh dưỡng. Cá đuối là một trong những loại cá chết do ô nhiễm đợt này. Ngày 27 tiếp tục trôi qua và chúng ta vẫn không biết (chắc) vì sao cá chết.

 

Cá Dìa hay còn gọi cá nâu (Siganus) là tên gọi chỉ các loài cá thuộc chi duy nhất của họ cá Dìa thuộc bộ Cá vược. Cá dìa sinh sống ở vùng nước mặn hay vùng cửa sông. Đây là loại cá da trơn thân dẹp, da màu nâu xám, vây sắc, sống nhiều ở vùng nước mặn ngọt giao thoa. Cá dìa là một trong những loại cá chết vì ô nhiễm đợt này. Ngày 28 đang trôi qua và có tin cá dìa nuôi ở Thuận An tiếp tục chết không rõ nguyên nhân.

 

Cá nâu hay còn gọi là cá dĩa thái, cá hói thuộc họ Scatophagidae, có ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Việt Nam,vì có những nét hoa văn da beo trên cơ thể nên còn gọi là dĩa beo. Cá ăn tạp thiên về thực vật, bao gồm rong tảo, rau xanh, côn trùng, giáp xác, và thức ăn viên. Cá có thể sống tốt trong nước ngọt, lợ và mặn. Kích cỡ vừa phải, mùi vị thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Cá nâu được coi là một đối tượng triển vọng trong nuôi kết hợp với các loài khác, nhất là việc khắc phục những ao nuôi tôm bị dịch bệnh.1 kg cá nâu có giá khoảng 500.000 VND . Ở Hải Dương, Huế, cá nâu nuôi vừa bị chết hàng loạt. Đã là ngày thứ 29 kể từ khi cá chết, hơn 100 nhà khoa học Việt Nam cùng quốc tế đang điều tra và chúng ta tiếp tục đợi.

 

Cá nhồng (Sphyraenidae) là một họ cá vây tia có kích thước lớn (một số loài có chiều dài tới 1,85 m và chiều rộng tới 30 cm và có bề ngoài hung dữ). Cơ thể thuôn dài, tương đối săn chắc, được che phủ bằng các vảy nhỏ và nhẵn. Chúng được tìm thấy trong các vùng nước đại dương cận nhiệt đới và nhiệt đới, và rất phổ biến ở các vùng biển của nước ta. Cá nhồng nhiều nạc, thịt ngọt đậm, và là một trong những loại cá chết trong đợt này. Đã 30 ngày kể từ khi cá chết. Tin mới nhất là kết quả xét nghiệm nước bốn tỉnh miền Trung an toàn. Trong khi chờ đợi nguyên nhân cá chết có thể kết luận tạm thời là cá đã chết một cách rất an toàn.

 

Cá chẽm hay cá vược là một loài cá sống cả trong nước mặn lẫn nước ngọt, thuộc về phân họ cá Chẽm (Latinae) của họ Centropomidae. Khu vực sinh sống bản địa của nó là vùng bắc và đông Australia tới eo biển Torres và New Guinea, nhưng hiện nay đã được nuôi tại nhiều nơi trên thế giới như Australia, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Hà Lan. Cá chẽm là một trong những loại cá chết vì đợt ô nhiễm này.Đã là ngày thứ 31 kể từ khi cá chết, thông tin từ phía các nhà khoa học đưa ra trái chiều, người thì bảo thủy triều đỏ người không phải. Có tin cá và các loài giáp xác chết xếp lớp dưới đáy biển, cơ quan chức năng chưa lên tiếng và chúng ta tiếp tục đợi.

 

Cá ong (Terapon jarbua), hay cá căn, cá căng cát, thuộc họ cá Căng (Terapontidae) trong bộ cá Vược (Perciformes) có ở các vùng biển Ấn Độ Dương, là loài cá có thể sống được cả nước ngọt và nước lợ, vừa sống ven bờ biển, cả những vùng đầm phá. Cá ong là đặc sản của vùng phá Tam Giang, tuy đắt nhưng vẫn được nhiều người ưa chuộng . Sản lượng khai thác không đủ để cung cấp cho nhu cầu của dân địa phương. Cá ong là một trong những loài cá chết do ô nhiễm đợt này. Đã là ngày thứ 32 kể từ khi cá chết. Hôm nay đã xuất hiện những clip quay các rạn san hô ở miền Trung chết và vắng bóng tôm cá, dù nguyên nhân có là gì thì cũng đã đến lúc báo động. Chúng ta tiếp tục kiên nhẫn chờ các nhà khoa học.

 

Cá hồng mỹ (Sciaenops Ocellatus) là loài cá sống rộng muối, rộng nhiệt, gốc ở vịnh Mexicô và vùng duyên hải tây nam nước Mỹ, nhưng phạm vi phân bố rộng, khi trưởng thành thường di cư đến vùng cửa sông và vùng biển nông để sinh sản. Cá có thể sống trong nước ngọt, lợ, mặn, nhưng thích hợp nhất vẫn là nước lợ và nước mặn. Kích thước lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, cá hồng Mỹ mới được nuôi ở Thừa Thiên-Huế, đem lại hiệu quả kinh tế cao, và là một trong những loại cá chết vì ô nhiễm đợt này. Đã sang ngày 33 kể từ khi cá chết. Chúng ta vẫn hy vọng rồi sẽ nguyên nhân để tương lai không để thảm họa môi trường như thế này lặp lại.

 

Hải sâm (dưa chuột biển, đỉa biển hay còn gọi là con rum) là tên gọi chung của một nhóm động vật biển thuộc lớp Holothuroidea với thân hình dài và da có lông, có xương trong nằm ngay dưới da, sống trong lòng biển trên khắp thế giới. Hải sâm được xem là món cao lương mỹ vị ở Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia do người ta tin tưởng vào tác dụng chữa bệnh của nó. Hải sâm là một trong những loài chết vì ô nhiễm đợt này. Đã là ngày thứ 34 mà vẫn chưa rõ nguyên nhân.

 

Cá mó (Scaridae) xếp trong phân bộ Bàng Chài (Labroidei), là loài cá biển có màu sắc khá bắt mắt, người thì bào cá thịt nhiều nhưng bở, nhạt; người lại nói cá thịt ngọt, béo, tính hiền, có thể phù hợp với mọi thể trạng của con người. Cá mó là một loại cá đặc biệt có thể thay đổi màu sắc và giới tính, miệng như mỏ vẹt có thể nhai san hô nhưng không có khả năng sống sót trong ô nhiễm. Cá mó là một trong những loại cá chết vì ô nhiễm đợt này. Đã là ngày thứ 35 kể từ khi cá chết, có tin cá nuôi bè bắt đầu chết hàng loạt ở đảo Phú Quý. Chúng ta hy vọng điều tồi tệ hơn không xảy ra.

 

Cá sơn đỏ thuộc họ cá Sơn (Apogonidae) là một họ nhà cá phân bố ở các vùng biển châu Á, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, hay ngoài khơi Malaysia. Ở Việt Nam, cá sơn có nhiều ở biển miền Trung với nhiều loại là cá sơn thịt, cá sơn bạc thau, cá sơn vảy, cá sơn đá, cá sơn thóc, cá sơn gà và cá sơn to mắt. Cá sơn sống ở rạn san hô. Khi rạn san hô bị ô nhiễm, cá sơn sẽ bị ảnh hưởng. Đây là một trong những loại cá chết do ô nhiễm đợt này. Đã là ngày thứ 36 kể từ khi cá chết. Trưởng đoàn thanh tra bảo phải kiên nhẫn không được nôn nóng. Chúng ta tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi.

 

Cá phèn (Mullidae) sống ở vùng biển nhiệt đới, thỉnh thoảng gặp ở vùng nước lợ, nhưng nói chung gắn liền với các bãi đá ngầm của Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cá phèn là cá sống ở tầng đáy, chúng sử dụng một cặp râu dài thò ra từ cằm lục lọi trong các trầm tích tầng đáy để kiếm thức ăn, và ăn được đủ thứ, từ giun, động vật giáp xác, động vật thân mềm tới những động vật không xương sống nhỏ khác. Ăn tạp như dê, nên tên tiếng Anh cá này là “cá dê”. Ở Việt Nam có các loại: cá phèn một sọc, cá phèn đổng, cá phèn khoai, cá phèn hồng, cá phèn một sọc, cá phèn hai sọc. Cá phèn là một trong những loại cá chết do ô nhiễm đợt này. Đã 37 ngày kể từ khi cá chết. Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc vừa lên tiếng bày tỏ sự quan tâm đến vụ việc và hứa giúp đỡ nếu Việt Nam yêu cầu.

 

Cá giò (Rachycentron canadum) có ở vùng biển nhiệt đới ấm Tây và Đông Đại Tây Dương, khắp Caribe, và ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, trừ Úc và Nhật. Đây là một loài cá biển thường sống đơn độc, chỉ quy tụ để sinh sản hàng năm, và đôi khi cũng tụ tập tại các rạn san hô, xác tàu, bến cảng, phao, và ốc đảo. Cá giò có thể đi vào cửa sông và rừng ngập mặn để tìm kiếm con mồi. Khi được nuôi, cá giò cho hiệu quả kinh tế cao. Ở nước ta, miền Bắc gọi là cá giò, miền Trung, miền Nam gọi là cá bớp hay cá bóp. Lưu ý điều này vì cá bớp ở miền Bắc là loài cá nước lợ nhỏ trong khi cá giò rất lớn. Cá bớp miền Bắc thường nấu với lá lốt, sau khi uống rượu mỗi người ăn một con cho tỉnh rượu. Nhiều người đi du lịch miền Trung, miền Nam vào mỗi người gọi một con cá bớp làm chủ quán tưởng khách sộp. Tỷ lệ giữa hai con như trong hình. Cá giò, cá bớp là một trong những loại cá bị chết trong đợt ô nhiễm này. Hôm nay là ngày thứ 38 kể từ khi cá chết. Chúng ta tiếp tục đợi chờ kiên nhẫn.

 

Cá bò hòm thuộc họ cá Nóc Hòm (Ostraciidae), thuộc bộ cá Nóc, màu sắc rất sặc sỡ và vui mắt, sống ở rạn san hô, có hình dạng như chiếc hộp nên tiếng Anh gọi là boxfish. Khi tìm hiểu về loài cá này tôi có tham vấn một chuyên gia về lặn biển và bảo tồn môi trường biển, được biết do loại cá này có da dày, xương cứng nên lấy được rất ít thịt, ở Việt Nam thường nướng cháy để bỏ da đi. Số lượng thịt một con cá không nhiều nhưng sự tồn tại của nó ở san hô rất có ý nghĩa. Hiện nay môn thể thao lặn biển đang được nhiều người tham gia. Số tiền thu lại từ du lịch lặn biển ngắm cá nhiều hơn số tiền bán cá lấy thịt rất nhiều. Cá bò hòm là một trong những loại cá chết do ô nhiễm đợt này. Đã là ngày 39 kể từ khi cá chết. Hôm qua thứ trưởng Bộ Khoa học đã trả lời một cách rất khoa học là hiện nay khoa học vẫn đang bó tay tuy nhiên sẽ tìm được nguyên nhân một cách rất khoa học. Hôm nay Chủ nhật, 15. 5. 2016, chúng ta đi uống bia để chờ đợi tiếp tục.

 

Cá thia biển (Damselfish) là loài cá cỡ nhỏ sống ở các rạn san hô, có thể phát triển kích thước lên đến 36 cm. Cá thia biển là loại cá thường được những người chơi cá cảnh lựa chọn cho bể cá biển của họ. Ngoài làm cá cảnh thì cá thia có thể dùng để chế biến nhiều món ngon như: nấu ngọt, chiên giòn, kho… trong đó có món cá muối mặn dùng để ăn cơm vào mùa lạnh. Cá thia cũng bị chết trong đợt ô nhiễm này. Đã là ngày thứ 40 kể từ khi cá chết, và nguyên nhân thì vẫn chưa được công bố, có vẻ vẫn bí hiểm như tam giác Bermuda.

 

Cá đổng quéo (Branchiostegus), hay cá đầu vuông, cá nàng đào có ở Nam châu Phi, Tây Thái Bình Dương, Phillippines, Nhật Bản, Trung Quốc; Ở Việt Nam, cá được đánh bắt quanh năm bằng câu và lưới kéo đáy. Cá đổng quéo thích sống ở đáy bùn, sỏi hoặc cát, hoặc trong các hang. Độ sâu thường là 100–250m. Thịt cá đổng chắc, hơi hồng, rất ngon, cơ thịt chắc, hơi hồng. Nếu nấu đúng cách, thịt cá vẫn mọng nước sau nấu. Có thể dùng cá làm sashimi. Cá đổng quéo là một trong những loài cá chết do ô nhiễm đợt này. Đã sang ngày 41 kể từ khi cá chết nhưng Bộ Khoa học chưa công bố nguyên nhân dù nói đã có đủ căn cứ. Hôm qua 16. 5 có tin ở Đà Nẵng gà chết do ăn cá biển nhưng chính quyền địa phương vào cuộc rất nhanh và thông báo nguyên nhân gà chết là do gà ăn quá no.

 

Cá trích (Sardinella) là một loài cá có giá trị kinh tế lớn, đối tượng quan trọng của nghề cá thế giới. Ở Việt Nam, cá trích có khoảng 10 loài, quan trọng nhất là cá trích tròn và cá trích xương. Cá trích là loài có số lượng con tập trung thành đàn lớn nhất trong số các loài cá. Số lượng con trong đàn cá trích có thể lên đến hàng chục triệu con, bao phủ hàng chục km2. Đến mùa cá trích ở miền Trung, ngư dân chỉ với chiếc thuyền nhỏ cũng dễ dàng trúng nhiều tạ cá. Cá nhiều, để tránh hỏng, ngư dân thường nướng rồi gánh rong đi bán. Với người miền Trung, tiếng rao bán cá trích rong gắn liền với nỗi nhớ quê hương. Tôi có anh bạn sang Paris được mời ăn món cá sardine sống, về kể chuyện tưởng món gì cao sang hoá cá trích quê mình. Khi bắt đầu ô nhiễm, ngư dân trả lời báo chí rằng họ thấy vắng bóng cá trích. Với giới hạn 20 hải lý, không biết bao giờ mới trở lại mùa cá trích. Hôm nay là ngày thứ 42 kể từ khi cá chết.

 

Cá móm (Gerreidae) thuộc bộ cá Vược, sống thành từng đàn, len lỏi kiếm ăn ở các vùng nước lợ. Tiếng Việt gọi là cá móm là vì miệng cá rất nhỏ và trông vêu móm. Đây là loại cá cho nhiều thịt, ăn rất ngọt và béo ngậy, không độc, xương dễ gỡ, có vảy rất nhỏ và mềm, nấu lên có thể ăn luôn vảy. Cá được nấu thành nhiều món ngon như canh chua, chiên xù và nấu ngọt. Cá móm là một trong những loại cá bị chết do ô nhiễm đợt này. Đã là ngày thứ 43 kể từ khi cá chết. Hôm qua có tin Hà Tĩnh đã lắp trạm quan trắc tự động cho nhà máy Formosa, một việc đáng nhẽ làm từ lâu nhưng thôi chậm còn hơn không. Hy vọng các nhà máy khác ở Việt Nam sẽ được quan trắc và giám sát xả thải đầy đủ cho môi trường tốt đẹp hơn. Chúng ta kiên nhẫn đợi những tin tức tốt lành khác.

 

Cá vấu (hay cá vẩu, cá hế vây vàng), tên tiếng Anh là giant trevally, giant kingfish, có thể nặng hơn 85 kg và dài tới 1,7 mét, sống ở các vùng nước nhiệt đới, vì thế nó thường được đánh bắt xung quanh Hawaii của Mỹ và gần Úc. Vì kích thước khổng lồ, nó thường tranh giành mồi của những loài cá khác, trong khi có rất ít hoặc không có cá nào săn nó. Cá vấu được nuôi ở Lăng Cô là một trong những loài cá chết do ô nhiễm đợt này. Có những con cá vấu nặng đến 35 kg cũng bị chết . Đã là ngày thứ 44 kể từ khi cá chết. Nếu biết được nguyên nhân chính xác, sau này biết đâu chúng ta sẽ có được biện pháp ngăn chặn…

 

Cá hố khổng lồ thuộc họ cá Hố (Trichiurus lepturus) là loài cá xương và dữ dằn, sống ở biển, nổi lên tầng trên kiếm ăn vào ban ngày, trở lại tầng đáy ban đêm bắt tôm, cá mực. Tiếng Anh gọi là Giant Oarfish, cá mái chèo. Ở Việt Nam còn được gọi là cá đao, tương truyền là hộ vệ của cá voi. Cá voi được coi là Nam Hải Đại Vương, đi đâu cũng có cá đuối và cá đao hộ vệ. Nếu ngư dân nào gặp cảnh cá voi qua đời (lụy) sẽ phải để tang và thờ cúng như cha mẹ. Cá hố lúc lụy cũng được ngư dân chôn cất và thờ cúng. Do sống chủ yếu ở tầng đáy nên cá hố khổng lồ rất hiếm gặp, tuy nhiên kể từ khi cá bắt đầu chết vào đầu tháng 4. 2016, đã có 5 cá hố khổng lồ (dài từ 2-4m) lụy ở miền Trung. Ngư dân các nơi đã làm lễ chôn cất và thờ cúng, hy vọng các Ông tiếp tục phù hộ ngư dân. Hôm nay là ngày thứ 45 kể từ khi cá chết.

 

Chim hải âu (Calonectris leucomelas) thuộc họ Hải âu. Có 21 loài trên thế giới, trong đó tại Việt Nam có một loài. Chim hải âu được coi là bạn với ngư dân vì chúng thường bay theo thuyền, mỗi khi bị lạc trên biển nhìn thấy hải âu là ngư dân hy vọng sắp thấy đất liền. Chim hải âu có đặc tính rất tham ăn nên còn được gọi vui là chuột có cánh. Có lẽ chính vì tham ăn nên chắc chắn chúng đã ăn các con cá chết vì ô nhiễm và hải âu cũng trở thành một nạn nhân của đợt ô nhiễm này. Có tin rất nhiều chim hải âu ở đảo Chim, Quảng Bình đã chết. Hôm nay là ngày thứ 46 kể từ khi cá chết.

 

Cá voi

Cá voi thuộc bộ cá Voi (Cetacea) gồm cá voi, cá heo và cá nhà táng. Tuy vậy, chúng là các loài động vật có vú thật sự. Cetus trong tiếng La-tinh mang nghĩa “cá voi”, có nghĩa gốc là “động vật lớn ở biển”, gốc tiếng Hy Lạp là ketos (“quái vật biển”).

Với ngư dân Việt Nam, cá voi là loài vật thiêng, hễ thấy có dòng nước phun lên cao từ nơi lỗ hổng ở trán cá voi, là họ nhớ ngay câu “Ông lên hiệu, liệu mà trốn”, tức là sẽ có bão tố. Khi bão tố xảy ra, thuyền, gõ gặp nạn lập tức cá voi lao tới, dùng thân mình che đỡ, đương đầu với sóng to gió lớn, dìu thuyền và người vào đến tận bờ. Lúc trời trong biển lặng, cá voi thường gọi cá đàn tập trung lại làm mồi, khi cá voi xốc tới ăn mồi, ngư dân nhanh chóng chèo thuyền tới tung lưới bủa vây chung quanh. Thấy vậy, cá voi nhẹ nhàng tránh ra xa, tỏ ý nhường ngư dân bủa lưới hốt cá vào thuyền của mình, đúng là “đi khơi gặp đống”. Vì thế, ngư dân mang ơn sâu nặng, tỏ lòng ngưỡng mộ cung kính, gọi cá voi là Ngài, là Đức Ông, cá Ông, Đức Ngư và xưng tụng là “Nam Hải cự tộc đại vương Lân Tôn Thần”.

Khi cá voi chết, ngư dân gọi là Ông Lụy, người trông thấy xác cá voi đầu tiên phải đứng ra chịu tang và người ấy được coi là con ông Nam Hải nên phải mặc đại tang, đội nùn rơm, thắt lưng dây chuối phải đứng cạnh bàn thờ để vái đáp lễ những người đến viếng. Tang lễ kéo dài ba ngày, thực hiện đầy đủ mọi lễ tiết như lễ đại tang. Sau một thời gian nhất định, làng cung nghinh ngọc cốt ngài về thờ tại đền.

Kể từ khi cá chết do ô nhiễm đầu tháng 4. 2016, ngày 8. 4. 2016, một cá voi con nặng khoảng 80 kg chết ở Nghệ An, ngày 11. 4. 2016, một cá voi nặng khoảng 60 kg chết dạt vào Cửa Lò, ngày 24. 4. 2016 một cá voi nặng khoảng 100 kg chết vào Thừa Thiên Huế. Nhiều ngư dân cho đây là hiện tượng bất thường.

Hôm nay là ngày thứ 47 kể từ khi cá chết.

Thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam thường được vẽ mắt. Có nhiều giả thuyết điều này, trong đó có một truyền thuyết những người ngư dân mong muốn con thuyền của họ sau khi được vẽ mắt sẽ trở thành một loài cá khổng lồ, có sức mạnh giúp họ vượt qua bão tố, thiên tai để trở về nhà an toàn. aHôm nay là ngày thứ 48 kể từ khi cá chết. Những con cá thuyền không được ra khơi nằm mắc cạn cũng đang chết dần.

*

Ngày thứ 84 kể từ khi cá chết, Chính phủ đã đưa ra thông báo: thủ phạm của thảm họa môi trường ở biển miền Trung Việt Nam lần này chính là Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà tĩnh (FHS).Nguyên nhân của thảm họa là do nhà máy luyện cốc của công ty xả thải các chất độc tố như phenol, xyanua, kết hợp với hydroxit sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp có tỷ trọng lớn hơn nước biển, theo dòng hải lưu di chuyển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Hỗn hợp này là nguyên nhân làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy.

.

Theo thông báo của Chính phủ, công ty Formosa đã nhận trách nhiệm, xin lỗi và hứa hẹn bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương 500 triệu USD.

Người dân rất mừng vì cuối cùng Chính phủ đã thực hiện lời hứa, tìm ra được nguyên nhân và thủ phạm trong tháng 6. 2016. Tôm cá cũng ngậm ngùi biết được tại sao chết. Tuy nhiên nỗi lo lắng vẫn còn y nguyên vì còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp: số chất độc thải ra là bao nhiêu, đã hủy hoại môi trường ra sao và liệu còn ảnh hưởng lâu dài không? Tôm cá trong khu vực 20 hải lý có an toàn không? Làm thế nào để khôi phục lại môi trường biển?

Bao lâu thì chúng ta có thể có lại vùng biển thân yêu như ngày xưa? Sinh kế của người dân miền Trung sẽ thế nào? Liệu trong tương lai khi Formosa tiếp tục xả thải, thảm họa có lặp lại không?….

Chúng ta tiếp tục chờ đợi và hy vọng những câu trả lời thấu đáo.

 

Ý kiến - Thảo luận

10:16 Monday,4.7.2016 Đăng bởi:  dilletant

Vâng, đã nhiều năm nhói tim khi nghĩ đến việc cá "sữa" cũng bị đánh bắt, bất kể. Xin mở ngoặc là dân Trung quốc cũng tố người Việt đánh bắt cá con!


...xem tiếp
10:16 Monday,4.7.2016 Đăng bởi:  dilletant

Vâng, đã nhiều năm nhói tim khi nghĩ đến việc cá "sữa" cũng bị đánh bắt, bất kể. Xin mở ngoặc là dân Trung quốc cũng tố người Việt đánh bắt cá con!

 
4:50 Monday,4.7.2016 Đăng bởi:  Candid
Em thấy nhiều nước đều có quy định về cấm đánh bắt cá mùa sinh sản và quy định kích cỡ cá được phép bắt nhưng Việt Nam lại không có. Ngay Campuchia ở cạnh ta họ cũng có lệnh cấm ở Biển Hồ để bảo vệ cá.

Em đọc thấy nghiên cứu của nước ngoài nói một hecta san hô nếu đánh bắt cá, ốc có thể đem lại 130.000 usd/ năm nhưng nếu làm các loại dịch vụ như
...xem tiếp
4:50 Monday,4.7.2016 Đăng bởi:  Candid
Em thấy nhiều nước đều có quy định về cấm đánh bắt cá mùa sinh sản và quy định kích cỡ cá được phép bắt nhưng Việt Nam lại không có. Ngay Campuchia ở cạnh ta họ cũng có lệnh cấm ở Biển Hồ để bảo vệ cá.

Em đọc thấy nghiên cứu của nước ngoài nói một hecta san hô nếu đánh bắt cá, ốc có thể đem lại 130.000 usd/ năm nhưng nếu làm các loại dịch vụ như lặn thì có thể đem tới 1,5 triệu usd/năm. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả