Singapore Biennale 2011: Rất nên đi xem!
03. 04. 11 - 3:37 pm
Hoàng An Đông
(Soi: Các bạn thật sự nên đi xem cái này. Có khi còn rẻ hơn đi chơi Sài Gòn – Hà Nội!!!!)
Tác phẩm của Lisi Raskin
Singapore Biennale (SB) 2011 đang diễn ra tại Singapore với sự tham dự của 63 nghệ sĩ thuộc 30 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là lần thứ ba SB được tổ chức với sự dẫn dắt nghệ thuật của các giám tuyển nghệ thuật đương đại hàng đầu trong châu lục.
Ngay từ lúc mới ra đời, SB đã được giới nghệ thuật quốc tế xem là biennale lớn nhất của khu vực Đông Nam Á. Với riêng Việt Nam, đây có thể vừa là một tham khảo vừa là một cơ hội cho nghệ thuật đương đại, trong xu thế hội nhập ngày càng rộng và sâu với khu vực cũng như toàn cầu. Kỳ SB nào chúng ta cũng có đại diện được mời tham gia.
SB năm nay được diễn ra từ ngày 13. 3 đến ngày 15. 5 và đơn vị tổ chức là Bảo tàng nghệ thuật Singapore (Singapore Art Museum – SAM). Song song với SB, SAM còn tổ chức một triển lãm điểm lại hai thập niên nghệ thuật đương đại Đông Nam Á, tiêu đề Negotiating Home, History and Nation giới thiệu những nghệ sĩ nghệ thuật đương đại nổi bật của khu vực trong thời gian từ 1991 đến nay, đến từ Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia. Triển lãm này kéo dài từ ngày 12. 3 đến ngày 26. 6. Chính vì vậy, Singapore thời điểm này như một đại khán phòng triển lãm, một điểm thu hút du lịch địa phương và quốc tế lớn nhất trong năm 2011.
Tác phẩm sắp đặt của Elmgreen và Dragset
Tác phẩm của Elmgreen và Dragset
SB 2011 mời 63 nghệ sĩ của 30 nước trên toàn thế giới tham gia, giới thiệu 161 tác phẩm và chia thành 4 địa điểm trưng bày, gồm SAM, Bảo tàng quốc gia Singapore (The National Museum of Singapore), Sân bay Kallang cũ (Old Kallang Airport) và khu vực Vịnh Marina (Marina Bay).
Chủ đề của SB năm nay là Nhà mở (Open House), với sự dẫn dắt của giám đốc nghệ thuật Matthew Ngui (sinh năm 1962), một nghệ sĩ đương đại Singapore nổi tiếng thế giới, hiện sống và làm việc tại Perth, Australia. M. Ngui từng được mời tham gia các biennale quốc tế uy tín như Venice 2001, Gwangju 2002, Sao Paulo 1996 và Documenta 1997. Năm 2007, ông từng được Bảo tàng nghệ thuật đương đại (Museum of Contemporary Art) ở Sidney tổ chức một triển lãm kéo dài hai tháng, giới thiệu hai thập niên thực hành nghệ thuật của ông.
Tác phẩm của Tiffany Chung
M. Ngui đã bày tỏ quan điểm rõ ràng khi tham gia SB 2011. Ông và hai giám tuyển cộng sự mong muốn “tạo ra một cảm thức về những gì đang diễn ra xung quanh ta, dựa trên bối cảnh sống hiện tại. Nghệ thuật đương đại nói chung đều liên quan đến môi trường sống đô thị hiện nay. Một khi chúng ta giảm dần sự đề phòng (lẫn nhau) và nhận thức rõ hơn về việc trao đổi các ý tưởng, quan điểm, chúng ta sẽ dần nhận ra có thể tạo nên các cơ hội như thế nào, rằng chúng ta có thể vượt qua những rào chắn, ranh giới giữa cái cá nhân và công cộng, cũng như giữa bên trong ngôi nhà riêng tư và bên ngoài xã hội”.
Tác phẩm của Tatzu Nishi
Ông tiếp tục lý giải về tên gọi Nhà mở: “Ở Singapore , tại các lễ hội lớn nhất trong năm của người theo đạo Hồi, theo Ấn độ giáo, hay của người gốc Hoa, người dân đều duy trì phong tục mở cửa đón khách lạ vào nhà, mời họ ăn uống và cùng chuyện trò. Đây không chỉ là biểu hiện của lòng mến khách cùng ước vọng tốt đẹp mà còn là một dịp để mọi người phản ánh, thương thảo và trao đổi với nhau mọi điều về cuộc sống, đời người, về những ràng mối xã hội. Cái ngưỡng ngăn cách giữa cá nhân và cộng đồng được tháo gỡ, tạo điều kiện giải tỏa ranh giới giữa các cá nhân cũng như các nhóm người với nhau…”.
Thế điều này liên quan gì đến nghệ thuật đương đại? Các giám tuyển giải thích tiếp:
“Nghệ thuật đương đại cũng thường thúc đẩy một nhu cầu giao tiếp, kết nối, vượt qua những ngưỡng ngăn cách bởi sự khác biệt có thể do trải nghiệm, tâm lý, hoặc nguồn gốc chính trị và xã hội. Bởi vậy, thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ không đơn giản chỉ là về một cái gì đó trên thế giới mà đó chính thực là các nỗ lực để trao đổi thông tin, chuyển dịch các kinh nghiệm và thậm chí cả các địa điểm thương mại.
“…Một số nghệ sĩ thay đổi vị trí hoặc trao đổi vật thể, chất liệu và thông tin của tác phẩm từ một bối cảnh trưng bày này sang bối cảnh khác, cho thấy những kết nối không ngờ giữa những hoàn cảnh bất đồng về văn hóa. Việc tạo dựng hoặc phá hủy những vật liệu và chất liệu thông thường chỉ nhằm làm nổi bật tiềm năng sáng tạo trong đa dạng hoàn cảnh, gợi ý về nhiều cách thức mới mẻ để nhìn ngắm thế giới…”.
Tác phẩm của Koh Nguang How
Chính vì vậy, SB 2011 khảo cứu các quá trình làm nghệ thuật cũng như sự kết nối của chúng với những giao dịch hàng ngày của con người với nhau. Từ các mặt hàng kinh doanh đến những câu chuyện trao đổi, từ việc chia sẻ thực phẩm đến chuyện ăn vận, SB 2011 liên tục tạo ra những sự trao đổi, giữa các cá nhân, nhóm, các thành phố và dân tộc.
Tại một cảng biển tấp nập, bận rộn nhất thế giới, một thành phố đa văn hóa được xây dựng để kinh doanh, SB 2011 đem đến những câu hỏi, rằng làm thế nào chúng ta có thể vượt qua được các ranh giới, có thể thấy được những quan điểm khác và hình thành nên những kết nối với người khác.
*
Chú thích:
1. Biennale: nguyên gốc là từ tiếng Italia, có nghĩa định kỳ 2 năm. Năm 1985, nước này tổ chức một triển lãm nghệ thuật mang tầm cỡ quốc tế, với kế hoạch thường kỳ 2 năm tại Venice, lấy tên là Venice Biennale. Kể từ đó về sau, cách sử dụng này được phổ cập trên toàn thế giới, ví dụ Sao Paulo Biennale (Brasile), Gwangju Biennale (Hàn Quốc), Shanghai biennale (Trung Quốc),…. Tham khảo thêm thông tin về SB 2006 và 2008 tại website chính thức.
2. Những nghệ sĩ Việt Nam được mời tham gia SB: năm 2006: nhóm Mogas Station với Hoàng Dương Cầm, Rich Streitmatter Trần, và 5 nghệ sĩ khác; năm 2008: Lê Quang Đỉnh (Dinh Q. Le, nghệ sĩ Mỹ gố Việt, ngụ cư tại TP. HCM), Nguyễn Quang Huy, Phạm Ngọc Dương và Trương Tân (Hà Nội); Năm 2011: Tiffany Chung (nghệ sĩ Mỹ, quê gốc ở Đà Nẵng, nay cư ngụ tại Tp. HCM), nhóm The Propeller (Tp. HCM) của ba nghệ sĩ Hà Thúc Phù Nam, Tuấn Andrew Nguyễn và Matt Lucero; Danh Vo (Danh Võ, nghệ sĩ quê gốc ở Bà Rịa, hiện sống và làm việc ở Berlin & Bangkok).
Tác phẩm của Charles Sandison
Tác phẩm của Charles Sandison
THÔNG TIN CHO CÔNG CHÚNG:
Các địa điểm triển lãm
1. Singapore Art Museum and SAM at 8Q (Bảo tàng nghệ thuật Singapore & SAM at 8Q) Tại: 71 Bras Basah Road, Singapore 189555 và 8 Queen Street, Singapore 188535
2. National Museum of Singapore (Bảo tàng quốc gia Singapore) Tại: 93 Stamford Road, Singapore 178897
3. Old Kallang Airport (sân bay Kallang cũ) Tại: 9 Stadium Link, Singapore 397750 (vào theo đường Geylang)
4. Marina Bay The Merlion Park, (Vịnh Marine, Công viên Merlion) Tại: One Fullerton, Singapore 049213
Thời gian mở cửa
Hàng ngày từ 10h sáng đến 7 giờ tối (vào cửa trước 6h15 chiều)
Vé vào cửa SB 2011
Người lớn: 10SD (đôla Singapore)/4 điểm triển lãm/lượt, được thêm 1 quyển tài liệu hướng dẫn về triển lãm cùng 1 tai nghe thuyết minh triển lãm (bằng tiếng Anh).Giảm 20% giá vé cho nhóm người lớn từ 20 người trở lên.
Các địa điểm triển lãm cách nhau khoảng 15 phút xe bus và bạn sẽ được nhân viên phục vụ chỉ dẫn tuyến xe bus cần đi.
Vé bán tại: Singapore Art Museum and SAM at 8Q, National Museum of Singapore and Old Kallang Airport.