Nói nhăng nói cuội về Tết (bài 1): sao tháng Giêng lại là Tết, mở đầu cho tháng ăn chơi?
08. 02. 17 - 7:39 am
Vũ Lâm
Xuân từ trong ấy mới ban ra Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà (Xuân-Trần Tế Xương)
Gần Tết, có chuyện một loạt bài báo trên một trang mạng xới lại ý kiến nên bỏ “Tết ta” để chuyển sang ăn “Tết tây”. Ý kiến không phải chỉ của một số người trẻ mà cả của những chuyên gia có uy tín. Tất nhiên, số người phản đối đông hơn số người ủng hộ. Tôi cũng là một người ủng hộ ý kiến nên chuyển sang ăn Tết to vào ngày Tết dương lịch từ vài năm nay. Nhưng biết là có nói cũng chẳng đi đến đâu với số đông, mặc dù có những người mặt to tai nhớn hơn mình đã xới lên từ lâu, nên chưa bao giờ có ý định viết về chuyện này.
Nhưng đọc qua một loạt bài phản đối, thấy có bài của một người bạn, hiện đang là “hot boy” của ngành giới thiệu phim ảnh, bài có tít là “Nỡ nào đòi bỏ Tết cổ truyền, Tết của quê hương?”. Tuy bài viết được ghi ở dưới là “thể hiện quan điểm của tác giả”, nhưng nhận định chủ quan của bạn này là “việc gộp Tết nguyên đán vào tết Tây là một ý kiến phản văn hóa, phản truyền thống và thậm chí là vô cảm nếu xét theo ý nghĩa nhân văn” làm tôi hơi ngạc nhiên, trong khi luận cứ ở dưới đưa ra thì duy tình và khá thiếu sức thuyết phục.
Muốn thay đổi hoặc không thay đổi điều gì trong truyền thống, thì cần biết cái truyền thống ấy bắt nguồn từ đâu. Và điều đó có còn thích hợp với thời điểm “hiện sinh” này không. Vì vậy, việc trên làm tôi khởi tứ viết bài viết dưới đây, chỉ để thấy nguyên những người cùng thế hệ đã nghĩ khác nhau như thế nào. Thoạt tiên định viết dể người đọc nhâm nhi đọc trong mấy ngày nghỉ Tết, giữa những cuộc thăm viếng, giữa việc xem tấu hài Táo to táo nhỏ và rợn người đọc tin tức về tai nạn giao thông, nhưng mà Soi lại chỉ đưa lên sau Tết, khi Tết đã tàn…
*
Âm lịch hay còn gọi là “âm dương lịch” là do người Tàu chế ra đã hàng nghìn năm. Dương lịch là do người Ai Cập tính toán, truyền qua người Hy Lạp, rồi người La Mã sửa đi sửa lại cũng đã hàng nghìn năm. Việc này là do những nhà lịch pháp, nhà toán học vĩ đại của hai dân ấy, những người suốt ngày chỉ ngước nhìn lên mặt trời, mặt trăng, nhìn cảnh vật thiên nhiên, nên không bị đau mỏi vai gáy rồi bấm đốt ngón tay mà tính ra; chứ không phải như lũ chúng ta giờ đây cắm mặt vào màn hình máy tính, dính tay vào bàn phím và cắm mũi vào Gúc-gồ gù lưng sụn xương sống cổ mà… đọc ra rồi để vài phút sau lại quên mất. Cả hai loại lịch này đều có tính khoa học và được trí tuệ tập thể gọt giũa qua nhiều đời và có cả phương pháp để quy đổi sang lẫn nhau mà không bị sai, nhầm. Cả hai loại lịch này đều để phục vụ nông nghiệp, trước hết là nông nghiệp của hai đồng bằng sông Hoàng Hà và sông Nile.
Một tháng theo dương lịch mặt trời Ai Cập có tròm trèm ba mươi ngày, bốn tuần, mỗi tuần bảy ngày, mỗi năm có 12 tháng. Nhưng loại lịch này khó có thể dùng để nhìn mặt trời lúc nào tròn, lúc nào méo, trừ khi hỏi con mèo. Và cũng vì nhìn vào mặt trời lâu hơi khó :-).
Một tháng theo âm lịch mặt trăng Trung Hoa cũng có ba mươi ngày. Số ngày được đếm theo hệ can chi con giáp, thì một tuần là 12 ngày. Một năm âm lịch có mười tháng (Giêng, Hai, Ba, Ba, Tư, Bốn, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười) và hai tháng quá độ giao thời (Một, Chạp), cộng lại cũng mười hai tháng. Dùng cái lịch này, ta biết chắc lúc nào trăng tròn trăng méo. Nhưng cũng bởi mặt trăng đã tán xạ ánh sáng trực tiếp, nên nhìn thẳng vào nó và làm thơ thì dễ hơn :-).
Lịch “ta”, Athanasius Kircher, 1671, với những biến đổi của mặt trăng. Ảnh từ trang này
Về hai cái tháng quá độ, không phải là năm cũ, cũng chưa phải là năm mới này có điều thú vị riêng với tôi xin kể, là hồi tôi cưới vợ có đi hỏi ngày một thiền sư chính tông ở chùa Mãn Xá, Bắc Ninh (2000 năm tuổi chùa rồi đó, các bạn ợ :-). Năm đó vợ tôi ở tuổi “Kim lâu”, ông sư bảo: Qua tháng Mười âm là cưới được. Tôi hỏi: Tại sao thế? Sư nói: Các cụ ta tính là hết tháng Mười (âm) là hết năm cũ, qua “kim lâu” rồi.
Tôi lại hỏi: Con tưởng tháng Mười Một, Mười Hai âm vẫn là năm cũ chứ? Sư lại bảo: Các cụ không gọi là tháng Mười Một, tháng Mười Hai âm lịch mà gọi là Một, Chạp. Hai tháng đó là hai tháng giao thời, không cũ cũng chẳng mới. Qua Tết nguyên đán, bước vào tháng Giêng, mới là năm mới.
Tôi lại hỏi: Thế “Kim lâu” là gì? Sư (có lẽ phát chán cái thằng mới lấy được vợ thôi mà đã tưởng…) nói: Đấy là các cụ cứ truyền lại thế, nên cứ tuân theo, kiêng cho nó lành.
Kim lâu hay đầu lâu là cái gì, thì đến giờ tôi vẫn chưa hiểu. Nhưng tôi hiểu ra thêm cái việc tính thời gian dựa theo thời tiết rất là hay ho của các cụ khi đặt hẳn ra hai tháng quá độ như thế, để các vùng khí hậu có chênh nhau thế nào cũng vẫn trúng bởi có khoảng thời gian thừa thãi để… quá độ. Những người sinh tuổi âm (con gì con gì đó) mà trúng vào hai tháng này, thì sẽ là đầu con nọ, đuôi con kia, cuộc đời theo tử vi tướng số cũng rất chi là hay hay bay bay khó quy nạp (đấy là các cụ cũng bảo thế thì phải).
Thời gian theo số đếm dương lịch là thời gian tịnh tiến, số đếm năm tăng dần lên. Thời gian theo âm lịch là thời gian hoàn nguyên, quanh đi quẩn lại trong con số mười can và mười hai chi chập đi chập lại. Vì đời sống của chúng ta bị ảnh hưởng từ văn minh Trung Quốc rất nhiều, từ xưa là chữ viết, phong tục, chính trị, rồi văn hóa, và tất nhiên là cả lịch pháp, cách sử dụng thời gian. Người Trung Hoa cổ đã phát triển một nền văn minh tiền công nghiệp ở trình độ cao, làm lụng và hưởng thụ rất có… quy trình, có điển cố lý do tử tế. Trong một năm, để thuận theo thời gian tự nhiên và sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, người ta đặt ra rất nhiều các “tiết” và lễ ăn mừng các “tiết” này theo sự lăn quanh của ba cụ tổ to cỡ đạo: Giời-Giăng-Quả (đất). Trong năm, những “tiết” người Tàu ăn to là hai “tiết Nguyên đán”, “tiết Trung thu”, là khoảng thời gian đầu năm và quá giữa năm.
Ngoài ra thì tháng nào cũng có lễ tiết để ăn mừng, tưởng nhớ, kỷ niệm,… ví dụ như “tiết Hàn thực” 3/3, “tiết Trùng dương” 9/9… vân vân và vân vân. (À cần nhắc thêm, “tiết Trung thu” ở Trung Quốc là “tết” cho người lớn chứ không phải “Trung thu tết của thiếu nhi” nhé).
Chữ Tết của ta đã được các nhà nghiên cứu khẳng định là đọc chệch từ “Tiết” mà ra, bất tất nói lại. Những lý do ăn các Tết của người Trung đều có lý do văn hóa và truyền thống cụ thể. Đến khi sang ta, ngày xưa những lý do đó có lẽ chỉ những nhà nho Việt cỡ Lê Quý Đôn mới hiểu, còn lại dân thường thì cứ bắt chước ăn theo cho vui, cũng chẳng sao. Có thứ thì bắt chước, có thứ thì thêm thắt, có thứ thì bỏ vì lằng nhằng phiền hà, có thứ xuyên tạc phịa ra lý do riêng y như là của mình nghĩ ra (kiểu như Truyền kỳ mạn lục có nhiều truyện mô phỏng Liêu trai chí dị vậy). Nhưng lâu dần thì cũng thành thói quen, thành văn hóa tập tục truyền thống lâu đời, thân thương và quý trọng, cố hữu trong tâm lý.
Về riêng cái “Tiết nguyên đán” kết thúc năm cũ, đón năm mới, về các tập tục đi theo tôi không bàn. Nhưng tôi bàn về lý do tại sao người ta ăn Tết vào thời gian đó, tại sao tháng Giêng lại là tháng ăn chơi?
Như ta đã biết, lịch âm, hay lịch Tàu là nông lịch, là bộ lịch để phục vụ cư dân nông nghiệp không chỉ đồng bằng Hoàng Hà, Dương Tử mà cả các đồng bằng lân cận nhỏ hơn. Ngày xưa, khi chưa có các giống lúa mới, thì trung bình ở đồng bằng sông Hồng sông Mã đất tốt không bị chiêm trũng úng ngập, người ta cấy hai vụ lúa, mỗi vụ xấp xỉ sáu tháng mới được thu hoạch (giống lúa cũ) gọi là vụ chiêm và vụ mùa. Vụ chiêm bắt đầu ra Giêng thì cấy, cấy xong thì rửa tay ngắm mạ non và sắm quần áo đẹp đi chơi hội. Khoảng tháng 5, tháng 6 thì được thu hoạch. Lại cấy và làm tiếp vụ mùa, đến tháng Mười, tháng Một (mười một âm) thì thu hoạch. Lúc đó thì đông, lạnh, không có nước, cây cỏ nghỉ ngơi thay lá chờ xuân. Con người chất đầy thóc vào bồ vào bịch cót rồi, thì chuẩn bị đón Tết, ăn chơi, người đi xa trở về nhà quây quần.
Ở vùng núi, không có vụ lúa chiêm, chỉ có lúa mùa hoặc lúa nương, gieo cấy vào lúc bắt đầu mưa, có nước, thì cũng chỉ khoảng tháng mười, tháng Một là thu hoạch. Lúc đó thì tộc người nào cũng ăn Tết. Những tộc người như người Mông, người Hà Nhì ở Tây Bắc hiện nay vẫn ăn Tết vào khoảng tháng Một, trước “Tiết nguyên đán” dưới xuôi khoảng một tháng (tức là trùng khoảng thời gian với Tết dương lịch) và họ ăn Tết thì thôi rồi suốt cả một tháng lơ ma lơ mơ khoái chá.
Điều đáng nói là, dù đón Tết dân tộc riêng dân nào trước hay sau, thì tất cả các dân tộc phía miền Bắc Việt Nam (xưa, nay) đều ăn Tết vào khoảng hai cái tháng quá độ là tháng Một, Chạp, cuối đông, đầu xuân. Thời điểm Tết là thời điểm hoa đào nở, lộc non nhú, đông lạnh, vật đi ngủ, đi đâu xa làm ăn cũng khó, chỉ ngồi uống rượu sưởi củi bàn chuyện con cà con kê là thú. Tùy theo thời tiết tự nhiên hàng năm thì hoa đào có lúc nó nở sớm hoặc muộn hơn so với âm lịch, hoặc vùng này nở rồi, vùng kia chưa. Nhưng con người ta vốn vẫn quen lái thiên nhiên theo ý mình. Nên người dưới xuôi đồng bằng họ cũng lái được đào nở vào ngày Tết theo lịch từ đã lâu. Chứ còn theo thiển ý của tôi, cứ lúc nào cây đào ngoài vườn bạn trồng tự nhiên (không kinh doanh) chúm chím, thì lúc đó là Tết của riêng nhà bạn đấy.
Nước ta, từ khi bị Pháp xâm lược, tính đến nay đã hơn cả trăm rưởi năm. Nhưng thực sự thì sự đô hộ và áp đặt văn minh phương Tây bao trùm đời sống của ta là khoảng bắt đầu thế kỷ 20, từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Bộ lịch Tây, tức dương lịch, cũng được áp đặt cho đời sống sinh hoạt của hệ thống công chức mới. Sau đó người ta đã quen dùng dương lịch cũng cả trăm năm nay. Nhưng âm lịch vẫn dùng như cũ không chỉ đối với việc tang ma cưới hỏi, giỗ chạp, lễ hội, mà trước hết là cho nông nghiệp. Cho đến trước khi những cuộc cải cách về giống lúa và mùa vụ (từ 6 tháng chỉ còn 3 tháng một vụ lúa), về dự báo thời tiết ngày càng chuẩn xác của các cơ quan khí tượng khoa học, về thủy nông thủy lợi, đã làm cho bộ mặt nông nghiệp thay đổi, không cần dùng tới âm lịch để tính nữa như hiện nay.
Tuy vậy, người ta vẫn ăn Tết âm lịch, như một thói quen nhiều đời, đã trở thành cái gọi là “văn hóa truyền thống”. Cái sự “xúc động đậy” này nó xúc động bởi vì tính bầy đàn của con-người khi hàng triệu, hàng tỷ người cùng có một đích chung, dù rất mơ hồ, như quy định một ngày làm Tết, để vui, để xả, để hỉ hả, để rộng lượng sau một năm cày cuốc mưu mô chật vật… Cái khí lực, mong muốn, ước vọng của cả bầy sinh linh trong một vùng đất ấy nó tạo nên một mãnh lực ấm áp đông đảo khó cưỡng lại được.
Chợ đào Tết. Ảnh tư liệu từ internet
Nhưng thử hỏi xem, những nước nào còn trên thế giới đón “Tiết nguyên đán” với người Trung Quốc? Đó là quốc đảo Singapore bé tí nhưng kinh tế hùng cường, 70, 80% là người gốc Hoa. Đó là Triều Tiên hay Đại Hàn, từ trong lịch sử luôn thần phục văn minh Trung Hoa một phép. Đó là Mông Cổ, ngày xưa vó ngựa Thành Cát Tư Hãn xâm chiếm phương Nam, rồi bị văn hóa Hán chinh phục ngược, dẫn đến mất luôn cả nước mình, hiện nay thì cũng chẳng khác “sân sau” của anh Tàu là mấy. Và cuối cùng là chúng ta, chẳng biết đến bao giờ mới dũng cảm thoát ra khỏi cái bóng to đùng sát nách như thế?
-Iran theo đạo Hồi và mừng các lễ Hồi, ăn Tết Hồi giáo (niên đại 1438)
-Họ cũng phải biết lịch Tây như mọi người, lịch Gregory (niên đại 2017)ta dùng và cả lịch Julian (chính giáo ki tô của thiểu số Armenia)
-Nhưng chính thức thì Iran vẫn dùng lịch Ba Tư cổ truyền, Solar Hijri (niên đại 1395). Chính thức là trên công văn, giấy t ...xem tiếp
15:29Thursday,9.2.2017Đăng bởi: SA
@Candid
-Iran theo đạo Hồi và mừng các lễ Hồi, ăn Tết Hồi giáo (niên đại 1438)
-Họ cũng phải biết lịch Tây như mọi người, lịch Gregory (niên đại 2017)ta dùng và cả lịch Julian (chính giáo ki tô của thiểu số Armenia)
-Nhưng chính thức thì Iran vẫn dùng lịch Ba Tư cổ truyền, Solar Hijri (niên đại 1395). Chính thức là trên công văn, giấy tờ... Lịch này theo dương lịch, mặt trời (là biểu hiệu của Ba Tư) 365 ngày trong khi Hồi giáo theo mặt trăng (là biểu hiệu lưỡi liềm) 360 ngày. Đây cũng là lịchh chính thức của Afghanistan, và tuy không chính thức vẫn được 1 số dân tộc các quốc gia trong khu vực ảnh hưởng của Ba Tư ăn mừng (Kirgyzstan, Tajikistan gì đó) kiểu mình ăn mừng Tết Ta. Nó hiện là năm 1395 thôi vì mới đổi niên đại từ 1979. Thời vua Shah, cũng lịch này, ông thêm 1180 năm (đổi năm thôi chứ không đổi ngày tháng). Thì vua mà, muốn sao chẳng được.
Như vậy, trong cuộc sống thường ngày, người Iran phải biết đến 3 thứ lịch, nhưng họ ngoan cố vẫn không chết (cho Mỹ nhờ).
Tết Iran, Tết Hồi giáo có những tục như Tết Ta, cắn hạt dưa hạt bí, ăn món đặc trưng, đi thăm họ hàng, trẻ con được mừng tuổi và mặc quần áo mới, kiêng cữ xúi quảy.
Ngày đầu năm tại Iran, dĩ nhiên là từ nửa đêm trở đi, nhưng ăn mừng là vào đúng lúc mặt trời xuân phân ở giữa xích đạo. Chuyện này mỗi năm mỗi khác, thí dụ 2017, sẽ vào lúc 13:58:06 ngày 20/3 và 21/3 là ngày đầu năm 1396.
Lôi thôi thế, nhưng mà trẻ con người lớn vẫn vui thôi. Bộ phim "The White Balloon" (1995) của Panahi kể 1 chuyện xảy ra 1 giờ 30 trước Tết này (năm đó làvào lúc 17 giờ)
13:11Thursday,9.2.2017Đăng bởi: Candid
Bác SA: hay là năm mới theo lễ Ramadan? Vì em nhớ lễ này tính theo lịch Hồi giáo, lịch mặt trăng, một năm đâu đó chỉ 340 ngày so với 365,4 của dương lịch nên lễ này thay đổi luôn. ...xem tiếp
13:11Thursday,9.2.2017Đăng bởi: Candid
Bác SA: hay là năm mới theo lễ Ramadan? Vì em nhớ lễ này tính theo lịch Hồi giáo, lịch mặt trăng, một năm đâu đó chỉ 340 ngày so với 365,4 của dương lịch nên lễ này thay đổi luôn.
@Candid
-Iran theo đạo Hồi và mừng các lễ Hồi, ăn Tết Hồi giáo (niên đại 1438)
-Họ cũng phải biết lịch Tây như mọi người, lịch Gregory (niên đại 2017)ta dùng và cả lịch Julian (chính giáo ki tô của thiểu số Armenia)
-Nhưng chính thức thì Iran vẫn dùng lịch Ba Tư cổ truyền, Solar Hijri (niên đại 1395). Chính thức là trên công văn, giấy t
...xem tiếp