Bàn luận

Đã đến lúc phải thay đổi toàn diện: Phần 2- Những thiếu sót và nhầm lẫn trong trưng bày 24. 11. 11 - 6:43 am

Đào Mai Trang

 

Hạnh phúc - Nguyễn Văn Trung. 70 x 40 x 50cm. Gốm nung.


(Tiếp theo phần 1: Sai từ con số sai đi)

122 sáng tác tại biennale lần này đa dạng về loại hình và chất liệu được bày chung tại ba địa điểm là gallery Applied Art, lầu 1 của tòa nhà thực hành và sân chính, bên trong khuôn viên Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Giới hạn về không gian trưng bày khiến cho các sáng tác được sắp xếp san sát bên nhau, có khi sáng tác bên dưới che mất bảng tên của sáng tác bên trên.

Cả 3 sáng tác sắp đặt đều đòi hỏi một diện tích trưng bày rộng lớn, thoáng đãng cùng sự kết hợp cả của hệ thống đèn chiếu sáng chuyên biệt; nhưng tất cả đều không được đáp ứng. Các sáng tác hội họa được giăng kín trên tường và quanh các cột, đủ kiểu khung, đủ kích cỡ bên nhau, gây cảm giác khó chịu vì sự lộn xộn. Đặc biệt, những sáng tác có chất liệu vốn kén chọn nơi trưng bày như lụa, sơn mài và đồ họa (đặt trong khung kính) cũng đều không được coi xét cẩn thận về mặt ánh sáng đèn rọi. Đa phần các sáng tác điêu khắc được bày ngoài trời (tiền sảnh nhà Applied Art, sảnh của tòa nhà thực hành và sân chính) nhưng có một số lại được để lẫn trong khu vực để xe của nhà trường, vô tình gây ra sự phản cảm cho người xem. Ngay cả tác phẩm điêu khắc giành giải Nhì (Chọi trâu) còn được trưng dụng để mắc đôi sợi dây điện phục vụ âm thanh, ánh sáng cho buổi lễ khai mạc và trao giải.

Chọi trâu, Trần Mai Hữu Quý, điêu khắc, composite, được mượn làm chỗ chăng dây điện phục vụ khai mạc

 

Có lẽ, BTC đã phải tận dụng tối đa diện tích có thể trưng bày sáng tác được tại khuôn viên ĐHMT. Thực tiễn này cũng cho thấy về khách quan tổng thể, TP.HCM hiện không có được một địa điểm nào đủ rộng chứ chưa nói đến có đầy đủ trang thiết bị tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu trưng bày của một triển lãm mỹ thuật với quy mô như dạng biennale này. Về mặt chủ quan, BTC cũng có thể khắc phục một phần hạn chế của diện tích trưng bày thông qua sự khoa học trong trưng bày, chẳng hạn phải có những quy định cụ thể về khung tranh, bục bệ trưng bày điêu khắc, vị trí của các sáng tác sắp đặt… nhằm tạo ra một hình thức có tính thống nhất, có quy chuẩn cụ thể. Nhờ đó, người xem dễ dàng thưởng thức nghệ thuật hơn và cảm nhận được rõ ràng hơn giá trị của toàn bộ biennale.

Cách trưng bày không hợp lý

 

Bảng tên ghi chú về sáng tác được treo ngay dưới tranh hoặc dán lên bục bày tượng, có khi dán thẳng lên khung tranh, lên tượng. Có trường hợp, một sáng tác có cả hai bảng tên, một bảng do tác giả dán trước lên khung tranh, một bảng của BTC treo ngay bên dưới (Những đứa trẻ, Nguyễn Trần Anh Thư). Trường hợp khác, trong bộ ba sáng tác khắc thạch cao Trước giờ diễn của Nguyễn Thị Khuyên, ở hai bức bên cạnh đều có dán cùng một dạng bảng tên tranh trên khung, riêng bức ở giữa không có thì được treo thêm bảng tên cùng nội dung của BTC (!).

Một điều kỳ cục là có cả những bảng tên ghi tên sáng tác bằng tiếng Anh, như Have works (Có việc làm) hay Happy (Hạnh phúc) (cùng chất liệu sơn dầu của Văn Kim Toàn), thậm chí còn sai lỗi chính tả và ngữ pháp như Series Loves (của Nguyễn Văn Đủ, bức tranh này gồm 4 mảnh ghép lại thành một mảnh lớn hình vuông, gợi lên 4 tư thế bày tỏ tình cảm của một đôi nam nữ, vậy có thể hiểu là ý tác giả muốn vẽ về một serie tư thế yêu, nhưng tên tranh chỉ cần ghi Love, nghĩa là tình yêu), hoặc Streess (bức tượng gốm của Nguyễn Văn Trung, ý nói về áp lực sống, vậy viết đúng chính tả là Stress)…

Tên tác phẩm ghi sai, bục bệ lem nhem

 

Một thiếu sót phổ biến khác là hẩu như sáng tác nào cũng vẫn còn nguyên bảng ghi số thứ tự của BTC, cái thì dán thẳng lên tác phẩm, cái thì được dán ở khung, thậm chí những đánh dấu bằng mẩu băng keo màu đỏ cũng vẫn được để nguyên trên sáng tác. Riêng với loại hình điêu khắc, một số sáng tác được chú thích kích thước sơ sài, chỉ có thông tin số lượng cm của một chiều nhưng cũng không ghi rõ là chiều cao hay dài rộng, hay sâu; chẳng hạn như bức điêu khắc Thiền (90cm) hay Đối thoại (100cm) của Nguyễn Văn Lên; Hi vọng (200cm) của Trần Đình Thắng, Hạnh phúc (100cm) Lê Lang Biên,…

Cõng - Trần Hữu Thời, 80cm, sắt. Tác phẩm điêu khắc mà chỉ ghi có một chiều kích thước.

 

Một nhầm lẫn đáng tiếc là chú dẫn về chất liệu như phần trên của bài viết có đề cập, sáng tác rõ ràng là với chất liệu lụa nhưng lại được ghi trong bảng tên là sơn dầu (bức Sửa soạn); hay với bộ tranh 5 bức in kẽm màu tiêu đề Xiếc dây của Trần Thị Phương Lan, tác giả ghi rõ ở phía dưới bức tranh in là “kẽm màu” bằng bút chì (theo quy tắc trong ghi chú cho sáng tác đồ họa) nhưng trong bảng tên của BTC treo phía dưới lại ghi chú là “khắc đồng” (?!). Thứ duy nhất được in đồng nhất trên tất cả các bảng tên là dòng chữ màu ghi xám “Biennale 2011”. Nhưng sự đồng nhất duy nhất này không đủ sức át đi quá nhiêu chi tiết lộn xộn, thiếu sót và cẩu thả riêng về khía cạnh bảng tên chú dẫn cho sáng tác của BTC.

Chú thích bộ tranh "Xiếc dây" in kẽm của Trần Thị Phương Lan là "khắc đồng"

 

Những thiếu sót, nhầm lẫn về mặt chi tiết cho một sự kiện quy mô như biennale này là điều hoàn toàn có thể xảy ra và cũng có thể dễ dàng được thể tất bởi “ngọc còn có vết”. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều thiếu sót, nhầm lẫn, lộn xộn thì vấn đề lại khác, bởi rất có thể đó là hệ quả của một sự làm việc thiếu tinh thần trách nhiệm cũng như thiếu sự tôn trọng dành cho nghệ thuật nói chung.

Góc khuất 1 - Trần Quốc Tuấn. Sơn dầu

 

(Còn tiếp)

*

Bài liên quan:

– Biennale Mỹ thuật trẻ TP.HCM lần II: Thật khó tin!
– Đã đến lúc phải thay đổi toàn diện: Phần 1- Sai từ con số sai đi

– Đã đến lúc phải thay đổi toàn diện: Phần 2- Những thiếu sót và nhầm lẫn trong trưng bày

– Đã đến lúc phải thay đổi toàn diện: Phần 3 – Những dấu hỏi về chất lượng nghệ thuật và “tính trẻ”

Ý kiến - Thảo luận

16:31 Tuesday,11.6.2013 Đăng bởi:  mai ngoc
Không hiểu đây có thể gọi là sự cẩu thả được không nhỉ? Người ta vẫn coi chất nghệ là cái gì đó phóng khoáng, tự do nhưng trong thâm tâm, tôi nghĩ nghệ sĩ phải là người có con mắt khe khắt nhất. Nghệ thuật mà cẩu thả sẽ thành chém to kho mặn, nghệ thuật phải th
...xem tiếp
16:31 Tuesday,11.6.2013 Đăng bởi:  mai ngoc
Không hiểu đây có thể gọi là sự cẩu thả được không nhỉ? Người ta vẫn coi chất nghệ là cái gì đó phóng khoáng, tự do nhưng trong thâm tâm, tôi nghĩ nghệ sĩ phải là người có con mắt khe khắt nhất. Nghệ thuật mà cẩu thả sẽ thành chém to kho mặn, nghệ thuật phải thật tỉ mỉ, kỹ lưỡng, chi li, thậm chí khắc nghiệt. Nhưng nghệ thuật không phải là tủm mủn, vụn vặt, nghệ thuật phải hướng đến cái tổng thể, toàn bích. 
19:10 Thursday,24.11.2011 Đăng bởi:  pikachu
:)triển lãm thì em không được xem. nhưng xem qua ảnh thì thấy cách bài trí không gian quá dở ý, giá mà những bức tranh đó đươc bố trí cẩn thận hơn.
ở việt nam vẽ xong treo lên tường là xong .
theo em tác phẩm nghệ thuật chỉ là 50% còn 50% là không gian để bày chúng. cũng không thể đổi lỗi cho máy ảnh được.
anh, chị admin ơi:) trang Soi so với thế giới thì bé tý như
...xem tiếp
19:10 Thursday,24.11.2011 Đăng bởi:  pikachu
:)triển lãm thì em không được xem. nhưng xem qua ảnh thì thấy cách bài trí không gian quá dở ý, giá mà những bức tranh đó đươc bố trí cẩn thận hơn.
ở việt nam vẽ xong treo lên tường là xong .
theo em tác phẩm nghệ thuật chỉ là 50% còn 50% là không gian để bày chúng. cũng không thể đổi lỗi cho máy ảnh được.
anh, chị admin ơi:) trang Soi so với thế giới thì bé tý như con kiến, nhưng ở Việt Nam thì em thấy to đùng đấy ạ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

10 bí quyết để trở thành
Họa sĩ Đói Dài

Kinh nghiệm của Lynn Basa – Lê Quảng Hàm st và dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả