Nghệ sĩ Việt Nam

Nghệ thuật đương đại Đông Nam Á: 20 năm qua 09. 06. 11 - 7:33 am

Iola Lenzi - Hoàng An Đông lược dịch

 

 

LND: Từ ngày 12. 3 đến ngày 23. 6. 2011, Bảo tàng nghệ thuật Singapore (SAM) đã dành một khu trưng bày đặc biệt cho triển lãm được coi là một dấu ấn năm 2011 của bảo tàng: triển lãm “Negotiating Home History and Nation: two decades of contemporary art in Southeast Asia 1991 – 2011” (tạm dịch: “Vượt qua giới hạn ngôi nhà, lịch sử và quốc gia: hai thập niên của nghệ thuật đương đại Đông Nam Á”).

52 nghệ sĩ được lựa chọn từ 6 nước thuộc khu vực là Thái Lan, Indonesia, Việt Nam (8 nghệ sĩ), Singapore, Philippines và Malaysia đã đem đến cho công chúng của triển lãm một cái nhìn tổng quan, cụ thể về sự tiến triển của nghệ thuật đương đại trong khu vực nói chung, của từng đất nước nói riêng.

Dưới đây là trích bản lược dịch bài tiểu luận về triển lãm này của curator Iola Lenzi, người hợp tác thực hiện triển lãm với SAM. Qua đó, bạn đọc phần nào hình dung về quy mô triển lãm cũng như vị trí của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong tiếng nói chung của khu vực.

Góc tác phẩm của Vũ Dân Tân (phía trái) và Heri Dono (Indonesia)

Triển lãm lần này của chúng tôi đưa ra cái nhìn về nghệ thuật của khu vực từ những chủ đề chung của chính nó, nói cách khác là một phối cảnh khu vực chung vượt qua những đặc điểm dân tộc riêng biệt.

Mục đích của triển lãm là rọi sáng vào mối liên kết giữa những dòng hướng sáng tạo nhất định hiện nay của nghệ thuật khu vực. …Tâm điểm của triển lãm chính là những mối lưu tâm chung của nghệ sĩ về nơi chốn của họ.

Với triển lãm này của SAM, chúng tôi không có khát vọng đưa một thứ vốn bị coi là bên lề như nghệ thuật đương đại Đông Nam Á tới thành một thứ vốn là trung tâm như nghệ thuật đương đại Âu – Mỹ. Mặc dù vậy, triển lãm có ý nghĩa đòi lại một vị trí chắc chắn có trên “sân nhà” của nghệ thuật từng đã bị lãng quên trong những xáo trộn văn hóa đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa hiện đại Âu châu thấm loang vào trong bối cảnh nghệ thuật Đông Nam Á. Điều này càng được thổi phồng lên ở giữa thế kỷ, khi các sự dịch chuyển văn hóa từ Tây sang Đông đậm nét hơn với ảnh hưởng quốc tế của trường phái New York cùng với sự bá chủ toàn cầu của Mỹ về mặt chính trị trong thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh lạnh. Bởi vậy, triển lãm, được tổ chức ở Singapore – trái tim của Đông Nam Á cả về mặt địa lý cũng như thương mại – chính là một lời khẳng định.

"Ở đây tối quá", Trương Tân, mực trên giấy Dó, 1995, 52 x 71cm x 6 bức, sưu tập của nghệ sĩ.

Việc thử nghiệm với các hình thức nghệ thuật đương đại của nghệ sĩ Đông Nam Á đã diễn ra khá sớm, có lẽ bắt đầu với sự xuất hiện của nhóm GSRB (Gerakan Seni Rupa Baru, nghĩa là Phong trào nghệ thuật mới) của Indonesia năm 1975. Bên cạnh đó, việc chú trọng đến tính khái niệm, thay đổi hình thức, đem lại cảm thức đương đại mạnh mẽ trong sáng tác sắp đặt của nghệ sĩ người Thái Lan Chalood Nimsamer đầu những năm 1980, hay của các nghệ sĩ Philippines, Singapore trước thập niên 90, thế kỷ XX, cũng rất xứng đáng được giới thiệu trong triển lãm này. Tuy nhiên, chọn mốc thời gian hai thập niên, 1991 – 2011bởi nó chứa đựng một sự hợp dòng của rất nhiều sự kiện nghệ thuật làm thay đổi môi trường bản địa (của từng đất nước) và dẫn đến những phương cách tiếp cận phê bình mới, những hệ phương pháp luận chính thống cũng như sự suy nghĩ lại về mục đích của nghệ thuật.

Triển lãm thiên về các hình thức nghệ thuật sắp đặt và trình diễn bên cạnh video art và cả nhiếp ảnh, các hình thức nghệ thuật trong không gian ba chiều. Đây không phải là kết quả từ thiên kiến của những người tổ chức, tuyển chọn tác phẩm mà là thể hiện xu hướng làm nghệ thuật trong khu vực. Sau một thế kỷ của hội họa sơn dầu trên vải, với đủ các thử nghiệm về hình thức và phương pháp thể hiện, các nghệ sĩ trong khu vực này tự thấy họ muốn chuyển sang những loại hình nghệ thuật có thể kết nối những ý tưởng phức tạp trong chính họ một cách trực tiếp, mạnh mẽ và mang tính trực giác cao hơn. Nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật video không đơn thuần chỉ là một sự phản ứng lại với hội họa giá vẽ và thị trường thương mại mà đúng hơn là đem lại những khả năng xâm nhập và chiếm dụng không gian của khán giả. Bởi vậy, chúng chính là sự lựa chọn của nghệ sĩ, những người tin vào thể loại nghệ-thuật-như-là-tiếng-nói mới.

Một phần tác phẩm Serie Amazon, Vũ Dân Tân.

Tác phẩm Lớp học lịch sử (tiếng Thái: Thanon Ratchadamnoen) của Sutee Kunavichayanont (Thái Lan), năm 2000, là một sắp đặt gồm 14 cái bàn học được sắp xếp nhằm nâng tác phẩm lên thành như một trải nghiệm và làm rõ ràng hơn các tầng ý nghĩa của nó. Nếu một bức tranh trần thuật lại các quang cảnh lịch sử đất nước và tán tụng dân chúng nắm quyền sở hữu quá khứ của mình để định hình tương lai thì xem ra có vẻ thật giáo điều và thụ động (đối với công chúng). Ngược lại, những cái bàn học, thể hiện lời mời của chúng tới khán giả rằng hãy ngồi xuống và kiểm xét, “đánh bóng” lại những quá vãng lịch sử mà họ trực tiếp chứng kiến hoặc bị tác động, lại có thể khởi động được những tư duy và hành động phản ứng lại của công chúng. Được thiết kế để sắp đặt trong không gian công cộng, như dưới chân đài tưởng niệm dân chủ ở Bangkok, tác phẩm thấm đượm sự can thiệp của không gian và tri thức, thể hiện rõ khuynh hướng nghệ thuật với gốc rễ là ký ức văn hóa bản địa thông qua cộng đồng.

Bên cạnh đó, những nghệ sĩ như Trần Lương (Việt Nam), Arahmaiani (Indonesia) lại cho thấy sức hấp dẫn lớn của nghệ thuật trình diễn bởi khả năng thể hiện những mâu thuẫn trong đời sống: họ tận dụng khía cạnh gần gũi của hình thức nghệ thuật này với ký ức văn hóa, vô thức hoặc có ý thức, cũng như với những cách diễn giải xưa cũ xoay quanh các chủ đề triết học, tinh thần, tín ngưỡng… Sẽ có vấn đề nếu bạn chỉ tình cờ liếc qua các tác phẩm của những nghệ sĩ nêu trên cũng như bài viết của tôi chẳng thể nào miêu tả chúng một cách ngay ngắn, nhằm thể hiện cho hết các tri thức chứa đựng trong đó. Các tác phẩm cần được công chúng trực tiếp trải nghiệm và nhận diện.

Trích đoạn trình diễn “Khăn đỏ”, Trần Lương, 2010, băng ghi hình dài 2:51 phút, sưu tập của SAM.

Chất liệu cũng là một ám chỉ khái niệm quan trọng trong sáng tác của nghệ sĩ khu vực. Những người thực hành nghệ thuật đương đại thuộc thế hệ đầu tiên của Hà Nội đã thử nghiệm với gốm sứ trong những năm 90, thế kỷ XX, nhằm kiếm tìm sự hỗ trợ của chất liệu cho các câu chuyện nghệ thuật của mình. Năm 1996, Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Quang Huy đã trưng bày sáng tác từ gốm, đất nặn của họ tại salon Natasha (30 – Hàng Bông, Hà Nội). Sau đó, Cường tiếp tục series Nhật ký gốm từ năm 1999 đến 2001. Từng bước thu thập những ấn tượng về cuộc sống thường nhật tiến triển ở thủ đô của Việt Nam, thể hiện qua tranh vẽ, sau đó, anh đã chuyển những hình ảnh ám dục đầy tính biểu tượng lên những chiếc vại nhỏ nặn bằng đất sét đang đợi anh ở Bát Tràng, làng gốm cổ ngoại ô Hà Nội. Anh không có ý nâng một chất liệu thủ công lên thành mỹ thuật một cách có ý thức mà ngược lại anh còn nghi ngờ những sắc thái kiểu vậy. Những chiếc bình được tạo hình trụ, thật thích hợp với bản nhật ký không bao giờ kết thúc của anh.

"Nhật ký trên gốm", Nguyễn Văn Cường, 1999 - 2001, 28cm x 12cm x 12cm x 5 chiếc, sưu tập của SAM.

Sau Cường, một số nghệ sĩ khác cũng đã bị lôi cuốn bởi chất liệu này và một người xuất sắc là Bùi Công Khánh, với tác phẩm Đám đông vô hại: một chiếc bình sứ kiểu dáng cổ, màu men lam, nhiều họa tiết và hoa văn truyền thống bên cạnh những hình ảnh mang tính chất tự sự về xã hội đương đại. Chiếc bình được chọn trưng bày trong Liên hoan nghệ thuật đương đại châu Á – Thái Bình dương định kỳ 3 năm (APT 6, 2009, Queensland Art Gallery, Australia).

Bình gốm của Bùi Công Khánh tại APT 6, tác phẩm thuộc dự án "The Mekong" gồm nhiều nghệ sĩ Việt Nam khác được mời tham dự triển lãm.

Còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác của nghệ thuật đương đại khu vực mà triển lãm này dẫn dụ người xem cùng khám khá. Đó là vai trò của cộng đồng trong các thực hành nghệ thuật, dẫn chứng điển hình là dự án Làng nghệ sĩ của Aung Ko ở thượng Burma, Những tương đồng về tư tưởng và chủ đề với nhiều sáng tác cùng đề cập đến phong trào dân chủ hóa, như quyền lực của nhân dân (Philippines) hay Đổi mới (Việt Nam), ảnh hưởng tư bản chủ nghĩa với những nguồn đầu tư nước ngoài ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, bên cạnh những vấn đề xã hội và nhân văn khác trong cuộc sống đương đại, từ phê bình chính trị đến chủ nghĩa cá nhân, từ vấn đề tính dục đến đại dịch HIV/AIDS, từ vấn đề dân tộc, lịch sử đến bản diện dân tộc hay bản diện cá nhân và tầm nhìn tương lai… Đặc biệt, phụ nữ, thông qua một số sáng tác nổi bật trong triển lãm, đã được xem như một vector đầy quyền năng trong các tự sự về Đông Nam Á. Khía cạnh này được diễn giải với khá nhiều sáng tác của nghệ sĩ Việt Nam, như cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân hay họa sĩ Nguyễn Minh Thành, Nguyễn Quang Huy sau này. Khía cạnh đời sống tâm linh cùng việc phê phán tôn giáo tượng trưng cũng được các nghệ sĩ không né tránh đề cập, một sự cọ xát tế nhị với tâm lý và truyền thống ngự trị ở khu vực hàng thế kỷ qua.

Tác phẩm phía sau là của Nguyễn Minh Thành, tiêu đề Vô đề, 1999, sưu tập của Veronika Radulovic (CHLB Đức)

Nghệ thuật nhìn chung không phải là một con đường liên tục và đơn lẻ. Thời nhà Đường (618 – 907) ở Trung Quốc, Florence thế kỷ XVI hay New York giữa thế kỷ XX là những giai đoạn và địa điểm đã xác định nghệ thuật với những tiêu chuẩn được định nghĩa rõ ràng. Những kỷ nguyên nở hoa của nghệ thuật được đánh dấu bởi sự hợp dòng của các sự kiện và ý tưởng cùng sự hiện diện của những nhà hoạt động biết nhìn xa trông rộng đã nắm bắt được hai thứ trên và chuyển hóa chúng thành các tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý như thời đại của họ. Đông Nam Á, trong thiên niên kỷ mới này, đang thực sự là một đầu mối của các nguồn năng lượng tri thức, các cơ hội chuyển dịch về mặt xã hội cũng như có một tiếng nói đầy tính thuyết phục. Trong bối cảnh ấy, nghệ thuật thị giác của khu vực như là một nhân chứng xã hội thể hiện trong triển lãm này, đã tự thoát ra và hướng tới những tầm cao mới chưa từng có, tự tin hấp dụ công chúng đến cùng trải nghiệm.

*
I.L
(Hoàng An Đông lược dịch với sự đồng ý của tác giả)

Ý kiến - Thảo luận

21:19 Saturday,11.6.2011 Đăng bởi:  mua xuan thuc day
Gửi Phạm Quốc Trung: Đó là "một câu hỏi lớn không lời đáp. Cho đến bây giờ mặt vẫn chau". Là người Việt Nam thì Phạm Quốc Trung, tôi và chúng ta hiểu người Việt hơn ai hết!
...xem tiếp
21:19 Saturday,11.6.2011 Đăng bởi:  mua xuan thuc day
Gửi Phạm Quốc Trung: Đó là "một câu hỏi lớn không lời đáp. Cho đến bây giờ mặt vẫn chau". Là người Việt Nam thì Phạm Quốc Trung, tôi và chúng ta hiểu người Việt hơn ai hết! 
14:33 Thursday,9.6.2011 Đăng bởi:  Pham Quốc Trung
Bảo tàng Hà Nội mới khánh thành năm 2010 xây hết hơn 2.000 tỷ đồng, rất to và hiện đại... nhưng lại đang không có cái gì để bày bên trong. Bao giờ những người có trách nhiệm làm bảo tàng mới ghé mắt để ý đến việc cần một chỗ trưng bày mỹ thuật cho tử tế và tổ chức những triển lãm chuyên đề dạng này nhỉ.
...xem tiếp
14:33 Thursday,9.6.2011 Đăng bởi:  Pham Quốc Trung
Bảo tàng Hà Nội mới khánh thành năm 2010 xây hết hơn 2.000 tỷ đồng, rất to và hiện đại... nhưng lại đang không có cái gì để bày bên trong. Bao giờ những người có trách nhiệm làm bảo tàng mới ghé mắt để ý đến việc cần một chỗ trưng bày mỹ thuật cho tử tế và tổ chức những triển lãm chuyên đề dạng này nhỉ. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả