Ăn uống

Đi chợ cuối tuần: Không phải cái gì “Tây” cũng tốt 18. 05. 14 - 6:04 am

Pha Lê

Trong một lần chat chít trên Facebook, bàn về đồ ăn nhưng chuyện nọ xọ sang chuyện kia, Soi nhờ tôi viết một bài về… đi chợ.

Phải thú nhận rằng chẳng biết bài này sẽ như thế nào vì thói quen đi chợ (ở Việt Nam) của tôi rất giống ông bố lẫn bà cô gàn dở: kiểu đi chợ không trả giá. Bố tôi và cô tôi chưa bao giờ bước vào chợ Bến Thành mà trả giá cái gì, ai hét giá nào ông mua giá nấy. Cứ thế chục năm nên mấy bà bán thịt cá rau ở chợ rất khoái, luôn để dành thứ ngon nhất, tươi nhất cho bố và cô. Một bà cô khác của tôi đi chợ thì trả giá lên xuống, lựa qua lựa lại, nhưng cuối cùng thì không mua được thịt cá ngon như bố (dù ông ấy chả biết lựa là gì.) Cuối cùng là tôi bị nhiễm thói của bố, cứ không trả giá cho khỏe.

Cá tươi: mắt trong, mang đỏ, thịt chắc. Bố tôi chả biết lựa gì sất mà lúc nào cũng mang về nhà mấy con cá tươi như vầy – cũng chỉ vì mấy bà hàng cá chiều ổng do ổng không trả giá. (Ảnh trong toàn bài là từ nhiều nguồn trên internet)

 

Cá không tươi: thịt nhẽo, mắt đỏ hoặc mờ câm, mang nhạt nhách.

Đi chợ kiểu này thì tôi thấy rằng, nhìn chung thịt cá trái cây của Việt Nam không tới nỗi tệ; chợ có bán gà ta thả vườn, cá biển, lâu lâu còn có heo mọi… lắm lúc thấy đồ Việt còn an toàn hơn đồ Tây. Nhiều chủ trại gà, heo, bò bên Mỹ hoặc châu Âu còn nuôi nhốt theo kiểu lúc nhúc, thiếu ánh sáng, đến nỗi chủ không len vào được để mà dọn phân. Nhìn mấy thứ chất thải đó ngập đến đầu gối của mấy con gà heo bò là phát sợ. Tây cũng tiêm vắc-xin với phoọc-môn tùm lum cho gia súc gia cầm chứ chả hiền gì. Bạn mà thấy cảnh nuôi gà ở mấy trại cung cấp cho KFC hay McDonald là hết dám ăn thức ăn nhanh luôn. Con gà con nhỏ xíu mà họ tiêm thuốc gì vô rồi vài tuần sau là gà to oạch, thế thì mua gà vườn Việt Nam ăn cho rồi.

Một trại gà công nghiệp “gọi là” có lương tâm của Mỹ: gà vẫn lúc nhúc, vài con đi không nổi, chuồng ngập phân, nhưng ít ra chuồng có ánh sáng tự nhiên rọi vào.

 

Trại gà công nghiệp không có lương tâm ở Mỹ: phân nhiều hơn, gà lúc nhúc hơn, chả có ánh sáng tự nhiên, chủ trại phải trùm mặt khi và chỗ hôi thối này, nhìn chả khác nào mafia. Mấy con gà đó cũng tiêm đầy thuốc trong người, thôi ăn gà Việt cho khỏe.

Trái cây cũng nên mua trái cây Việt Nam, đừng nhìn thấy trái cây ngoại nhập mà tưởng bở. Trái cây chín rất dễ dập và vô cùng khó vận chuyển, nên trại trái cây nào xác nhận rằng mình trồng để nhập qua nước khác thì họ sẽ hái trái cây lúc còn xanh lè. Họ đóng thùng chuyển số trái cây này đi mà không sợ dập; rồi nếu họ tốt, họ chờ cho trái cây chín và phân phối cho các nơi bán trái cây ngoại ở Việt Nam; nếu họ không tốt, họ sẽ ngâm trái cây vô dung dịch ethylene gì đó để trái cây chín cho nhanh. Thử tưởng tượng xem, trái cây chín ngon mà đem từ Úc hay Mỹ tới đây, nếu không dập trên đường đi thì mấy ngày sau là trái chín cũng hư hết, sao bán? Mà ăn trái không phải chín cây, còn ngâm trong dung dịch nữa thì dù không tính đến chuyện sức khỏe cũng phải tính rằng cái trái đó chả ngon lành gì. 

Dung dịch ngâm chuối chín. Đổ nó vào chuối xanh là ngày hôm sau sẽ có chuối vàng (hình hơi nhỏ, bạn nào có hình to hơn thì bổ sung dùm nhé.)

 

Táo xanh trên cây. Táo nhập thường hái vào lúc còn xanh như thế này; táo cứng cáp, không nhanh hư hay dễ dập. Tống chúng nó vô thùng rồi trước khi bán là cho chúng tắm bồn dung dịch.

Tôi thấy thực phẩm nhập có thể mua được là thịt bò. Thịt bò Việt không treo nên có mùi và dai, cắt mỏng để xào hành xào đậu thì được, chứ bít tết là phải đập bẹp ra cho nhừ, mất cả ngon.

Miếng filet bò nướng dày cộp nhìn rất chi là nhỏ dãi.

Tuy nhiên, có mua cũng nên tránh xa thịt bò Mỹ. Bò là động vật ăn cỏ, nhưng nếu nuôi công nghiệp thì cỏ đâu ra lắm, bởi vậy dân Mỹ toàn cho bò của họ ăn bắp. Chính phủ Mỹ phụ cấp cho dân trồng bắp, nên bắp Mỹ rất rẻ, vì bắp là loại thực phẩm dùng trong công nghiệp (một số mặt hàng làm từ bắp: pin, kem đánh răng, mỹ phẩm, tã em bé, nhựa, chất tẩy rửa…) Và cũng để đạt năng suất cao nên các trại trồng bắp bạt ngàn ở Mỹ thường dùng máy bay để… rải thuốc trừ sâu xuống. Một phần bắp họ dùng sản xuất công nghiệp, phần còn lại bò ăn. Bò mà ăn bắp thay vì cỏ thì thịt sẽ ít omega-3, ít khoáng chất, ít vitamins, chứa nhiều calories, và rất có nguy cơ nhiễm khuẩn E. Coli. Dân Mỹ giàu ngày nay toàn né bò ăn bắp, còn tôi thì thấy vài siêu thị ở Việt Nam nhập bò Mỹ ăn bắp về và tự hào… quảng cáo.

Máy bay rải thuốc trừ sâu trên đồng bắp ở Mỹ, nhìn cái hình này cứ liên tưởng đến chất độc da cam. Bò hay người mà ăn thứ bắp này vô bụng thì sao nhỉ?

 

Quảng cáo cho một trại bò hữu cơ, người ta phải nói là ăn cỏ 100% (100% grass fed) thì dân giàu bên Mỹ mới chịu mua. Còn tại siêu thị Việt thì bò Mỹ quảng cáo là “corn fed” (ăn bắp) mà thiên hạ mua hà rầm. Rõ ngược đời!

 

Bò ăn bắp: chuồng không có cỏ và ngập phân. Thế vẫn ít, google hình trên mạng thì lắm trại bò, phân ngập tới… đầu gối bò.

Các siêu thị bán thực phẩm hữu cơ đắt tiền ở Mỹ hầu hết nhập bò ăn cỏ từ Úc (ít ra thì chính phủ Úc không phụ cấp cho dân trồng bắp.) Mỹ cũng có bò ăn cỏ nhưng họ rất ít xuất khẩu vì số lượng chúng có hạn. Bởi vậy, nếu bạn đang tính mua thịt bò nhập thì làm ơn mua bò Úc, tránh xa bò Mỹ và tránh xa mấy hộp bò đề chữ “corn fed.”

Bé Kevin Kowalcyk 2 tuổi, người Mỹ, mất mạng oan uổng vì xơi hamburger có thịt bò ăn bắp, nhiễm E. coli. Sau khi bố mẹ phát hiện ra nguyên nhân bé nhiễm E. coli là vì thịt bò, họ đấu tranh đòi chính phủ Mỹ thông qua luật thực phẩm an toàn (nhiều người gọi nó là luật Kevin.) Tuy nhiên ngành công nghiệp trồng bắp và nuôi bò ăn bắp của Mỹ rất có thế lực và luật Kevin còn lâu mới được thông qua. Số lượng trẻ em/người lớn thiệt mạng vì E. coli ở Mỹ ngày càng tăng.

 

Một hình ủng hộ các trại nuôi bò ăn cỏ, nào là thịt có nhiều vitamin hơn, ít cholesterol, giảm thiểu nguy cơ bị tiểu đường, tim mạch… Dĩ nhiên là ăn quá nhiều bò ăn cỏ thì cũng không tốt (thịt mà), nhưng bò ăn bắp là chả tốt gì hết dù bạn ăn ít đi nữa.

Món nữa có thể mua là đồ khô Nhật. Báo trước luôn là thực phẩm quốc nội của Nhật vô cùng đắt và gần như chẳng khi nào xuất khẩu, bạn tìm trầy trật ở Việt Nam cũng hiếm mà thấy thực phẩm Nhật “made in Japan” (nếu có thì giá của chúng cũng trên trời. Ví dụ: 1 gói gelatin làm bánh khoảng 10-20 miếng của Đức sẽ khoảng 80 ngàn, 1 gói giống vậy nhưng made in Japan thì sẽ là 500-600 ngàn.) Gạo Nhật là gạo giống Nhật trồng tại Việt Nam hoặc các nước châu Á lân cận; cá khô, rong biển khô, mayonnaise Nhật… bán ở những quốc gia “không phải Nhật” đều lấy nguyên liệu từ nơi khác nhưng sản xuất theo công nghệ Nhật. Tuy không 100% ngon như là thực phẩm mua ở Nhật nhưng cũng sạch sẽ, an toàn. Tôi rất thích mua tảo bẹ khô (kombu) và cá sấy katsuobushi của Nhật về nấu nước dùng, vì nước dùng này nấu nhanh, nước ngọt mà chả cần hạt nêm chi cả.

Cá khô katsuobushi của Nhật là loại cá khô cứng nhất thế giới, bạn phải dùng bàn bào bằng thép sắc lẻm để bào mỏng đặng nấu canh.

 

Siêu thị Nhật thường bán katsuobushi bào sẵn trong bịch như vầy.

 

Còn đây là tảo bẹ kombu khô của Nhật. Một miếng vừa phải là đủ nấu một nồi nước dùng (gốc gác của bột ngọt là hạt nêm chiết xuất từ kombu, vậy mua kombu về nấu cho rồi.) Siêu thị Nhật ở Việt Nam thường bán nguyên cây kombu dài, bạn có thể dùng kéo cắt nhỏ ra nấu.

 

Nấu nước dùng Nhật từ kombu và katsuobushi: rửa miếng kombu và cho vào nồi nước lạnh, nước vừa sôi là bạn bốc một nắm katsuobushi bào sẵn và cho tiếp vào nồi (đè mớ cá bào lùng nhùng này xuống nồi cho ngập nước), tắt lửa ngay lập tức và lọc hỗn hợp này liền sau đó. Không bao giờ hầm kombu hay katsuobushi quá lâu, vị cá lẫn rong biển hầm lâu sẽ khiến nước hơi tanh và đắng, vì thế nước dùng này không tốn thời gian gì cả.

 

Nước dùng sau khi lọc, màu hơi vàng, vị ngọt. Cái này lấy nấu súp miso thì tuyệt vời; không thì cho vô nước dùng tí đường, nước tương Nhật, rượu sake và rượu mirin, nêm muối; thả mì udon và một vài miếng rau vào là bạn có ngay tô mì udon không bột ngọt.

Loại rong biển khô mỏng và nhỏ để ăn súp chứ không phải để nấu nước dùng (tên là wakame) của Nhật cũng tiện lợi, bạn có thể dùng nấu cùng mì ăn liền nếu muốn bữa ăn qua loa của mình có rau, hoặc ngâm nước sôi, chờ nó nở ra rồi làm xà-lát rong biển.

Những thứ không phải đồ khô nhưng có thể mua là: nước tương, Miso, dấm, gừng ngâm, mơ ngâm, củ cải ngâm chua. Những thứ này sản xuất theo công nghệ Nhật nên chất lượng rất khá. Đừng vào siêu thị Nhật mà mua hải sản hay thịt; mấy thứ này cũng đều là đồ đông lạnh cả, và cũng chả phải đồ Nhật đâu, cho dù cô bán hàng xinh đẹp có nói rằng đó là đồ Nhật. Đồ Nhật ngon chỉ rụng bị Nhật, Nhật đem Nhật ăn một mình chứ Nhật không xuất.

Gạo Nhật chính gốc, trồng tại đất của xứ hoa anh đào, trên bịch còn ghi là gạo của Hokaido. Loại gạo này rất ngon và đắt, Nhật ưu tiên cho người dân nên gạo quốc nội chỉ bán quốc nội, không bán ra ngoài (trồng theo kiểu Nhật thì cũng chẳng đủ sản lượng đâu mà bán.)

Hy vọng rằng, người Việt sẽ học Nhật thay vì học Mỹ trong khâu sản xuất nông nghiệp.

Chợ:

Thường đi chợ Bến Thành với chợ Phú Nhuận

Địa chỉ mua rau:

Cửa hàng VGFood, 176 Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM

(Mua về thì ăn liền tại vì rau chỗ này không dùng thuốc nên rất dễ hư, giá cũng hơi bị mắc)

Địa chỉ mua thịt bò:

Cửa hàng Veggy’s, 29A Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM

Địa chỉ mua đồ Nhật:

Cửa hàng Tokyo Shop, 15A8 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM

Siêu thị Nhật Bản Akuruhi, 03-05 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM

(Đây là địa chỉ ở TP. HCM, bạn nào biết địa chỉ mua bán thực phẩm sạch ở Hà Nội thì bổ sung nhé)

 

Ý kiến - Thảo luận

22:15 Friday,14.11.2014 Đăng bởi:  myn

cho e xin link đem qua vns nha chị...em sẽ ghi nguồn đàng hoàng thks chị nhiều ạ!!:3


...xem tiếp
22:15 Friday,14.11.2014 Đăng bởi:  myn

cho e xin link đem qua vns nha chị...em sẽ ghi nguồn đàng hoàng thks chị nhiều ạ!!:3

 
11:10 Wednesday,28.5.2014 Đăng bởi:  Hana
Cảm ơn Pha Lê vì bài viết.

...xem tiếp
11:10 Wednesday,28.5.2014 Đăng bởi:  Hana
Cảm ơn Pha Lê vì bài viết.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả