Cuối tuần đi quán: ramen hẻm 8A, ăn ngon nhưng phải “kỷ luật”
08. 05. 16 - 7:18 am
Pha Lê
Cách đây mấy năm, đứa bạn thân từ thời cấp một từ Mỹ về. Tôi đến thăm, định sẽ dẫn nó đi ăn nhưng chưa kịp mở miệng hỏi nó đã nói “Tao thèm ramen”.
Ramen nước tương của Nhật, ăn công nhận ngon nhưng thường Việt Kiều về chơi đâu có thèm món này! (Hình: internet và Pha Lê chụp)
Bố khỉ, từ nước ngoài về bảo thèm bún thèm phở thì còn hiểu, lần đầu thấy một đứa bảo thèm ramen. Nhưng nó giải thích là Sài Gòn có một quán mì ramen Nhật ngon lắm, ngon như ở Nhật vậy, ở Mỹ không có nên cả năm đành thòm thèm. Tôi nói ừ thế thì tao đi ăn với mày. Vừa dứt câu là nó tuôn ra một tràng “cảnh báo”:
– Nào là quán nhỏ, nhiều khi phải xếp hàng trật tự. Ăn xong phải đi ngay, không ngồi la cà
– Quán chỉ có một số loại mì, thực đơn ít, vào ăn là chấp nhận, không đòi hỏi khai vị tráng miệng nọ kia
– Nhắm bụng chưa đói lắm, ăn không được nhiều thì phải báo để bếp bớt mì lại, chứ ăn mà bỏ mứa là bếp sẽ phật ý, chạy ra nhắc nhở
Nói chung đây là một quán ramen rặc Nhật từ hình thức đến tính tình.
Văn hoá “ramen công sở” tại Nhật
Nhân viên văn phòng – đặc biệt cánh đàn ông – ở Nhật nổi tiếng là hay phải làm việc tới khuya: chị nuôi tôi lấy anh chồng Nhật, than thở rằng sớm thì 8 hoặc 9 giờ về, còn 11 giờ mới vác được thân vô nhà là chuyện thường. Lúc tan ca các ông thường tạt vào quán nào đó ăn, một do sợ khuya rồi về nhà ăn phiền gia đình phục vụ, hai là cũng đói quá, chẳng chờ cho đến khi về nhà nổi. Bởi vậy Nhật có nhiều quán cơm, quán ramen bé tí teo để mấy nhân viên văn phòng làm việc khuya này tạt vào. Quán nhỏ đỡ tốn tiền mặt bằng, mà thực khách đa số cũng ăn xong cho đỡ mệt rồi xách cặp táp biến chứ hơi đâu luẩn quẩn nên bé thế cũng vừa. Lắm quán chỉ có cái bàn chạy dài kiểu bàn quán bar thôi, chứ không bàn ghế một chỗ hai chỗ riêng biệt gì hết.
Một quán ramen ở Nhật, có bàn bar chạy dài, đủ chỗ cho chừng 8 đến 10 mạng. Quán bé xíu, nom đơn giản.
Quán có đông nhưng xếp hàng chút là tới lượt mình thôi do chẳng ai lân la ngồi lâu, họ ăn trong trật tự, khách quen có thể gật gù trò chuyện một chút với bếp về ngày đi làm của mình trong lúc đợi mì, ăn xong cúi chào cảm ơn nhau rồi đi.
Các nhân viên công sở ngồi dài dọc theo bàn bar, cắm cúi ăn mì ramen ở Nhật.
Quán ramen ở Sài Gòn bạn tôi dẫn đến đúng y kiểu mì cho giới công sở Nhật, ăn vô cùng ngon và thú vị. Nhưng ăn xong tôi đi giới thiệu cho người nọ người kia là đứa bạn thân lại lườm, bắt đầu ca bài cảnh báo: rằng đừng có mà quảng bá lung tung, bản thân quán cũng không muốn, không bỏ tiền quảng cáo. Quán không có bảng hiệu tiếng Anh tiếng Việt gì cũng do họ chẳng có nhu cầu mời chào, thậm chí không… wifi. Đầu bếp (cũng là chủ quán) sợ người “không biết phép tắc” vào ăn, đòi hỏi nọ kia, nán lại lâu nói chuyện lớn tiếng sẽ ảnh hưởng tới các thực khách khác, thế nên chủ trương của quán là biết thì tới, chấp nhận thì tới, không thì thôi.
Bản thân tôi thấy quán ramen ấy món không chỉ ngon mà còn chứa nhiều cái thú vị. Nếu bản thân thấy rằng mình sẽ dễ dàng hoà vào cái không khí, cái văn hóa đó thì nên đi, ít ra là lấy được một trải nghiệm.
Ramen tại hẻm 8A
Quán nằm trong hẻm 8A trên con đường Thái Văn Lung, quận Một. Vào đến cuối hẻm gặp ngã ba, sẽ thấy quán ramen bên tay phải, ngay góc phải luôn. Quán bé xíu, chắc xếp được khoảng 8 chỗ ngồi dọc bàn bar dài. Nó chỉ treo đúng một bảng hiệu, trên nguệch ngoạc tiếng Nhật, chẳng có tiếng Anh tiếng Việt, cũng không có phiên âm tên quán ra tiếng Latin nên suốt một năm trời tôi vò đầu không hiểu quán này… tên gì. Mãi sau mới biết nó tên là Tomidaya.
Bản đồ chỉ đường đến quán và thời gian mở cửa, chú ý là quán không mở cửa vào thứ Năm.
Quán Tomidaya trong hẻm 8A Thái Văn Lung. May hôm tôi đến để chụp hình thì quán chưa có dòng người xếp hàng dài phía ngoài. Phía trên quán có độc một bảng hiệu chữ viết loằng ngoằng.
Bên trong có bếp trưởng người Nhật và hai anh phụ bếp, một phụ bếp sẽ kiêm luôn phục vụ, dọn bàn. Mặt bằng bé mà nên phải tiết kiệm nhân viên, nhân công luôn.
Quán nhỏ, gọn gàng sạch sẽ, ông bếp đóng mấy tủ kệ dài trên cao để tận dụng chỗ làm nơi trữ thực phẩm. Ngó lên tôi thấy hằng hà bịch bột mì, hộp bột nở (người Tàu hay kêu là bột kansui, chuyên để làm mì sợi). Khỏi nói cũng biết quán tự làm mì chứ không đi mua mì từ nơi khác. Chủ quán từ đầu nghe có vẻ khó tính, nhưng ngồi vào chỗ sẽ thấy ông ta vẫn để ý săn sóc thực khách dữ lắm. Trên bàn bar có để bảng “no smoking” (không hút thuốc) nho nhỏ xinh xinh, nhắc nhở rằng quán bé thôi nên phì phò khói thuốc sẽ ảnh hưởng đến người khác. Quán đưa cho mỗi người một cái ly uống nước nhỏ, và cứ cách độ 3 ghế ông bếp sẽ đặt một bình trà đá, ai thích cứ tự rót uống miễn phí. Cạnh bình trà đá là lọ đựng… dây thun cột tóc, để mấy bạn tóc dài cột lên khi ăn mì.
Vào đây một là uống nước trà đá miễn phí, hai là bia Sapporo, không có thức uống nào khác.
Biển “cấm hút thuốc” nhỏ nhỏ gắn trên bàn bar.
Mỗi người có một ly uống nước trà đá như vầy, tự do rót miễn phí. Quán không phục vụ Coca hay Pepsi gì đâu.
Lọ đựng dây thun cột tóc.
Chỗ ngồi san sát nhưng quả thực thấy thoải mái lắm, ít ra là với những người đang ngồi ăn cạnh mình. Mọi người nói chuyện nhỏ nhẹ với bạn bè, hoặc chào ông bếp vài tiếng, không khí đầy vẻ tôn trọng, lịch sự, tuy chung một không gian nhưng mọi người tự hiểu là không làm phiền nhau.
Không khí bên trong quán, với đầu bếp kiêm ông chủ đang loay hoay phía bên kia bàn bar. Người Nhật vào ăn cực đông, đặc biệt giới văn phòng. (Riêng tấm hình này tôi không chụp, mà chôm từ facebook nhà bạn Uyên)
Anh phụ bếp đem tờ thực đơn ra – đúng nghĩa một tờ – thực khách sẽ chọn, và chừng 5 phút là có mì. Tomidaya chỉ có mì thịt heo, chia ra 2 loại: nước và khô. Mì công sở mà, với mặt bằng này đào đâu ra chỗ để nấu đủ loại mì cá mì tôm mì chay cho ngon được. Thực đơn chỉ cho chúng ta lựa: mì nước/khô đơn giản có măng, có lát thịt và trứng… hoặc mì nhiều thịt hơn, mì có thêm rong wakame, thêm bắp. Giá dao động từ 80 ngàn đến 170 ngàn một tô, tức không phải đắt lắm với cái công tự nhồi mì, hầm xương cho thật ngon, hầm thịt thật rục của đầu bếp.
Thực đơn gói gọn trong đúng một tờ. Syo-yu là mì nước, tsuke men là mì khô. “Topping” là các món phụ nho nhỏ thực khách có thể gọi bỏ thêm vào mì như trứng, rong biển khô nori, rong wakame, măng…
Mì nước là loại tôi thấy hợp với đa số khẩu vị người Việt Nhất, do nó đậm đà. Ông bếp hầm xương lâu và hầm liên tục nên nước béo ngậy, mà đúng kiểu béo từ xương thịt nhé. Thế nên bạn nào nhắm không ăn nhiều nổi chỉ cần gọi mì có một lát thịt heo mỏng là no căng rồi. Thịt heo trong bát mì cắt mỏng như tờ giấy ấy, bỏ vào miệng thịt mềm rục, tan ra. Ăn rất thích, cảm giác là thòm thèm muốn xơi thêm lát thịt nữa, nhưng hễ xơi thêm là dễ no vì nước dùng quá béo, sợi mì làm tay vừa dai vừa chắc nịch nữa, thành thử đã no là cứng bụng.
Tất nhiên nếu nhắm ăn hết được nhiều lát thịt thì cứ kêu, thịt heo cắt mỏng te, mềm và thơm nên phần mì có 4 lát thịt heo cũng không phải là nhiều đối với những ai thích protein. Đứa bạn tôi lần nào tới đây cũng gọi tô nhiều thịt và xơi hết, hay thật!
Bát mì ramen nước, loại nhiều thịt của đứa bạn.
Một trứng, bốn lát thịt, măng, rong biển nori khô, hành baro. Thịt ngon đến mấy, tôi nuốt 2 lát là không xơi thêm nổi nữa, vậy mà lúc nào nó cũng ăn hết, lúc nào cũng gật gù kêu là thịt mềm quá, ngon quá.
Tôi lại thích nhất phần trứng trong mì, chục lần ăn tại đây là chục lần trứng ngon y đúc hình chụp, luộc vừa nhiệt độ, lòng đỏ còn hơi lỏng bên trong. Nói thật là Tomidaya hơn khối nhà hàng tự cho rằng mình xịn nhưng mười lần luộc trứng ra mười cái trứng sống, lỏng, chín, chín quá đáng khác nhau.
Về phần mì khô, tôi thích mì khô của quán, chỉ sợ đa số người Việt sẽ không thích do nước chấm mì hơi chua. Người Nhật ăn mì khô theo kiểu nhúng sợi mì vào nước chấm ăn – giống cách ăn mì soba lạnh ấy. Họ quan niệm rằng người ăn mì ramen khô chấm nước dùng là người đang sợ nóng, thế nên họ cho xíu giấm vào nước chấm để thực khách thấy mát người, vị chua còn bổ trợ tiêu hoá, giúp ta không ngán.
Bát mì khô tsuke men của tôi. Tôi chỉ gọi loại có một lát thịt, và bỏ thêm rong biển wakame.
Nhúng mì ramen vào tô nước dùng và ăn, cảm giác đỡ nóng nực hơn xơi mì nước – nhất là với thời tiết hiện giờ. Người Nhật rất thích xơi mì nhúng nhúng chấm chấm như thế này.
Bạn nào không ngại vị chua trong mì mới nên kêu mì khô, còn không cứ ăn mì nước cho nó hợp khẩu vị. Bản thân tôi cũng phải một lúc mới quen, thời còn đi học tôi từng mướn nhà ở chung với một cặp vợ chồng Tàu. Hai người cứ nhè mùa hè là làm mì trộn giấm đỏ ăn, sau đó mời tôi, ăn vài lần là quen và thích do lúc trời nóng mà có chua vào là mát, cảm thấy nhẹ nhàng, dễ tiêu. Bởi vậy lúc đến Tomidaya ăn mì khô, tôi rất thích vị chua và chén ngon lành. Bạn tôi vẫn chưa quen lắm nên nó hay kêu mì nước hơn.
Tomidaya bị cái bất tiện là ăn xong phải tính tiền bước ra ngoài, không ở lại bù khú được. Nhưng ăn ngon xong, ra thấy hẻm 8A dập dìu hàng quán Nhật, mấy con hẻm bên cạnh cũng y thế và sạch sẽ. Ai thích, sau khi xơi ramen có thể ra đi dạo, tản bộ một vòng vì khu Thái Văn Lung cũng gần như là khu Nhật ở Sài Gòn rồi. Tôi với đứa bạn vừa dắt nhau đi vừa nói chuyện, thấy xung quanh nhiều hàng quán nhỏ nhỏ be bé hệt như Tomidaya, định bụng hôm nào rảnh sẽ đến khám phá một quán mới ở khu này nữa.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
0:28Monday,22.5.2023Đăng bởi: Fan Ramen
Mới ghé ăn thử, địa chỉ mới rồi! Cảm nhận nhé, sợi mì, thịt và trứng ngon. Nước mì ngoài nóng rát lưỡi thì ôi trời mặn chát, mặn át cả hương và vị!!! Đã ăn Ramen tại Nhật, không quá mặn như thế này!!! bê tô lên húp đến giọt cuối cùng thiếu điều liếm đáy tô. Quán hình như không châm thêm nước khi để sôi lâu quá sẽ tăng nồng độ muối! Để có 1 tô nhi ...xem tiếp
0:28Monday,22.5.2023Đăng bởi: Fan Ramen
Mới ghé ăn thử, địa chỉ mới rồi! Cảm nhận nhé, sợi mì, thịt và trứng ngon. Nước mì ngoài nóng rát lưỡi thì ôi trời mặn chát, mặn át cả hương và vị!!! Đã ăn Ramen tại Nhật, không quá mặn như thế này!!! bê tô lên húp đến giọt cuối cùng thiếu điều liếm đáy tô. Quán hình như không châm thêm nước khi để sôi lâu quá sẽ tăng nồng độ muối! Để có 1 tô nhiêu tooping như hình, thì cần 200k. Nói chung, nên giảm mặn lại không tốt cho sức khoẻ!
18:40Thursday,16.2.2023Đăng bởi: Hachuu
Bổ sung thêm ở HN có quán mì Wan trong ngõ 36 Đào Tấn bán mì ramen nước dùng nền là sốt mè đặc quánh. Có vị truyền thống, vị cá và vị nghêu. Cảm quan là giá hơi cao so với quán khác, ramen vị cá béo ngậy đậm đà và nước dùng đặc sền sệt ăn rất bon miệng... Điểm trừ là không gian hơi nhỏ chút.. ...xem tiếp
18:40Thursday,16.2.2023Đăng bởi: Hachuu
Bổ sung thêm ở HN có quán mì Wan trong ngõ 36 Đào Tấn bán mì ramen nước dùng nền là sốt mè đặc quánh. Có vị truyền thống, vị cá và vị nghêu. Cảm quan là giá hơi cao so với quán khác, ramen vị cá béo ngậy đậm đà và nước dùng đặc sền sệt ăn rất bon miệng... Điểm trừ là không gian hơi nhỏ chút..
...xem tiếp