Gẫm & Bình

Xem “Bố Hạo” của Lê Hiền Minh: Trống rỗng và lạnh –
những cảm xúc về bố?! 14. 11. 12 - 7:10 am

Phong Vân -Ảnh: Khải Nguyên, Tịch Ru

Triển lãm có một tiêu đề giản dị. Nhiều hình ảnh trong đó cũng đem lại cảm giác về sự giản dị. Nhưng triển lãm này không chỉ có vậy.

Nhiều khoảng trống ngay trong phòng trưng bày đầu tiên khiến tôi hơi ngỡ ngàng. Chính giữa bức tường trung tâm là tấm biển tên triển lãm và tác giả, bên trái là một dãy các khung ảnh nhỏ, màu sẫm. Cách đó một chút là chiếc bàn gỗ lim cổ quái, to, dày, nặng, chân có chạm trổ hình đầu rồng, trên có bày vài thứ như giấy mời triển lãm, sổ ghi cảm tưởng. Có thêm một cái bài khác có xếp đầy những cái hộp màu lam. Bức tường bên trái là một dãy các bức ảnh nhỏ. Còn bức tường ngăn với căn phòng trong có treo một tấm ghép chi chít chữ được đặt ngay ngắn ở chính giữa.

Quang cảnh phòng 1 của triển lãm – Ảnh: Tịch Ru

Tập hợp các bức ảnh trên tường được in rất đẹp, cẩn trọng, chụp lại một số kỷ vật và ảnh kỷ niệm của cha con tác giả và gia đình của họ. Không có kỷ vật gì đặc biệt độc đáo nhưng cho thấy sự giản dị và tình yêu dành cho sách và chữ của người bố, cũng như sự yêu thương một cách giản dị và ấm áp mà ông dành cho con gái.

Những bức ảnh trên tường – Ảnh: Khải Nguyên

Tôi dừng lại khá lâu trước bức ảnh chụp người cha đang ngồi trên xe đạp, chống chân, cô con gái nhỏ nhắn và rất tươi tắn ngồi phía trước. Gương mặt người cha thật đáng mến, dung dị, khiêm nhường nhưng có đôi mắt đầy kiêu hãnh của một người học thức. Không một dòng chú thích nhưng có lẽ, ai cũng cho rằng cô bé trong ảnh chính là tác giả của triển lãm hôm nay, bởi vì bức ảnh cũng được sử dụng như biểu tượng của triển lãm. Tôi bị cuốn hút bởi chân dung của người bố, bởi sự giàu có về tâm hồn được ánh lên từ đôi mắt, gương mặt của ông, cộng thêm dáng vẻ đầy che chở cho cô con gái.

Poster của triển lãm

Trên tấm ghép chi chít chữ ở bức tường đối diện, thoạt tiên, tôi thấy không dễ đọc chút nào. Những dòng chữ này không được sắp xếp liền mạch mà ngược xuôi đầy chủ ý. Những mảnh ghép được đánh số, có hai đường viến với màu sắc khác nhau. Nhìn theo các đường viền trên tấm ghép tổng thể, có thể nhận ra rằng, tác giả muốn thể hiện một mê cung chữ nghĩa, mô phỏng mê cung cảm xúc về người cha của mình mà cô lạc vào, mỗi khi nghĩ về ông, trong suốt cả quá trình làm tác phẩm. Có một vài chỗ (để xuôi) trong bản viết này cho thấy là cô đang viết về người bố của mình, nhớ lại những chi tiết trong đời sống hàng ngày của ông. Cô viết được nhiều như vậy cũng có nghĩa là ký ức về bố còn không ít. Nhưng sự sắp xếp và kiến tạo ra cái mê cung chữ nghĩa một cách chỉn chu và tính toán, lại khiến cho cái mê cung đó trở nên quá rõ ràng, ngăn nắp và trật tự.

Tấm ghép tổng thể – Ảnh: Khải Nguyên

 

Một đoạn của tấm ghép – Ảnh: Tịch Ru

Tiến đến chiếc bàn đặt đầy những chiếc hộp màu lam, tôi mở ra một hộp, thấy đó như một cuốn sách rời trang, gồm những tấm giấy cứng, màu trắng, mặt trước là ảnh (chính là ảnh được treo trên tường kia), mặt sau là những phân đoạn dùng để ghép lên tấm “họa” mê cung chữ. Cái hộp màu lam này, được xếp đầy trên bàn, hẳn cũng là một phần thuộc tác phẩm Còn lại/Rời rạc.

Chiếc bàn với những hộp lam – Ảnh: Tịch Ru

Phải nói, tác giả thật thông minh khi sử dụng ký ức của mình để làm ra một tác phẩm nghệ thuật; cũng như rất thông minh khi có thể tính toán để tạo ra một tập hợp vật thể mà có thể phù hợp với ít nhất là ba phiên bản trưng bày, rồi ba phiên bản ấy lại hợp thành một tác phẩm, có tên Còn lại/Rời rạc. Chính sự thông minh và tính toán này làm nên vẻ đặc biệt cho tác phẩm của cô. Nhưng cũng chính vì sự thông minh và tính toán với ký ức (về người cha) của tác giả khiến cho tôi thấy e dè khi đứng trong khoảng trống của căn phòng trưng bày này. Nó trống trải và lạnh hơn rất nhiều sau khi tôi ngắm chân dung người cha với đôi mắt tinh anh và dáng vẻ thật ấm áp dành cho cô con gái. Tại sao nhỉ?

Tác giả Lê Hiền Minh trong hôm khai mạc và tọa đàm – Ảnh: Khải Nguyên

Căn phòng bên trong phủ một màu vàng nâu nhờ ánh điện và giấy dó, thoạt tiên đem lại cảm giác ấm áp hơn. Đó là một sắp đặt có tên Sách từ điển, gồm nhiều khối hộp, mô phỏng hình cuốn sách dày, bìa cứng.

Lê Hiền Minh và sắp đặt Sách Từ Điển – Ảnh: Tịch Ru

Tôi lật ngược một khối hộp lên, thấy nó bị trống đáy, có cái còn vương những mảnh mạng nhện, cho thấy chúng được làm từ khá lâu. Những khối hộp này, được sắp xếp theo ba cách cơ bản, nhóm ngang, xen nhóm dọc và nhóm chéo, có lẽ để tránh gây cảm giác đơn điệu khi ngắm nhìn. Chúng cũng không đều nhau chằn chặn về kích thước, cho thấy chúng được làm thủ công. Giấy dó bọc ngoài, gợi cảm giác gần gụi và ấm áp, do màu sắc và vẻ nhăn, xốp bề mặt của nó mang lại. Nhưng thực ra, giấy dó và cách sắp xếp các khối hộp cũng không làm giảm đi được bao nhiêu sự đơn điệu của toàn bộ tác phẩm.

Sắp đặt Sách Từ Điển – Ảnh: Tịch Ru

Từng khối hộp không đẹp, không phải là đẹp một cách mỹ miều mà là đẹp bởi chiều sâu của những tầng lớp suy tưởng sinh ra nó. Nó cho tôi một hình dung rất rõ ràng về cách nó được sinh ra: tác giả nghĩ rằng làm một khối như vậy để mô phỏng một “cuốn sách trống rỗng”. Và cô làm đúng như vậy. Nhưng oái ăm thay, “sách trống rỗng” nghĩa là thế nào? Nghĩa là không có ruột sách, là các trang giấy ở trong hay có trang giấy nhưng là giấy trắng trơn? Hay có thể hiểu ý nghĩa của loại sách rỗng này một cách trừu tượng hơn nữa? Tôi đồ rằng tác giả muốn trừu tượng hóa cái ý nghĩa của “sách trống rỗng” đi. Nhưng vì sự mô phỏng hình sách bìa cứng với việc để trống đáy lại cho thẩy sự cụ thể hóa hình ảnh “sách trống rỗng” một cách khiên cưỡng, khiến cho tác phẩm thành ra đơn giản và nông nối. Vả lại, sách bìa cứng thì có thể là bất cứ sách gì, đâu nhất thiết chỉ có từ điển. Vì thế, tính cá biệt trong hình khối sách này cũng bị thiếu hụt. Tính cá biệt của một tác phẩm thể hiện sức mạnh của ý tưởng nghệ thuật, bởi nó cho thấy ý tưởng và hình ảnh tác phẩm đồng nhất, không có khả năng bị thay thế hay đồng hóa bởi một hình ảnh nào khác.

Ảnh: Tịch Ru

Đôi mắt đặc biệt kiêu hãnh và dáng vẻ che chở ấm áp của “bố Hạo” trong triển lãm này rất ấn tượng với cá nhân tôi. Nó khác hẳn, thậm chí là trái ngược với những gì tôi nhận thấy từ triển lãm về ông, đúng hơn là triển lãm về tình cảm, suy nghĩ về ông của một người con của ông. Sự trái ngược đó làm tôi tò mò về những gì ở đằng sau mối quan hệ ấy – tấm phông nền để từ đó triển lãm này được tạo ra. Đó hẳn là một câu chuyện thật dài dặc và khúc khuỷu, đương nhiên, mối quan hệ cha- con nào chẳng vậy. Nhưng, điều mà tôi không thích nhất là cái cảm giác lạnh và nông nổi từ triển lãm này. Đó hẳn không phải là tình cảm thật của con dành cho cha chứ? Tôi hy vọng thế!

 

*

BỐ HẠO
Triển lãm sắp đặt của nghệ sĩ thị giác Lê Hiền Minh

Họp báo vào lúc 9h30 sáng thứ Bảy, ngày 10. 11. 2012
Bảo Tàng Mỹ Thuật, Tầng 1, nhà B, phòng 28 + 29 (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội)

Triển lãm khai mạc vào lúc 16h chiều thứ Bảy, ngày 10. 11. 2012
Bảo Tàng Mỹ Thuật, Tầng 1, nhà B, phòng 28 + 29 (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội)
Triển lãm kết thúc vào ngày thứ Tư 14. 11. 2012

Chương trình trong ngày khai mạc triển lãm Bố Hạo:
– Phần khai mạc có sự biểu diễn của ca sĩ khách mời Giang Trang và DJ Jeremy.
– Ấn phẩm Còn Lại/Rời rạc sẽ được tặng trực tiếp cho người đến xem với số lượng có hạn.

Mọi chi tiết xin liên hệ minh@lehienminh.com hoặc số phone: 0914 123 349

 

**

Bài liên quan:

– Dó 10: Chim nhìn như đá, nhà nhìn như sắt? 
 18 chiều 20. 7: Lê Hiền Minh kỷ niệm một thập kỷ đi cùng giấy Dó
– Kỷ niệm 10 năm ngày mất BỐ HẠO của Lê Hiền Minh, và 10 năm chỉ dùng giấy dó    
– Xem “Bố Hạo” của Lê Hiền Minh: Trống rỗng và lạnh – những cảm xúc về bố?!
 

Ý kiến - Thảo luận

10:07 Thursday,15.11.2012 Đăng bởi: 

Tôi xem triển lãm của Hiền Minh qua Soi - và lục lọi nghe lại bản The last song của Elton John - tôi nghĩ tình cảm thực thì không có công thức - Hiền Minh có thể không phải một nghệ sĩ xuất chúng, nhưng cô ấy có cách diễn đạt cảm xúc của mình theo cách riêng - v&igrav
...xem tiếp

10:07 Thursday,15.11.2012 Đăng bởi: 

Tôi xem triển lãm của Hiền Minh qua Soi - và lục lọi nghe lại bản The last song của Elton John - tôi nghĩ tình cảm thực thì không có công thức - Hiền Minh có thể không phải một nghệ sĩ xuất chúng, nhưng cô ấy có cách diễn đạt cảm xúc của mình theo cách riêng - vì vậy xem đâu chỉ để đánh giá theo chủ quan của người xem - hãy thử buông theo tác giả một lần, thử một lần buông lỏng không phán xét .... !

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp