Nghệ sĩ Việt Nam

Kỷ niệm 10 năm ngày mất BỐ HẠO của Lê Hiền Minh, và 10 năm chỉ dùng giấy dó 08. 11. 12 - 12:16 am

Thông tin từ nghệ sĩ

 

Sắp đặt Sách Từ Điển

BỐ HẠO
Triển lãm sắp đặt của nghệ sĩ thị giác Lê Hiền Minh

Họp báo vào lúc 9h30 sáng thứ Bảy, ngày 10. 11. 2012
Bảo Tàng Mỹ Thuật, Tầng 1, nhà B, phòng 28 + 29 (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội)

Triển lãm khai mạc vào lúc 16h chiều thứ Bảy, ngày 10. 11. 2012
Bảo Tàng Mỹ Thuật, Tầng 1, nhà B, phòng 28 + 29 (66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội)
Triển lãm kết thúc vào ngày thứ Tư 14. 11. 2012

Chương trình trong ngày khai mạc triển lãm Bố Hạo:
– Phần khai mạc có sự biểu diễn của ca sĩ khách mời Giang Trang và DJ Jeremy.
– Ấn phẩm Còn Lại/Rời rạc sẽ được tặng trực tiếp cho người đến xem với số lượng có hạn.

Mọi chi tiết xin liên hệ minh@lehienminh.com hoặc số phone: 0914 123 349

 

Bố Hạo là một triển lãm sắp đặt với quy mô lớn của nghệ sĩ thị giác Lê Hiền Minh. Tác phẩm bao gồm hai phần: sắp đặt Sách Từ Điển và ấn phẩm Còn Lại/Rời rạc.

Là một nghệ sĩ hơn mười năm chuyên sáng tác trên chất liệu truyền thống giấy dó và giấy bản cho loại hình điêu khắc-sắp đặt, Lê Hiền Minh đã dành một năm rưỡi thực hiện một nghìn vật thể cho tác phẩm Sách Từ Điển để tưởng nhớ về người cha của mình – nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lê Dưỡng Hạo. Ngoài phương pháp sử dụng chất liệu truyền thống trong loại hình hiện đại để tạo nên phong cách riêng, tác phẩm là sự đối diện trung thực về cảm xúc của tác giả với những hình ảnh còn lại và mất đi về người cha của mình:

Thật khó khi phải lục lọi ký ức để nhớ lại kỷ niệm mà tôi đã không đủ can đảm để nhớ, chính xác hơn là không muốn nhớ đến trong nhiều năm qua. Để thật kinh khủng khi nhận ra bây giờ mình chả còn nhớ gì mấy.”

Tôi viết đi viết lại rất nhiều lần những gì mình nhớ. Mỗi lần viết lại là mỗi lần tôi đón nhận hồi ức đấy với một tình cảm khác nhau. Mặt khác, quá trình viết lập đi lập lại diễn ra khá đơn điệu như một sự cần thiết cho tôi được tĩnh lặng để rồi nhiều ký ức nhỏ bất chợt trở lại. Tôi sắp xếp, đo đạc, tính toán chúng một cách khoa học, cẩn trọng như vẽ lại một bản đồ. Bản đồ này có thể là một mê cung với những điều xưa cũ và cả những điều chưa biết tới. Nhưng đấy là nơi tôi muốn ở lại.”

Hiền Minh, 10. 2012
”.

*

Thiệp mời triển lãm “Bố Hạo”

Ý tưởng triển lãm của tôi đơn giản là kỷ niệm 10 năm ngày mất của bố Hạo. Ngay từ những suy nghĩ đầu tiên, tôi đã biết chắc chắn một trong những tác phẩm sẽ là sắp đặt gồm một ngàn vật thể được làm bằng giấy bản, và có hình dáng của sách từ điển. Tất cả đều rỗng ruột và không có chữ. Tác phẩm sắp đặt này có tên Sách Từ Điển. Sau này, tôi quyết định làm thêm một ấn phẩm phụ trợ cho Sách Từ Điển, đó là tập hợp ảnh chụp vật dụng còn lại của bố Hạo và ghi chép lại ký ức của tôi về bố, có tên Còn Lại/Rời Rạc.

Nhưng đầu tiên tôi muốn nói đến việc tại sao tôi phải làm triển lãm về bố? Nghe có vẻ cũ nhưng nghệ thuật dường như là cách duy nhất tôi biết để qua đó cố gắng đối diện chân thật nhất với cảm xúc của mình. Quá trình sáng tác trong thời gian dài còn buộc tôi kiên nhẫn để suy ngẫm. Đó cũng là giải pháp tốt cho nhược điểm của bản thân khi phải đối diện với những cảm xúc khó khăn, tôi thường dùng sự giận dữ để đối phó. Dùng sự tĩnh tâm suy ngẫm, tôi mở một con đường mới cho bản thân khi những giao tiếp ngày xưa đã bị cắt đứt một cách đột ngột lúc tôi vẫn còn quá trẻ để hiểu về bố và bản thân.

Khi bắt tay vào chuẩn bị cho triển lãm cũng là khi những suy ngẫm về bố bắt đầu mở ra. Tôi phải đối mặt với những cảm xúc lẫn lộn mà tôi đã tránh né trong bao năm. Những cảm xúc đầy thách thức này trở về mạnh mẽ khi tôi xem lại những bức ảnh kỷ niệm, sổ tay, thư viết, và rất nhiều những vật dụng khác của bố. Thật khó khi phải lục lọi ký ức để nhớ lại kỷ niệm mà tôi đã không muốn nhớ đến trong nhiều năm qua, để thật kinh khủng khi nhận ra bây giờ mình không còn nhớ gì mấy. Và dù 10 năm trôi qua, tôi vẫn không thể xem ảnh đám tang của bố. Tôi thấy sợ dù chỉ là chạm tay vào những bức ảnh này.

Trở lại với tác phẩm sắp đặt Sách Từ Điển, bố Hạo là người yêu sách, thích đọc sách và mê mua sách. Bố luôn tin mình có thể học hỏi được rất nhiều từ việc đọc sách, có lẽ do đó bố mua và đọc vô vàn thể loại. Sách còn được bố dùng để phục vụ cho việc nghiên cứu, ví dụ như việc nghiên cứu tự học ngoại ngữ. Thế nên, chúng tôi luôn có sách từ điển ngoại ngữ trong nhà như Việt – Anh, Việt – Trung – Anh, Anh – Pháp, v.v… Bây giờ, mỗi lần nhìn thấy loại sách từ điển này là tôi nhớ đến bố. Tôi biết bố luôn nghĩ tôi không đọc, không học hỏi đủ từ sách. Tôi chắc chắn rằng bố Hạo sẽ thất vọng và lo lắng khi căn hộ của tôi có thể sẽ không bao giờ có đầy sách báo trên kệ sách. Sự lựa chọn sống và làm việc ở nhiều nơi giúp tôi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm mà không chỉ có trên sách vở.

Ngay khi bắt đầu thực hiện tác phẩm này, tôi đã quyết định một ngàn quyển sách điêu khắc sẽ trống rỗng và không có chữ. Có rất nhiều câu hỏi tại sao? Tôi đã từng trả lời rằng “đây là một lời tuyên bố thay cho sự thất vọng của bố Hạo về việc đại bộ phận chúng ta không biết đọc ngôn ngữ Hán Nôm. Chúng ta hoàn toàn bị cắt đứt với chính nền văn hóa của tổ tiên.” Tôi đã từng nói rằng “đây là một việc liên quan đến văn hóa đọc viết của giới trẻ ngày nay. Với sự phát triển của máy vi tính và internet, chúng tôi càng ngày càng đọc và viết bằng bút bằng giấy ít đi.” Tuy nhiên, tất cả những lý do trên chỉ là phần dễ nói, dễ trả lời của Sách Từ Điển. Sự trống rỗng đối với tôi lúc này tượng trưng cho những ký ức về bố Hạo đã mất đi qua năm tháng. Trống rỗng cho nỗi buồn và giận rằng bao năm tôi ở bên bố bây giờ trở thành một nắm ký ức lộn xộn, lẫn lộn, lụn vụn và mỏng manh. Những mảnh ký ức này ùa về bất chợt, lung tung không báo trước, không có thứ tự trước sau, không cần biết chúng sẽ làm tôi buồn, hay làm tôi giận. Sự rời rạc này nhiều lúc thật khó để tôi có thể nhìn sự việc một cách khách quan khi bố không còn để giải đáp. Tôi cũng không thể phủ nhận nhiều lúc ký ức đến bất chợt mang lại niềm vui và làm tôi thấy mạnh mẽ hơn trong cuộc sống.

Ấn phẩm Còn lại/Rời rạc được hình thành để phụ trợ cho Sách Từ Điển. Nó là tập hợp ảnh chụp vật dụng còn lại của bố và ghi chép lại những mảnh ký ức mà tôi còn nhớ về bố. Tôi muốn biết tôi còn nhớ những gì. Trong quá trình thực hiện, tôi quyết định chỉ ghi lại những ký ức của riêng tôi mà không muốn đan xen với ai khác, tuy rất nhiều người sẵn sàng chia sẻ kỷ niệm ngày xưa của họ về bố với tôi. Ký ức quá mong manh, tôi không cho phép đến một lúc nào đấy bản thân không còn phân biệt được đâu là ký ức của mình và đâu là cái vay mượn. Tôi viết đi viết lại nhiều lần những gì mình nhớ. Mỗi lần viết lại là mỗi lần tôi đón nhận hồi ức đấy với một tình cảm khác nhau. Mặt khác, quá trình viết lập đi lập lại diễn ra khá đơn điệu như một sự cần thiết cho tôi được tĩnh lặng để rồi nhiều ký ức nhỏ bất chợt trở lại. Tôi sắp xếp, đo đạc, tính toán chúng một cách khoa học, cẩn trọng như vẽ lại một bản đồ. Bản đồ này có thể là một mê cung với những điều xưa cũ và cả những điều chưa biết tới. Nhưng đấy là nơi tôi muốn ở lại.

Thực hiện hai tác phẩm trên xuất phát từ việc mong muốn được giao tiếp với bố Hạo, người đã không còn ở cạnh tôi, và tập chấp nhận với sự thiếu vắng này. Sau một năm rưỡi thực hiện bằng tay từng vật thể cho tác phẩm Sách Từ Điển, đây là một sắp đặt lớn nhất của tôi từ trước đến nay. Ngoài ra, đây còn là một cột mốc quan trọng, không những đánh dấu mười năm ngày mất của bố Hạo mà còn đánh dấu mười năm tôi chỉ sử dụng chất liệu giấy dó và giấy bản trong tác phẩm nghệ thuật.

Lê Hiền Minh, 10. 2012

 

Lê Hiền Minh

Tiểu sử Lê Hiền Minh

Sinh năm 1979 tại Hà Nội, hiện sống tại Sài Gòn. Tốt nghiệp Học Viện Mỹ Thuật Cincinnati, Ohio, USA, chuyên khoa Hội họa.

TRIỂN LÃM CÁ NHÂN
2010 – Thân thể. Vermont Studio Center, Johnson, Vermont, USA. 11. 10 – 9. 12
2007 – Lê Hiền Minh. Vietart Center, Hà Nội, Việt Nam. 4 – 8 tháng 5
2003 – Không đề. Gallery Mai, Tp.HCM, Việt Nam. 15 – 22 tháng 5

TRIỂN LÃM NHÓM
2012 – Kẻ bộ hành. Bảo tàng Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. 30 tháng 3 – 6 tháng 4
2011 – Watusi Regime. Park Armory Avenue, floor 4th, New York, USA. 18 – 19 tháng 2
2009 – Tưởng gần nhưng lại là xa.  International Incheon Women Artist’s Biennale, thành phố Incheon, Hàn Quốc. 1 – 31 tháng 8
2004 – Tình trạng lấp lửng. Gallery Warsaw Project Space, Cincinnati, USA
10 – 19. 12 – Tiếng nói hội họa hiện đại Việt Nam. Deutsche Telekom Tagungshotel, Stuttgart, Đức. 9. 11 – 9. 12

GIẢI THƯỞNG
2010 – Vermont Studio Center, Johnson, Vermont, USA
2010 – Yatoo, International Artist in Residency program 2010, Chungnam, Hàn Quốc
2009 – International Women’s Artist Biennale, Incheon, Hàn Quốc

 

**

Bài liên quan:

– Dó 10: Chim nhìn như đá, nhà nhìn như sắt? 
 18 chiều 20. 7: Lê Hiền Minh kỷ niệm một thập kỷ đi cùng giấy Dó
– Kỷ niệm 10 năm ngày mất BỐ HẠO của Lê Hiền Minh, và 10 năm chỉ dùng giấy dó    
– Xem “Bố Hạo” của Lê Hiền Minh: Trống rỗng và lạnh – những cảm xúc về bố?!
 

 

Ý kiến - Thảo luận

0:29 Thursday,8.11.2012 Đăng bởi:  Phương Doanh QB

Đúng là nghệ sĩ khác người thường. Khi bố Hạo mất thì cô nghệ sĩ Hiền Minh (sinh năm 1979) đã 23 tuổi. Lớn rồi không phải nhỏ. 10 năm qua cô không dám hay không thèm xem ảnh đám tang bố. Chính cô nói rằng 10 năm vừa rồi cô không muốn nhớ tới những kỷ niệm về bố. Tới khi cần th&igrav
...xem tiếp

0:29 Thursday,8.11.2012 Đăng bởi:  Phương Doanh QB

Đúng là nghệ sĩ khác người thường. Khi bố Hạo mất thì cô nghệ sĩ Hiền Minh (sinh năm 1979) đã 23 tuổi. Lớn rồi không phải nhỏ. 10 năm qua cô không dám hay không thèm xem ảnh đám tang bố. Chính cô nói rằng 10 năm vừa rồi cô không muốn nhớ tới những kỷ niệm về bố. Tới khi cần thì cô mở các vật dụng của bố và thư của bố ra để làm vật liệu cho triển lãm cá nhân.
Mà sự tri ân của cô đối với bố mới cảm động làm sao. Cô bảo bố Hạo đọc sách và kỳ vọng cô đọc sách. Nhưng cô thách thức bố bằng việc bày những cuốn từ điển không có chữ. Cô bảo đó là dân Việt Nam không biết Hán Việt. Một lý do sang trọng và lảng nhách. 10 năm. Những tưởng cô đã nhận ra bố mình và có một lời hứa với bố. Hứa sẽ đọc sách để bố không thất vọng. Nhưng sau 10 năm, Lê Hiền Minh chỉ tái khẳng định với bố là sẽ không đọc sách. Nhà sẽ không có sách báo đầy trên kệ như bố muốn. Cô thanh minh là cô có những cách học khác. Không có nghĩa tất cả đều phải từ sách.
Tôi chỉ thấy lạnh gáy trước những dòng chữ máu lạnh kia. Những đứa con châu Á mà hành xử chẳng khác gì Tây. Suy cho rốt ráo là ích kỷ. Ngay việc lấy tên bố ra làm triển lãm đã là một sự ích kỷ. Và thiếu tôn trọng.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả