|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamLê Hiền Minh kỷ niệm một thập kỷ đi cùng giấy Dó 20. 07. 13 - 11:42 amLê Hiền Minh
DÓ 10 Khai mạc: 18:00, thứ bảy 20. 07 Mọi người hay hỏi tôi đã chán giấy dó chưa? Tôi chưa bao giờ thấy chán. Ngay cả bây giờ sau một thập kỷ chỉ duy nhất sử dụng chất liệu này cho tất cả các tác phẩm của mình, tôi không có thói quen hỏi bản thân đã chán chưa. Sự hào hứng trong việc sử dụng một chất liệu quen thuộc khi bắt tay vào làm tác phẩm mới vẫn còn nguyên. Mười năm, con đường đồng hành với giấy dó dường như chỉ mới bắt đầu. 10 năm qua đối với tôi, điều quan trọng đầu tiên là giấy dó- một chất liệu phải phục vụ được yêu cầu của tôi trong công việc sáng tác. tôi yêu thích sử dụng đôi tay của mình trong việc tạo hình vật thể mà không phải thông qua những dụng cụ khác như búa, khoan, hay đục, vv. Đôi tay của tôi và những vật thể điêu khắc phải được trực tiếp giao diện với nhau. Với những tác phẩm cần có khuôn như dụng cụ trung gian duy nhất, thì sau khi lấy vật thể ra khỏi khuôn, tôi nhất định phải nắn chỉnh từng vật thể một bằng tay cho đến khi ưng ý. Nếu đôi tay là công cụ để đo đạc, tạo hình một cách chỉnh chu cẩn thận thì thiên nhiên mang đến những yếu tố không thể lường trước, không thể điều khiển. Với tác phẩm bằng giấy thì những yếu tố như mưa, nắng, gió, sương, độ ẩm, vv… đều dễ dàng làm thay đổi hoàn toàn hình khối, màu sắc, độ dầy mỏng của vật thể. Sự phóng khoáng của thiên nhiên nhiều lúc làm hỏng hết hình khối mà tôi đã dầy công tạo nên. Nhưng ngẫm lại tôi yêu thích sự “tàn phá” này. Tôi yêu thích sự đối lập với cái đầy tính toán, đầy chỉnh chu của đôi tay. Trong 10 năm qua, tác phẩm của tôi đi qua nhiều thời kỳ: 2002: Thời kỳ đầu thử nghiệm trên bề mặt giấy dó bao gổm chùm tác phẩm “Đường phố, xe cộ, mưa, người” 2002- 2004: Bắt đầu tạo hình điêu khắc bằng giấy dó. Đi sâu vào việc nghiên cứu chất liệu giấy bằng việc ngâm, tẩm, đốt, đo độ dãn nở, vv, qua loạt tác phẩm ” Trứng”, “Hạt”, “Nhà”. 2005-2007: Đi sâu vào cách tạo hình điêu khắc qua tác phẩm “Mây”, Sâu”. Mối quan hệ tương tác giữa vật thể và không gian sắp đặt được nghiên cứu kỹ. 2009-2012: Tối giản về hình thể, hạn chế sử dụng màu sắc. Chủ yếu giữ nguyên màu cơ bản của chất liệu. Qua những thời kỳ trên, dù ý tưởng của từng tác phẩm đều khác nhau nhưng trên phương diện tổng quát thì tất cả đều thể hiện những gì gần gũi với tôi, phản ánh những gì đã và đang xảy ra với tôi. Có thể đấy là về một sự mất mát, một ký ức của cá nhân như tác phẩm Sách Từ Điển. Có thể đấy là về một cảm nhận lơ lửng không biết mình thuộc về nơi chốn nào như tác phẩm Chim. Hoặc có thể đấy là về những tiềm thức mơ hồ mà bản thân tôi đến hôm nay vẫn chưa rõ. Đến một thời điểm nào đấy, tác phẩm bằng giấy sẽ được phân rã hoàn toàn. Như chính bản thân, tôi được sinh ra, lớn lên, già đi rồi sẽ quay về với đất mẹ. Tôi và tác phẩm cùng tuân theo một vòng đời tự nhiên. LÊ HIỀN MINH * Hình ảnh một số tác phẩm: (trong cả bài các bạn nhấn vào ảnh để xem ảnh lớn hơn) Tác phẩm: Sách từ điển 2012
Tác phẩm: Tượng 2011
Tác phẩm: Cơ thể 2010
Tác phẩm: Chim 2009
Tác phẩm: Sâu 2007
Tác phẩm: Mây 2005-2006
Tác phẩm: Nhà 2004
Tác phẩm: Trứng 2004
Tác phẩm: Hạt 2004
Loạt tác phẩm: Đường phố, xe cộ, mưa, người 2002
*
Bài liên quan: – Dó 10: Chim nhìn như đá, nhà nhìn như sắt? Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|