|
|
|
|||||||||||||
Chính trịMyanmar: từ thân Tàu đến chạy ù sang với phương Tây16. 11. 15 - 8:02 amMi An SanBất chấp một thực tế là giới tướng lĩnh quân đội Myanmar vẫn nắm quyền tối hậu đối với mọi quyết định chính trị ở Myanmar (đặc biệt nếu như chúng lại đụng chạm đến lợi ích của giới quân sự nước này), thế nhưng thắng lợi áp đảo của đảng do bà Aung San Suu Kyi – một biểu tượng của dân chủ – đứng đầu trong cuộc bầu cử vừa mới diễn ra ở Myanmar đã tạo nên một luồng không khí phấn khích quét qua nhiều lục địa. Câu nói cửa miệng hiện nay là “Dân chủ đã đến rồi!” (với Myanmar). Vậy thực ra là dân chủ đã chạy đến với Myanmar (nhờ sự cho phép của giới quân sự) hay Myanmar đã chạy đến với dân chủ (ở đây thường được đồng nghĩa với phương Tây) như trong một cmt của bạn Sáng Ánh? Câu trả lời không đến như đáp số của một bài toán đơn giản, mà thật ra là kết quả của một phương trình với vô vàn tham số… Một vụ chuyển thủ đô bí hiểm chưa từng có Trong một thời gian dài, dưới con mắt thế giới, Myanmar là một quốc gia bí hiểm, về mặt này có lẽ chỉ đứng sau Bắc Hàn. Sau thời kỳ đệ nhị thế chiến mà Myanmar là một trong những mặt trận chính (bộ phim hay kinh điển 7 giải Oscar “Cầu sông Kwai” lấy bối cảnh chính là ở Myanmar, khi ấy còn mang tên là Burma-Miến Điện), Myanmar bất ngờ xoay sang hướng phát triển… xã hội chủ nghĩa! Cầm đầu cuộc đảo chính năm 1962 thành công (lưu ý là Myanmar cũng là một nước thường xuyên xảy ra đảo chính), tướng Ne Win quyết định đưa đất nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và tới năm 1974, thậm chí nước này còn đổi tên chính thức thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Liên bang Myanmar. Nhưng cho dù mang tên hiệu hay hướng đất nước theo con đường nào đi nữa thì trước sau, ở Myanmar vẫn có một điều không thay đổi: những người nắm quyền lực thực sự là giới quân sự, cụ thể là các tướng lĩnh. Chính bởi thế mà có nhiều quyết sách ở đất nước này được thực hiện theo kiểu rất “tướng lĩnh”, có nghĩa là cứ ra lệnh là a lê hấp, thực hiện, không có bàn cãi lôi thôi gì hết. Việc di chuyển thủ đô của Myanmar là một điển hình. Vào sáng sớm một ngày đầu tháng 11. 2005, rất nhiều quan chức Myanmar hạng trung đang sống ở thủ đô Rangoon bỗng dưng được thông báo thu xếp đồ đạc lên xe ô tô để chuyển thủ đô! Những người trong gia đình không được phép đi theo. Vậy là ròng rã mấy ngày sau đó, các xe vận tải quân sự của quân đội miệt mài chở các quan chức cùng đồ đạc văn phòng tới một địa điểm cách Rangoon khoảng 350 cây số về phía Bắc, được đặt tên là Naypyidaw. Đấy là một vùng rừng núi hoang vu nằm ở trung bộ Myanmar, đã được chính quyền bí mật cho xây cất các trụ sở các bộ ban ngành, quan chức và nhân viên nhà nước đến nơi chỉ việc vào làm việc. Nhiều nước trên thế giới mãi một thời gian sau mới biết là Myanmar đã có thủ đô mới! Một thời gian sau đấy, người ta vẫn không biết nguyên do thật sự của việc Myanmar quyết định chuyển thủ đô từ thành phố Rangoon sầm uất về Naypyidaw heo hút là gì. Giới chức quân sự Myanmar thì chính thức giải thích rằng vì Naypyidaw nằm ở trung tâm quốc gia nên dễ dàng liên kết với các vùng khác của đất nước (không rõ liên kết để làm gì, không lẽ để đi lại cho tiện), nhưng ít người tin vào lời giải thích này. Cách lý giải được truyền tụng phổ biến (và nhiều người tin) là một hôm, tướng Than Shwe, người lãnh đạo cao nhất Myanmartừ thập niên 90, được một nhà chiêm tinh học báo cho biết là thủ đô Rangoon có thể bị một lực lượng “nước ngoài” đến từ phía biển đánh chiếm. Nghe có lý bởi “nước ngoài” đây có thể là Mỹ (?) và Rangoon cách bờ biển ở vịnh Martaban có 30 cây số, biệt kích Ranger của Mỹ hành tiến chỉ chừng nửa tiếng là đến nơi. Nay lùi vào rừng rậm ở sâu trong đất liền sẽ giúp chính quyền quân sự có thời gian chuẩn bị kháng chiến, nếu sự biến xảy ra. Một lý do khác cũng đáng tin là vào thời gian ấy, “cách mạng màu” đang nở rộ ở nhiều nước châu Âu. Việc chuyển thủ đô tới Naypyidaw đã triệt tiêu hầu như hoàn toàn nguyên nhân của các cuộc “cách mạng màu”: ai đã từng tới đây đều thấy thủ đô Myanmar vắng hoe vắng hoắt với những con đường bê tông rộng tới 20 làn xe không một bóng người; đường rộng thênh thang chỉ loe ngoe vài mạng, không có dân thì lấy đâu ra người đi biểu tình mà đòi có “cách mạng màu”! Lợi thế nhờ được “quá giang” Nỗi lo bị “xâm chiếm” cũng như gặp phải “cách mạng màu” đã là một trong những nguyên nhân khiến trong một thời gian dài, Myanmar ngả vào vòng tay dịu êm Trung Quốc. Trong con mắt của nhiều nhà lãnh đạo Trung Nam Hải, Myanmar ở vào một vị trí địa chiến lược có ý nghĩa quý giá vô song, cả về kinh tế cũng như quân sự. Lâu nay, Trung Quốc phát triển chuỗi thành phố phía đông ven biển nhờ vào thông thương ra Thái Bình Dương. Các thành phố ven biển giàu nhanh quá, trong khi đại đa số phần phía Tây trong lục địa, ngoại trừ thành phố Trùng Khánh, đều nheo nhóc, đói khát. Trung ương lo, nhỡ chênh lệch giàu nghèo bất bình đẳng giữa hai vùng nó “đục” lẫn nhau thì không ổn, nên quyết phải phát triển kinh tế phía Tây, cũng bằng cách phải đi ra biển. Mà cách duy nhất để thông thương ra biển (Ấn Độ Dương) là quá giang qua… Myanmar! Hơn thế nữa, về mặt quân sự, lối ra Thái Bình Dương phía Đông bị Nhật Bản và Đài Loan án ngữ, xuống phía Nam thì gặp phải ông Đại Cồ Việt cứng đầu nên một phương án dự bị thông ra vịnh Bengal trên Ấn Độ Dương là điều Trung Quốc phải tính đến. Đó chính là căn nguyên ra đời chính sách “hai đại dương” của Trung Quốc (gồm Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương) mà chính sách này sẽ không thể thành công nếu không có Myanmar. Ít ai để ý một điều là đường biên giới của Myanmar với Trung Quốc dài nhất trong số các nước nằm phía nam Trung Quốc (hơn 2100 cây số) và Myanmar cũng có tới gần 2000 cây số bờ biển. Bởi vậy, bằng mọi giá, Trung Quốc phải có Myanmar. Cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc đưa các nước vào quỹ đạo thông qua con bài kinh tế gần như khác hoàn toàn với phương Tây và phần còn lại của thế giới. Trong khi tất cả hầu như chỉ hướng tới việc giảm hàng rào thuế quan (để hạ giá thành, giúp lưu chuyển hàng hóa, tăng sức cạnh tranh và qua đó phát triển kinh tế) thì Trung Quốc lại có một lựa chọn khác: xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế ở những vùng mà Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng. Đây là cách tiếp cận của “đại gia” đang có khoản dự trữ ngoại tệ cực khủng, lớn nhất thế giới. Chính vì thế mà Myanmar đã tiếp nhận rất nhiều dự án xây dựng khổng lồ do các nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Một tuyến đường sắt cao tốc trị giá 20 tỷ USD đang được xây dựng, nối thẳng Rangoon tới Bắc Kinh! Một tuyến đường cao tốc do nhà thấu Trung Quốc đầu tư nối với một cảng biển ở vịnh Bengal cũng lại của Trung Quốc đầu tư! Các đường ống dẫn dầu và khí thiên nhiên nối từ vịnh Bengal và các mỏ khí của Myanmar đưa dầu khí của châu Phi, châu Âu (từ tàu biển) và của chính Myanmar về Vân Nam, Trùng Khánh, Côn Minh… Tóm lại, bằng việc xây các tuyến đường sắt, đường bộ, cảng biển chằng chịt ở Myanmar, Trung Quốc đã nắm khá chặt quốc gia này trong một thời gian dài. Năm 1991, thậm chí cố vấn quân sự Trung Quốc còn có mặt ở Myanmar. Trung Quốc luôn là thị trường, là bạn hàng lớn nhất của Myanmar, năm 2013, mậu dịch song phương đạt tới 10,1 tỷ USD, tăng tới 10 lần trong vòng một thập niên. Nỗi sợ vòng tay Tàu Nhưng sự đời xoay chuyển, Trung Quốc đã gặp phải sự giành giật Myanmar từ một đối thủ ngang tầm: Hoa Kỳ. Việc chính quyền ông B.Obama quyết định chuyển dịch trọng tâm về châu Á – Thái Bình Dương đã buộc Mỹ phải cài đặt lại quan hệ với một số quốc gia trong vùng, mà Myanmar là một trọng tâm. Từ phê phán chính quyền quân sự độc tài, chuyển sang ngọt nhạt hứa hẹn nếu cải cách dân chủ sẽ giảm bớt cấm vận trừng phạt. Từ cô lập cao độ, đến cử các đặc sứ sang Myanmar. Đặc biệt, chuyến xuất tướng cuối năm 2011, Mỹ cử hẳn ngoại trưởng Hillary Clinton sang thăm Myanmar, chuyến công du cao cấp tới Myanmar đầu tiên của Mỹ sau 50 năm, đã “phá băng” mối quan hệ hai bên, kéo dần Myanmar ra khỏi vòng tay Trung Quốc. Những động thái này được hỗ trợ khá tích cực bởi… Trung Quốc! Chính xác hơn là bởi các nhà thầu Trung Quốc. Những công trình xây dựng của Trung Quốc trên đất Myanmar sau một thời gian đã bắt đầu bộc lộ những căn tính cơ bản chết người: phá hoại môi trường, làm hư hại di sản văn hóa. Ở mỏ đồng Letpadaung do nhà thầu Trung Quốc làm chủ khai thác, “chiến tranh” giữa người dân và các ông chủ Tàu kéo dài ròng rã hai năm mà không đi đến hổi kết. Tình cảm ghét Tàu bắt đầu lan rộng trong người dân Myanmar. Quan trọng hơn cả, sau nhiều năm hợp tác hữu nghị với Bắc Kinh, Myanmar vẫn nằm trong số các quốc gia nghèo nhất châu Á. Người dân Myanmar cần dân chủ, nhưng còn cần hơn những cải thiện về đời sống, mà điều đó chỉ có được nếu sự cô lập và những lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế nhằm vào Myanmar được dỡ bỏ. Trung Quốc không làm được điều đó. Những ông tướng cai trị Myanmar cũng không ngu ngơ gì mà không nhận ra tình cảm của dân chúng đang lệch theo hướng nào. Hơn thế nữa, bài học kinh điển “không nên bỏ tất cả trứng vào một rổ” luôn đúng, trong tình yêu trong cả chính trị, lại dễ áp dụng. Huống hồ Mỹ và phương Tây lại đang chìa bàn tay hữu nghị ra. Bị cô lập trong một thời gian dài nên buộc phải dựa vào Trung Quốc, nhưng khi đã có cơ hội để “thoát Trung”, các ông tướng không để lỡ. Thế nên trong một chuyến thăm Ấn Độ (cũng là quốc gia đang giành giật Myanmar với Trung Quốc), Tổng thống Thein Sein đã công bố đình chỉ một dự án “khủng” xây đập thủy điện Myitsone trên sông Irrrawaddy do một nhà thầu Trung Quốc thi công, với lý do dự án này “đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân”. Một thông điệp trị giá 3,6 tỷ USD! Một năm sau chuyến thăm lịch sử của bà Hillarry Clinton, đến lượt Tổng thống Mỹ B.Obama bất ngờ thăm Rangoon trong 6 giờ đồng hồ. Hình ảnh vị Tổng thống Mỹ đi chân trần thăm chùa Vàng Shwedagon cho thấy sự biến chuyển nhanh đến chóng mặt trong quan hệ của Myanmar với Mỹ. Có vẻ như tiền bạc của Trung Quốc đã không đủ mạnh để chống lại lực ly tâm của Naypyidaw! Trung Quốc giận lắm. Nên không lạ gì khi trong một cuộc đụng độ hồi tháng 3 năm 2015 giữa quân chính phủ Myanmar với một nhóm vũ trang đòi tách khỏi chính quyền trung ương ở khu vực biên giới với tỉnh Vân Nam, một máy bay của Myanmar chẳng may thả bom nhầm sang lãnh thổ Trung Quốc làm 6 người dân Trung Quốc thiệt mạng, Bắc Kinh đã làm ầm ĩ lên, đòi trừng phạt nặng Myanmar… Cuộc bầu cử vừa diễn ra là kết quả hợp logic của những gì đã xảy ra ở Myanmar trong một thời gian dài, là lựa chọn của Myanmar trước ván cờ lớn với những đòn thế của các tay chơi thượng thặng là Mỹ và Trung Quốc. Với thắng lợi của đảng do bà Aung San Suu Kyi đứng đầu, không loại trừ là Mỹ sẽ cần tiếp tục tăng thêm sức ép để chiến thắng bên hòm phiếu của bà Aung San Suu Kyi biến thành thực tế trên chính trường Myanmar. Và (giới quân sự) Myanmar sẽ phải cân nhắc có ngả hẳn về với phương Tây để “thoát Trung” không hay sẽ đong đưa một lát? Lại cần một chuyến thăm bất ngờ nữa của Tổng thống B.Obama chăng? Tại sao không?
Ý kiến - Thảo luận
12:31
Tuesday,17.11.2015
Đăng bởi:
Candid
12:31
Tuesday,17.11.2015
Đăng bởi:
Candid
@a tủm: để bữa nào em viết kể chuyện đi hát Karaoke ở đây, chỉ sợ mang tiếng tuyên truyền lối sống không lành mạnh :D
11:28
Tuesday,17.11.2015
Đăng bởi:
a tủm
Rồi, bác Candid thấy thủ đô người ta vắng vẻ nên sang thúc đẩy tăng trưởng dân số đây mà :)))
...xem tiếp
11:28
Tuesday,17.11.2015
Đăng bởi:
a tủm
Rồi, bác Candid thấy thủ đô người ta vắng vẻ nên sang thúc đẩy tăng trưởng dân số đây mà :)))
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp