Chính trị

Vì sao “khoảnh khắc Mandela” của Aung San Suu Kyi lại là một chiến thắng của các tướng lĩnh Miến Điện 11. 11. 15 - 11:01 am

Maung Zarni - Sáng Ánh st, Phát Tường dịch

 

Phong cảnh Myanmar, hình từ trang này

Mặc dù sống lưu vong cách Myanmar 6,000 dặm, tôi gần như có thể nếm được sự phấn chấn. Đảng đối lập được quần chúng yêu mến của Aung San Suu Kyi – đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD)– đã thắng một trận long trời lở đất trong một cuộc bầu cử với nhiều đảng. Và 31 triệu cử tri, rõ ràng hầu hết là ủng hộ NLD, đang nhấm nháp một khoảnh khắc chiến thắng chờ đợi đã lâu. Thủ lĩnh của NLD – người mà họ gọi là Amay, hay mẹ, đang xuất hiện trên TV, đôi mắt lấp lánh nước mắt vui sướng.

Ngay cả các phóng viên nước ngoài chuyên viết về đất nước này suốt 25 năm qua kể từ khi Aung San Suu Kyi bị quản thúc cũng khó mà giấu nổi niềm hào hứng của họ trước cái viễn cảnh một kỷ nguyên mới của tự do và dân chủ được mở ra dưới sự lãnh đạo có tính thực tiễn và bất bạo động của bà.

Thời điểm (kiểu) Mandela của Myanmar đã tới? Có thật thế không?

Bà Aung San Suu Kyi được nhân dân đón chào sau bầu cử chiến thắng. Ảnh của Chistophe Archambault

Một phân tích bình tĩnh có thể là cần thiết. Bên cạnh việc các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar đã và sẽ, theo đúng hiến pháp, ngăn bất cứ khả năng nào để “người Phụ nữ này” với hai “con trai không thuần chủng” và “những đặc quyền của ngoại quốc” (*) thâu tóm chức tổng thống, thì đảng của bà Aung San Suu Kyi còn phải đối mặt với những rào cản cực lớn, để biến sự ủy thác của quốc hội cho người rõ ràng là chiến thắng trong cuộc bầu cử này thành một bước thực tiễn, tiến tới một chính phủ thực sự là đại diện (cho người thắng cuộc).

Bà Aung San Suu Kyi nói chuyện với các cử tri tại cuộc vận động tranh cử của bà tại Kawhmu. Hình từ trang này

Và đây không phải là lần đầu tiên quần chúng cảm thấy hân hoan về sức mạnh của lá phiếu mình bầu. Hồi tháng 5. 1990, Aung San Suu Kyi và đảng đối lập khi đó còn non trẻ của bà đã chiến thắng, (đáng lẽ phải) giành được một sự ủy thác mang tính quyết định (của quốc hội) với 82% ghế ở nghị viện và 62% tổng phiếu bầu. Chiến thắng lẫy lừng này đã tới mặc cho ngay trước ngày bầu cử, các tướng lĩnh đã bắt bà và các đại biểu quốc hội đồng nghiệp của bà đem quản thúc, nhằm tách họ khỏi quá trình bầu cử. Và những người đối lập ngày hôm nay hiểu rất rõ cảm giác thế nào khi 25 năm trước không thể chuyển sự ủy thác này (của toàn dân) thành một thành quả chính trị thực sự hay đưa đất nước đi trên con đường dân chủ.

Nhưng ngày ấy các tướng lĩnh đã hủy kết quả của cuộc bầu cử và bỏ tù hàng trăm đại biểu quốc hội mới được bầu. Lý do của họ là đảng NLD đã bị cộng sản thâm nhập, là một hiểm họa cho an ninh quốc gia.

Aung San Suu Kyi hồi 1990. Ảnh từ trang này

Nay, 25 năm sau, Myanmar lại rơi vào một hoàn cảnh tương tự. Lần này giới quân sự thống lĩnh đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với sự thách thức của dân chủ hóa trong nhân dân, thông qua quan điểm về bầu cử. Để hiểu được Aung San Suu Kyi và đảng đối lập của bà đã khó khăn ra sao để đưa đất nước đi theo một đường hướng dân chủ đích thực, nhất thiết phải hiểu quân đội nước này – vốn phát xít trong gốc rễ, độc đoán trong vận hành – đã định nghĩa và tiếp cận vấn đề dân chủ trong bầu cử ra sao.

Tướng Thura Shwe Man (trái), là người lãnh đạo có quyền lực hàng thứ ba trong chính phủ, tướng Thein Sein (khi ấy là thủ tướng, thứ hai từ trái sang) và các sỹ quan đang xem duyệt binh trong lễ kỷ niệm Quân đội ở Naypyitaw, hôm 27. 3. 2010. Ảnh của Soe Zeya Tun

Để bắt đầu, cuộc bầu cử do các tướng lĩnh giám sát được tổ chức đây không phải để bắt đầu một chính phủ đại diện như vẫn được hiểu ở bất kỳ hệ thống nào đúng nghĩa của từ “dân chủ”. Cuộc bầu cử này là để hợp pháp hóa cái hệ thống mà các tướng lĩnh ở đây gọi là “nền dân chủ triển nở có kỷ cương” (discipline-flourishing democracy). Điều này có nghĩa rằng quân đội là người cai quản tối cao, có quyền lực để trừng phạt bất kỳ chính phủ được bầu nào, đại biểu quốc hội được bầu nào dám đi chệch khỏi con đường mà quân đội đã chọn, cũng như đi chệch khỏi định nghĩa của nó về nền dân chủ ở quốc hội.

Tại lễ duyệt binh 2013, với ông Thein Sein (trái) đã thành tổng thống, và bà Aung San Suu Kyi. Ảnh của AFP

Công cụ chính của quân đội là hiến pháp năm 2008. Hiến pháp này đã đặt lợi ích cốt lõi của quân đội cao hơn cả luật pháp và giám sát của quốc hội. Đó là trong những vấn đề như ngân sách quân đội, quyền chỉ định chức vụ, các tập đoàn kinh tế, và các vấn đề về an ninh.

Đặc biệt, hiến pháp này ban quyền cho vị tổng tư lệnh tối cao được chỉ định và kiểm soát mọi thành viên chính phủ chịu trách nhiệm trong các bộ liên quan tới tình trạng an ninh quốc gia, như bộ nội vụ, quốc phòng, biên giới (xử lý những vấn đề sắc tộc và chiến lược). Vị này cũng có quyền phê duyệt mọi ứng viên tổng thống và phó tổng thống. Nói cách khác, vị quân nhân tối cao này có thể làm một cuộc đảo chính bất cứ khi nào vị thấy thích hợp.

Thêm vào đó, vị này còn nắm quyền phủ quyết bất kỳ một nỗ lực nào của một chính phủ do dân bầu nào muốn sửa đổi hiến pháp 2008, một hiến pháp dĩ nhiên bảo vệ cho những đặc quyền đặc lợi của quân đội. Ngay cả nếu bây giờ đảng NLD có thành lập được một chính phủ, thì quân đội toàn quyền kia có thể và sẽ từ chối mọi thay đổi của chính phủ này tìm cách chuyển “nền dân chủ triển nở có kỷ cương” kia thành thứ gì đó dân chủ hơn và ít kỷ cương hơn.

Aung San Suu Kyi đi ngang các đại biểu quốc hội là tướng lĩnh khi bà lên đài phát biểu tại quốc hội, 2012. Ảnh từ trang này

Nên chẳng có gì ngạc nhiên khi tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, với một nụ cười mỉm trên mặt, đã xóa sạch mọi nỗi sợ hãi rằng quân đội có thể sẽ làm đảo chính, hủy bỏ kết quả bầu, và nhốt các nghị viên mới. Một cuộc đảo chính là “không thể hiểu được”, ông ấy nói.

Về phần mình, với vương vị chủ tịch thường trực của đảng Đoàn kết Thống nhất và Phá triển, vị tướng về hưu Htay Oo nghe nói đã thừa nhận đảng của ông chịu thua đau ở nhiều vùng. Nhưng mặc cho thất bại, trông ông vẫn thư thái đến lạ lùng khi nói rằng đảng cầm quyền sẽ chấp nhận bất kỳ kết quả nào, kể cả chiến thắng vang dội của NLD, và nhiệm vụ của các tướng lĩnh là đưa đất nước đi trên con đường dân chủ. Ông ấy có thể nói thế, bởi vì dĩ nhiên đó là phiên bản dân chủ của quân đội Myanmar.

Ảnh chụp hồi 2012, ông Htay Oo và bà Aung San Suu Kyi.bắt tay tại Quốc hội. Ảnh từ trang này

Nắm chắc những nguồn thu lợi bất minh – hàng tỉ đô la kiếm được từ việc buôn bán ngọc, khí tự nhiên và những tài sản quốc gia khác, cùng một phần tư thế kỷ của “Chủ nghĩa Tư bản mang màu sắc Miến Điện” của quân đội, cùng với thứ hiến pháp ban cho cái quyền có thể lấy lại quyền lực bất cứ lúc nào, các tướng lĩnh sẽ cứ thế mà mỉm cười thôi.

Đó là một sự “win-win” – mặt nào cũng thắng”: có sự thay đổi nhanh chóng với những vọng âm từ Mùa xuân Ả rập mà lại không đổ máu, không hỗn loạn. Quần chúng và phe đối lập được trải qua một làn sóng phù du khác của hân hoan. Các chính phủ dân chủ ở Washington, London, Paris hay Canberra giờ có thể đề cao Miến Điện như một câu chuyện thành công của một thứ thỏa thuận về quân sự, ngoại giao và làm ăn mà họ thực hành để đối lại với Trung Quốc. Phần Aung San Suu Kyi giờ đã có thể chứng tỏ được vị thế ngang ngửa Mandela của bà, cũng như lựa chọn của bà về một chiến lược thực tiễn để thôi gây bất ổn, khỏi đấu tranh cam go cho nhân quyền.

Bà Aung San Suu Kyi tại quốc hội ở Naypyidaw. Ảnh của CNN

Và thế là sẽ không ai quan tâm nữa rằng chính nền “dân chủ” này, được những diễn viên đầy quyền lực trên đỡ đẻ, đã loại trừ và tước đoạt phúc lợi, lợi ích của những sinh viên và nhà hoạt động xã hội đang bị cầm tù ở quốc gia này, của những nông dân, những dân tộc thiểu số ở những vùng nội chiến, và của những người Rohingya cùng những người Hồi giáo khác bị tước quyền công dân.

*

(*) Hiến chương 2008 quy định kết hôn với người nước ngoài và có con mang quốc tịch nước ngoài không được làm tổng thống để cản lối của bà ASSK.

Tác giả bài viết là một nhà hoạt động nhân quyền người Myanmar Phật giáo. Ông lưu vong tại Anh quốc, hiện thỉnh giảng và nghiên cứu tại đại học London School of Economics.

Ý kiến - Thảo luận

16:27 Wednesday,31.3.2021 Đăng bởi:  Minh
Sao hồi đó quân đội Myanmar không làm đảo chính như bây giờ nhỉ? Chắc giờ họ thất bại thê thảm (trong bầu cử) hơn.
...xem tiếp
16:27 Wednesday,31.3.2021 Đăng bởi:  Minh
Sao hồi đó quân đội Myanmar không làm đảo chính như bây giờ nhỉ? Chắc giờ họ thất bại thê thảm (trong bầu cử) hơn. 
21:53 Thursday,18.3.2021 Đăng bởi:  Sao Lại Xát Muối Vào Mồm Em
Chà chà, 6 năm rồi và bác SA vẫn cứ là nói đúng (như mọi khi)
...xem tiếp
21:53 Thursday,18.3.2021 Đăng bởi:  Sao Lại Xát Muối Vào Mồm Em
Chà chà, 6 năm rồi và bác SA vẫn cứ là nói đúng (như mọi khi) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả