Nghệ sĩ Việt Nam

Theo Vi Thùy Linh, đây là sự kiện chấn động mỹ thuật Việt Nam 08. 04. 13 - 12:44 pm

Vi Thùy Linh (Nguồn: Dân Việt)

SOI: Trên Dân Việt có bài viết: “Triển lãm dành cho các liệt sĩ Trường Sơn và câu chuyện của những số phận” của nhà thơ Vi Thùy Linh. Theo chị, đây là sự kiện chấn động của mỹ thuật Việt Nam. Mời các bạn đọc bài viết rất công phu này.

*

Dân Việt – Tại Nghĩa trang Trường Sơn, từ chiều 6 – 7. 4. 2013 đã diễn ra cuộc triển lãm chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật. 120 tranh, điêu khắc giấy dành cho khán giả đặc biệt: hàng vạn liệt sĩ.

Chủ dự án độc đáo này là hoạ sĩ Trần Nhật Thăng, con trai đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy.

Từ 1 – 7. 4, tại Nghĩa trang Trường Sơn diễn ra lễ cung nghinh Phật ngọc Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308). Bức tượng đá khổng lồ hơn 4 tấn đặt tại nghĩa trang Trường Sơn và lễ cầu siêu cho các liệt sĩ tổ chức tại đây. Cách TP Đông Hà (tỉnh lỵ) Quảng Trị 20 km, nghĩa trang Trường Sơn – nghĩa trang lớn nhất Việt Nam nơi có 1 vạn mộ liệt sĩ, đánh dấu một triển lãm chưa từng có.

Trần Nhật Thăng chuẩn bị tranh đi Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

 

Trong vòng quay lợi, danh và nếp nghĩ thông thường, mọi triển lãm, trưng bày xưa nay đều dành cho khán giả, công chúng, người đang sống. Hình như chưa ai nghĩ và muốn làm sự kiện nghệ thuật nào chỉ cho người khuất. Nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang lớn nhất Việt Nam, nơi nhà thơ Nguyễn Hữu Quý viết bài thơ ấn tượng Khát vọng Trường Sơn (giải Nhì, không có Nhất, cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, 1996).

Nghĩa trang Trường Sơn là biểu tượng dâng biến thiêng liêng của thế hệ thanh niên lao vào tuyến lửa, nguyện hy sinh tuổi xuân, cuộc đời mình:

Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh
Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi
Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi
Mười nghìn vết đau, mười nghìn vòng trắng
Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần

Một số họa sĩ tham gia sự kiện này còn có lý do riêng của đời mình.

Họa sĩ Trần Nhật Thăng đến Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm hôm 15. 3, trình bày dự án với Cục trưởng, họa sĩ Vi Kiến Thành ủng hộ và nhanh chóng cho gửi công văn tới Sở VH, TT& DL Quảng Trị và sáng 1. 4, ông đã tặng 2 tranh vẽ phố cổ Hà Nội và phong cảnh nông thôn.

“Quê”, Vi Kiến Thành, Hà Nội

Giám đốc Sở Nguyễn Hữu Thắng tiếp nhận, bất ngờ và hoan nghênh. Ban tổ chức Lễ cầu siêu và Lãnh đạo nghĩa trang Trường Sơn đồng ý. Thăng cấp tập gọi điện, thông báo trên web: www.soi.today mời đồng nghiệp cả nước đến sát lúc đi. Anh tiếp tục nhận tranh sát phút khởi hành, công việc làm bo tranh chưa kịp xong, vào Quảng Trị làm tiếp.

Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc
Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta
Mười nghìn con đò thương về bến đợi
Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa.

Âm-dương không ranh giới. Chàng lính tăng 40 năm trước – họa sĩ Lê Trí Dũng (1949) gửi tranh đầu tiên, 4 bức (50 x 70cm), Cánh rừng dioxin, Nữ du kích Cửa Việt, Chân dung người lính (mũ tai bèo chụp lên ba lô bên khẩu AK) với dòng chữ “Cầu chúc linh hồn đồng đội siêu thoát”, Sen quê nhà, dùng chì, than, bút dạ.

Nhập ngũ tháng 1. 1972, họa sĩ Lê Trí Dũng chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, ở Cửa Việt, bị mảnh bom vào đầu gối phải. Di chứng chiến tranh vẫn làm ông nhức nhối, thêm bệnh dạ dày, ù tai. Họa sĩ Lê Trí Dũng nói: “Khi chiến đấu và hy sinh, anh em đâu tiếc máu, tiếc tính mạng; thì lúc này tôi tiếc gì tranh“.

“Sen quê”, Lê Trí Dũng, Hà Nội

Họa sĩ Quách Đông Phương (1961) có cha là liệt sĩ Quách Đông Thạch (1929 – 1968), hy sinh tại Củ Chi, gần chục năm trước anh mới đưa được hài cốt cha về Hà Nội. Phương góp 1 tranh bột màu khổ 50 x 80 cm.

Cục phó Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh & Triển lãm Đoàn Thị Thu Hương (1961) rất tâm đắc với ý tưởng của Thăng. Bà nhận định: “Người ta làm nhiều thứ cho người sống, chưa ai sáng tác cho một triển lãm phục vụ liệt sĩ. Đây là cơ hội để chúng tôi tỏ lòng kính trọng và tưởng nhớ. Một cuộc hội tụ đầy giá trị nhân văn. Tặng hết tranh cho liệt sĩ, là chất của nghệ sĩ đích thực. Đúng vậy, đâu phải cái gì cũng nhìn qua lăng kính bạc tiền, cơm áo“. Họa sĩ Thu Hương đóng góp 4 bức acrylic trên giấy, cùng Lê Thị Minh Tâm (vẽ sen) là hai nữ họa sĩ của sự kiện này.

“Kỷ niệm Hà Nội”, Đỗ Minh Tâm, Hà Nội, 2008

Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ (1962) vẽ mực nho, tác phẩm Người đàn bà buồn, Phong cảnh Trùng Khánh ngay sau khi biết tin và anh đích thân đem tận nhà họa sĩ Trần Nhật Trăng ở 52 Hàng Bún gửi tranh.

“Người đàn bà buồn”, Hoàng Phượng Vĩ, Hà Nội

Họa sĩ Hoàng Đình Tài 1 tranh, họa sĩ múa rối Lê Đình Nguyên 3 tranh. Họa sĩ Trần Lê Nam (1962) gửi tranh sáng . 4, với câu chuyện cha con anh là người lính. Cha anh, liệt sĩ Trần Văn Trận (1929-1970) nhập ngũ năm 1944, hy sinh tại Campuchia. Năm 2002, Quân đội mới tìm thấy hài cốt của liệt sĩ và gia đình đưa về quê nhà. Bản thân ông Nam đã tham gia quân tình nguyện đánh Pôn Pốt, từ 1979-1983. Anh làm tranh dán bằng giấy vàng mã gửi tặng liệt sĩ Trường Sơn. Nhà điêu khắc Trần Hoàng Cơ làm tượng giấy xong hôm 1. 4.

“Long mã”, nghệ sĩ điêu khắc Trần Hoàng Cơ, Hà Nội, 2013.

Nhà điêu khắc Đặng Đức Thành là Phật tử, gửi tranh vẽ mây. Nhà điêu khắc Nguyễn Tuấn làm tượng khổng lồ, sẽ chở vào Quảng Trị bằng xe tải. Giảng viên mỹ thuật: họa sĩ Đỗ Minh Tâm, GS Đặng Quý Khoa (80 tuổi), thầy Thúy, người dạy Thăng môn Họa tại Nhà Thiếu nhi quận Ba Đình. NĐK Mỹ Dantortter gửi tranh, lại có cụ ông 96 tuổi, hưởng ứng nhiệt tình.

“Đàn bà”, Dan Portter (nhà điêu khắc, Mỹ, sống tại Hà Nội)

Kiến trúc sư Đỗ Trọng Hưng, kiến trúc sư Đặng Phương Việt góp 2 tranh.

Tác giả: KTS Đỗ Trọng Hưng (Hà Nội)

 

Sinh tại Hà Nội 1979, định cư từ 1989 tại TP. HCM, họa sĩ Nguyễn Sơn coi việc góp tác phẩm là nén hương tri ân các liệt sĩ nơi anh chưa từng đến. Sơn làm tranh cắt giấy (giấy bạc, đen), một sáng tác “khác hẳn lối vẽ thông thường, vì những người cõi – âm” đặc biệt. Anh còn vận động bạn bè thế hệ 7X, 8X, 9X góp sức bằng tranh phấn màu, acrylic, sắp đặt, gửi tham gia từ 28. 3. Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp góp 2 tranh màu nước trên giấy vẽ sen, hoa mặt trời.

Nhà thư pháp Bùi Hạnh Cẩn (SN 1919) không ”thua” lớp trẻ. Chiều 28. 3 nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đến tận nhà Thăng chụp tranh và chiều 5. 4 ông gửi tặng liệt sĩ 2 ảnh đen trắng đặc biệt: các nhân vật trong ảnh đã mất, trừ tác giả. Đó là ảnh lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh đeo máy ảnh đứng bên hồ Gươm năm 1994; ông Toán cùng thi sĩ Hoàng Cầm gặp nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và nhà văn Hòa Vang đi bộ xuyên Việt năm 1993, chụp tại thành cổ Quảng Trị. Các nhà nhiếp ảnh: Trần Việt Đức (4 ảnh đen trắng), Xuân Trường, Na Sơn (mỗi người 2 ảnh màu) gửi tác phẩm rất sớm.

Chợ vùng cao (Hà Giang), Na Sơn (Hà Nội), 2008

2 họa sĩ Thái Bình: Văn Lợi, Trung Dũng; 3 họa sĩ Hưng Yên: Thái Cơ, Ngọc Phước, Việt Trung; họa sĩ Thanh Hóa: Hoàng Linh đã gửi tranh bột màu. Họa sĩ Đặng Tiến (Hải Phòng) biết tin sát ngày, vẽ kịp thời 1 bức trong khi đồng hương Đinh Quân (1964) góp 2 tranh 60 x 80 cm, arcylic trên giấy, vẽ Phật.

“Tĩnh vật”, Hoàng Trung Dũng, 2013

 

“Bến Đục – Hương Tích”, Nguyễn Thái Cơ, Hưng Yên, 2013

 

Đinh Quân tâm sự: “Tôi đi bộ đội từ 1982 – 1985, đóng quân ở Hà Nội. Anh trai tôi đã chiến đấu ở mặt trận Tây Nam. Dự án này rất đáng trân trọng và duy trì. Vẽ Phật, tôi mong muốn cầu cho các linh hồn liệt sĩ được thanh thản“. Đồng cảm với Đinh Quân và các họa sĩ muốn cầu siêu cho liệt sĩ, Trần Nhật Thăng vẽ ba bức tranh sen bằng chất liệu acrylic trên giấy khổ A1.

“Sen Niết bàn”, Trần Nhật Thăng, Hà Nội, 2013

Sen là loài hoa có tính Phật giáo như lời cầu cho các liệt sĩ mãi yên nghỉ và trở về trong sự nhớ thương của quê hương thân thuộc, của người ruột thịt và nhân dân. Trần Nhật Thăng đã hỏi ý kiến thượng tọa Thích Minh Thành – trụ trì chùa Nhạn Tháp, Hưng Yên, GS Nguyễn Huệ Chi, nhà sử học Dương Trung Quốc về việc triển lãm và “hóa” tranh gửi liệt sĩ. Tất cả đều tán thành, khích lệ.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, hóa tranh là cách liên lạc hiệu nghiệm nhất khi muốn gửi tặng các liệt sĩ. Không bưu điện nào chuyển được quà cho người đã khuất, ngoài việc hóa để gửi. Thượng tọa Thích Quảng Thiện, Phó ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị, một trong các nhân vật chủ chốt của Lễ cầu siêu cho các liệt sĩ, đã xem giờ tốt cho đoàn khởi hành.

Tự bỏ tiền túi, lúc đầu, Trần Nhật Thăng tính đi tàu hỏa, vợ và 2 người bạn thân đi cùng. Sau, anh thuê ô tô 16 chỗ (thuê lái xe), 22 giờ tối 5. 4 xuất phát tại Hà Nội. Vợ chồng Thăng gửi 2 con gái lớn cho ông bà nội, bé út 15 tháng gửi bà ngoại. Bạn bè đồng hành góp sức: họa sĩ Phạm Trần Quân (1974) và vợ, em trai Phạm Trần Nguyên (1977, HLV Phó đội tuyển Karatedo quốc gia, HLV Đội tuyển Karatedo quân đội).

Họa sĩ Nguyễn Minh Hiếu cao 1m95 nhận phần treo tranh có họa sĩ Lê Thị Minh Tâm phụ giúp. Phạm Trần Nguyên sẽ mặc quân phục tại nghĩa trang Trường Sơn. Họ mang theo tranh, búa, kìm, đinh, dây thép và 2 cây đàn guitare. Các phụ nữ cùng Hoàng Lê Thùy Chi (1980) – vợ Thăng, sẽ lo mâm lễ đầy đủ như truyền thống xin phép các liệt sĩ. Tranh được làm bo đen, trắng, buộc lụa trắng, treo lên các thân cây tại khu chính nghĩa trang Trường Sơn. Chiều 6. 4 tranh treo xong là khai mạc luôn. Họ sẽ có một đêm đáng nhớ khi đốt lửa và hát tại nghĩa trang Trường Sơn, những bài ca cách mạng, tác phẩm nổi tiếng thời chống Mỹ. Em vợ Thăng, phóng viên ảnh Hoàng Giang Huy (báo Lao động) lo chụp ảnh, quay phim.

Một vạn người xem của một vạn liệt sĩ và hơn thế, là hàng triệu trái tim rung động tinh thần hội ngộ đồng cảm. Đây là sự kiện chấn động của Mỹ thuật Việt Nam.

17h chiều 7. 4, đa số tranh của triển lãm được hóa, một số họa sĩ gửi từ 2 tác phẩm trở lên, sẽ để lại 1 bức sẽ tặng cho nghĩa trang Trường Sơn để nghĩa trang gửi tham gia triển lãm Về miền ký ức tại cầu Hiền Lương ngày 30. 4 tới, rồi về phòng trưng bày của nghĩa trang Trường Sơn – một nghĩa trang đầu tiên trên đất nước hình chữ S có sáng tác mỹ thuật 2013 dành cho liệt sĩ. Đã đến lúc, nghệ sĩ cần dành tâm huyết nhiều hơn cho liệt sĩ, để nơi an nghỉ của họ – các nghĩa trang ấm áp hơn bằng những tác phẩm chan chứa ân tình.


Nguồn: Dân Việt

 

*

Bài liên quan:

– Kế hoạch triển lãm tại nghĩa trang Trường Sơn 
– Một kế hoạch hay, trừ việc đem tranh đi đốt

– Tranh trưng bày tại nghĩa trang Trường Sơn – khu vực Hà Nội (phần 1)
 
– Tranh trưng bày tại nghĩa trang Trường Sơn – khu vực Hà Nội (phần 2)

– Theo Vi Thùy Linh, đây là sự kiện chấn động mỹ thuật Việt Nam

– Danh sách họa sĩ tham gia Triển lãm tranh tại Nghĩa trang Trường Sơn

Ý kiến - Thảo luận

14:29 Tuesday,16.4.2013 Đăng bởi:  nambac
nói thật là các họa sĩ này vẽ tranh xấu không tưởng được, như là học trò lớp 3 vẽ vậy..tôi từng nghe nói đến trường phái nghệ thuật hồn nhiên, để cho nét vẽ như trẻ thơ....nhưng xấu quá 
...xem tiếp
14:29 Tuesday,16.4.2013 Đăng bởi:  nambac
nói thật là các họa sĩ này vẽ tranh xấu không tưởng được, như là học trò lớp 3 vẽ vậy..tôi từng nghe nói đến trường phái nghệ thuật hồn nhiên, để cho nét vẽ như trẻ thơ....nhưng xấu quá  
21:55 Friday,12.4.2013 Đăng bởi:  Hoàng Trung Dũng
Rất lạ là Thùng càng Bé thì người gõ cái thùng đấy càng cố cho nó kêu to.
 
...xem tiếp
21:55 Friday,12.4.2013 Đăng bởi:  Hoàng Trung Dũng
Rất lạ là Thùng càng Bé thì người gõ cái thùng đấy càng cố cho nó kêu to.
  

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

7. 10 tại Eight Gallery:
Đặng Xuân Hòa - Tranh Trừu Tượng

Trần Hậu Tuấn - Thông tin từ Eight Gallery

Ác mộng Trump đã đến

Hrag Vartanian - Hoa Hoa lược dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả