Bàn luận

Ác mộng Trump đã đến 10. 11. 16 - 3:56 pm

Hrag Vartanian - Hoa Hoa lược dịch

 

“Ác mộng” (2015) của Leone Ermer – (dựa theo) “The Nighmare”. Nguồn từ trang này

 

Đó là một ngày đen tối ở nước Mỹ. Tôi chết lặng. Nhiều người trong chúng ta lúc này chết lặng.

Tôi không ngờ bức “Ác mộng” của Leone Ermer mà mình đã post trên tường trước ngày bầu cử lại mang tính tiên tri đến thế, nhưng buồn thay, việc đã bắt đầu đi đúng theo hướng ấy.

Trong tranh, người phụ nữ tượng trưng cho thần Tự do nằm phơi ra, xõa xượi trên tấm nệm trong khi một con quái vật đằng đằng sát khí ngồi trên ngực cô. Cái sinh vật ấy đang nhìn chúng ta, cố hình dung xem chúng ta sẽ giúp người phụ nữ xanh lè kia hay bỏ mặc cô.

Người phụ nữ ấy từng được tượng trưng cho hình ảnh của một nước Mỹ, và đêm 8. 11 cô đã chết. Cô đại diện cho chủ nghĩa lý tưởng của một đất nước vẫn tưởng tượng mình là một ngọn đèn hiệu (mang lại) hy vọng cho tất cả mọi người, nhưng cô có thể đã tự vẫn; điều ấy chúng ta vẫn chưa biết được.

Chúng ta sống trong một đất nước phân biệt chúng tộc, phân biệt giới, phân biệt giai cấp, ghét người đồng tính, ghét người nước ngoài, và ghét người Hồi – chúng ta biết điều ấy chứ. Nhưng chúng ta vẫn tưởng cái đất nước ấy luôn biết trở nên tốt hơn, thay đổi cách thức, và học hỏi trên đường đi. Nhưng nước Mỹ đã chứng minh nó không quan tâm đến sự thật, nó thích được thống trị bởi sự ra vẻ ta đây. Đây không phải lần đầu tiên Hợp chủng quốc này cho chúng ta thấy bộ mặt xấu xí, đáng ghét của nó. Chúng ta từng thấy bộ mặt ấy, gần là những năm sau sự kiện 11/9 và xa là nhiều, nhiều lần trước kia.

Trong suốt mùa bầu cử vừa qua, chúng ta đã được cảnh báo đi cảnh báo lại về sự ám ảnh của nước Mỹ về “một mùi xe mới”. Người Mỹ mê mẩn mùi thơm của xe mới và đêm nay chúng ta biết mùi đó ra sao. Chiếc xe dù là xe có lỗi ẩn tệ hại làm sao (lemon)* miễn nó vẫn có cái mùi xe mới đó.

Biếm họa của Darrin Bell

Đến tháng Giêng, chúng ta sẽ có Nhà Trắng Cộng hòa, Thượng viện Cộng hòa, Hạ viện Cộng hòa, và khi trifecta** (bộ-ba-nhất-hạng-trường-đua ấy) nhận nhiệm sở, họ sẽ bổ nhiệm những ghế trống tại Tối cao pháp viện. Tất cả bọn họ nằm trong số những cá nhân quyết định tương lại chúng ta.

Nương tựa vào chủ nghĩa dân tộc và cực hữu, Trump đã vồ được chiếc vương miện mà ông ta hằng muốn, và chúng ta bị bỏ lại với hàng đống câu hỏi và không có câu trả lời. Ông ta chưa bao giờ cho chúng ta câu trả lời nào, hay chí ít là không có câu trả lời nào rõ ràng.

Chúng ta vẫn sẽ sáng tạo, viết, trình diễn, ca hát, nhảy múa, và bất cứ điều gì khác chúng ta có thể sáng tạo, bởi vì đó là thứ công việc của chúng ta. Chúng ta sẽ phản ứng và khởi sinh, chúng ta sẽ tự đổi mới và thách thức, và chúng ta sẽ đấu tranh, vì chúng ta có thể đấu tranh, và không chỉ cho chúng ta mà còn cho những người khác… Toàn bộ nghệ thuật giờ là một dạng artivism (nghệ thuật vì xã hội), cũng như chúng ta tất cả sẽ trở thành những nhà hoạt động xã hội, dù muốn hay không. Điều này là để tồn tại, lớn lên, và để tự nuôi chúng ta bằng những dưỡng chất về tinh thần, xã hội, và tài chính mà chúng ta cần.

Vì nhiều lý do khác nhau, một số lớn trong chúng ta thấy sợ hãi; có người sợ ít, có người sợ nhiều. Chúng ta biết luật chặn-và-xét (stop-and-frisk) chưa mất, và sẽ lại có thêm những hạn chế mới dành cho người dân từ những quốc gia phần đông theo Hồi giáo; cơ thể phụ nữ sẽ tiếp tục là một chiến trường cho các vấn đề về y tế; các đồng minh và các cuộc chiến ở nước ngoài của Mỹ sẽ thay đổi liên tục; chính quyền sẽ cảnh giác cao độ, và giờ chúng ta đã có một phó tổng thống nổi tiếng là ủng hộ “liệu pháp chuyển đổi (thành dị tính) cho người đồng tính“… , đó là mới chỉ kể ra vài điều thôi đấy…

Tôi có một vài người bạn hỏi tôi làm sao giải thích cho con cái về cuộc bầu cử này đây, và tôi đã không trả lời. Làm sao bạn nói được với con và những người trẻ rằng bạn vừa có thể biểu lộ thiên kiến không thèm giấu diếm và coi thường phụ nữ, vừa coi thường người thiểu số, người nhập cư, mà vẫn có thể thành Tổng thống của Hợp chủng quốc? Trump sẽ là con người quyền lực nhất thế giới, nhưng làm sao chúng ta lại bị đưa đẩy đến nước này? Trong những ngày, những tuần, những tháng sắp tới, những người Mỹ da trắng cánh hữu, hầu hết là giàu có, sẽ cố trấn an chúng ta và nói với chúng ta rằng chẳng có gì để sợ cả – và thật khó để mà tin điều đó. 

“Loser” (Kẻ thua cuộc) của Barbara Kruger cho trang bìa tạp chí New York

Hình bìa “Loser” (Kẻ thua cuộc) của Barbara Kruger cho tạp chí New York sẽ trở thành một thứ “”Dewey Defeats Truman” của thời chúng ta: một dấu hiệu của sự ngạo mạn bởi một tập đoàn truyền thông vội vã chứng tỏ mình biết mình đang nói gì.

“Dewey Defeats Truman” là một dòng tít sai chạy trên trang đầu của tờ Chicago Daily Tribune hồi 3. 11. 1948, ra một ngày sau khi Harry S. Truman đắc cử trước đối thủ Cộng hòa là Thomas E. Dewey. Lý do là báo đoán trước kết quả và đưa đi sắp chữ rồi in cho kịp. Bức ảnh chụp Truman tươi cười chiến thắng cầm trang báo đoán nhầm.(theo Wikipedia)

Rồi tự do báo chí sẽ bị phong tỏa khi Trump làm tổng thống, cũng thế thôi với tự do thể hiện. Hồi tháng Mười Một năm 1999, vào lúc cao trào tranh cãi quanh triển lãm Young British Artists (YBA) Sensation tại bảo tàng Brooklyn, Trump – rõ ràng là đang nghĩ tới khả năng chạy đua cho chức tổng thống – đã hòa vào sự la thét của công chúng trước bức tranh “The Holy Virgin Mary” (Thánh nữ đồng trinh Mary – 1996) của Chris Ofili và nói: “Nếu là tổng thống, tôi sẽ đảm bảo cho quỹ Bảo trợ Nghệ thuật Quốc gia (NEA) ngừng tài trợ cho thứ này. Đó không phải nghệ thuật. Đó rõ là đồ hạ cấp, thô thiển. Chính phủ không được tài trợ cho thứ này.”

Có vẻ đó không phải là nguyên nhân khiến triển lãm này không nhận được bất kỳ món tài trợ nào của NEA, do Trump chưa bao giờ làm gì đến nơi đến chốn cả – và tật ấy đến giờ chưa đổi.

“The Holy Virgin Mary” của Chris Ofili

Đầu năm nay, Trump có tham gia một cuộc khảo sát của tờ Washington Post dành cho ứng viên tổng thống, trong đó có một câu về quỹ NEA. Luận điểm tranh cử của ông ta chỉ đưa ra một câu trả lời chung chung về giá trị của giáo dục nghệ thuật tự do. Nó cũng thêm vào câu: “Quốc hội, là đại diện của người dân, sẽ quyết định xem phải ưu tiên chi cho cái gì.”

Quốc hội đó chẳng bao lâu nữa sẽ đầy người Cộng hòa, một đảng chưa bao giờ có một thành tích nào trong tài trợ nghệ thuật. Chiến tranh văn hóa đã quay trở lại, và Trump chỉ việc thêm dầu vào lửa.

Cho dù có thể bị rạn vỡ, chúng ta vẫn sẽ phải tụ lại với nhau thành một cộng đồng nghệ thuật, vì đó là cách để chúng ta có thể sống sót và lớn lên. Chúng ta sẽ xây dựng những hợp tác mới, đoàn kết mới; chúng ta sẽ thách thức cái cũ, phá vỡ những khuôn mẫu, và làm điều gì đó tốt hơn, mạnh hơn, và vâng, đa dạng hơn.

Hình ảnh về một nước Mỹ đầy hy vọng có thể đã chết vào đêm 8. 11. Nỗi sợ đã chiến thắng, nhưng đó không phải là chấm hết.

*
Hrag Vartanian là tổng biên tập và đồng sáng lập của tờ Hyperallergic

*

CHÚ THÍCH của Sáng Ánh

* mùi xe mới” là một ám ảnh đặc biệt với người Mỹ vì vị trí của xe con trong văn hóa của nước này, chiếc xe là tự lập, là di chuyển được, là nơi bạn từng lần đầu ôm ấp, nơi mỗi ngày bạn mất 3-4 tiếng đồng hồ. “Mùi xe mới” cũng như “màu mạ mới” của ruộng đồng nông dân ta.

** “lemon” ở đây mang nghĩa kép. Trái chanh từ thế kỷ 19 là nghĩa lóng để chỉ hàng dỏm, có lẽ vì bên ngoài xem tươi mát mà bên trong chua lè. Khi xe con xuất hiện, từ “chanh” này để chỉ xe hay bị hỏng. Trong thập niên 60, hãng xe con Volkswagen từng có một chiến dịch quảng cáo rầm rộ và mang tính cách khiêu khích, tự gọi sản phẩm của họ là “chanh (đấy)”, một phần vì “xe con bọ” này có hình thù như quả chanh, coi vậy mà không phải vậy, rẻ mà bền và ít hỏng.

Hình từ trang này 

Sang thập niên 1980, Mỹ có “luật chanh” (lemon law), cho người tiêu dùng trả lại xe con mới mua nếu hư hỏng và từ này gắn liền với xe con, ít thông dụng hơn trong trường hợp các mặt hàng khác, kiểu hiếm nghe ai nói “điện thoại này chanh” tuy nếu nói thế thì ai cũng hiểu.

Tác giả ở đây chơi chữ giữa mùi chanh (xí gạt) với mùi xe mới.

Ý kiến - Thảo luận

11:07 Saturday,19.11.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyen
"Quốc hội đó chẳng bao lâu nữa sẽ đầy người Cộng hòa, một đảng chưa bao giờ có một thành tích nào trong tài trợ nghệ thuật..."

Chắc người viết chưa bao giờ nghe đến anh em nhà Koch, Andrew Carnegie, hay gia đình Mellon.
...xem tiếp
11:07 Saturday,19.11.2016 Đăng bởi:  Anh Nguyen
"Quốc hội đó chẳng bao lâu nữa sẽ đầy người Cộng hòa, một đảng chưa bao giờ có một thành tích nào trong tài trợ nghệ thuật..."

Chắc người viết chưa bao giờ nghe đến anh em nhà Koch, Andrew Carnegie, hay gia đình Mellon. 
20:15 Thursday,10.11.2016 Đăng bởi:  Tiểu Thử
Nghệ sĩ nước người ta như thế chứ, xúc động và đau đớn trước một thứ mà họ nghĩ là không tốt cho đất nước, cho nghệ thuật. Nghệ sĩ mình thì lên Fb buông một câu đùa chứng tỏ mình có duyên rồi đi uống rượu là xong. Nghệ sĩ nào thì được hưởng nền nghệ thuật ấy. Xứng đáng lắm.
...xem tiếp
20:15 Thursday,10.11.2016 Đăng bởi:  Tiểu Thử
Nghệ sĩ nước người ta như thế chứ, xúc động và đau đớn trước một thứ mà họ nghĩ là không tốt cho đất nước, cho nghệ thuật. Nghệ sĩ mình thì lên Fb buông một câu đùa chứng tỏ mình có duyên rồi đi uống rượu là xong. Nghệ sĩ nào thì được hưởng nền nghệ thuật ấy. Xứng đáng lắm. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả