Ăn uống

Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống 12. 02. 17 - 7:06 am

Đặng Thái

Nhớ lại những ngày Tết, sau chuyện ăn chắc là phải kể đến uống.

Nước mình sản xuất và nhập khẩu nhiều rượu ngon. Vậy nhưng chỉ có đến Tết người ta mới thấy cái sự uống, nhất là uống rượu ở nước ta nó phong phú, hoành tráng, tốn kém và nguy hại đến nhường nào.

Hí họa từ trang này

Rượu để biếu

Ngay từ trước Tết, các chai rượu đã chạy như cờ lông công trên khắp đường làng, ngõ phố. Các hàng bán rượu là những nơi đông vui nhộn nhịp nhất. Rượu ngoại là mặt hàng đắt tiền mà bán chạy như tôm tươi, ấy là không thèm tính bia (Habeco với Sabeco đang thoái vốn kia kìa!).

Theo tập quán nước mình, phàm cái gì đắt tiền bán chạy là sẽ sinh ra hàng giả. Uống rượu thật đã đủ chết, uống rượu giả coi như Tống Giang nhận ngự tửu vua ban. Vậy mới có chuyện ông cảnh sát giao thông dừng xe ông hải quan để phạt vi phạm giao thông được biếu ngay chai rượu vì trong xe ngổn ngang những thùng lớn thùng bé là rượu. Rồi cảnh cô tiếp viên hàng không xắn quần lụa ngồi xổm, buộc túm vạt áo dài, nhồi nhét chai lớn chai nhỏ vào cái va li xách tay tội nghiệp ở sân bay nước ngoài.

Hí họa từ trang này 

Rượu không tự sinh ra cũng không tự mất đi, mà chỉ chuyển từ túi quà này sang túi quà khác, từ túi người này sang túi người khác. Cha cố người Ý tên là Giovanni Filippo de Marini có ghi lại vào khoảng năm 1647 về xứ Đàng Ngoài như sau:

“Lệ đi lễ và cách đem biếu quà cáp của người dưới đối với người trên vào dịp năm mới có từ ngày xưa thì bây giờ bắt buộc và có một đạo luật rất nghiêm khắc chế định nên không ai có thể bỏ đi được. Các quan tùy theo phẩm trật của mình (có nhiều người lại tùy theo phầm trật mình muốn đạt) mỗi năm gửi vật phẩm quý giá về dâng vua. Hạ quan gửi tặng vật về biếu thượng quan; học trò tết thầy, con cháu biếu gia trưởng, và như thế người dưới biếu người đứng ngay hàng trên mình. Vì lễ vật nhận được rất nhiều và đủ các thứ, nên các quan có tục vào những ngày tất niên đem thết bà con và thân hữu một phần to, còn lại thì cho lính tráng, đầy tớ để cho ai cũng có cảm tưởng là được dự vào Tết và mọi người được vui mừng sung sướng.”(*)

Chính vì tình trạng đem rượu qua lại nháo nhào như thế, nên vẫn có ông tức anh ách ngày đầu năm vì mấy chai rượu quý người ta biếu để dành trên bàn thờ, mở ra đãi khách toàn rượu dởm. Mấy năm trước rượu nội lại bán chạy là vì thế, Halico có một thời huy hoàng. Nhiều người đem đi biếu rượu Tây (hoặc được biếu rượu Tây) nhưng nhà mình lại chỉ uống rượu trắng cho chắc. Biết ai ở quê cũng dặn gửi rượu ra. Nhưng đến giờ thì rượu quốc lủi nấu ở quê cũng chẳng tin được bố con thằng nào nữa. Chỉ có chính họ hàng nhà mình tự tay cất thì mới dám tin. Chỗ nào cũng bảo đảm là nếp cái hoa vàng, đều là láo khoét tất; nếp cái còn chả đủ ăn, lấy đâu ra lắm hoa vàng mà nấu rượu thế?

Hí họa của Kiến Vàng, từ trang này 

Rượu để uống

Nói về rượu uống ngày Tết ở Việt Nam có bốn loại phổ thông: rượu mạnh, rượu ngâm, rượu vodka và rượu vang.

Trước hết là rượu vang, vì món này hay uống ngay từ lúc giao thừa.Tạm có thể nói là người mình không biết uống rượu vang (nếu không muốn nói rộng ra là cả rượu mạnh của Tây). Có một kiến thức cơ bản nhất là rượu khi đã chắt ra khỏi thùng, đóng vào chai thủy tinh thì người ta không còn tính tuổi nữa. Rất nhiều người vẫn hí hửng rằng rượu càng cất lâu trong tủ càng quý, cất lâu quá có khi lôi ra uống chua lòm. Hay kĩ năng mở chai sâm panh cũng là một điều mà 99% người uống không biết (và không chịu để ý). 

Người Việt thường thích vang ngọt và loãng cho… dễ uống. Khổ nhất là nhiều chị em phải nhăn mặt nhăn mũi uống vang Pháp cho đẹp da dù không thấy ngon lành gì. Ngay đến cả những người làm vang chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng còn rất hạn chế về cả số lượng lẫn trình độ thì khó có thể hi vọng người tiêu thụ biết thưởng thức rượu vang. Chán nhất là đem vang Đà Lạt chát xít ra mời quốc yến APEC 2006, vì thực ra cũng không còn thương hiệu vang nội nào khác. Giờ thì vang Đà Lạt đã cải tiến hơn khá nhiều rồi nhưng chưa ăn thua. Mới đây nhất, vang Úc đã tiến vào thị trường Việt Nam, và có lẽ vang Việt sẽ ra rìa hẳn.

Nói về rượu mạnh, tức là nói đến whisky, ngoài ra có thêm cognac. Nếu nói về lượng uống thì nước Việt mình quả là xa xỉ về rượu mạnh. Cứ rót ra, một hai ba, dzô là cạn. Hai ba người một bữa uống hết chai rượu tiền triệu là chuyện thường. Mà không biết có ngon không? Kiến thức về rượu Tây thì bể học là vô bờ, trăm nghìn thứ rượu khác nhau nhưng có vẻ ở ta không nhiều người quan tâm lắm, mà đo độ ngon bằng giá tiền. Nhớ độ hai chục năm về trước thì chỉ có rượu Giôn (Johnnie Walker) là quý nhất. Hồi ấy nhà có ông anh họ quê Thái Bình.Một hôm anh đi vắng, có mỗi chị ở nhà, nghe lời anh dặn đem chai Giôn xanh ra mời khách. Mọi người mới bảo: “Chị có biết cái ông Johnnie Walker này chính là quê ở Thái Bình không? Người ta hay bảo ‘tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành’ nên ông này mới vẽ cái gậy vào, còn cái bị thì ông ấy bỏ đi rồi.” Khổ thân bà chị về hớn hở khoe với chồng, cả đám được dịp cười vỡ bụng!

Nên xét về giá tiền thì người Việt chi cho rượu mạnh không thương tiếc, và rất nhanh bắt kịp với xu hướng của thế giới. Cứ mỗi năm lại có một trào lưu ưa thích một thương hiệu, lâu đời thì vẫn là Chivas, mấy năm trước thì Ballantine’s, rồi đến Singleton, gần đây lại là Maccallan. Thế rồi càng rượu đắt càng sợ pha cồn, giờ nhiều nhà còn dùng loại Suntory Whisky của Nhật, giá trung bình nhưng không lo bị giả. Lắm khi nhìn người ta uống rượu mà vừa hãi, vừa tiếc rượu. Vì rượu mạnh vốn không dùng để uống hàng chai trong bữa ăn.

Hí họa của Kiến Vàng, từ trang này 

Ví dụ champagne là một loại rượu khai vị (apéritif), phải uống trước khi ăn nên hầu như chẳng ai vừa ăn thịt cá lại vừa uống. Cognac là rượu thuộc dòng Brandy và whisky là rượu chưng cất thuộc vào loại thứ hai digestif, dùng để uống sau khi đã ăn xong, giúp cho tiêu hóa và quan trọng hơn là thưởng thức được trọn vẹn hương vị.

Nói về ly uống thì nhiều người lại càng dùng tùy tiện, đọc truyện Tàu thấy rượu nào chén ấy đã biết nước họ là một xứ có văn hóa. Rượu Tây thì champagne phải uống ly flute chân cao, thân dài, thành mỏng, miệng nhỏ còn nhìn bọt sủi (thỉnh thoảng dùng ly coupe đáy nông, miệng cực rộng, giờ chỉ thấy trong tháp ly đám cưới). Whisky phải uống cốc lowball hình trụ tròn, đáy dày và lồi lên để rót ít mà trông nhiều, lắc đá cho dễ, cognac uống ly snifter chân thấp, bụng to, miệng nhỏ hơn bụng. Uống đúng ly thì mới dễ ngửi được mùi hương của rượu, tôn lên ưu điểm và đặc trưng, như phụ nữ biết chọn đồ ngủ hợp với cơ thể mình và mắt chồng vậy.

Thứ nữa là đến vodka. Món này nước mình lại tự mần được và dù có nhiều loại đắt hơn như Smirnoff, Absolut Vodka thì nhân dân vẫn có vẻ ưa chuộng Vodka Hà Nội (ngon, bổ, rẻ?) và mới đây là Vodka Cá sấu, đi ăn đám cưới nào cũng thấy có. Vodka ở Tây thường dùng để pha cocktail còn Việt Nam mình là đệ tử chân truyền của đàn anh Nga ngố nên toàn uống ừng ực. Nhà có ông bác ngày trước, đứng tuổi rồi mới được học bổng tiến sĩ đi Liên Xô nghiên cứu men vi sinh, cuối cùng cũng hỏng một đời vì men rượu vodka. Liên Xô sụp đổ, tiến sĩ dở dang, bác đi buôn hàng, kiếm được bao nhiêu tiền cũng chỉ mua rượu, bảo là hải quan Nga thời ấy hiền lành, biếu chai Vodka dởm là đã cười như Liên Xô. 

Vodka với mình, thấy có một kiểu uống ngon, học theo phim The Curious Case of Benjamin Button, là uống lúc mới cắn vỡ vài hạt caviar trong miệng. Nhưng mà uống kiểu ấy thì tốn kém khoản trứng cá lắm.

Cuối cùng nhưng khủng khiếp nhất là rượu ngâm. Dĩ nhiên là bây giờ có rất nhiều rượu dân tộc đã được gắn nhãn mác, đóng bao bì sạch đẹp. Không thể phủ nhận các loại rượu cổ truyền, nhất là miền núi phía Bắc, được làm đúng phương pháp truyền thống uống rất ngon, rất đã. Đi xuyên Việt từ Bắc chí Nam còn có rất nhiều thương hiệu danh tiếng khác. Tuy nhiên trong dân gian hầu hết vẫn là các loại ngâm hầm bà lằng đủ các thứ kỳ trân dị thảo.

Hí họa từ trang này 

Về các món rượu cổ truyền này thì kiến thức của đàn ông Việt Nam có vẻ vững vàng hơn. Nhưng có giỏi đến đâu thì cũng không biết được hết các vị gì được bỏ trong bình rượu ấy. Ngày trước ông già mình công tác trên miền núi, trăn rắn, bìm bịp, tắc kè, kỳ đà nhiều vô số, thỉnh thoảng bắt được lại đem về ngâm rượu. Khách đến chơi nhà, nếu không thân lắm thì dẫn vào phòng đọc khoe hai giá sách ngất ngưởng, gia tài cả thời trẻ nhịn ăn nhịn mặc mua sách. Còn khách thân thiết thì y như rằng lôi xuống dưới gầm cầu thang tối mò mò, chỉ trỏ đống bình lọ của nả để về già uống dần. Nhớ có lần bình rắn hổ mang bị vỡ, nó tanh lợm giọng không biết tả kiểu gì, hai tháng sau mới hết mùi. Thế rồi thời oanh liệt cũng qua, về già gan mật bắt đầu rệu rã, uống rượu Tây phải kèm soda, đống rượu của quý hạ thổ trong vườn nhà ông bà cũng chẳng thiết, đào lên cho đi hết.

Rượu ngâm thuốc bắc, thuốc nam, chọn những vị ấm, bổ tỳ vị, giống như rượu Minh Mạng hay rượu Ba Kích, mỗi bữa chỉ uống một chén nhỏ xíu thì thực ra rất tốt cho sức khỏe, da dẻ hồng hào, kể cả phụ nữ và nhất là người già.Nhưng uống với cường độ của đàn ông thanh niên hiện nay thì thật là đáng sợ. Mình có ứng khẩu làm bài thơ con cóc:

“Cậy sức đua nhau uống như trâu
Trăm nghìn loại rượu ngấm vào đâu?
Cho dù gan khỏe nhưng lưỡi mệt
Rượu ngon không thấy chỉ nhức đẩu.”

Có là Lỗ Trí Thâm thì cũng đến tăng men gan mà chết thôi.

Uống đúng cách

Gần đây trên mạng xã hội, có đoạn quảng cáo rượu (mặc dù vi phạm qui định về quảng cáo rượu nồng độ cao nhưng vẫn được lan truyền mạnh) nói về “Uống đúng cách”, tức là uống rượu không được ép nhau, được rất nhiều người hưởng ứng. Giờ có vẻ ai cũng sợ chết, đã qua thời chẳng có gì để mất, giờ có nhà, có xe, (có vợ bé), chết chỉ thiệt thân nên cũng thấy nhiều người có tí tuổi bớt uống. Thanh niên thì uống hăng hơn, lên xe là vít ga, chết đừng bảo tại số. Nhưng cũng khổ thân nhiều người đội mũ bảo hiểm, nghiêm túc chấp hành luật giao thông mà vẫn chết oan vì bị bọn say rượu đâm vào. Ấy là chưa kể say rượu rồi choảng nhau, tội nghiệp mấy bác sĩ, y tá trực bệnh viện, mùng Một đang vui vẻ, mới đầu xuân chúc nhau được hớp rượu trong phòng họp giao ban thì đã nghe còi xe cứu thương í ới.

Hí họa từ trang này

Dưng mà Tết nhất thì phải uống, cho vui. Thế nên tốt nhất là đi uống rượu nên đi taxi, mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu mà vợ con ở nhà bớt thấp thỏm.

Năm nay Tết trời nóng, ngại ra đường, nhấp một chén rượu mơ ngòn ngọt dịu dàng, ngồi đọc ông Vũ Bằng ăn Tết miền Nam có kể rất thú vị thế này:

“Thử tưởng tượng vào khoảng mười giờ ngày mồng một Tết, trời cứ nắng chói chang mà đóng bộ ‘đồ lớn’ vào – cho trịnh trọng – đi một quãng đường độ ba cây số để mừng Tết người bạn thân thì mồ hôi mồ kê ra nhễ nhại đến chừng nào… Khách lo vì đến nhà nào cũng phải nhắc lại mấy câu sáo cũ và uống chén rượu nhạt mừng xuân, chủ cũng lo là vì theo tập tục, ai đến cũng phải mời ly rượu, mà rót ly rượu cho khách mình cũng phải uống một ly, vì không như thế thì khách buồn, có khi lại lầm tưởng mình là… kẹo. Thành thử ra phải uống. Ông khách nào đến, cũng phải uống, cũng phải chuyện trò.

Liền ba ngày Têt mà cứ tái diễn mãi cái trò như thế thì sức mấy mà không quỵ, mà không chán mớ đời. Vì thế, có nhiều người ở đây sợ Tết, cứ sắp hết năm thì lại xếp một số tiền đem cả gia đinh đi Đà Lạt hay Vũng Tàu, Nha Trang với thâm ý ‘bế môn tạ khách’”.(**)

Trong lúc mình đang ngồi viết những dòng này đây, thì nồi cà gai leo cũng đang sôi trên bếp. Làm một cốc cho gan nó giã rượu, bớt nóng trong người.

*

(*) Nguyễn Trọng Phấn dịch, Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII, 2016, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, trang 64.
(**) Vũ Bằng, Thương nhớ mười hai, 2000, NXB Văn hóa Thông tin, trang 320-321.

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

14:55 Sunday,12.2.2017 Đăng bởi:  Ong bắp

Chồng lái lụa vợ góa bụa.
Đoán non tay tác giả cũng uống rất được.


...xem tiếp
14:55 Sunday,12.2.2017 Đăng bởi:  Ong bắp

Chồng lái lụa vợ góa bụa.
Đoán non tay tác giả cũng uống rất được.

 
11:01 Sunday,12.2.2017 Đăng bởi:  candid
Rượu vang ở nước ta trước vang Đà Lạt phải kể đến vang Thăng Long, đúng chắc phải gọi là cồn pha hương liệu quá. Ngày xưa cỡ năm 90, có lần được giao về quê biếu Tết, phần quà mỗi người ngoài bánh kẹo linh tinh là một chai vang Thăng Long nhưng vì tính toán nhầm nên thiếu một chai. Tặc lưỡi là nghĩ bụng trên đường mua sau ai ngờ không thể kiếm nổi. Thời ấy
...xem tiếp
11:01 Sunday,12.2.2017 Đăng bởi:  candid
Rượu vang ở nước ta trước vang Đà Lạt phải kể đến vang Thăng Long, đúng chắc phải gọi là cồn pha hương liệu quá. Ngày xưa cỡ năm 90, có lần được giao về quê biếu Tết, phần quà mỗi người ngoài bánh kẹo linh tinh là một chai vang Thăng Long nhưng vì tính toán nhầm nên thiếu một chai. Tặc lưỡi là nghĩ bụng trên đường mua sau ai ngờ không thể kiếm nổi. Thời ấy ở quê chỉ thịnh hành chai rượu mơ của nhà máy rượu Hà Nội nhưng dân quê chỉ thích có chai vang Thăng Long để bày bàn thờ.

Rượu vang thời mới quay trở lại Việt Nam là vang Bordeaux,nhất là loại nhập nguyên thùng rồi về đóng chai tại HN làm mất danh tiếng cả nền rượu vang Pháp. Giò thì đủ các loại vang từ các nước lâu đời như Pháp, Ý, Tây Ba Nha cho đến các nước trẻ như Mỹ, Chilê, Úc... giá cả thì cũng thượng vàng hạ cám. Rượu vang trên thế giới mênh mông, đủ thương hiệu, không có sức và không có tiền để trải nghiệm hết.

Tuy nhiên cũng có võ để bơi được, đơn giản nhất là dùng app chụp nhãn rượu. Một phát là ra thông tin, giá cả, đánh giá, xếp loại trên thế giới. Nhìn được giá cũng đánh giá được phần nào chai vang. Thế nhưng rẻ chưa chắc đã không ngon. Vì trên thế giới có rất nhiều nhà làm vang, với những nhà nhỏ, sản lượng quy mô nhỏ không có sức để làm thị trường, làm giá nhưng chất lượng có thể làm ngạc nhiên người uống. Cái thú của người uống vang là kiếm được những chai chất lượng, giá hợp lý để uống dần.

Nói đâu xa, ngay năm ngoái, kẻ hèn này được bạn mời đến nhà ăn năm mới, chủ nhà bê đủ loại vang để chọn nhưng bọn sâu rượu tia thấy một can như can nước mắm gia chủ giấu diếm dưới gầm bàn bèn bắt bê ra. Chủ nhà khai thật, vang này là do nhà làm, phụ huynh gia chủ về già quyết vào Ninh Thuận để làm nước mắm, trồng nho làm rượu. Do nhà làm nên không dám mời. Bọn sâu rượu bê can rót ra sau ngụm đầu thì ngạc nhiên thật sự. Mặc dù còn nhiều điểm để chê nhưng hương rượu, body, hậu vị, độ cân bằng mang lại cảm giác như một viên ngọc thô chưa được mài dũa. Thế là bữa ấy dẹp hết vang ngoại để uống can nước mắm ấy. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả