Từ 20.8 – 5.9.2010 Tại: Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam – 42 Yết Kêu, Hà Nội
Những phát hiện khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long, nhất là gần đây việc phát lộ chân móng tháp Phật chùa Phật Tích cùng hàng trăm hiện vật, đã đem lại nhiều nhận thức mới về mỹ thuật thời Lý…
Đó là một giai đoạn nghệ thuật quan trọng trong lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam, là dấu mốc đầu tiên sự ra đời của một quốc gia tự chủ có nền chính trị văn hóa tư tưởng và mỹ thuật riêng độc đáo trong khu vực Đông Nam Á.
Phật giáo được xem là quốc giáo vào thời nhà Lý, chi phối sâu sắc đời sống văn hóa nghệ thuật, làm nên một nền mỹ thuật Phật giáo Lý thấm sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Triển lãm này nhằm giới thiệu chuyên đề về chùa Phật Tích dưới góc nhìn của những nhà nghiên cứu. Đây là công trình mỹ thuật Phật giáo lớn và quan trọng nhất của mỹ thuật thời Lý, xác lập giá trị nghệ thuật riêng biệt và độc đáo so với các quốc gia cổ như: Champa, Trung Quốc thời Đường -Tống…
Sự kết hợp của ba đối tượng (bản ảnh, bản rập, bản vẽ) của chùa Phật Tích và các di tích mỹ thuật khác theo từng chủ đề riêng trong quan hệ tổng thể sẽ góp phần đem lại cho người xem một gợi mở và nhận thức đa diện về mỹ thuật thời Lý.
Hoa văn trên bệ đá ở chùa Phật Tích
Một trong những di sản thời Lý còn sót lại
Triển lãm đặt tiền đề cho hội thảo về mỹ thuật thời Lý trong mối quan hệ với các lĩnh vực nghiên cứu khác nhằm làm sáng tỏ hơn về giá trị và thành tựu nghệ thuật Lý…