Bàn luận

Vì sao nên tài trợ cho nghệ thuật? 21. 11. 10 - 1:36 pm

Robert Hewison - Ngọc Trà dịch

 

Văn hóa là một ngôn ngữ xã hội mà không có nó, chúng ta sẽ thành ngu dốt

 Kể từ cái lần chính phủ Anh buộc phải xem trọng nghệ thuật đến nay đã 70 năm.

Vào tháng Mười Hai năm 1939, trong một thế giới tăm tối bởi chiến tranh, đông giá và những giờ cắt điện, một nhóm nhỏ các quan chức phụ trách dân sự cùng các nhà giáo dục họp nhau để bàn về cơn khủng hoảng của nghệ thuật. Lúc ấy, các bảo tàng và gallery lớn rỗng không, mọi thứ đều phải đóng gói gửi đi nơi khác tránh bom. Nhà hát đóng cửa, các giàn nhạc giao hưởng chuẩn bị rã đám. Ủy ban này quyết định cần phải “cho thấy một cách rõ ràng và không thể chối cãi là Chính phủ thực sự có quan tâm đến đời sống văn hóa của đất nước. Đất nước này sinh ra là để đấu tranh cho văn minh.”

Vào năm 1940, với nguồn quỹ ban đầu khoảng 50,000 bảng (khoảng 2 triệu bảng ngày nay), Ủy ban Khuyến khích Âm nhạc và Nghệ thuật, tiền thân của Ủy ban Nghệ thuật ngày nay, ra đời. Tờ Daily Express gầm lên: “Trò điên gì thế này? Làm gì có cái gọi là văn hóa giữa thời chiến.”

Dĩ nhiên chúng ta hiện đang không sống vào năm 1940. Bảo tàng của chúng ta đầy nhóc khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới. Khu West End có một năm gặt hái tốt đẹp nhất từ trước đến nay. London có quá nhiều giàn nhạc giao hưởng. Vào năm 1940 chỉ có các bảo tàng dân sự và nhà hát giao hưởng bên ngoài London. Ngày nay nước Anh có một cơ sở vật chất văn hóa đứng đầu thế giới, nhờ một Ban Xổ số Quốc gia với doanh thu ngày càng tăng từ thời suy thoái đến nay.

Thế mà nghệ thuật vẫn cảm thấy bị tù túng. Sở Nghệ thuật, Truyền thông và Thể thao (DCMS) phải cắt giảm 88 triệu bảng chi tiêu trong năm nay. Người ta dự đoán sẽ có những cắt giảm sâu hơn nữa khi kế hoạch chi tiêu được xem xét lại vào mùa thu 2010 này. Chả trách mà Ủy ban Nghệ thuật Anh Quốc (ACE) hớt hơ hớt hải đệ trình kế hoạch chi tiêu của mình chờ thông qua. Sau nhiều thập kỉ của những đề cử, báo cáo, hội nghị và tư vấn ở cả cấp nhà nước và tư nhân, chúng ta nói chung vẫn phải tìm kiếm một lí lẽ “xác đáng” để tài trợ cho nghệ thuật.


Cơn bão hoàn hảo

Có một lí do xác đáng để không cắt xén tài trợ nghệ thuật, đó là chúng ta đang tiến vào một cơn bão hoàn hảo. Sức mạnh của nền kinh tế nghệ thuật Anh quốc nằm ở một hỗn hợp hài hòa các khoản tiền cá nhân và tiền tài trợ công. Trong năm 2008/09, doanh thu trung bình của một tổ chức được ACE tài trợ thường xuyên là 47% từ tiền vé vào cửa, 31% từ ủy ban nghệ thuật, 12% từ các nguồn tài trợ của chính quyền địa phương và các khoản tài trợ công khác, và 9% từ các quỹ, tổ chức, những người quyên góp và các doanh nghiệp. Các bảo tàng quốc gia và gallery trung bình thường phải xoay sở với số tiền 1/3 đến từ ngân sách nhà nước, 1/3 từ thu nhập, và 1/3 từ tiền tài trợ và gây quỹ.

Công thức kinh tế cân bằng này lâu nay vẫn cho phép các tổ chức được tùy nghi hoạch định kế hoạch, nhưng họ phải giải trình được cho công chúng. Và giờ thì mọi thứ đang bắt đầu lung lay. Suy thoái làm giảm thu nhập, giảm chi tiêu, giá trị tài sản của các quỹ và các tổ chức bị thu hẹp, tài trợ doanh nghiệp giảm sút, các chính quyền địa phương phải thắt lưng buộc bụng, và Kho bạc Nhà nước thì truy thu tiền tiết kiệm của DCMS. Theo lí mà nói thì nguồn ngân sách dài hơi nhất (là nhà nước) không nên cắt giảm mức hỗ trợ khi tất cả những nguồn khác bắt đầu thoái lui mới phải…

Nhưng đây chỉ là một lí lẽ mang tính tạm thời. Cần có một lí lẽ bền vững cả khi “được mùa” lẫn khi “thất bát”. Từ những năm 1980, chúng ta đã quen nghe nói về tầm quan trọng của kinh tế học nghệ thuật: nghệ thuật đem đến việc làm, thúc đẩy chi tiêu, thu hút khách du lịch. Các nhà tư vấn đã thành thạo trong việc chứng minh rằng một cơ sở văn hóa sẽ mang lại “hiệu ứng cấp số nhân”: tiền tiêu vào đó sẽ mang “mật ngọt và ánh sáng” đến những vùng sâu vùng xa của nền kinh tế địa phương. Trong những năm 1990, các ngành “công nghiệp sáng tạo” ra đời – đó là một dạng nửa tối nửa sáng vô hại của các hoạt động kinh doanh ví dụ như quảng cáo, dùng phương tiện văn hóa để đạt được mục đích thương mại. DCMS nhân đó tuyên bố rằng lĩnh vực họ chịu trách nhiệm (kể cả thể thao) chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội.

Không nghi ngờ gì việc nghệ thuật có ảnh hưởng kinh tế. Đầu tư nghệ thuật là một nhân tố quan trọng thúc đẩy phục hưng đô thị. 1990 – năm của Glasgow với tư cách thủ đô văn hóa của Châu Âu và 2008 – năm của Liverpool là những ví dụ điển hình. Nhưng Kho bạc không chấp nhận lập luận này. Họ có thể nhìn thấu qua những tính toán “cấp số nhân” của các “bộ khuyếch đại” văn hóa. Họ hiểu ý nghĩa của từ “chi phí cơ hội”. Tiền tiêu vào những thép và kính “nghệ thuật” đáng ra có thể đem tiêu cho một nhà máy sản xuất vũ khí – và tạo nhiều công ăn việc làm hơn.

Chính để bù đắp cho cái bản chất càng lúc càng đuối của luận điểm kinh tế mà vào những năm 1990, một lập luận khác đã ra đời. Lập luận này cũng hoàn toàn mang tính phương tiện thôi, chỉ có điều lần này những lợi ích của việc tài trợ nghệ thuật đã mang tính xã hội. Chính phủ của đảng Lao Động Mới thích lập luận này, và ủy ban nghệ thuật quyết định sẽ sử dụng nghệ thuật “để chống lại tệ nạn xã hội và khuyến khích phát triển cộng đồng”. ACE đã nhận ra mình phải cố đạt được những mục tiêu về sức khỏe, giáo dục, việc làm và cắt giảm tội phạm – chứ không phải chân lí, thẩm mỹ hay cảm giác chạm đến cái siêu phàm.

Không ai đi cãi rằng tham gia vào nghệ thuật là mang lại lợi ích. Nhưng để chứng minh điều đó cho mấy cái máy xử lí số liệu của Kho bạc thì còn khó hơn. Rất khó để miêu tả cho được chuỗi giá trị nối từ nghệ thuật sang lợi ích xã hội; mà lợi ích xã hội cũng đã rất khó đong đếm rồi. Các bộ trưởng văn hóa thấy bối rối trước việc này, và bản báo cáo năm 2008 của Brian McMaster có tên Khuyến khích Đỉnh cao trong Nghệ thuật: từ Tính toán đến Phán xét, là một dấu hiệu cho thấy họ cứ định xa rời các mục tiêu kinh tế. Tiếc thay “đỉnh cao” lại là một khái niệm không có nội dung. Nó có thể được đánh giá một cách tương đối, nhưng không khớp với những “thước đo” của Kho bạc.

Để thuyết phục không chỉ chính quyền mà cả công chúng, phải có một lập luận cho thấy nghệ thuật xứng đáng được tài trợ, cho nó và vì chính nó. Điều này đòi hỏi một dạng kinh tế học văn hóa phức tạp hơn mô hình hiện được công nhận tại Kho bạc. Có một thị trường dành cho văn hóa, nhưng văn hóa không phụ thuộc vào thị trường để tồn tại. Những trải nghiệm mà nghệ thuật mang đến – vui sướng, sợ hãi, thấy hiểu, kiến thức, giải thoát – là mang tính cá nhân rất khó định lượng, và những khía cạnh tự thân này lại đi trước, có trước khi ta cố gắng biến chúng thành các thuật ngữ kinh tế.

Dùng ngôn ngữ của nhà kinh tế học thế kỉ 18 Adam Smith mà nói thì giá trị “sử dụng” của nghệ thuật có trước giá trị “trao đổi” của nghệ thuật. Khi một thứ gì đó đã được cho là đáng thèm muốn thì thị trường đương nhiên có thể thiết lập giá cả trao đổi cho nó. Nhưng mặc dù có thể buôn bán các sản phẩm văn hóa, thị trường vẫn không thể diễn tả giá trị của văn hóa như một quá trình dài lâu, hay diễn tả hết những gì mà văn hóa làm được.

Một nền kinh tế học văn hóa muốn nắm bắt được giá trị của nghệ thuật phải hiểu được giá trị sử dụng của nó, bao gồm sự hiểu biết rộng hơn về bản thân chúng ta và thế giới chúng ta, ví dụ như nhân loại học hay môi trường học. Giá trị sử dụng của nghệ thuật là giúp xã hội hiểu được chính mình. Nghệ thuật sinh ra những biểu tượng và các nghi lễ, từ đó tạo một nhận thức cộng đồng chung – đấy là lí do vì sao nghệ thuật và tôn giáo lại gắn bó mật thiết đến vậy. Cũng như tôn giáo, nghệ thuật cho phép ta tiếp cận tâm linh. Nghệ thuật là một chiếc cầu nối với những thế hệ đi trước, và neo chúng ta vào lịch sử. Văn hóa là một thứ ngôn ngữ xã hội mà nếu không có nó chúng ta sẽ trở thành đần độn.

Những luận điểm về nhân học này cho thấy tại sao chính phủ, như một người bảo lãnh cho địa hạt công cộng, cần phải chịu trách nhiệm đảm bảo tất cả mọi người có thể tiếp cận với thứ ngôn ngữ này, và đảm bảo cho thứ ngôn ngữ ấy được bảo tồn và phát huy. Bởi vì, như các nhà môi trường sẽ cãi, cần phải can thiệp khi một tài nguyên đang gặp nguy cơ. Nguyên tắc cẩn trọng cho ta biết ta phải có nghĩa vụ với các thế hệ tương lai: đó là đảm bảo cho các tài sản văn hóa được truyền đến mai sau.

 

Khi thị trường thất bại

Văn hóa tạo ra vốn xã hội, biểu hiện dưới dạng niềm tin sinh ra từ sự hiểu biết chung những biểu tượng mà nghệ thuật tạo ra, và một sự gắn bó với những giá trị mà các biểu tượng đó đại diện. Nó gìn giữ tính chính thống của những thể chế xã hội bằng cách đảm bảo là các thể chế đó được chấp nhận, chứ không phải được áp đặt. Các xã hội có sự phân phối công bằng các tài sản văn hóa sẽ gắn kết hơn, và cũng sáng tạo hơn. Chất lượng sống, mục đích thực chất của hoạt động kinh tế tùy thuộc vào giá trị cuộc sống mà văn hóa bảo tồn. Từ “văn hóa”, suy cho cùng, cũng có nghĩa là “phát triển”.

Vốn xã hội ấy – cũng như vốn kinh tế – cũng cần được điều tiết và được đầu tư. Việc những người có học và giàu có được tiếp cận nghệ thuật nhiều hơn không thể là lí do để bỏ bê việc can thiệp nhằm có được một sự phân phối đồng đều hơn các trải nghiệm văn hóa (cho mọi người). Lí trí mà nói, chính phủ cần tài trợ nhiều hơn nữa cho nghệ thuật vì vốn xã hội mà nó tạo ra. Có một lập luận kinh tế nghe có lí là khi thị trường thất bại trong việc cung cấp một vài loại hàng hóa nào đó (sức khỏe và giáo dục chẳng hạn) thì can thiệp là cần thiết. Kinh tế học của nghệ thuật lại thường xuyên gặp phải những thất bại thị trường kiểu này, vì trong nghệ thuật, có viện đến công nghệ cũng không dễ gì đạt được tiến bộ trong năng suất lao động. Một bản giao hưởng được chơi trên một nhạc cụ điện tử không được coi là một thành quả trong hiệu quả lao động.

Một điều có vẻ đặc biệt mỉa mai là người sáng lập và chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Nghệ thuật Hậu chiến lại chính là nhà kinh tế học John Maynard Keynes. Ông tin rằng trong một cuộc suy thoái, chính phủ phải biết kích thích nền kinh tế. Ông cũng hiểu giá trị sử dụng của nghệ thuật. Quyết định đạt được năm 1940 dẫn đến sự đài thọ lâu dài dành cho nghệ thuật không phải dựa trên các lí do kinh tế, hay những lí do vì lành mạnh xã hội hay ngăn ngừa tội phạm, nhưng nó vẫn là một quyết định xác đáng, dựa trên một lập luận xác đáng: rằng chúng ta đang đấu tranh vì văn minh.

John Maynard Keynes và vợ là diễn viên ba lê Lydia Lopokova

 
*

Tác giả là giáo sư chuyên về chính sách và lãnh đạo văn hóa tại City University London

Ý kiến - Thảo luận

21:53 Thursday,13.2.2020 Đăng bởi:  Xà Rông
Cảm ơn bài đăng này của bạn. Mình muốn tìm đọc tác phẩm nguyên tác của tác giả Robert Hewison, không biết bạn cho mình biết tên tạp chí/ sách này không. Mình cảm ơn.
...xem tiếp
21:53 Thursday,13.2.2020 Đăng bởi:  Xà Rông
Cảm ơn bài đăng này của bạn. Mình muốn tìm đọc tác phẩm nguyên tác của tác giả Robert Hewison, không biết bạn cho mình biết tên tạp chí/ sách này không. Mình cảm ơn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Giá trị của nghệ thuật

Nguyễn Đình Đăng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả