Nghệ sĩ Việt Nam

Từ báo, từ mạng: “Những con chim” không phạm quy, nhưng không thể giải cao 15. 12. 13 - 10:13 am

Chiêu Minh (Thể thao & Văn hóa)

Tác phẩm “Những con chim” của Thái Nhật Minh

(Thethaovanhoa.vn) Như TT&VH đã phản ánh, tác phẩm Những con chim của Thái Nhật Minh bị “đánh tụt hạng” từ giải Nhất xuống giải Khuyến khích tại triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc vì “bắt chước” một tác phẩm của nghệ sĩ Keyvan Fehri (Iran).

Ông Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh & Triển lãm, Trưởng ban tổ chức triển lãm), có cuộc trao đổi với TT&VH về vấn đề
này.

Ông Thành cho biết:

Việc Hội đồng Giám khảo dự kiến chấm giải cao nhất cho tác phẩm Những con chim là có thật. Nhưng, trước khi kết quả được công bố, Ban tổ chức chúng tôi vẫn yêu cầu hội đồng bỏ thời gian lên mạng kiểm tra, tìm các thông tin xem toàn bộ 21 tác phẩm dự kiến được giải lần này có chịu ảnh hưởng, sao chép gì từ những tác phẩm quốc tế không. Vài ngày sau, một GK đã cung cấp bản đối chiếu giữa Những con chim với các tác phẩm của Keyvan Fehri và cho rằng trường hợp này “có vấn đề”.

Chi tiết tác phẩm “Birds” của Keyvan Fehri

Sau khi được cung cấp các tư liệu (ngoại trừ GK Bùi Hải Sơn đang công tác nước ngoài), 8/10 giám khảo đều đồng ý với Ban tổ chức và tán thành phương án nên đưa tác phẩm này xuống giải Khuyến khích.


Điều khiến dư luận băn khoăn là nếu phạm quy, Những con chim cần bị loại hẳn khỏi danh mục giải thưởng, chứ không thể “đánh tụt hạng” như vậy?

So với tác phẩm của Keyvan Fehri, Những con chim của Nhật Minh có sự thay đổi về cấu trúc tạo hình, đặc biệt là việc sử dụng chất liệu tre truyền thống và tạo khoảng cách hợp lý. Thậm chí, nói thẳng thì tác phẩm của Minh hấp dẫn hơn.

“Những con chim” của Thái Nhật Minh trên giá tre

 

“Birds” của Keyvan Fehri trên giá gỗ

Nhưng, khi họp Hội đồng Giám khảo, chúng tôi thấy những sáng tạo cá nhân của Minh chưa đủ nhiều để có thể trao giải cao nhất. Sự trùng lặp, chịu ảnh hưởng với tỷ lệ khá cao từ tác phẩm của Keyvan Fehri về ý tưởng, bố cục, ngôn ngữ thể hiện là điều thấy rất rõ. Những con chim là một tác phẩm tốt, không phạm quy, sao chép, nhưng chỉ xứng đáng với giải Khuyến khích.


Thử ước lượng, ông cho rằng tác phẩm của Thái Nhật Minh chịu ảnh hưởng từ Keyvan Fehri tới mức nào?

Cá nhân tôi cho rằng tới 60%. Và xin nói luôn, để đi tới quyết định này, với tôi là một chuyện cực chẳng đã. Những lần trước, triển lãm điêu khắc 10 năm toàn quốc đều có giải Nhất. Và, trong vai trò trưởng Ban tổ chức lần này, hơn bất cứ ai, tôi là người mong mỏi về một triển lãm thành công và tiếp tục tìm được giải Nhất cho triển lãm.

Vậy nhưng, kết quả không như mong muốn này là điều không thể khác. Tôi được biết, nhiều anh em trẻ đã nhắc tới trường hợp Những con chim, trước khi kết luận cuối cùng được đưa ra. Họ nói rằng Hội đồng Giám khảo mà trao giải Nhất cho trường hợp này thì chắc chắn là “có vấn đề” về chuyên môn.

Chi tiết tác phẩm “Những con chim” của Thái Nhật Minh


Trở lại chuyện “sao chép” và “chịu ảnh hưởng”. Phải chăng 2 khái niệm này có ranh giới không rõ ràng và rất dễ tạo ra sự cảm tính trong đánh giá?

Điều này phải được so sánh dựa trên từng trường hợp phân tích cụ thể. Chẳng hạn, với Những con chim của Thái Nhật Minh và tác phẩm của Keyvan Fehri, giới chuyên môn đều có thể nhìn và đưa ra kết luận của mình. Hiện nay, Hội đồng Giám khảo luôn chịu áp lực rất nặng và rất vất vả trong những lần chấm giải tại các triển lãm mỹ thuật. Mỗi lần chấm giải xong, anh em lại phải hì hục lục lọi trí nhớ, rồi cố gắng kiểm tra qua các hệ thống tư liệu xem những tác phẩm được giải có “va” phải tác phẩm nào khác không…

Chi tiết trong “7 Birds” của Keyvan Fehri, gọi là những “intellectual birds”, trên mình có chữ

 

Những con chim gốm của Keyvan Fehri

 

Tác phẩm trong chùm “Những con chim” của Thái Nhật Minh

Tôi nghĩ, từ khi hội nhập với quốc tế trong những năm qua, mỹ thuật Việt Nam phát triển mạnh nhưng cũng gặp nhiều vấn đề về sáng tạo. Việc tiếp xúc với các xu hướng, trào lưu và quan điểm nghệ thuật trên thế giới khiến nhiều họa sĩ, một cách vô thức hoặc có ý thức, chịu ảnh hưởng mạnh từ những tác phẩm quốc tế khác. Và trong sự tiếp nhận đó, thì vấn đề giữ được nét riêng về bản sắc dân tộc và sáng tạo cá nhân của tác giả lại quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi, nếu thiếu đi điều này, thì không chỉ bạn nghề quốc tế mà các đồng nghiệp trong nước cũng khó lòng đánh giá cao…

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

*

Nguồn: TTVH online

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả