Tin-ảnh: Từ “ngoại Moses” tới Warhol
07. 09. 10 - 7:06 pm
Hữu Khoa tổng hợp
Country Fair, 1950, một bức tranh của Anna Mary Robertson Moses (Ngoại Moses), được nhà Sotheby’s đấu giá năm 2009 với giá 1,1 triệu USD. Moses bắt đầu vẽ khi 70 tuổi, sau khi bỏ nghề thêu do bị viêm khớp. Bà hoàn toàn không theo trường lớp nào. Sau khi tài năng được phát hiện, tranh của bà triển lãm trên khắp thế giới, được các nhà sưu tập châu Âu và Nhật đặc biệt ưa chuộng. Moses chuyên vẽ những cảnh sống dân dã Mỹ bằng phong cách ngây thơ. Lúc mới đầu, nhiều bức bà vẽ là để tặng khách đến chơi nhà. Bà vẽ nhiều và nhanh. Trong ba năm, bà vẽ 3.600 bức; trước khi nổi tiếng, nếu có ai đặt vẽ, bà tính $2/bức nhỏ, 3$/bức to. Tranh của bà có khắp nơi: từ Nhà Trắng, tới tem thư, tới cả thiệp Hallmark. 7 tháng 9 là ngày sinh của bà (1860). Moses mất năm 1961. Trước đó, vào sinh nhật 100 tuổi của bà, nước Mỹ có hẳn Grandma Moses Day để vinh danh bà.
BERLIN – Tượng gốm (70 x 30cm) của Susanne Ring tại gallery Cain Schulte Gallery, Berlin trong triển lãm solo của cô vào 3. 9. 2010. Bằng cách kết hợp nhiều tác phẩm đơn, làm bằng nhiều chất liệu khác nhau (gốm, đá, gỗ…), Susanne Ring khai thác tính dễ vỡ ẩn dưới vẻ ngoài cứng cỏi về tâm lý của chúng ta. Những câu hỏi cô đặt ra về sự tồn tại của con người vừa hài hước, vừa thẳng thắn, các bức tượng được sắp xếp một cách nghịch ngợm, điểm thêm những chi tiết kỳ quái, lột tả được chân dung con người ứng với những hoàn cảnh nội tâm đa dạng. Sống và làm việc cả ở Berlin lẫn Dresden, hiện Susanne Ring là giáo sư trợ giảng tại trường Mỹ thuật Dresden. Tác phẩm của cô trưng bày tại nhiều gallery châu Âu và Nhật, có mặt trong nhiều bộ sưu tập tư nhân và của tổ chức.
KIEV- Các thành viên của nhà hát La Fura dels Baus (Tây Ban Nha) biểu diễn màn trình diễn Multiverse trong buổi khai mạc liên hoan nghệ thuật đương đại quốc tế hàng năm Gogolfest tại quảng trường Độc Lập, Kiev, Nga, vào 4. 9. 2010. Ảnh: STRINGER
JENA.- Một khách xem tranh ngắm bức tượng đồng “Brother and Sister” (Anh trai và em gái, 1949) của điêu khắc gia người Pháp gốc Mỹ Louise Bourgeois trưng bày tại Kunstsammlung, Jena, Đức. Trong triển lãm này có 114 tác phẩm của Bourgeois – người mới mất hồi 31. 5. 2010 và là tác giả của con nhện Maman nổi tiếng ở bảo tàng ở Bilbao. Ảnh M. SCHUTT
BASEL – Tác phẩm ‘Silver Liz’ (1963) của họa sĩ Mỹ Andy Warhol (1928-1987) trưng bày tại triển lãm “Andy Warhol. Những năm đầu 1960” tại Kunstmuseum, Basel, Thụy Sĩ, diễn ra từ 5. 9. 2010 đến 23. 1. 2011. Sau khi đã thành công trong lĩnh vực quảng cáo, vào đầu những năm 1960, Andy Warhol quyết định trở thành nghệ sĩ độc lập. Thế giới tiêu thụ, truyền thông, và kỹ nghệ sản xuất hàng loạt là mối quan tâm lớn nhất của ông. Triển lãm lần này tập trung vào giai đoạn 1961 – 1964, là giai đoạn hình thành hướng sáng tác của Warhol. Trong những năm này, ông đã cách tân một cách căn bản việc thể hiện hình ảnh. Chỉ trong có bốn năm, Andy Warhol đã tạo nên một cú ngoặt trong lịch sử mỹ thuật, mà ảnh hưởng của cú ngoặt đó vẫn còn đến tận hôm nay. Ảnh: G. KEFALAS
BASEL – Tác phẩm “Optical Car Crash” (1962) của Andy Warhol – ảnh chụp qua mắt kính, trong triển lãm “Andy Warhol. Những năm đầu 1960”. Warhol là người đã thay thế ngôn ngữ thị giác cá nhân của tranh vẽ bằng thứ hình ảnh đã được truyền thông gieo rắc tràn lan, và do đó trở thành một thứ hình ảnh của tập thể, của đám đông. Triển lãm minh họa ý tưởng này trong tác phẩm của Warhol, với các cụm tác phẩm cho thấy thủ pháp lặp lại và “tạo chuỗi”, đặc biệt sau khi ông tìm ra cách in lụa ảnh – một kỹ thuật cho phép ông chuyển thẳng những bức ảnh gốc thành những bức tranh khổ to. Triển lãm cho phép người xem thấy tường tận các kỹ thuật cũng như các nguồn hình ảnh mà Warhol đã sử dụng. 70 tác phẩm quan trọng của Warhol từ nhiều nơi sẽ được mang về đây trưng bày. Ảnh: G. KEFALAS