Bàn luận

Bao giờ là mãi mãi? 29. 07. 10 - 11:20 pm

Mai Chi

(Mãi đến hôm nay mới nhận được một bài về vở “Maybe forever” đã có lúc tranh luận rất nhiều trên Soi. Xin giới thiệu cùng các bạn, dù có hơi muộn.)

 

 

 “Maybe forever it could be heaven / But if it’s hell then you can watch me burn”

(Ozzy Osbourne)

 

Có thể là mãi mãi (“Maybe Forever”) tìm hiểu một quan hệ không thành, cái loại quan hệ âm ỉ bạn biết là nên chấm dứt mà bạn mãi không tự mình làm được. Kéo dài hơn 80 phút, tác phẩm dài, chậm và nhiều đoạn khổ sở như là chính cái cuộc tình đổ vỡ mà nó mô tả.    

Được dàn dựng bởi Meg Stuart (Mỹ) và Philipp Gehmacher (Áo), tác phẩm bắt đầu trong bóng tối, với một thảm âm thanh trầm, những tiếng nổ lách tách và tiếng rung điện tử. Sau một khoảng thời gian dài, khi sân khấu sáng dần lên, người ta thấy hai cơ thể nằm dài, cử động trong giấc mơ, rồi họ chạm vào nhau, kéo nhau lại. Thay vì quan sát, bóng tối bắt người xem phải hình dung ra những chuyển động của hai cá nhân. Bình minh đang đến, và người xem bị kéo vào một chuyện tình đang tàn lụi.  

Đột nhiên sân khấu sáng rực lên, lộ rõ một cấu trúc nửa giường nửa bục biểu diễn ở bên trái, tạo cho không gian một cảm giác vừa giống phòng ngủ vừa giống một club. Rèm vải chạy dài hai bên hông một bức ảnh khổng lồ đặt ở trung tâm mô tả một nhánh dương xỉ và hai bông bồ công anh, những cái đầu lông trắng to xù xì của chúng biểu hiện cho sự không trường tồn.

Meg Stuart bắt đầu một loạt những hồi tưởng buồn và vừa ngọt ngào vừa cay đắng về cuộc affair. “Anh có nhớ không, em đã nói em không thể sống thiếu anh.” Cô nói. “Em rút lại câu nói đó.” Lần lượt, lần lượt, cô rút lại những câu nói đã từng là hiện thân của yêu thương và say mê. Chiếc áo da của cô cọt kẹt một cách bất bình với mỗi cử chỉ của cô, và dần dần, những câu nói bị lấn dần bởi những chuyển động tay càng ngày càng trừu tượng hơn. Trong suốt vở múa, những cử chỉ và chuyển động của cánh tay mang tải phần lớn nội dung trao đổi giữa hai cá nhân.   

Philipp Gehmacher có dáng vẻ lúng túng và vụng về, anh vấp váp trong làn sương mù của một người đàn ông mãi vẫn là cậu bé. Anh cứng nhắc, không ngôn từ cho tới tận cuối buổi diễn, không có khả năng biểu đạt tình cảm của mình. Có những khoảnh khắc cảm động, ví dụ khi anh đứng sát mép trước của sân khấu, hai tay giơ thẳng cao trên đầu dường như đang đợi để được nhấc mang đi, khuôn mặt tắm trong thứ ánh sáng hạnh phúc của những hồi tưởng xa xăm.

Người thứ ba trong nhóm, nhạc sĩ, ca sĩ Niko Hafkenscheid, đi cùng hai người tình trên hành trình của họ. Anh chơi những giai điệu indie rock làm khuây khỏa với chiếc guitar điện, hát với một giọng ấm và có dáng vẻ giản dị. Dường  như anh là tâm hồn lành lặn duy nhất trong câu chuyện này, và khi anh bất ngờ chào và nói trực tiếp với khán giả, ta ý thức được rằng cái âm nhạc buồn của anh không phải chỉ để dành riêng cho cặp tình nhân. Mối tình của họ thậm chí không thể yêu cầu âm nhạc cho riêng mình.   

Có những giây phút yên bình và hài hòa, Gehmacher ngồi thẳng trên sàn, Stuart nằm ngiêng, đầu đặt trong lòng anh. Bất động, họ lắng nghe ca sĩ hát bài hát chính tuyệt vời, ngắm những bông bồ công anh giờ đang tỏa sáng từ bên trong, hàn gắn trái tim tan nát của mình.

Nhưng rồi sự dễ chịu qua mau, và hai người lại một lần nữa trượt khỏi tay nhau. Những níu kéo vụng về của họ tỏ ra vô vọng. Trong một thế giới đang tan vỡ, sự gần gũi cơ thể chỉ có thế đem tới những giây phút an ủi ngắn ngủi. Những đoạn văn nói và những lời ca khó nắm bắt gợi nên một ám ảnh buồn, một hy vọng vô vọng trộn với ý thức đau đớn về thất bại. “Liệu chúng ta có nên nói ra những ước muốn của mình cùng lúc để chúng ta không nghe được nhau?”

 Và trong khi người đàn bà đang cố gắng rút lại, không thành công, những chi tiết của cuộc tình thì âm nhạc tự nó quay ngược lại, một hỗn độn của những âm thanh, giọng nói, và những mảnh vỡ của các tình ca tạo nên một cảm giác khát khao bực bội và bất an.

Trong vở kịch về cuộc tình trục trặc của mình, hai đạo diễn đã cho tác phẩm tất cả thời gian mà nó cần. Không chỉ tốc độ rất chậm và thiền tính của tác phẩm thách thức khán giả, vở diễn bắt người xem làm nhân chứng cho một quá trình tan rã đau đớn và tuyệt vọng của tình yêu. Maybe Forever, với sự tĩnh lặng không vội vàng, là một phong cảnh đầy những đối thoại cơ thể bị bỏ lửng, thể hiện qua những solo và màn múa đôi vụng về, xen lẫn với những khoảnh khắc ngắn ngủi của gần gũi và say mê. Những chuyển động phức tạp của những cánh tay và bàn tay, mắc kẹt trong sự mâu thuẫn giữa tự bảo vệ và sự đầu hàng là đáng kinh ngạc. Những cơ thể này đã trở nên xa lạ với nhau.  

Vào hồi kết, người đàn ông đứng một mình trên sân khấu. Bằng những câu nói rời rạc và khó khăn, anh thừa nhận mất mát và cố gắng bất thành của mình để cứu tình yêu trước sự tàn lụi. Mọi chuyện đã kết thúc. “Anh chấp nhận chỗ đứng của mình.” Giờ đây, cả ba diễn viên xuất hiện trên sân khấu trong trang phục dạ hội, người đàn bà mặc váy party da cam óng ánh, đứng cạnh ca sĩ áo khoác xanh nước biển sẫm láng bóng, người đàn ông đứng cách một đoạn, comple đen và sơ mi vàng rực. Họ đã cho mình một khởi đầu mới.   

**

(“Maybe Forever” được trình diễn tại Hà Nội vào ngày 4/6 và TP HCM vào ngày 8/6. Vũ đoàn Damaged Goods & Mumbling Fish, đạo diễn và múa: Meg Stuart, Philipp Gehmacher, nhạc sống: Niko Hafkenscheid, biên kịch: Miriam van Imschoot, ánh sáng: Jan Maertens, phông màn và trang phục: Janina Audick, âm thanh: Vincent Malstaf)

(Nguyên bản tiếng Anh của bài bình luận đã được đăng trên tuần báo mạng văn hóa và nghệ thuật Úc www.realtimearts.net.au. Bản dịch tiếng Việt của chính tác giả)

 

*

Bài liên quan: 

Đương đại quá! Quá đương đại đi!
Chỉ còn mệt mỏi là mãi mãi?
Tức quá, người ta cứ nghĩ là SOI giỏi
Nói qua một tí về múa vậy 
Ôi sao không ai nói gì về múa?
– Bao giờ là mãi mãi
Rồi bạn sẽ yêu như tôi yêu

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả